Người cựu binh dành lương hưu đi tìm đồng đội

Thứ Hai, 28/05/2018, 08:00
Trở lại thành Vinh trong ngày hè nắng như đổ lửa, chúng tôi tìm gặp cựu binh Võ Quốc Hùng, người từng trở về trong lòng địch với những trận đánh xuất quỷ nhập thần của lực lượng đặc công anh hùng. Nếu những câu chuyện qua từng trận đánh năm xưa của ông để cho người nghe cảm giác nhuốm màu huyền thoại, thì những việc ông và đồng đội đang làm nhiều năm nay  lại gây xúc động nhòa nước mắt người nghe.


May mắn được trở về

Sau vài lần hỏi đường, tôi đến nhà khi ông Võ Quốc Hùng cùng các cựu binh đang ngồi tiếp chuyện những người đến thăm, cảm ơn ông với những việc ông làm đầy thiện tâm trong hàng chục năm qua. Cũng có người đến với ông để mong ông giúp đỡ đưa người thân trở về… 

Bên ấm chè xanh nặng tình nặng nghĩa, câu chuyện thiện tâm của ông Võ Quốc Hùng làm lòng tôi ấm lại. Hàng chục năm qua, Võ Quốc Hùng góp nhặt tiền lương của mình để đi tìm đồng đội. Điều đáng nói, những nghĩa cử nhân văn của ông chỉ có gia đình thân nhân liệt sĩ và đồng đội biết.

Cựu binh Võ Quốc Hùng.

Sinh năm 1949, khi vừa tròn 17 tuổi, Võ Quốc Hùng bảo mẹ viết đơn  xin cho được vào bộ đội. Ông hào hứng kể: “Lứa tuổi của tôi, thời đại tôi sống đúng như Anh hùng Lê Mã Lương đã nói: Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù. Mỗi sáng đến trường, biết một vài người bạn cùng trường đã được ra trận thì những nam sinh còn lại đều háo hức mong được lên đường.

Mẹ tôi đăng ký cho tôi không được vì các anh tuyển quân bảo tôi tuổi còn ít, người lại nhỏ. Tôi quyết định theo một vài người bạn khác viết đơn rồi dùng kim chích máu để ký xin vào chiến trường. Lá đơn đó được chấp nhận để tôi rời trường học thành người lính”.

Võ Quốc Hùng được phiên về đơn vị Ban chiến đấu Binh chủng đặc công dù D13-F305. Sau ba tháng huấn luyện cấp tốc, đơn vị của Võ Quốc Hùng hành quân qua chiến trường C cùng chiến đấu với bộ đội Pathét Lào...

Nhấp ngụm trà xanh, đôi mắt người cựu binh nhìn xa xăm, hồi tưởng về những trận đánh ác liệt. "Những ngày trinh sát rồi đánh vào Cù Kiệt, Mường Xủi, Cánh Đồng Chum ở Lào giờ đây luôn trở thành câu hỏi trong tôi, vì sao có thể đánh thắng như vậy? Rồi tôi tự trả lời, chỉ đánh thắng được kẻ thù khi tình yêu đất nước biến sức mạnh con người còn mạnh hơn súng đạn", ông  Hùng nhận định. 

Tháng 11-1967, đơn vị Võ Quốc Hùng nhận lệnh trinh sát và đánh vào Cù Kiệt, Cánh Đồng Chum, sau hơn 1 tuần Hùng và 3 đồng đội lọt vào sân bay của địch ở Cù Kiệt. Ban ngày "tàng hình", còn ban đêm các anh vào tận cửa sổ phòng ngủ của địch để nắm chúng có bao nhiêu quân, bao nhiêu cố vấn Mỹ và chư hầu, bao nhiêu máy bay, loại gì và súng ống của chúng ra sao... 

Sau khi nắm chuẩn xác số lượng địch, đầu năm 1968, đơn vị được lệnh nổ súng. Lúc này chỉ có 3 đội đặc công với khoảng 150 người nhưng các anh phải chiến đấu với 3 sư đoàn gồm nguỵ Lào, phỉ và các cố vấn địch với hơn 10.000 tên. 

Quyết định đánh ban đêm, lợi dụng yếu tố hoàn toàn bất ngờ, đốt hết máy bay địch làm cho địch không biết số lượng quân mình bao nhiêu, nên chúng hoang mang tháo chạy. Chỉ một trận đánh, lực lượng đặc công của đơn vị Võ Quốc Hùng đã giải phóng một khu vực rộng lớn cho nước bạn Lào.

Sau 3 năm chiến đấu trên đất bạn, cuối năm 1969, Bộ Tư lệnh Đặc công điều đơn vị của Võ Quốc Hùng về mặt trận Quảng Trị B5 chuẩn bị cho nhiều chiến dịch lớn. Những ngày chiến đấu trên đất mẹ Quảng Trị đã hơn 40 năm qua, nhưng vẫn luôn hiện về rõ mồn một trong từng giấc ngủ của Võ Quốc Hùng. Ông Hùng bảo nhiều đêm mơ, ông thấy như mình đang ở giữa chiến trường, bồng trên tay đồng đội hy sinh. 

Võ Quốc Hùng tâm sự với phóng viên.

Trải qua hàng trăm trận đánh lớn nhỏ, nhưng người lính đặc công Võ Quốc Hùng nhớ mãi đêm 12/3/1970 trong trận đánh chiếm cao điểm Đầu Mầu, ở xóm Cam Thành,  Cam Lộ, Quảng Trị. Để đánh chiếm cao điểm này, đơn vị của Võ Quốc Hùng phải trinh sát gần 2 tháng trời mới nắm được sinh lực địch. Xung quanh cao điểm, địch dùng dây thép gai làm hàng rào nhiều lớp, chúng cài mìn khắp nơi và dùng hỏa lực mạnh để bảo vệ căn cứ. 

Trước giờ xuất trận, 33 đồng chí của đơn vị Võ Quốc Hùng nắm chặt tay nhau, không ai nói ra nhưng tất cả đều nghĩ khó có cơ hội để trở về. Khi áp sát lưng địch còn 300 m, đồng đội Dương Xuân Mỹ bò lại khe khẽ tâm sự với Hùng "Sau trận này, Mỹ nhờ Hùng đưa ba lô của Mỹ có lá thư cùng chiếc khăn cho mẹ choàng đầu khỏi lạnh và 2 tấm vải cho em may áo đi học, bố mình mất khi tụi mình còn nhỏ, Hùng nhớ đưaba lô tận tay mẹ mình". 

Nhìn vào ánh mắt đượm buồn của đồng đội, Hùng động viên  “Trận này phải quyết thắng, cố gắng giữ lấy "gáo" Mỹ nhé”. Ai ngờ đó là những lời đối thoại cuối cùng của hai người vì đêm đó anh Mỹ đã vĩnh viễn nằm lại trên vùng đất lửa Quảng Trị. Kết thúc trận đánh, nằm ém quân bên bờ sông, Võ Quốc Hùng và đồng đội lòng quặn thắt khi chứng kiến địch dùng thuốc nổ đào hố, đổ thi thể đồng đội của các anh xuống, sau đó chúng lấp rải rác 22 người ở một khu đất như một ngôi mộ tập thể, còn 3 thi thể đồng đội khác chúng mang về cầu Đầu Mâu.

Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Hùng thường nói, ông và nhiều những người khác “may mắn được trở về”, vì vậy ông luôn nghĩ làm thế nào để tri ân đồng đội, làm thể nào để đưa đồng đội mình về với quê hương, bản quán và gia đình họ.

Khăn gói đi tìm đồng đội

"Sau trận này, em nhờ anh đưa ba lô của em có lá thư cùng chiếc khăn cho mẹ em choàng đầu khỏi lạnh và 2 tấm vải cho em của em may áo đi học, bố em mất khi tụi em còn nhỏ, anh Hùng nhớ đưa tận tay mẹ em nhé", câu dặn dò của đồng đội Dương Xuân Mỹ luôn ám ảnh người cựu binh Võ Quốc Hùng. 

Sau trận chiến, chiếc ba lô của liệt sĩ Dương Xuân Mỹ gửi, được ông Hùng báo cáo đơn vị và được chuyển ra Bắc bằng đường hậu cần. Nhưng trên bước đường hành quân, nhiều đêm ngủ lại giữa núi rừng, Võ Quốc Hùng thường dặn lòng, phải luôn ghi nhớ nơi chôn cất thi thể của đồng đội, và hoà bình rồi nếu còn được sống mình sẽ tìm cách đưa đồng đội về quê. 

Anh Võ Quốc Hùng và đồng đội đưa hài cốt liệt sĩ Dương Xuân Mỹ về an táng ở Nghĩa trang liệt sĩ xã Nguyên Uý, Kim Bảng, Hà Nam.

Đầu năm 1995, khi cuộc sống gia đình đã khá hơn, Võ Quốc Hùng mới có điều kiện đi tìm đồng đội. Ông ra Bộ Tư lệnh đặc công, tìm danh sách của đơn vị, ngày liệt sĩ hy sinh, quê quán liệt sĩ... từ đó ông đi tìm thân nhân từng người. Sau khi gặp được thân nhân, ông cùng với họ vào nơi liệt sĩ đã hy sinh để tìm cách đưa về. Hơn 40 năm hy sinh, những liệt sĩ trong nhiều trận đánh có Võ Quốc Hùng tham gia đã được ông và thân nhân tìm đưa về quê hương an táng như: Liệt sỹ Lê Văn Huê được đưa về an táng tại xã Tùng Ảnh, Đức Thọ, Hà Tĩnh; liệt sỹ Dương Xuân Mỹ được tìm thấy đưa về Kim Bảng, Hà Nam… 

Sau hơn 20 năm liên tục tìm kiếm, đến nay anh Võ Quốc Hùng đã tìm được 25 hài cốt liệt sĩ thuộc Tiểu đoàn đặc công 13 và ông vẫn tiếp tục lên đường đi tìm những hài cốt những đồng đội còn lại. Những lần tìm kiếm và cất bốc hài cốt đồng đội, Võ Quốc Hùng đều lấy tiền lương hưu của mình thuê xe để đưa liệt sĩ về quê hương. 

Hầu hết các liệt sĩ mà ông tìm thấy, bố mẹ liệt sĩ đã qua đời, chỉ còn lại một vài bố mẹ liệt sĩ đã cao tuổi, số đông thân nhân thân liệt sĩ còn chú, bác hoặc anh chị em, con cháu... nên khi tìm được hài cốt, thân nhân họ rất cảm động trước nghĩa của cao đẹp của anh Võ Quốc Hùng. Lúc chia tay, nhìn sâu vào mắt ông, tôi nhận thấy, cuộc đời Võ Quốc Hùng đẹp như một khúc quân hành.

Bức thư của Bộ tư lệnh Đặc công gửi động viên anh Võ Quốc Hùng.

Trong bức thư gửi động viên cựu binh Võ Quốc Hùng, Đại tá Trịnh Xuân Chuyền thay mặt Bộ Tư lệnh Đặc công viết: "Bộ Tư lệnh Đặc công đánh giá cao về ý thức trách nhiệm, tình cảm sâu sắc của đồng chí với đồng chí, đồng đội đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. 

Luôn trăn trở vì đồng chí, đồng đội, đồng chí đã không quản ngại khó khăn, vất vả, tốn kém bằng nhiều biện pháp tìm kiếm thông tin về liệt sĩ và gia đình liệt sĩ. Đã trực tiếp tìm kiếm, cất bốc và xác định chính xác tên tuổi 25 liệt sĩ để đưa các anh về với quê hương, gia đình. Nghĩa cử cao đẹp của đồng chí đã góp phần phát huy truyền thống "uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây" của dân tộc”.

Sông Lam - Lam Hồng
.
.
.