Chuyện thật như đùa ở Hưng Yên:

Người dân "nhường nhà" cho gà, lợn ở

Thứ Năm, 28/09/2017, 10:45
Rất nhiều ngôi nhà to đẹp, khang trang của người dân nay trở thành chỗ nhốt lợn, gà, vịt và làm kho chứa thức ăn vật nuôi. Còn cả gia đình chăn màn, quần áo kéo nhau xuống chuồng lợn, chuồng gà để ở. Sở dĩ xảy ra chuyện lạ tại xã Quang Hưng, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên là vì tại đây, tình trạng bất cập trong công tác quản lý đất đai, xây dựng trên địa bàn chưa có hướng xử lý thấu đáo.

Người và gia súc "đổi nhà"

Xã Quang Hưng vốn là một xã thuần nông, cuộc sống khá bình yên, bà con chủ yếu làm nông nghiệp. Những hộ gia đình khá giả nổi lên dựa vào mô hình vườn ao chuồng. Tuy nhiên thời gian gần đây cuộc sống như đảo lộn tất cả sau khi họ nhận được Chỉ thị 02/CT-UBND ngày 26-3-2016 của UBND tỉnh Hưng Yên về việc sẽ phải tháo dỡ các công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp. 

Không còn cách nào khác, người dân đã “lách” chỉ thị này bằng cách đưa vật nuôi như: lợn, gà, vịt lên nuôi trong những ngôi nhà khang trang, kiên cố, có những ngôi nhà xây dựng ngót 1 tỷ đồng. Còn họ dắt díu nhau xuống chuồng trại xập xệ để sống qua ngày. Câu chuyện lợn gà được ở nhà cao tầng trở thành bi hài ở vùng quê vốn thanh bình này.

Lợn được các hộ dân tại đây đưa lên nhà để chăm nuôi.

Năm 2004, một số thôn của xã Quang Hưng có 50 hộ dân được phê duyệt dự án chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp ở vùng trũng sang làm theo mô hình vườn ao chuồng. Trong quyết định cũng có những tiêu chí hết sức cụ thể, người dân chỉ được làm nhà tạm trên diện tích đất chuyển đổi để trông nom, bảo vệ phù hợp với quy mô sản xuất và thời gian sử dụng đất của dự án được phê duyệt. Diện tích được phê duyệt để làm nhà tạm trông coi từ 10 đến 20 mét vuông tùy vào quy mô từng hộ. Tuy nhiên thời gian trôi qua, rất nhiều ngôi nhà kiên cố, vượt quá mức quy định mọc lên trên những diện tích đất được phê duyệt làm mô hình kinh tế vườn ao chuồng. 

Các hộ dân giải thích về việc này là do phê duyệt diện tích quá nhỏ để xây dựng nhà tạm. Họ cho rằng đó là bất cập ngay từ khi mới phê duyệt, bởi trong quá trình làm ăn, theo thời gian quy mô sản xuất phát triển, mở rộng. Mỗi hộ có lượng gia súc, gia cầm lên cả hàng nghìn con, diện tích cây lâu năm, rau củ quả hàng nghìn cây. Số tiền đầu tư cho chuồng trại, máy móc, thức ăn, giống má hàng tỷ đồng. 

Chính vì quy mô được mở rộng, nhu cầu lao động ngày càng lớn hơn, những ngôi nhà tạm từ 10 – 20m² là không đủ cho nhu cầu sinh sống để trông nom và chăm sóc cây trồng, vật nuôi. Tuy vậy, trong nhưng hộ được phê duyệt thì có tới 30 hộ không được phê duyệt theo chương trình trước đó cũng làm theo mô hình vườn ao chuồng.

Khi có Chỉ thị 02 của tỉnh Hưng Yên, rất nhiều hộ dân như ngồi trên đống lửa. “Chúng tôi rất hoang mang lo lắng khi nhận được thông báo này. Đa số các hộ ở đây đã đầu tư rất nhiều tiền vào chuồng trại, nếu không có cơ sở trông nom thì không biết sẽ thế nào. Rất nhiều người dân có nhà cách xa khu vực chuồng trại cả vài kilômét” – anh Quách Văn Tân (thôn Viên Quang) nói.

Vẫn biết xây dựng là sai nhưng người dân vẫn tha thiết muốn chính quyền các cấp có biện pháp để giảm thiệt hại cho bà con.

Trước tình hình đó, nhiều người dân đã đưa vật nuôi lên những ngôi nhà xây dựng kiên cố để chăm nom. Còn các thành viên trong gia đình dọn đồ đạc xuống ở tại nơi đã chăn nuôi trước kia. 

Anh Quách Văn Tân nhìn ngôi nhà mái Thái khá khang trang, nói: “Gia đình tôi đã đầu tư tất cả vào trang trại với diện tích trên 6.000 mét vuông nên cần chỗ cố định để cả gia đình yên tâm lao động, sản xuất vì nhà ở xa. Còn ngôi nhà này nữa, bao công sức mồ hôi nước mắt mới xây được, giờ lại phải phá đi”.

Anh Tân và những người dân ở đâu đều cho rằng, để xảy ra tình trạng trên là do thiếu hiểu biết, tuy nhiên chính quyền địa phương khi phát hiện người dân làm sai đã không kiên quyết xử lý đến cùng. Đây là nguyên nhân khiến người dân “dở khóc dở cười”. Có nhiều hộ gia đình xây nhà từ năm 2011 nhưng đến năm 2017 xã mới xuống lập biên bản vi phạm hành chính. 

“Chúng tôi đưa gà, lợn lên nhà nuôi là việc không hề mong muốn. Ở đây có khoảng 30 hộ đã lách quy định bằng việc đưa vật nuôi lên nhà, người nhà xuống chuồng trại để ở. Đây có lẽ là phương án để chúng tôi níu kéo việc tránh nhà mình sẽ bị phá dỡ” – anh Tân nói.

Anh Tân và gia đình đã dọn xuống nơi chứa thức ăn gia súc để ở.

Sẽ có phương án để tránh thiệt hại

Đa số các hộ dân tại đây đều thừa nhận việc xây dựng nhà kiên cố là sai, tuy nhiên tất cả đều mong muốn có biện pháp linh hoạt để người dân giảm thiệt hại. Anh Tân cho biết: “Tất cả chúng tôi biết việc xây dựng như thế là sai. Khi xây dựng, xã cũng xuống nhắc nhở, yêu cầu không xây dựng và đình chỉ. Tuy nhiên chúng tôi cũng muốn làm nơi để che mưa, che nắng, để tiện chăn nuôi sản xuất. Chúng tôi ở đây đều sẵn sàng chấp nhận việc tháo dỡ khi nhà nước yêu cầu lấy đất phục vụ các dự án xã hội. Thực sự bây giờ mà phá thì ảnh hưởng đến chúng tôi lắm. Chúng tôi chỉ mong muốn các cấp chính quyền có sự điều chỉnh quy định cho phù hợp với thực tiễn của địa phương. Tìm biện pháp hữu hiệu để tránh thiệt hại kinh tế cho bà con” – anh Tân chia sẻ.

Nói rồi anh Tân đưa chúng tôi vào nhà, ngôi nhà mái Thái bề thế, lộng lẫy được xây dựng cách đây 3 năm giờ dùng để nhốt lợn, gà và là kho chứa thức ăn cho vật nuôi. Cả gia đình anh Tân gồm 5 người đã dọn xuống chuồng lợn giống ngay bên cạnh để sinh sống. Theo quan sát của chúng tôi, ngay bên cạnh nhà anh Tân có đã có một số nhà bỏ hoang, không có người sinh sống. 

Thấy chúng tôi, anh Phạm Đình Biển bức xúc nói: “Tôi không hiểu tại sao họ lại cho nhà tôi vào diện giải phóng. Nhà tôi xây dựng phù hợp, không vượt quá 10m2 nhưng vẫn bị chính quyền yêu cầu phá dỡ. Bây giờ bà con ở đây tâm lý hoang mang lo lắng lắm, mong chính quyền có biện pháp gì giúp bà con đỡ thiệt hại”.

Ngôi nhà khang trang được lát gạch đá hoa rất đẹp cũng được thả lợn.

Trước những vấn đề có liên quan đến những hộ dân tại xã Quang Hưng, đại diện của lãnh đạo huyện Phù Cừ cho hay, từ khi có chỉ thị của tỉnh, huyện đã ban hành 7 văn bản chỉ đạo xử lý các trường hợp vi phạm trên đất nông nghiệp. Theo thống kê, địa bàn huyện có tới 967 hộ vi phạm, đã xử lý được 84/95 trường hợp sau khi có chỉ thị. Đây là tỉnh chỉ đạo nên tất đều phải vào cuộc chứ không riêng gì huyện Phù Cừ. 

Tinh thần của huyện là phải quyết liệt xử lý, UBND huyện đã phân công công việc rõ ràng nhiệm vụ cho cán bộ chuyên môn và xuống tận nơi rà soát các công trình vi phạm. Bên cạnh đó, thành lập 3 đoàn công tác cùng các ban ngành xuống cơ sở, tập trung xem xét 95 hộ theo chỉ thị. 

Theo tiết lộ của vị lãnh đạo này, sau khi huyện vào cuộc kiểm tra đã tiến hành kỷ luật 4 lãnh đạo thuộc hai xã Quang Hưng và Minh Tân với hình thức cảnh cáo vì đã buông lỏng quản lý, thiếu tinh thần kiểm tra, đôn đốc trong vấn đề này. 

Lãnh đạo huyện Phù Cừ nhận định, huyện đã thực hiện xử lý các hộ vi phạm chậm so với quy định của tỉnh. Đến hết ngày 30-9, chưa xử lý xong, huyện sẽ thành lập tổ tư vấn hướng dẫn, thông qua các quy định chung để tiến hành cưỡng chế các trường hợp vi phạm. 

Còn về vấn đề người dân đưa gia súc, gia cầm lên nhà ở để chăn nuôi, người thì xuống chuồng trại chăn nuôi để ở, UBND huyện cho rằng, khi vào kiểm tra bằng trực quan cũng có thể thấy được vi phạm. Huyện đã cử người xuống địa bàn nắm từng trường hợp cụ thể. Nếu sai phạm chiểu theo Chỉ thị 02 thì phải tháo dỡ. Còn trước chỉ thị, có nhiều quy định khác nhau về việc được phép xây dựng trong phạm vi có thời điểm là 10m² hoặc lớn hơn nữa tùy theo quy mô họ đã có trong quy định. 

Phương án giải quyết để tránh thiệt hại, lãng phí cũng như mất trật tự an ninh trên địa bàn, tỉnh Hưng Yên đã có phương án. “Kiên quyết không để tồn tại công trình vi phạm trên đất nông nghiệp. Sẽ có phương án nhìn nhận thấu đáo những mô hình lớn, làm ăn hiệu quả để đưa vào hợp tác xã chăn nuôi hoặc hợp tác xã thủy sản”. 

Ngày 16-3-2016, UBND tỉnh Hưng Yên ban hành Chỉ thị số 02/CT-UBND về việc tăng cường quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh. Một năm sau, ngày 31-3-2017, UBND tỉnh Hưng Yên ban hành Kế hoạch số 93A/KH-UBND đề ra một số chủ trương, giải pháp thực hiện. Cụ thể như, nghiêm cấm việc tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, đặc biệt là đất trồng lúa chuyển sang mục đích khác khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép; không được tự ý đào, đắp, xây dựng nhà ở và các công trình trên đất nông nghiệp trái quy định của pháp luật hoặc làm ảnh hưởng đến lớp đất canh tác và biến dạng mặt đất. Phải kiên quyết tháo dỡ những công trình xây dựng trái phép trên đất trồng lúa, đất chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhất là vi phạm hành lang bảo vệ các công trình giao thông, thủy lợi, đường điện...

Quang Anh – Ngọc Anh
.
.
.