Người cựu binh kể chuyện lịch sử… bằng thơ

Thứ Tư, 26/07/2017, 12:51
Bị thương nặng trong một lần đánh bốt địch, cánh tay phải bị dập nát, rồi nhiều lần tưởng chừng chết đi sống lại vì tai biến, nhưng ông đều vượt qua tất cả. Để rồi ở cái tuổi thất thập cổ lai hi, ông vẫn viết sách, làm thơ, kể lại lịch sử anh hùng của dân tộc bằng những dòng thơ chân thành, mộc mạc của người lính Cụ Hồ.


Về xã Nam Thịnh, huyện Tiền Hải, Thái Bình hỏi nhà cựu chiến binh Trần Quang Tú không ai là không biết. Ông Tú được mệnh danh là “Khổng Minh biết tuốt” bởi chuyện đông tây, kim cổ, chuyện lịch sử, chuyện xưa và nay, nhiều chuyện ông cũng tỏ tường và có thể kể lại vanh vách. Người ta bảo tuổi già, các cụ thường hay tìm thú vui bên con cháu, bạn bè, nhưng ông Tú lại đặc biệt mê làm thơ, nghiên cứu, đọc sách lịch sử.

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống hiếu học, từ nhỏ được đọc nhiều sách lịch sử, chàng trai trẻ Trần Quang Tú sớm giác ngộ cách mạng, 17 tuổi đã theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, lên đường nhập ngũ tham gia kháng chiến chống Pháp. 

Dù khó khăn, gian khổ, nhưng tình yêu thơ ca, yêu những trang sử hào hùng của dân tộc vẫn luôn cháy bỏng trong tâm hồn ông.Cứ phút nghỉ ngơi, rảnh rỗi nơi chiến trường, ông lại lấy sách ra đọc, suy ngẫm đến mức thuộc như in và nhiều bài thơ ra đời trên chính những trận tuyến khốc liệt đó. 

Nhưng rồi 4 năm sau, trong trận đánh bốt địch ở Quế Sơn, nay là thị trấn Quế Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, đêm 18/4/1953, ông Tú bị thương nặng. Từ nửa đầu đến chân bên phải nhiều mảnh đạn găm dọc cơ thể. Cánh tay phải bị đứt gân, gần như bị liệt hoàn toàn. Lập tức ông được đồng đội đưa về tuyến sau để băng bó, chữa trị.

Và ngay khi còn ở trại thương binh, dù cơ thể còn đau nhói, dù cánh tay phải chỉ còn da bọc xương, nhưng ông đã cố gượng dậy tập viết, tập làm mọi thứ bằng tay trái với hi vọng được tiếp tục trở lại chiến trường chiến đấu.Có những lúc cơ thể đau đớn, ngất lên ngất xuống nhưng cứ tỉnh lại ông lại quyết tâm luyện tập cho bằng được mặc cho các y sĩ, đồng đội can ngăn.

Cựu chiến binh Trần Quang Tú làm thơ kể lại lịch sử.

Vì sức khỏe yếu, không được trở lại chiến trường nên sau khi dưỡng thương xong, năm 1953, ông đành phải xuất ngũ. Trở về địa phương, ông quyết tâm đi học Trung cấp Kỹ thuật nông nghiệp trồng trọt với mong muốn không đủ sức chiến đấu bảo vệ Tổ quốc thì sẽ tiếp tục đi học để trở về cống hiến cho quê hương, đất nước.

Sau khi tốt nghiệp, ông được phân về Hợp tác xã nông nghiệp Nam Thịnh. Ngày ấy, xã Nam Thịnh
mới thành lập, chính ông nội của ông là những người đầu tiên di cư từ Nam Định sang vùng biển này khai khẩn đất hoang, thành lập nên xã Nam Thịnh.

Tiếp nối truyền thống gia đình, suốt những năm công tác tại xã, ông Trần Quang Tú đã có nhiều sáng kiến đột phá trong nông nghiệp để giúp bà con nông dân vùng biển thoát nghèo.

Ngày đó, vùng đất Nam Thịnh còn nghèo lắm, nước mặn xâm lấn vào sâu, người dân không thể trồng trọt, cấy lúa, mà chỉ trông chờ vào việc đánh bắt thủy hải sản, trồng cói dệt chiếu.

Với những kiến thức đã học được, anh kĩ sư nông nghiệp Trần Quang Tú đã lai tạo được nhiều giống mới, phù hợp với thổ nhưỡng của vùng đất Nam Thịnh, nhờ đó năng suất trồng lúa của xã được cải thiện khá nhiều so với các vùng khác. Khi đó, chiến tranh vẫn còn ác liệt, giặc Mỹ thường xuyên đánh phá, ném bom ở vùng đất Thái Bình. Chính ông đã đề ra sáng kiến làm hầm rơm trên tàu cá cũng như đội mũ rơm để bà con ngư dân yên tâm đánh bắt xa bờ.

Những dòng thơ viết bằng tay trái rất đẹp của ông Tú.

Luôn là một người đảng viên gương mẫu, ông Trần Quang Tú tham gia mọi hoạt động của thôn, xóm, của xã và có những đóng góp to lớn cho sự phát triển của xã Nam Thịnh những năm đầu mới thành lập. Trong phong trào nông thôn mới, ông nhiệt tình hăng hái hiến đất làm đường và vận động bà con quyên góp xây dựng đường làng, ngõ xóm. Quỹ khuyến học của xã, của cả dòng họ đều một tay ông đi gõ cửa từng nhà kêu gọi đóng góp và là người tài trợ chính cho quỹ suốt từ khi mới thành lập cho đến nay.

Nếu nói đến sức làm việc của ông thì nhiều người phải nể phục bởi không lúc nào ông chịu nghỉ ngơi, lúc nào cũng ôm đồm một lúc nhiều việc.

Từng giữ các chức vụ Phó chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp, Chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp, Phó bí thư rồi Bí thư Đảng ủy xã Nam Thịnh, ở cương vị nào ông cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao và là chiến sĩ thi đua toàn quân khu hồi ấy.

Năm 1981 dù đã đến tuổi nghỉ hưu, nhưng UBND xã Nam Thịnh vẫn đề nghị ông ở lại cố vấn giúp đỡ các lãnh đạo trẻ và giữ chức Bí thư Chi bộ người cao tuổi của xã.

Với sức ảnh hưởng của mình, ông đi đến từng gia đình vận động thanh niên trẻ cũng như thuyết phục gia đình họ động viên con em mình lên đường nhập ngũ, cống hiến sức người, sức của cho Tổ quốc quê hương.

Có gia đình đã phản ứng, bằng sự mềm mỏng, khéo léo nhưng đầy cương quyết của người đã từng vào sinh ra tử, lấy chính cuộc đời mình làm minh chứng sống động để thuyết phục, ông đã khiến nhiều người phải thay đổi.

Bản thân ông có hai người con trai và 4 người con gái thì cả hai anh con trai ông đều động viên các con lên đường nhập ngũ. Điều trùng hợp anh con trai thứ hai cũng là thương binh khi tham gia chiến đấu bên chiến trường Campuchia, còn anh con trai thứ 5 hiện cũng đang công tác tại Học viện Kỹ thuật Phòng không không quân.

Ông Tú quây quần bên gia đình.

Dù chỉ trong quân ngũ 4 năm ít ỏi, nhưng tình cảm với đồng đội, với quê hương vẫn là động lực lớn để ông cùng bạn bè, đồng đội đi tìm mộ liệt sĩ của xã, những người mà ông chưa bao giờ từng gặp, từng chiến đấu cùng. Nhưng có câu chuyện về người đồng đội nhập ngũ cùng ngày, cùng tháng, chiến đấu cùng đơn vị với ông vẫn khiến ông nhớ mãi.

Anh hi sinh trước khi ông bị thương đúng hai ngày. Biết chỗ anh nằm, nhưng vì bị thương nặng, lại chuyển ra tuyến sau, rồi ra quân, đi học nên nhiều năm liền, ông không có điều kiện để đi tìm mộ đồng đội bởi công việc bận rộn cứ cuốn ông đi dù trong lòng vô cùng áy náy.

Đến lúc nghỉ hưu, ông quyết tâm gác mọi công việc để đưa người anh em trở về với quê hương, đất mẹ thì vừa lên đến Hà Nam, chưa kịp đến thắp hương cho bạn, ông nhận được tin vợ mất đột ngột, ông lại tất tả trở về.

Một thời gian sau vì sức khỏe quá yếu, có lần bị tai biến nặng tưởng chừng không qua khỏi, rồi lại nằm liệt giường suốt một thời gian dài, ông đành phải chỉ chỗ cho cô con gái người đồng đội đi tìm mộ cha mà không thể đến tận nơi đưa hài cốt bạn về quê hương.

Vài năm gần đây, vì sức khỏe yếu, đi lại khó khăn, được con cháu động viên, ông Tú mới thôi tham gia các hoạt động của người cao tuổi ở địa phương. Thế nhưng ông bảo “nhàn cư vi bất thiện”, muốn được làm điều gì đó có ích cho con cháu mà không biết làm gì, thế là ông nghĩ đến việc làm thơ để kể lại lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam, sau đó sẽ tặng cho thư viện của xã, thôn, của các trường học trong xã để học sinh dễ thuộc, dễ nhớ.

Lịch sử là môn học khô khan, nhiều học sinh không muốn học và không nắm được kiến thức cơ bản. Nghĩ là làm, suốt hai năm liền, ông miệt mài đọc không biết bao cuốn sách lịch sử, nghiền ngẫm đi nghiền ngẫm lại không biết bao lần cuốn “Đại Việt sử kí toàn thư”, đến nỗi mọi chi tiết mọi sự kiện lịch sử cứ như in cả trong trí nhớ.

Thế nên chỉ cần ai hỏi chuyện là ông có thể nói lại vanh vách, mà cách kể chuyện của ông thì cực kì dí dỏm, đúng chất của anh bộ đội cụ Hồ. Và rồi những vần thơ mộc mạc, tự nhiên, chân chất của người con quê lúa cứ thế tuôn trào. Sức khỏe yếu, mắt đã mờ, tay đã run nhưng tay trái của ông viết chữ vẫn đẹp lắm.

Toàn bộ bản thảo tập thơ đều do tự tay ông viết, sau đó mới nhờ con cháu đánh máy và gửi lên cho Nhà xuất bản Hội Nhà văn để thẩm định, in ấn. Và tập thơ "Nam sử diễn ca" ra đời sau hai năm tâm huyết và thai nghén.

Trước đó ông là người trực tiếp tham gia viết nhiều cuốn sách lịch sử của thôn, xã cũng như huyện Tiền Hải, Thái Bình và là hội viên tích cực của Hội thơ huyện Tiền Hải.

Dù cuộc sống đã an nhàn khi con cháu đều phương trưởng, giữ nhiều chức vụ quan trọng ở tỉnh cũng như các bộ, ngành, nhưng ông bảo, còn sức khỏe ông vẫn muốn cống hiến bằng những trang thơ mộc mạc, chân chất, bởi với ông thơ cũng là một phần cuộc đời, một phần tâm huyết tuổi trẻ.

Ngọc Mai
.
.
.