Người cựu binh già 20 năm tìm mộ đồng đội

Thứ Hai, 23/11/2015, 19:08
Dù 2 viên đạn còn nằm trong cơ thể, người thương binh ấy gần 20 năm nay vẫn miệt mài "Bắc - Nam" để đưa đồng đội về với đất mẹ. Đã có hơn 200 hài cốt được ông tự tay đưa về với thân nhân gia đình liệt sĩ. Không thù lao, không kinh phí nhưng ông Nguyễn Đức Phổ (xã Phù Lưu Tế, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) coi đó như thể một hành động tri ân với đồng đội.

Giữ trọn lời hứa với đồng đội

Đã có thời gian người ta nghĩ những vết thương chiến tranh đã ảnh hưởng đến thần kinh của ông Phổ. Gần 20 năm qua, ông cứ lặng lẽ cùng chiếc xe đạp cà tàng đi khắp nơi tìm hài cốt của những đồng đội cũ. Chẳng thù lao, chẳng lương bổng, nhà thì vốn không khá giả nhưng ông chưa khi nào tỏ ra mệt mỏi với công việc này. Mọi người hỏi thì ông chỉ nói: "tri ân đồng đội thôi". 

Dù người cùng làng cũng khó lòng gặp được ông Phổ, cứ có thời gian là ông lên đường tìm phần mộ các liệt sĩ. Trong căn nhà cấp bốn gọn gàng, ông Phổ bắt đầu bằng những câu chuyện thời chiến. Có lẽ với ông những ký ức chiến tranh còn ám ảnh, còn hiển hiện về trong từng phút. Vào đúng năm chiến tranh ác liệt nhất (năm 1968), lúc đó ông Phổ mới vừa tròn 21 tuổi, theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông tình nguyện viết đơn lên đường đi đánh Mỹ.

Cuối năm 1968 ông được tăng cường cho Tiểu đoàn 96 (D96 - Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Phú Yên). Chiến tranh đi vào giai đoạn ác liệt nhất, do quá nhiều vết thương, 40 tuổi ông được xuất ngũ trở về quê hương. Hai mảnh đạn còn nằm trong cánh tay không thể lấy ra, cùng với vết thương ở chân phải liên tục hành ông mỗi khi trái gió trở trời. Ông Phổ đưa ánh mắt về vô định lẩm nhẩm: "Đồng đội hy sinh cả rồi. Tôi trở về được quê hương thế này cũng là may mắn nhưng nó không quý giá bằng đôi đũa mun và chiếc bát sứ".

Ngày đó đơn vị ông làm nhiệm vụ trinh sát, dân vận, chủ yếu hoạt động trong lòng địch. Bộ đội ta hy sinh rất nhiều, đa phần các chiến sĩ đều chưa kịp ăn cơm. Ông có 4 người bạn thân là: Kiều Xuân Tẩy, Nguyễn Quang Chinh, Nguyễn Phi Hùng, Hoàng Văn Trị đã nhờ bà con mua hộ một đôi đũa và một chiếc bát để ngày rằm, mồng một, ngày Tết thắp hương mời đồng chí, đồng đội về ăn cùng. Họ đã hứa với nhau rằng, ai trong 5 người còn sống phải giữ cho kỳ được kỷ vật này. Chiến tranh quá tàn khốc, cả tiểu đội duy mình ông còn sống sót trở về. Ông nâng niu kỷ vật ấy như tính mạng mình, ông đặt lên ban thờ, chỗ trang trọng nhất.

Cứ mỗi lần thắp hương là bao hình ảnh của đồng đội lại hiện về. Họ hát, họ cười, họ nói đấy nhưng rồi họ lại khóc với ông. Cứ như thế… những hồi ức đó như xoáy sâu vào tâm can ông, thôi thúc ông phải làm điều gì đó để tri ân với đồng đội, để những thân nhân ấm lòng. Cầm cuốn sổ ghi chép nơi hy sinh, địa điểm, tên tuổi của hơn 300 liệt sĩ ông nói mà như khóc: "Tôi phải tìm cho đủ đồng đội của tôi, nếu không tôi thấy mình như có lỗi!".

Thế là ông lên đường, ông trở lại chiến trường xưa, ông hành quân giữa núi rừng không bom đạn. Chẳng có gì ngoài chiếc xe đạp cũ, túi da đựng giấy tờ của đồng đội. Cứ mỗi lần ông đi, bà Phức (vợ ông Phổ) lại như thắt ruột gan, bà lo cho sức khỏe của ông. Nhỡ may trái nắng trở trời ai sẽ bên cạnh ông? Rồi vết thương cũ tái phát thì sao? Ông bỏ cả ăn, cả ngủ để đi báo tin cho thân nhân liệt sĩ. Thậm chí bỏ cả tiền túi lo cho đồng đội. Bà nói thì nói vậy nhưng bà biết chẳng ngăn được chồng mình. Và bà hiểu rằng khi còn sức khỏe là ông lại ra đi.

Đôi đũa mun và chiếc bát, kỷ vật vô giá với ông Phổ.

Năm nào cũng vậy, theo những ký ức, ông đi hàng chục nghĩa trang, chiến trường nơi đồng đội ngã xuống. Ông đi qua hơn 200 nghĩa trang dọc từ Bắc vào Nam. Ông ghi chép đầy đủ tên tuổi, quê quán, nơi hy sinh của đồng đội. Sau đó đối chiếu với những thông tin mà thân nhân gia đình liệt sĩ cung cấp. Sau khi đã khớp, ông lại tìm đến, tự tay khâm liệm và đưa phần mộ đồng đội về quê nhà. Kinh phí cho mỗi chuyến đi như vậy không hề nhỏ với một thương binh như ông. Ông đã phải bán lợn gà, kén tằm, gom góp từng đồng lương hưu thậm chí dùng cả tiền bán mớ rau, củ lạc của vợ.

Ông kể: "Để có tiền đã khó, tìm được mộ của anh em còn khó hơn. Sau mấy chục năm, tên làng, tên xóm thay đổi hết. Người dân thì người còn người mất. Mỗi lần đạp xe gặp trận mưa xối xả, vuốt mặt không kịp. Rồi cả nắng gió miền Trung làm cháy da cháy thịt. Những chuyến trèo đèo lội suối, sưng húp cả bàn chân, có khi các ngón chân còn bật cả máu tươi. Thế nhưng, tất cả lại tan biến khi chứng kiến thân nhân nhận được phần mộ của người thân sau mấy chục năm".

"Phải đưa được đồng đội về đất mẹ bằng mọi giá"

Dù tốn công, tốn của nhưng chưa khi nào ông Phổ thấy nản lòng. Với ông việc tìm mộ đồng đội chỉ có được chứ không có mất. Cái được lớn nhất là chứng kiến đồng đội được trở về đất mẹ. Từ đó nhận được tình cảm của thân nhân liệt sĩ. Kỷ niệm đáng nhớ nhất mà đến bây giờ ông vẫn chưa quên, đó là trường hợp của chị Hận, con gái liệt sĩ Kiều Văn Tẩy (huyện Quốc Oai - Hà Tây cũ).

Do không chứng minh được bố mình là liệt sĩ nên chị không được hưởng bất cứ chế độ nào, đau đớn hơn chị còn phải mang cái tên "Hận". "Tôi là người trực tiếp chôn cất đồng chí Tẩy nên đã báo cho gia đình biết nơi chôn cất người chồng, người cha của họ. Tôi cùng gia đình liệt sĩ Tẩy vào tận Phú Yên để tìm hài cốt. Sau khi tìm thấy và làm thủ tục về quê cho đồng chí Tẩy, chị Hận nắm tay tôi mà khóc nức nở: Cháu không biết đền ơn chú thế nào, nhờ chú mà cháu không còn mang tên "Hận" nữa!".

Ông Phổ (trái) trong dịp kỷ niệm 35 năm giải phóng miền Nam.

Mỗi một chuyến đi với ông Phổ lại là một câu chuyện đáng nhớ. Năm 1975 ông cùng thân nhân của liệt sĩ Nguyễn Quang Chinh vào tận Phú Yên tìm mộ. Năm 1971 chính ông chôn cất liệt sĩ Chinh tại một khóm tre sau lần bị càn quét của địch. Khi trở lại, khóm tre đó đã lớn, mọc thêm cả trăm cây khác. Ông có ý định mua lại bụi tre đó để đào mộ liệt sĩ Chinh. Biết vậy, chủ nhân có nói với ông rằng: "Các anh đã chết đi để gia đình tôi sống hạnh phúc như ngày nay. Xương máu của các anh làm sao lấy lại được, khóm tre này tôi có thể trồng lại cả nghìn khóm khác". Nói đến đây ông Phổ như rơi nước mắt, giọt nước mắt hạnh phúc "tình quân dân".

Không những vậy khi liên lạc được với gia đình liệt sĩ, ông lại phải giải quyết những vướng mắc phát sinh trong quá trình tìm mộ. Mỗi khi thông tin của gia đình không khớp với thông tin trong tập tài liệu ghi trong hồ sơ của Sở Lao động - Thương binh - Xã hội các địa phương. Ông lại lên Cục Chính sách (Bộ Quốc phòng), có khi về tận đơn vị của liệt sĩ để đề nghị chỉnh sửa.

Ban đầu người ta cứ nghĩ ông Phổ là nhà ngoại cảm, ông có khả năng đặc biệt nói chuyện với người âm. Thực ra ông chẳng có gì ngoài cái tâm, nghĩa tình sâu nặng với anh em đồng đội đã hy sinh. Ông bảo, nếu tính toán thiệt hơn, nếu vì danh vọng ông đã chẳng phải lặn lội núi rừng hai mươi năm nay. Chẳng nói nhưng ai cũng biết quãng đường vào Nam ra Bắc, từ nhà tới tỉnh Phú Yên xa đến thế nào, vất vả thế nào với người thương binh hạng 4/4 như ông Phổ.

Vết thương hằng ngày vẫn hành hạ nhưng với ông Phổ thì chưa thể dừng khi nào còn anh em đồng đội chưa được về quê hương bản xứ. Ông Phổ lôi chiếc túi da đựng giấy tờ của đồng đội, người cựu binh ấy đã khóc khi đọc lại những dòng nhật ký của đồng đội: "Phải đưa được anh em về quê chứ. Chúng ta có ngày hôm nay là do họ đã đổ máu, bỏ cả tính mạng cơ mà. Dù khó khăn đến đâu, tôi cũng phải làm đến cùng".

Bằng khen của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tặng ông Phổ do những cống hiến 20 năm qua.

Chia tay chúng tôi, ông Phổ vẫn giữ một nụ cười lạc quan, ông bảo: "Còn hàng nghìn liệt sĩ đang nằm lại ở nghĩa trang Trường Sơn, hàng nghìn liệt sĩ còn nằm ở các chiến trường mà mình chưa báo hết được. Tôi còn sức khỏe ngày nào là tôi tiếp tục. Có lẽ chỉ khi chết đi tôi mới dừng lại việc này thôi. Hai mươi năm qua tôi mới chỉ tìm được 200 bộ hài cốt liệt sĩ. Tôi cũng mong đồng đội phù hộ cho có sức khỏe để tìm được anh em, đưa về nơi chôn cất đàng hoàng".

Ông Nguyễn Sỹ Bình - Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Phù Lưu Tế cho biết: Ông Nguyễn Đức Phổ là một cựu chiến binh, một tấm gương sáng để thế hệ trẻ noi theo. Suốt 20 năm qua, ông tự nguyện bỏ tiền bạc và công sức để đi khắp các chiến trường tìm mộ liệt sĩ vô danh về với gia đình quê hương bản xứ. Những tấm gương như ông Phổ cần phải được nhân rộng hơn nữa.   
Phong Anh
.
.
.