Mở rộng đường 2 tháng 8 ở Khánh Vĩnh: Người dân kêu cứu!

Thứ Hai, 04/05/2015, 08:00
Việc mở rộng đường 2 tháng 8 nối dài ở thị trấn Khánh Vĩnh (Khánh Hoà) là cần thiết, được người dân đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân, trong quá trình đền bù giải phóng mặt bằng (ĐBGPMB), họ không được đền bù thoả đáng, khi đất của họ theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là đất đô thị nhưng lại được đền bù với giá đất nông nghiệp. Người dân bức xúc gửi đơn kêu cứu đến nhiều cơ quan báo chí mong được các cơ quan chức năng sớm vào cuộc.

Trong đơn kêu cứu khẩn cấp gửi về Báo CAND, các hộ dân trú tại tổ 4, 5 thị trấn Khánh Vĩnh đều cho rằng, diện tích mặt bằng mà họ hoàn trả lại cho Nhà nước đều thuộc đất đô thị loại 1, tuy nhiên, khi đền bù, Trung trâm Phát triển quỹ đất huyện Vĩnh Khánh đều áp bằng giá đất nông nghiệp, hoặc có sự chênh lệch rõ rệt về giá đất giữa các hộ được công nhận là đất đô thị. Chưa kể, việc bồi thường các công trình xây dựng kinh doanh, cây trồng vật nuôi… đều không thoả đáng.

Cụ thể như trường hợp gia đình ông Trần Quang Hoả, là người Tày, từ Bắc Kạn vào Khánh Vĩnh năm 1995. Năm 2008, thực hiện dự án mở rộng đường Cầu Lùng - Khánh Lê, ông bị giải toả 193,1m2; còn 401,82.

Ông Trần Quang Hỏa trước thửa đất bị cưỡng chế thêm khoảng 5m2 ngày 30/9/2014.

Năm 2012, giải toả mở đường 2 tháng 8, hồ sơ kỹ thuật lại ghi tổng diện tích thửa đất nhà ông chỉ là 397,2m2 (hụt 4,6m2), thu hồi 235,2m2, còn 162m2. Quyết định thu hồi ghi rõ đất đô thị. Vào thời điểm đó, theo quy định của UBND tỉnh Khánh Hoà thì đường này thuộc loại 1, vị trí loại 1, giá 600.000 đồng/m2, nhưng khi áp giá đền bù, thị trấn Khánh Vĩnh lại xếp đây là đất trồng cây lâu năm, nên chỉ được đền bù 11.500 đồng/m2.

Là người dân tộc, trình độ nhận thức pháp luận hạn chế, lại không nắm được những quy định về đất đai, ông Hảo vui vẻ đến Ban Quản lý dự án nhận tiền bàn giao mặt bằng và được khen thưởng 8 triệu đồng với bản cam kết "không khiếu nại gì nữa".

Cũng giống như ông Hảo, hàng chục hộ dân trong hai tổ dân phố đều làm theo và được khen thưởng với bản cam kết như trên. Bà Triệu Thị Tuyến, có diện đích đất bị thu hồi là 32,3m2, nhưng trên thực tế nhà bà bị thu đến 45m2, và chỉ được đền bù với giá 11.500 đồng/m2. Thửa đất bà nhận chuyển nhượng của ông Hà Văn Tiến (năm 2000) diện tích chỉ là 350m2, hồ sơ kỹ thuật kèm theo quyết định thu hồi được nâng lên thành 412,2m2. Gia đình bà còn bị lấy không khoảng 8m2 mặt đường để làm vỉa hè sau khi đã thực hiện xong đền bù, giải toả.

Sát nhà bà Tuyến là nhà bà Cao Thị Kiếm, đã ở ổn định từ năm 1982, được địa phương xây nhà tình nghĩa năm 1987. Hồ sơ kĩ thuật ghi diện tích là 743,4m2, thu hồi 103,5m2, nhưng lại còn 139,9m2, nghĩa là gia đình bà bị mất hẳn 540m2. Sau khi bị thu hồi 103,5m2, nhà bà lại bị lấy tiếp 2m chiều sâu và 4m chiều ngang để làm vỉa hè mà không có quyết định thu hồi, cũng như đền bù, hỗ trợ cho gia đình.

Nhiều hộ gia đình được công nhận diện tích đất thu hồi là đất đô thị, nhưng giá đền bù lại hoàn toàn khác nhau. Như trường hợp gia đình bà Trần Thị Lương, có diện tích sổ đỏ 186m², quyết định thu hồi là 42,7m², nhưng trên thực tế lại bị thu hồi 70m² và được đền bù với giá 430.000 đồng/m². 

Chưa kể, trước đó, vào năm 2011, bà Lương có ra Phòng tài nguyên môi trường huyện để làm sổ đỏ và phải kí nhận nợ số tiền 40 triệu đồng để nhận sổ đỏ, vì thế, sau khi nhận số tiền đền bù đất là hơn 18 triệu đồng, bà còn bị trừ hơn 9 triệu số tiền làm sổ đỏ còn nợ. Nhà bà bị giải toả ½, phải tháo dỡ 100% nhưng vẫn không được tính công tháo dỡ. 

Còn trường hợp của ông Phạm Quang Vĩnh, thì đất nhà ông đã có sổ đỏ, thuộc loại đất ở đô thị nhưng cũng chỉ được đền bù với giá 512.000 đồng/m².

Hầu hết những hộ dân ở tổ 4, tổ 5 đều bức xúc cho rằng, phần đất bị giải toả của họ đều nằm ở vị trí mặt đường, nhiều hộ bị giải toả cả nhà cửa, công trình xây dựng…Trong khi đó, phần đất còn lại mới chính là phần đất nông nghiệp gồm vườn tược, ao hồ, thung bãi… Nếu muốn làm được nhà phải đổ đất, nâng cốt, nhưng phần đền bù giải toả lại được UBND huyện Vĩnh Khánh và Ban Quản lý dự án coi là đất nông nghiệp và đền bù với giá đất nông nghiệp. Và tại sao giá đất đền bù giữa các diện tích đất thu hồi được coi là đất đô thị lại có sự khác nhau như thế cũng là điều họ băn khoăn?

Cho rằng việc GPMB và đền bù, hỗ trợ dân có nhiều điểm chưa minh bạch, một số hộ dân ở thị trấn Khánh Vĩnh đã làm đơn khiếu nại gửi các cấp chính quyền. Lãnh đạo huyện Khánh Vĩnh và Ban Quản lý dự án đã tổ chức đối thoại với các hộ dân, nhưng vẫn chưa đạt được kết quả khả quan. Mặc dù người dân thị trấn Khánh Vĩnh đều nhiệt tình ủng hộ việc mở đường 2 tháng 8 nhưng họ vẫn khẩn thiết mong các cơ quan chức năng huyện Khánh Vĩnh xem xét cụ thể, giải quyết có tình có lý để họ không phải chịu thiệt thòi, bởi hầu hết, họ là những người dân tộc ít hiểu biết, đã vào đây định cư hơn 20 năm nay.

PV
.
.
.