Người chế tạo trực thăng thế hệ mới cháy bỏng giấc mơ bay

Thứ Sáu, 17/10/2014, 09:00

"Kỹ thuật, công nghệ thì có thể tôi không tự tìm kiếm nữa, mà có thể học hỏi ứng dụng những thành công của thế giới, nhưng ước mơ chế tạo một chiếc máy bay trực thăng siêu nhẹ vẫn luôn cháy bỏng nơi huyết quản tôi" - kỹ sư sửa chữa ôtô Nguyễn Bùi Hiển nói vậy. Từ tốn nhưng tự tin, trong vòng chưa đầy 10 năm qua, ông đã chế tạo thành công hai chiếc máy bay trực thăng siêu nhẹ, chiếc sau hoàn thiện hơn chiếc trước, cho thấy sức sáng tạo không ngừng của Nguyễn Bùi Hiển.

Tuổi thơ khốn khó

Kỹ sư Bùi Hiển quê ở Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh nhưng lại sinh ra trên đất Thái Lan năm 1954. Theo lời kể của ông, năm 1945, do phải chạy loạn, cha mẹ men theo đường rừng qua nước Lào làm thuê cho một ông chủ lò rèn và sau đó trôi dạt sang tận đất Thái. Với tay nghề thợ rèn học được từ ông chủ người Lào, cha ông đã xin được vào làm việc cho một tiệm cơ khí. Thời đó ông chủ tiệm này có một chiếc xe ôtô nhưng thường xuyên hỏng vặt mà không có thợ sửa nên ông yêu cầu cha của Bùi Hiển phải tìm cách học sửa được xe thì mới cho tiếp tục làm. Cha của Bùi Hiển trở thành thợ sửa xe ôtô bất đắc dĩ. Cũng trong thời gian trôi dạt đi kiếm cơm này, cha mẹ ông đã sinh được 9 anh em Bùi Hiển. Mặc dù rất nhớ quê hương nhưng phải lo kiếm cơm cho 11 miệng ăn trong gia đình nên mãi đến năm 1962, cha ông mới dành được ít tiền đưa cả gia đình trở về quê hương Hà Tĩnh.

Không một tấc đất cắm dùi, lại nằm dưới tầm bom đạn của chiến tranh nên vừa trở về quê hương, gia đình ông tiếp tục phải đưa nhau vào rừng ẩn nấp và kiếm kế sinh nhai. Năm 1972, theo gương những người anh trong gia đình, Nguyễn Bùi Hiển tình nguyện làm đơn đi bộ đội, đến cuối năm 1974 được chi viện vào chiến trường miền Nam tham gia nhiều trận đánh lớn. Sau đó, ông cùng đồng đội được điều động về tiếp quản sân bay Biên Hòa và đến năm 1978 ông được cho về phục viên.

Nhà đông anh em, ruộng để cày cấy thì quá ít, lại thêm bão lũ liên miên quét sạch mùa màng nên vừa trở về quê được ít ngày, Nguyễn Bùi Hiển lại khoác ba lô ngược về đơn vị xin đổi quyết định đến tỉnh Bình Dương (lúc đó còn là tỉnh Sông Bé) tìm việc làm. Với chút vốn liếng cơ khí mà cha đã truyền cho từ trước, ông mau chóng được nhận vào làm trong xí nghiệp cơ khí nông nghiệp thuộc lâm trường chiến khu D thuộc huyện Tân Uyên phụ trách công việc sửa chữa máy bơm, máy cày cho lâm trường. Trong thời gian này, ông được cử đi học đại học Nông Lâm TP HCM, nhưng đến năm 1990, khi vừa tốt nghiệp trở về thì xí nghiệp giải thể và ông rơi vào cảnh thất nghiệp.

Kỹ sư Nguyễn Bùi Hiển bên chiếc trực thăng thế hệ mới.

Vác lá đơn cùng tấm bằng tốt nghiệp đại học loại giỏi đi gõ cửa khắp các đơn vị trong tỉnh, cuối cùng ông được thử việc ở Xí nghiệp Cơ khí giao thông của Sở Giao thông vận tải. Công việc mới chưa được bao lâu thì tỉnh Sông Bé được chia làm hai thành Bình Dương và Bình Phước, Bùi Hiển được đưa vào danh sách đi lên Bù Gia Mập. Song do hoàn cảnh gia đình khó khăn, Nguyễn Bùi Hiển xin nghỉ việc, tự mình mở một gara sửa chữa ôtô trên mảnh đất hơn trăm mét vuông do ông mua thiếu của một người hàng xóm tốt bụng ở huyện Thuận An (nay là thị xã Thuận An) vừa làm kiếm tiền lo cho gia đình vừa giúp vợ trông nom con nhỏ.

Và giấc mơ “khùng”

Trong lúc hỏi thăm để tìm đến xưởng sửa chữa ôtô của kỹ sư Nguyễn Bùi Hiển, tôi được một ông chủ gara cho biết: Ở đây ai mà không biết ông "Hiển khùng". Kỹ sư hàng đầu Việt Nam được học hành tử tế ở nước này nước nọ còn không chế tạo được nữa là một kỹ sư sửa chữa ôtô mà đi chế tạo máy bay trực thăng thì không khùng mới lạ. Mang chuyện này hỏi Nguyễn Bùi Hiển khi ông đang mải mê tiện một chi tiết nhỏ thay thế vào chiếc máy bay mới được thiết kế, ông không có phản ứng khó chịu nào mà chỉ ngẩng đầu lên cười hiền rồi từ tốn nói: "Ngày xưa khi còn nhỏ, trong một lần đẩy chiếc xe đạp chở đầy cỏ giúp cha về cho trâu ăn, trong lúc lên dốc cầu Nầm, mệt quá, lại thấy chiếc xe máy Simson chạy vo vo, tôi buột miệng nói với bố rằng ước gì nhà mình có chiếc xe gắn máy thì đỡ khổ biết mấy. Ngay lúc ấy lại có một chiếc máy bay của bộ đội ta bay qua, tôi cũng ước một ngày nào đó được ngồi trên nó một lần cho sướng đời. Nhìn thằng con trai mồ hôi nhễ nhại, ông bảo: "Mày chỉ ước mơ hão huyền, hãy lo cắt được nhiều cỏ nuôi trâu béo tốt thì hợp tác xã sẽ trả cho nhiều thóc mà ăn".

Bây giờ, họ đặt cho mình biệt danh ấy cũng đúng bởi họ thường chỉ chuyên tâm vào kỹ thuật sửa chữa ôtô. Chứ tham gia nghiên cứu kỹ thuật công nghệ từ các nước tiên tiến trên thế giới như Mỹ, Nhật thì cũng không khùng lắm đâu. Vẫn có thể tự mình mày mò chế tạo máy bay trực thăng được, miễn sao phải có niềm đam mê và tinh thần cầu tiến để học hỏi, nghiên cứu công nghệ. Trong chiến tranh có ai được tiếp cận kỹ thuật, công nghệ tiên tiến đâu mà bộ đội ta vẫn có hàng trăm sáng kiến cải tiến các loại vũ khí, đạn dược và phương tiện vận chuyển để đánh thắng mọi đế quốc xâm lược. Nay đã hòa bình từ lâu, đất nước phát triển về mọi mặt, lại khuyến khích mọi người dân sáng tạo thì hà cớ gì mình không dám thực hiện giấc mơ… khùng ấy".

Chuyện ông thích tìm hiểu về máy bay cũng rất tình cờ. Ngay trong ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đơn vị của ông được điều về tiếp quản sân bay Biên Hòa. Bấy giờ có một chiếc trực thăng UH1 vẫn còn nguyên vẹn nằm ở một góc sân bay, ông cùng một đồng đội khác quê ở Bến Tre đã leo lên tìm hiểu rồi cho nổ máy. Tuy nhiên xác định mình phải tuân thủ điều lệnh quân đội nên ông không dám cho máy bay cất cánh, nhưng những ước mơ về một ngày được làm việc trong một đơn vị nghiên cứu chế tạo máy bay của quân đội Việt Nam, hoặc tự mình nghiên cứu chế tạo bắt đầu hình thành trong ông và nó cứ lớn dần theo năm tháng khi đã đạt được những thành công nhất định trong nghề sửa chữa ôtô. Năm 2006, khi người con trai đầu lòng tốt nghiệp Đại học Bách Khoa về thay ông quản lý xưởng sửa chữa ôtô của gia đình thì kỹ sư Nguyễn Bùi Hiển giao lại toàn bộ công việc cho con và bắt đầu chuyên tâm vào việc tìm hiểu kỹ thuật công nghệ chế tạo máy bay.

Để thực hiện giấc mơ "khùng" của mình, trong 3 tháng đầu, ông dành thời gian 10 giờ mỗi ngày để lên mạng internet tìm hiểu về công nghệ chế tạo các loại máy bay siêu nhẹ của các nước tiên tiến như Mỹ, Nhật. Tất cả các hướng dẫn kỹ thuật ấy đều được ông in ra giấy, đóng thành sách rồi tự mình mang xuống trường Đại học Bách khoa TP HCM nhờ các giáo sư, tiến sỹ chuyên ngành dịch ra tiếng Việt. Cũng trong thời gian 3 tháng này, ông xuống TP HCM, tìm đến một cửa hàng trên đường Lý Thái Tổ mua hai chiếc máy bay mô hình chạy bằng điện với giá mỗi chiếc gần 6 triệu đồng mang về nghiên cứu và khi một trong hai chiếc bị hỏng thiết bị, ông đã lấy máy cưa gỗ thay vào và một phát hiện mới đối với ông là chiếc máy bay mô hình ấy chạy rất tốt.

Bỏ qua công đoạn vẽ thiết kế, Nguyễn Bùi Hiển cứ nghiên cứu đến chi tiết nào thì lại đem vào hệ thống máy tiện, phay, hàn trong xưởng của mình chế tạo ra chi tiết ấy. Sau 3 năm liên tục mày mò, tốn rất nhiều công sức và tiền bạc, cuối cùng ông cũng cho ra lò được chiếc máy bay đầu tiên với động cơ lấy từ chiếc mô tô trượt nước, hệ thống điện tử lấy từ ôtô đời mới, hai tầng cánh quạt đồng trục bằng nhựa composit (hai tầng cánh được đặt trên cùng một trục nhưng quay ngược chiều nhau để tạo áp nâng máy bay lên). Tuy nhiên khi mang ra cho bay thử thì máy bay không nâng lên được vì cấu tạo bên trong của các tấm composit không đều nhau làm cho cánh quạt khi quay không có sự cân bằng dẫn đến việc không đủ vòng quay để tạo áp năng máy bay lên. Sau thất bại ấy, ông cho thay thế cánh bằng nhôm song cũng thất bại giống như trước đó. Không nản chí, những ngày sau đó, kỹ sư Nguyễn Bùi Hiển lại mày mò tìm hiểu những loại vật liệu có tính ổn định cao và ông đã thành công trong việc dùng inox để làm cánh quạt máy bay. Lúc này "đứa con" đầu lòng đã có thể cất cánh và chấp nhận mọi sự điều khiển của ông nhưng chỉ bay được 15 phút đã phải hạ xuống do bộ phận giải nhiệt không thể làm mát được máy khi hoạt động ở công suất cao.

Đối với nhiều người, việc máy bay do kỹ sư Nguyễn Bùi Hiển chế tạo đã tự cất cánh và có thể điều khiển theo ý muốn của người lái là một thành công, nhưng với ông đó vẫn là một thất bại vì thời gian bay quá ít. Kể từ đó, ông tạm gác lại chuyện chế tạo, tiếp tục lao vào vừa tìm hiểu công nghệ mới, vừa chế tạo và đến đầu tháng 8 vừa qua, ông lại cho ra đời một chiếc trực thăng siêu nhẹ thế hệ mới với nhiều tính năng vượt trội so với chiếc đầu tiên. Động cơ được nhập từ một công ty chuyên ngành của Nhật (sản xuất tại Mỹ), cánh quạt được giảm từ đôi xuống đơn nhưng làm đúng tiêu chuẩn của Mỹ. Đặc biệt ông đã dùng vòng bi chỉ quay được một chiều từ hộp số tự động xe ôtô gắn vào trục cánh quạt để khi có chết máy vẫn có thể kéo cần cho cánh nằm ở góc âm 5 độ, lợi dụng sức gió đẩy cánh quạt quay giúp cho máy bay hạ cánh an toàn và hơn nữa, nó có thể bay liên tục trong thời gian 2 giờ.

Hiện kỹ sư Nguyễn Bùi Hiển đang được hội những người sáng tạo Việt Nam hướng dẫn làm các thủ tục trình Cục Tác chiến thuộc Bộ Tổng tham mưu-Bộ Quốc phòng cấp phép cho bay thử nghiệm và nếu thành công, ông hy vọng nó có thể thay thế con người làm công việc phun thuốc trừ sâu trên những cánh rừng cao su hoặc những cánh đồng lúa

Đức Cương
.
.
.