Người chiến sĩ an ninh gắn bó với đồng bào dân tộc vùng cao

Thứ Năm, 26/12/2019, 09:03
Từ khi tốt nghiệp Học viện An ninh nhân dân năm 2006, Thiếu tá Từ Tú Phương đã có hơn 13 năm gắn bó với Phòng An ninh đối nội, Công an tỉnh Quảng Ninh. Mặc dù đã trải qua nhiều đội công tác, nhưng gắn bó nhiều nhất vẫn là ở Đội An ninh dân tộc.

Trong quãng thời gian 10 năm ở đây, anh đã dành nhiều tâm huyết và tình cảm của mình với mô hình “Khéo vận động, tranh thủ người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tích cực tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc trên địa bàn”.

Có “duyên” với đồng bào dân tộc

Thiếu tá Từ Tú Phương chia sẻ, anh có “duyên” với đồng bào nên công việc của anh nhiều năm nay đều là gắn với đồng bào vùng cao. Năm 2015, trên địa bàn xã Thanh Sơn, huyện Ba Chẽ xảy ra vụ tranh chấp đất rừng giữa người dân thôn Khe Pụt Ngoài với Công ty Phát triển rừng Bền Vững. 

Từ vụ việc trên, người dân trong thôn đã gửi đơn kiến nghị đến chính quyền huyện và tỉnh đề nghị thu hồi diện tích đất rừng đã cấp cho công ty và có nhiều lần cản trở hoạt động của doanh nghiệp. 

Qua công tác nắm tình hình, tìm hiểu nguyên nhân sự việc, Thiếu tá Phương đã tranh thủ 7 người có uy tín trên địa bàn xã Thanh Sơn kiên trì tuyên truyền, giải thích việc người dân có hành động trên là vi phạm pháp luật. 

Đồng thời vận động bà con không lấn chiếm đất rừng của doanh nghiệp, đây sẽ là cơ hội để kẻ xấu lợi dụng, kích động đồng bào khiếu kiện, chống đối gây mất an ninh trật tự (ANTT). Để nhanh chóng giải quyết ổn thỏa tình hình, Thiếu tá Phương và người có uy tín đã đến từng hộ dân liên quan để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng. 

Các hộ dân cho biết, do diện tích đất không đủ để sản xuất và mong muốn được chính quyền tạo điều kiện cấp thêm đất rừng để canh tác. Trên cơ sở đó, đơn vị đã kịp thời tham mưu cho lãnh đạo Công an tỉnh báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương xây dựng phương án cấp bổ sung đất rừng cho các hộ dân. Từ đó, bà con từ bỏ ý định khiếu kiện vượt cấp.

Thiếu tá Từ Tú Phương trao đổi công tác nắm tình hình an ninh với cán bộ chiến sĩ.

Đầu tháng 5-2017, lực lượng chức năng phát hiện một số hộ dân ở xã Quảng Thắng, huyện Hải Hà và xã Hải Đông, Quảng Nghĩa, TP Móng Cái làm thủ tục cấp hộ chiếu sang Trung Quốc đăng ký tài khoản tại ngân hàng để nhận thù lao. 

Kết quả xác minh được biết, đã có 14 trường hợp ở xã Quảng Nghĩa, Hải Đông đăng ký tài khoản tại Trung Quốc, mỗi người được nhận từ 1 đến 3 triệu đồng và nhiều người tiếp tục có ý định xuất cảnh kiếm tiền bằng hình thức trên. Phát hiện đây là vụ việc có tính chất phức tạp, có dấu hiệu lợi dụng thẻ người dân đã đăng ký vào hoạt động rửa tiền, buôn lậu… ảnh hưởng đến ANTT. 

Thiếu tá Phương đã cùng với người có uy tín, chính quyền cơ sở tích cực tuyên truyền, vận động người dân cảnh giác không sang Trung Quốc làm thẻ ATM, gây mất ANTT trong vùng dân tộc.

Với cương vị là Đội trưởng Đội An ninh dân tộc miền núi, Thiếu tá Từ Tú Phương luôn cùng anh em trong đội thường xuyên nắm tình hình địa bàn, nhất là những nơi xảy ra tình hình, vụ việc phức tạp liên quan đến ANTT. Trên cơ sở đó giúp lãnh đạo đơn vị tham mưu, giải quyết ổn định tình hình, không để xảy ra điểm nóng trong vùng đồng bào dân tộc.

Mang lại niềm tin yêu cho nhân dân

Xác định vai trò của người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong những năm qua, Thiếu tá Từ Tú Phương đã trực tiếp cùng đồng đội phối hợp với Công an các địa phương vận động tranh thủ hiệu quả 460 người có uy tín phân cấp cho lực lượng Công an vận động. Anh trực tiếp tranh thủ được 13 trường hợp. 

Các anh đã tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số chấp hành tốt đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, phổ biến kiến thức pháp luật để đội ngũ người có uy tín nâng cao cảnh giác trước âm mưu lợi dụng phá hoại chính sách đại đoàn kết dân tộc, khuyến khích họ tích cực tham gia phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ ở cơ sở. Hỗ trợ, giải quyết các vụ việc phức tạp, cũng như cung cấp thông tin, tình hình liên quan đến ANTT cho lực lượng Công an. 

Trong những năm qua, Thiếu tá Phương đã huy động trên 70 lượt người có uy tín tham gia đấu tranh, ngăn chặn hoạt động tôn giáo trái pháp luật, tà đạo, tạp đạo trong vùng dân tộc thiểu số. 

Cụ thể đã ngăn chặn 7 vụ hoạt động tôn giáo trái pháp luật tại Hải Hà, Cẩm Phả, Đầm Hà; 100 lượt người tham gia giải quyết 7/10 vụ việc lấn chiếm, tranh chấp đất rừng ở các huyện vùng cao trên địa bàn. Vận động 80 lượt người tham gia giải quyết 78 vụ mâu thuẫn, khiếu kiện đông người trong vùng dân tộc, 80 lượt người có uy tín tham gia vận động, ngăn chặn trên 300 người dân tộc thiểu số có ý định xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê . . .

Lê Thị Hồng Thiện là đối tượng có hành vi truyền đạo trái phép ở phường Quang Hanh, TP Cẩm Phả cùng một số đối tượng khác đến xã Quảng Đức, huyện Hải Hà lôi kéo 20 thanh niên, học sinh người Dao quay lại sinh hoạt theo đạo Tin Lành. Trước đó, Thiện đã từng lôi kéo các trường hợp này nhưng bị cơ quan chức năng ngăn chặn kịp thời. 

Thiếu tá Từ Tú Phương thường xuyên nghiên cứu tập quán các dân tộc để vận động đồng bào.

Sau khi phát hiện các đối tượng đến nhà các học sinh trên, Thiếu tá Phương đã cùng Công an huyện Hải Hà tham mưu cho chính quyền xã thành lập tổ công tác, phối hợp với người có uy tín của xã đến gặp từng phụ huynh vận động mọi người không để con em theo đạo, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Đồng thời phân tích cho họ hiểu đạo Tin Lành không phù hợp với phong tục dân tộc Dao, hoạt động của các đối tượng trên là trái pháp luật. 

Ngoài ra, phát hiện những đối tượng trên chưa từ bỏ âm mưu phát triển đạo Tin Lành ở vùng dân tộc, Thiếu tá Phương đã phối hơp với Công an huyện tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng, triển khai có hiệu quả mô hình “vận động đồng bào các dân tộc thiểu số tham gia giữ gìn bản sắc văn hóa, đấu tranh, ngăn chặn tà đạo, đạo lạ xâm nhập vào các khu vực biên giới, trong nội địa mà người uy tín giữ vai trò nòng cốt.

Tháng 3-2018, 72 hộ dân ở thôn Tha Cát, xã Dương Huy, TP Cẩm Phả kiến nghị, phản đối Công ty TNHH MTV thủy lợi Yên Lập triển khai thi công dự án nâng cấp hồ chứa nước Cao Vân, xã Dương Huy. Theo thiết kế, thân đập sẽ được nâng cao thêm 1 mét, tăng trữ lượng nước từ 10 triệu m³ lên 13,8 triệu m³. 

Trong quá trình triển khai đã 3 lần người dân ở trong thôn Tha Cát đến ngăn cản không cho đơn vị thi công triển khai dự án, đồng thời kéo lên trụ sở tiếp dân tỉnh nêu ý kiến. 

Nguyên nhân của sự việc trên là do các hộ dân lo lắng cho tính mạng, tài sản của mình vì cho rằng sau khi nâng cấp sẽ tăng nguy cơ vỡ đập nếu có mưa bão. Nguyện vọng của mọi người muốn được di dời đến nơi ở mới để ổn định cuộc sống. 

Trước sự việc trên. Thiếu tá Phương và người uy tín đã động viên người dân ổn định tình hình, không có hành vi quá khích gây mất ANTT. Đồng thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm đến nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Đến nay, tình hình đã cơ bản ổn định.

Anh Phương chia sẻ, muốn tạo niềm tin với người có uy tín thì cán bộ Công an cần có phẩm chất đạo đức tốt, tác phong làm việc gương mẫu. Khi tiếp xúc với dân luôn giữ thái độ đúng mực, phải kiên trì giải thích và biết chia sẻ với những khó khăn của người dân.

Quá trình vận động phải biết dựa vào sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, chú trọng công tác vận động cá biệt để phát huy thế mạnh của từng người trong từng trường hợp cụ thể. Đây là kinh nghiệm mà anh rút ra sau nhiều năm gắn bó với đồng bào. 

Anh cho biết thêm, cần phải nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, sở trường, sở đoản của mỗi người uy tín để thực hiện chính sách, giải quyết nguyện vọng chính đáng, tạo được niềm tin của họ thì công tác vận động mới hiệu quả. Đặc biệt không được nóng vội, không có hành vi, lời nói xúc phạm đến phong tục tập quán, bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số.

Quan điểm về đó của Thiếu tá Từ Tú Phương cũng là phương châm hành động chung của cán bộ chiến sĩ An ninh Công an Quảng Ninh, những người luôn gắn bó mật thiết với đồng bào dân tộc thiểu số, giữ gìn bình yên ở nơi đây.

Nguyến Khánh
.
.
.