Người đàn bà tự tin tìm lại con đường sáng sau bản án đời người

Thứ Tư, 22/07/2015, 15:00
Chị là người đàn bà đầy nghị lực, từng khoác áo lính trở về, bươn chải đủ nghề để kiếm sống và nhanh chóng khẳng định mình, có đủ nhà lầu, xe hơi. Trong vòng xoáy kim tiền, chị tham gia lĩnh vực môi giới, xuất khẩu lao động và bị lừa trắng tay, phải bán sạch gia sản để khắc phục hậu quả. Trở về xã hội sau khi chấp hành xong bản án tù 7 năm, chị nhanh chóng đứng dậy, mở nhà hàng ở Phú Quốc và mở lò bánh mì tại thành Vinh, khẳng định bản thân bằng các hoạt động thiện nguyện, nghĩa tình.

Được sự giới thiệu của Ban giám thị Trại giam số 6 (Tổng cục VIII – Bộ Công an) về tấm gương vượt qua mặc cảm lỗi lầm, trở thành gương sáng trong tái hòa nhập cộng đồng, chúng tôi tìm đến nhà riêng của chị Phạm Thị Thu (SN 1962), trú xóm 3, xã Hưng Lộc, TP Vinh (Nghệ An). Chị Thu một thời từng được biết đến là nữ đại gia xứ Nghệ, nhưng rồi vướng vòng lao lý, phải thụ án tù 7 năm vì tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, hiện nay đã chấp hành án xong và trở về địa phương sinh sống.

Quá khứ buồn

Chị Phạm Thị Thu nguyên là bộ đội phục viên, trước đây chị công tác ở Tổng kho K55 Cục Hậu cần Quân khu 4 (Bộ Quốc phòng), đóng tại xã Hưng Lộc. Năm 1991, sau khi rời quân ngũ, chị trở về đời thường, gom góp đồng vốn rồi mở công ty trách nhiệm hữu hạn môi giới và tư vấn nhà đất. 

Vốn tính nhanh nhẹn, thông minh và hoạt bát, chị làm ăn càng ngày càng phát triển, sau nhiều năm cần mẫn chắt bóp, chị đã xây được nhà lầu, tậu xe hơi, trở thành điển hình tiên tiến trong phát triển, làm ăn kinh tế của địa phương lúc bấy giờ. 

Chị Thu bên lò bánh mì của mình.

Đến năm 2005, nắm bắt được nhu cầu của người dân khi đó muốn đi xuất khẩu lao động nhưng còn rất ít công ty hoạt động trong lĩnh vực này trên địa bàn, chị Thu chuyển sang lĩnh vực tư vấn xuất khẩu lao động. Bước đường lầm lỡ khiến chị sa chân vào vòng lao lý cũng bắt đầu từ lựa chọn sai lầm này của bản thân.

Chị Thu chia sẻ, do thấy được nhu cầu của thị trường nên chị đã chuyển sang nghề mới, chị tìm những người có mong muốn đi lao động ở nước ngoài rồi đưa họ ra công ty “tổng” ở Hà Nội và Đà Nẵng để nhận tiền hoa hồng. Mới đầu làm ăn thuận lợi, tất cả những người có nhu cầu xuất khẩu lao động đều được chị đưa đi thành công, chi phí lại thấp nên ngày càng có nhiều người tìm đến nhờ chị để được xuất ngoại. 

Đến khoảng cuối năm 2009, khi hai công ty “mẹ” đề nghị chị gom tiền và hồ sơ của nhiều người, chị chẳng hề mảy may nghi ngờ, huy động được khoảng 50 trường hợp, sau khi nộp tiền xong, không những không đưa được lao động ra nước ngoài làm việc mà “bộ sậu” của hai công ty cũng bị bắt giữ về tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. 

Lúc này, lao động đã nộp tiền qua chị Thu ở Nghệ An đồng loạt đâm đơn kiện. Chị đã phải bán hết nhà cửa, xe cộ và gia sản để khắc phục hậu quả số tiền hơn 5 tỷ đồng. Còn lại 560 triệu, tay trắng nên chị bị truy tố ra trước vành móng ngựa và phải nhận bản án 7 năm tù giam của TAND TP Hà Nội.

Những ngày thụ án ở Trại giam số 6, chị cảm thấy xấu hổ, mặc cảm vô cùng, nhưng với sự động viên của gia đình, bạn bè, đồng đội cũ và đặc biệt là sự động viên, giác ngộ kịp thời của cán bộ quản giáo và Hội đồng giám thị trại giam, chị Phạm Thị Thu đã quyết tâm cải tạo, rèn luyện thật tốt để được hưởng sự khoan hồng của pháp luật. Tại đây, chị được bố trí bán ở căng tin, sau đó chuyển về đội khâu bóng và do cải tạo tốt nên chị đã 2 lần được giảm án và ra tù trước thời hạn 2 năm.

Trở thành bà chủ từ hai bàn tay trắng

Sau 5 năm chấp hành án, chị trở về nhà, bao nhiêu tài sản chị đã bán hết để khắc phục hậu quả, giờ chỉ có 2 bàn tay trắng. Lúc ra tù chị cũng đã bước sang tuổi 52, cái tuổi không còn trẻ để dễ dàng làm lại cuộc đời, chị có chút gì đó tự ti và có cảm giác muốn buông xuôi, thế nhưng gia đình, bạn bè và chính quyền địa phương đã thăm hỏi, động viên tạo mọi điều kiện để chị tái hoà nhập với cộng đồng. 

Vợ chồng chị có 2 người con, con gái thì đã lấy chồng, còn con trai thì đi xuất khẩu lao động, ngày về chị chỉ còn chồng, nguyên là bác sĩ tại Bệnh viện Quân y 4 làm chỗ dựa duy nhất. May mắn, ngày chị trở lại tái hòa nhập cộng đồng, còn mảnh đất trước cổng bệnh viện mà ngày trước chị cho mượn, nay thấy chị mãn hạn tù trở về không tấc đất cắm dùi, người ta đã trả lại để hai vợ chồng có chỗ trú ngụ, làm lại cuộc đời. 

Chị Thu tâm sự: “Chị phạm pháp nhưng may mắn được chồng và con cái hiểu, thông cảm, những ngày ở trại cảm thấy xấu hổ với chồng con, nhưng các con mỗi lần lên thăm hỏi lại động viên mẹ cố gắng cải tạo để nhanh về với gia đình. Không một ai trách móc chị, mặc dù tất cả tài sản chị phải bán đi để khắc phục hậu quả. Đó cũng là động lực để chị vượt lên những mặc cảm làm lại cuộc đời”.

Với bản tính nhanh nhẹn, về với xã hội, chị Phạm Thị Thu lại tìm công việc để làm, không để cho mình trở thành người thừa, chỉ sau 2 ngày ra tù, được một người họ hàng cho mượn mặt bằng, chị Thu đã mở một cửa hàng ăn uống ở số 76 Nguyễn Xuân Ôn, phường Hưng Bình (TP Vinh). Sau khi ổn định, thấy cuộc sống của vợ chồng con gái đầu gặp nhiều khó khăn, chị đã giao lại cho con quản lí. 

Những đồng đội cũ của chị khi còn ở quân ngũ, lúc này đang làm công trình tại đảo Phú Quốc đã động viên chị ra đây để kinh doanh và Nhà hàng cơm phở Bắc ở Phú Quốc đã ra đời trong thời gian 2 tháng, từ những đồng tiền gom góp của bạn bè, đồng đội cũ. Khi cửa hàng đi vào ổn định, chị bàn giao cho em gái quản lí, khoảng vài tháng chị lại từ Nghệ An bay ra một lần để kiểm tra việc kinh doanh. 

Không chỉ gây dựng được nhà hàng ở Phú Quốc với thu nhập ổn định mà chị còn đưa thêm được 3 người cháu không có công việc ra đảo để mở cửa hàng làm khung nhôm kính, phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân trên đảo.

Tận dụng mảnh đất cắm dùi duy nhất còn lại sau biến cố cuộc đời ở mặt đường Lê Viết Thuật, đối diện cổng Bệnh viện Quân y 4, chị Thu mạnh dạn mở một cửa hàng bán bánh mì và đồ ăn vặt. Trời không phụ lòng người, cửa hàng bánh mì giờ đã ổn định, ngày càng đông khách, chị đã tạo công ăn việc làm cho 2 lao động, mỗi tháng trừ chi phí cũng mang lại thu nhập từ 5 - 6 triệu đồng, đủ để trang trải cuộc sống. 

Hiện tại, hai vợ chồng chị đã đầu tư lò nướng trị giá trên 250 triệu đồng. Không chỉ tự mình đứng lên sau vấp ngã, bản thân chị Thu còn nhiệt tình tham gia các công tác từ thiện xã hội tại địa phương do Hội phụ nữ và các tổ chức hội khác phát động, được chính quyền và nhân dân ghi nhận. Nhiều hoạt động về nguồn, trao quà và các hoạt động thiện nguyện được chị tham gia, xuất phát từ tâm. Cũng bởi tấm lòng nhân ái ấy nên nhiều bệnh nhân nghèo khi đến khám chữa bệnh tại Bệnh viện Quân y 4 đều không mấy ai xa lạ với chị.

Mới đây, vào ngày 26/6, trong buổi giao lưu “Ước mơ ngày trở về” do Bộ Công an phối hợp với Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức tại Trại giam số 6, chị Phạm Thị Thu đã trở thành khách mời danh dự, là điển hình trong tái hòa nhập cộng đồng sau khi mãn hạn tù, được mời lên sân khấu giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm. Câu chuyện cuộc đời chị đã khiến không ít người cảm động và nể phục. 

Nói thêm về chị, ông Nguyễn Đình Cường, Trưởng Công an xã Hưng Lộc cho biết thêm, chị Phạm Thị Thu là gương sáng, điển hình trong tái hòa nhập cộng đồng tại địa phương. Chính quyền luôn tạo điều kiện hết sức để cá nhân chị Thu nói riêng và người lầm lỗi trở về tái hòa nhập cộng đồng trên địa bàn sớm có cuộc sống ổn định, đoạn tuyệt với quá khứ lầm lỗi.

Phương Thủy
.
.
.