Người dân kêu trời vì khói bụi

Thứ Hai, 31/07/2017, 07:03
Nhiều năm qua, người dân thôn Chí Trung, xã Tân Quang (Văn Lâm - Hưng Yên) phải khốn khổ vì hứng chịu khói bụi ô nhiễm, tiếng ồn từ việc sản xuất vật liệu xây dựng của Công ty TNHH TOKO Việt Nam. Kể từ khi đi vào hoạt động, năm nào công ty này cũng phải đền bù cho người dân vì khói lò làm hư hỏng hoa màu.


Ô nhiễm môi trường đã gây hậu quả nghiêm trọng tới đời sống sinh hoạt và sức khỏe của người dân. Tỉ lệ người mắc bệnh phế quản, ung thư phổi và ung thư vòm họng ngày một tăng.

Chìm trong ô nhiễm

Vài năm trở lại đây, thôn Chí Trung, xã Tân Quang đã trở thành "điểm nóng" của sự ô nhiễm. Theo quan sát của phóng viên, nhiều mái tôn đã bạc màu, mủn dần và trơ khung cho dù là còn mới; hoa màu bị héo khô, xoăn lá, không khí ô nhiễm nghiêm trọng.

Khắp nơi trong thôn khói bụi mịt mù, cảm giác rất ngột ngạt. Theo như người dân phản ánh, tình trạng này đều xuất phất từ khói thải đốt than để sản xuất của công ty TNHH TOKO Việt Nam.

Những chiếc xe quá tải của công ty TNHH TOKO Việt Nam cày nát đường dân sinh.

Được biết, Công ty TNHH TOKO Việt Nam (trụ sở thôn Bình Lương, xã Tân Quang) hoạt động kinh doanh chính là sản xuất và kinh doanh xuất nhập khẩu gạch ốp lát, vật liệu xây dựng từ năm 2003 đến nay. Nhưng theo phản ánh của người dân nơi đây, nhà máy này đã tự ý chuyển đổi công nghệ sản xuất mà chưa xin phép các cơ quan chức năng.

Ông Ngô Văn Sắc (77 tuổi), một đảng viên lão thành của thôn cho biết: "Khi xin giấy phép, công ty nói sử dụng công nghệ đốt ga, tuy nhiên thực tế vận hành lại là công nghệ đốt than kíp lê. Mỗi ngày, nhà máy sản xuất 36.000m² gạch, tiêu thụ gần 200 tấn than kíp lê.

Nằm giữa khu dân cư, khói nhà máy ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt của người dân các thôn Chí Trung, Mộng Đà, Bình Lương. Những ngày trời mưa hoặc thời tiết có sương mù, khói bị nén xuống, gây mùi rất khó chịu. Cây cối thì chết khô, chết héo, không còn sức sống nữa.

Bức xúc trước khí thải của nhà máy, người dân cả xã Tân Quang đã nhiều lần tập trung khiếu kiện và gửi đơn cầu cứu đi khắp nơi nhưng đâu vẫn hoàn đấy. Chứng kiến nhiều người dân chết vì ung thư, chúng tôi thực sự hoang mang".

Cũng theo phản ánh của người dân thì hoạt động xả thải của Công ty TOKO Việt Nam diễn ra chủ yếu vào ban đêm, kéo theo đó là những làn khói xanh, bụi dày đặc, nồng nặc bay vào trong làng. Cao điểm là vào khoảng 17giờ chiều và 6 giờ sáng.

Khi đó như một thói quen tự vệ, người dân trong làng phải cửa đóng then cài để tránh khí độc. Mùi khét khó chịu từ lò đốt khiến người dân trong thôn thường xuyên bị khó thở, cây cối, hoa màu không cho thu hoạch, người dân chết vì ung thư phổi và ung thư vòm họng, bị tổn hại đường hô hấp, viêm phế quản ngày một tăng.

Quá bức xúc trước tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng diễn ra trên địa bàn, người dân xã Tân Quang đã tiến hành nhiều cuộc họp bàn. Nhiều lá đơn kêu cứu với hàng trăm chữ ký của người dân đã được gửi tới cơ quan chức năng.

Trưởng thôn Chí Trung, ông Ngô Văn Mộc cho biết: "5 năm nay, từ khi Công ty TOKO Việt Nam mở rộng dây chuyền sản xuất, đã làm ảnh hưởng đến đời sống vật chất, tinh thần của chúng tôi. Nghiêm trọng hơn, cây cối, hoa màu bị ảnh hưởng, một số diện tích lúa cấy xong bị táp hết. Lượng khói than, hơi nóng đẩy vào trong thôn khiến hầu hết cây ăn quả đều không cho thu hoạch. Năm 2016 thôn có 12 người chết, trong đó có 8 người chết do ung thư vòm họng, ung thư phổi".

Ông Ngô Văn Sắc bức xúc chia sẻ về tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng.

Không giấu được bức xúc ông Ngô Văn Sắc chia sẻ: "Hơn lúc nào hết, bà con nhân dân chúng tôi rất mong mỏi chính quyền các cấp vào cuộc để có biện pháp xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm trên.

Tình trạng ô nhiễm kéo dài quá lâu khiến nhân dân chúng tôi phải đặt ra câu hỏi: có hay không ai đó chống lưng cho công ty TOKO Việt Nam hoạt động? Không chỉ có vậy, hàng loạt phương tiện chuyên chở quá khổ, quá tải của công ty TOKO Việt Nam hoạt động ngày đêm đang khiến con đường ĐH18 bị cày nát, ngày mưa thì nhếch nhác, bẩn thỉu, ngày nắng thì bụi bặm".

Cơ quan chức năng ở đâu?

Để trả lời câu hỏi trên của người dân, chúng tôi đã đến gặp ông Vương Đức Anh, Phó chủ tịch xã Tân Quang.

Ông Anh cho biết: "Trước tình trạng gây ô nhiễm của Công ty TOKO Việt Nam, chúng tôi đã tổng hợp tình hình và báo cáo cấp trên xử lý. Hiện tại, cán bộ và nhân dân chúng tôi rất tha thiết đề nghị cơ quan các cấp vào cuộc để xử lý tình trạng trên. Thực tế, Ủy ban xã đã nhiều lần phối hợp cơ quan, ban, ngành, thậm chí gọi cả Công ty TNHH TOKO Việt Nam lên để giải quyết và đền bù hoa màu cho người dân. Đại diện Công ty TNHH TOKO Việt Nam khẳng định khói lò của Công ty phát sinh trong quá trình sản xuất làm ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của nhân dân nằm ngoài ý muốn của công ty. Sau mỗi lần ảnh hưởng, Công ty đã cử cán bộ phối hợp cùng lãnh đạo thôn để đánh giá mức độ tới sản xuất nông nghiệp của nhân dân".

Trụ sở của Công ty TNHH TOKO Việt Nam.

Và thực tế, theo báo cáo số 90 ngày 24 tháng 5 năm 2017 của UBND huyện Văn Lâm do ông Nguyễn Bật Khánh, Chủ tịch UBND huyện ký cũng xác nhận: "Từ cuối năm 2015 đến tháng 4/2017, Công ty TNHH TOKO Việt Nam đã 7 lần phải hỗ trợ thiệt hại hoa màu, cây cối cho nhân dân tại 3 thôn (Chí Trung, Ngọc Đà và Bình Lương) của xã Tân Quang với tổng số tiền là 440.357.000 đồng do khói, bụi, nhiệt lò làm ảnh hưởng".

Ông Đặng Duy Sơn, Trưởng phòng TN&MT huyện Văn Lâm cho hay: "Vấn đề ô nhiễm khói thải ở thôn Chí Trung, Phòng đã nắm được. Chúng tôi đã tham mưu với Sở TN&MT, UBND tỉnh Hưng Yên để có phương án xử lý".

Thế nhưng, trong các báo cáo kết quả quan trắc môi trường của Công ty TNHH TOKO Việt Nam đến nay do phòng Phân tích chất lượng môi trường của Trung tâm Môi trường và khoáng sản, chi nhánh Công ty cổ phần đầu tư CM đánh giá phân tích, các thông số ô nhiễm đặc trưng đều đạt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải công nghiệp đối với bụi và các chất vô cơ. Vậy có một câu hỏi đặt ra ở đây, đó là "nếu Công ty TNHH TOKO Việt Nam không sai (không gây ô nhiễm môi trường) vậy tại sao lại phải đền bù.

Trong khi đó, theo tìm hiểu của chúng tôi, trả lời phỏng vấn của một số cơ quan báo chí, ông Nguyễn Hùng Anh, Tổng giám đốc Công ty TNHH TOKO Việt Nam đã khẳng định, việc vận hành của công ty đều có hệ thống xử lý khí thải trước khi xả ra môi trường.

Mọi kết quả quan trắc đều cho thấy các chỉ số đưa ra đều đạt quy chuẩn cho phép. Vậy không gây ô nhiễm sao Công ty lại phải đền bù số tiền hơn 400 triệu đồng cho người dân xã Tân Quang từ cuối năm 2015 đến nay (?). Mâu thuẫn này có lẽ chỉ có ông Tổng giám đốc mới trả lời được cho người dân biết.

Được biết ngày 5 tháng 5 năm 2017, Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Hưng Yên đã phối hợp với Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Văn Lâm tổ chức kiểm tra thực tế việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường của Công ty TNHH TOKO Việt Nam.

Hàng trăm lá đơn kêu cứu đã được gửi đi nhưng mọi việc vẫn "dậm chân tại chỗ".

Trong thông báo số 137 ngày 19-5-2017 của Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Hưng Yên do Phó Giám đốc Sở Trần Đăng Anh ký đã chỉ rõ: "Công ty đã thực hiện dự án nâng công suất sản xuất và kinh doanh gạch ốp lát cao cấp từ 2.000.000m2/năm lên 6.000.000m2/năm nhưng không thực hiện lập báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định".

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Hào, Chánh Văn phòng huyện Văn Lâm cho biết: "Trước vấn đề này, UBND huyện đã có báo cáo và Sở Tài nguyên môi trường của tỉnh đã tiếp tục thành lập đoàn thanh tra về vấn đề gây ô nhiễm môi trường của Công ty TNHH TOKO Việt Nam. Hiện vẫn trong quá trình thanh tra nên chúng tôi chưa có kết quả cụ thể".

Thiết nghĩ, đã đến lúc các cơ quan chức năng có thẩm quyền cần chung tay vào cuộc để sớm trả lại môi trường "sạch" cho hàng nghìn người dân nơi đây. Cần lắm một câu trả lời chính đáng của chính quyền mà đã từ lâu rồi người dân nơi đây hết sức mong chờ.

Phong Anh
.
.
.