Người đàn ông hơn 20 năm nuôi trẻ bị bỏ rơi

Thứ Tư, 01/10/2014, 15:00

Từng là một cán bộ Công an giỏi của Công an Thái Bình, vì lý do sức khoẻ, ông xin về mất sức khi mới ngoài 40 tuổi. Những tưởng ông sẽ yên tâm nghỉ ngơi, tận hưởng tuổi già, nhưng ngược lại, ông lao vào làm việc, kiếm tiền để nuôi nấng, dạy dỗ những đứa trẻ lang thang bị bỏ rơi mà ông bảo cái duyên, cái số đã đưa ông đến với chúng. Có những đứa trẻ khi bị bỏ rơi tưởng rằng sẽ chẳng thể qua khỏi bởi ốm đau, bệnh tật hiểm nghèo, nhưng nghĩa cử cao đẹp ấy của ông, những đứa trẻ như đã được sinh ra một lần nữa, biết được những điều thiện, sự yêu thương bởi sự quan tâm, tận tình chăm sóc của người cha già…

Xin nghỉ hưu sớm về… nuôi trẻ

Dù chỉ mới ngoài 60 nhưng nhìn khuôn mặt, thần thái của ông Phí Văn Tinh (trú tại phường Trần Lãm, thành phố Thái Bình) già hơn cái tuổi của mình. Có lẽ cuộc đời ông là những chuỗi ngày lăn lộn kiếm sống để nuôi đàn con nhỏ vốn chỉ là những đứa trẻ bị bỏ rơi mà ông yêu quý hơn cả con đẻ của mình. Nhìn khu nhà nơi cả đại gia đình ông sinh sống và làm việc, chúng tôi không khỏi cảm phục bởi những dãy nhà tuy nhỏ nhưng rất gọn gàng, sạch đẹp, xen lẫn là hồ nước, khuôn viên thoáng mát được ông xây dựng làm nơi vui chơi cho các con.

Từ khi đưa những đứa bé về nuôi dưỡng, một tay ông Tinh bươn chải, tạo dựng được cơ ngơi này mà không cần nhờ đến bất cứ sự trợ giúp của ai. Mọi người ở phường Trần Lãm vẫn thường trêu đùa ông rằng, những đứa trẻ được ông nhận về nuôi chẳng khác gì con đại gia, khi vẫn thường được ông đưa đi chơi siêu thị, hay nghỉ mát bằng ôtô riêng, đi học đã có người chỉ chuyên đưa đón, ăn uống dọn dẹp cũng có người giúp việc, dạy học cũng có người kèm cặp riêng.

Ông kể, sau khi đi bộ đội về, ông theo học tại Trường Trung cấp An ninh 1 (nay là Cao đẳng An ninh 1). Ra trường, ông về công tác tại Phòng PA17 Công an tỉnh Thái Bình và trở thành Đội trưởng khi mới tròn 24 tuổi. Năm 1990, khi công tác tại Hưng Yên, ông gặp một cậu bé khoảng 10-11 tuổi, rách rưới, bẩn thỉu, đang lang thang nhặt những khẩu mía thừa người ta vất xuống đường để ăn. Thương tình, ông đưa về nhà tắm rửa sạch sẽ cho cậu bé và cho cái ăn. Khi ấy, gia đình ông Tinh còn có một xưởng dệt thảm do cha ông làm quản lý nên đã để cậu bé về phụ giúp tại xưởng và coi cậu như con đẻ của mình. Sau lần đó, ông còn nhận nuôi thêm hai đứa trẻ lang thang cơ nhỡ nữa.

Ông Phí Văn Tinh (ngoài cùng bên trái) đưa các con đi nghỉ mát.

Chỉ 1 năm sau, khi mới ngoài 40, đang có được những thành tích xuất sắc trong lực lượng Công an nhân dân thì ông lại xin nghỉ mất sức vì lý do sức khoẻ khiến nhiều người không khỏi bất ngờ. Cha ông khi ấy nguyên là Cục phó Cục Bảo vệ an ninh kinh tế đã không tiếc lời mắng mỏ cậu con trai mà ông cụ đặt trọn niềm tin sẽ nối tiếp con đường binh nghiệp của mình. Đặc biệt khi biết ông xin nghỉ vì những đứa trẻ lang thang mà ông gặp được trong những chuyến đi công tác lúc còn làm việc tại PA17, nhiều người không khỏi ái ngại.

Làm việc ngày đêm để kiếm tiền nuôi những đứa trẻ bị bỏ rơi, ông Tinh không còn thời gian để chăm sóc gia đình riêng và vì một vài lý do mà vợ chồng chia tay nhau. Ba người con trai ruột của ông đều đã khôn lớn và lập gia đình, nên mọi tình yêu thương ông đều dành trọn cho những đứa con nhỏ. Chả thế mà từ đứa nhỏ đến đứa lớn đều âu yếm gọi ông là bố, chúng tranh nhau đòi ngủ với ông. Chỉ đi đâu 1 - 2 ngày là chúng đã khóc lóc đòi ông về. Chẳng thế mà mọi người trong gia đình ông vẫn thường trêu ông yêu thương bọn trẻ con còn hơn con đẻ của mình.

Tấm lòng của một người lính

Năm 1993, ông Tinh xin phép tỉnh đổi tên cái tổ ấm tình thương ấy thành Trung tâm Nuôi dạy và tạo việc làm cho trẻ lang thang cơ nhỡ, đồng thời xin chính quyền địa phương mua một mảnh đất hoang ở xã Trần Lãm để làm Trung tâm nuôi dạy các con. Để có tiền nuôi bọn trẻ, ông Tinh đã làm đủ mọi nghề để kiếm sống. Số tiền thu được cũng giúp ông tạm đủ trang trải việc ăn học cho lũ trẻ. Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang khi năm 1996, cơn bão số 7 đổ bộ vào tỉnh đã phá tan xưởng sản xuất và mái ấm của bọn trẻ. Khó khăn chồng chất khó khăn, ông phải bán đi 7.000m2 đất lấy tiền trang trải cuộc sống cho cả đại gia đình. Năm 2003, ông Tinh đã thành lập Công ty Bảo vệ để kiếm thêm thu nhập.

Các bạn tình nguyện viên đến tổ chức trung thu cho các con nuôi của ông Phí Văn Tinh.

Mỗi tháng tính chi tiêu tiền công và lo lắng cuộc sống cho các con, ông Tinh phải bỏ ngót nghét gần 20 triệu đồng. Cứ hàng tuần, ông Tinh lại đưa các con đi siêu thị một lần để sắm sửa đồ dùng, kẹo bánh cũng như thức ăn cho các con. Nhiều người còn bảo ông chiều con quá, chúng sẽ sinh hư, nhưng với ông, được chăm sóc các con, đưa các con đi học, dạy dỗ chúng là niềm vui, niềm hạnh phúc lớn nhất. Có lần có người từ xa tới mang rất nhiều tiền đến và đề nghị ông cho nhận một bé làm con nuôi, nhưng ông dứt khoát không đồng ý. Ông bảo, người bố mà cho con đi thì là người bố thiếu đạo đức. Dù có rất nhiều cá nhân mang tiền đến cho bọn trẻ nhưng ông không nhận bởi ông đã xác định đưa bọn trẻ về nuôi thì sẽ tự kiếm tiền nuôi chúng. Ông coi chúng như con đẻ của mình, vì thế mà về sau, ông bỏ cái tên Trung tâm Nuôi dạy và tạo việc làm cho trẻ lang thang cơ nhỡ, để nơi này thực sự là tổ ấm, là gia đình của bọn trẻ.

Điều kì lạ là dù những đứa trẻ trước khi về với ông đều ốm đau, bệnh tật, có đứa tưởng chừng không qua khỏi nhưng dưới sự chăm sóc tận tình của ông, chúng đều lớn nhanh và khoẻ mạnh. Gần 10 năm trôi qua, nhưng các bác sĩ ở Bệnh viện Việt Nam - Bun-ga-ri (Thái Bình) vẫn nhắc mãi câu chuyện về tấm lòng nhân hậu của ông khi năm 2003, ông Tinh nhận được điện thoại của một bác sĩ bệnh viện gọi đến thông báo về trường hợp một trẻ sơ sinh bị bỏ rơi. Rời máy điện thoại, ông vội vàng lao ngay đến bệnh viện để đón bé về nuôi và đặt tên bé là Phí Hoàng Vân Anh... Vì đẻ thiếu tháng, chỉ nặng 1,7kg, ai cũng nghĩ rằng, bé khó có thể qua khỏi, vậy mà 10 năm sau, cô bé Vân Anh trở thành niềm tự hào của ông khi năm học nào cũng đạt danh hiệu học sinh giỏi xuất sắc.

Trường hợp của cậu bé Phí Hoàng Tuấn Anh cũng quả là kì tích, bởi khi bé bị bỏ rơi trước cổng nhà ông, bé bị bệnh bại não. Tưởng rằng, em sẽ không qua được, thế nhưng, năm nay 6 tuổi, Tuấn Anh đã có thể đi lại, chạy nhảy như một đứa trẻ bình thường, cũng đã nhận thức được mọi việc xung quanh, trong khi hàng xóm có một cậu bé bằng tuổi, cũng bị bệnh giống hệt Tuấn Anh nhưng vẫn đặt đâu nằm đấy, không nói, không đi lại được.

Khuôn viên sạch sẽ thoáng mát của đại gia đình ông Phí Văn Tinh.

Trường hợp của em Dương Thị Thuỳ lại khác. Thuỳ có gia đình, người thân, nhưng vì bị lạc ở bến phà Tân Đệ nên được ông Tinh đưa về nhà nuôi nấng. Lúc ấy, Thuỳ bị viêm da, khắp người lở loét, mùi tanh nồng nặc, ông Tinh đã đưa em đi chữa trị ròng rã 2 tháng trời, thì Thuỳ hoàn toàn khỏi bệnh. Về sau, khi nhắc đến bố mẹ, Thuỳ khóc nức nở và nhớ được địa chỉ nhà của mình. Lúc ông Tinh đưa em về đến đầu làng, cả làng đều ngạc nhiên không thể nhận ra cô bé Thuỳ lở loét ngày nào, bố mẹ em mừng đến phát khóc bởi ở nhà nghĩ rằng em đã chết nên đã lập bàn thờ thờ con. Cô bé Thuỳ giờ đã khôn lớn nhưng vẫn xin trở lại làm bảo mẫu để tiếp tục được chăm sóc những đứa trẻ có hoàn cảnh bất hạnh.

Không chỉ chăm sóc các con chu đáo, ông Tinh còn hướng nghiệp cho các con khi trưởng thành. Có lần, ông đưa các con vào Nam mấy tháng trời để sắp xếp chỗ ăn ở rồi xin việc cho các con tại các công ty may, khu công nghiệp… Mỗi năm một lần, ông lại bay vào Nam để thăm nom, kiểm tra công việc của các con. Giờ đây các con ông đều đã khôn lớn, có đứa đã lập gia đình, có đứa đã ra ở riêng, nhưng chúng vẫn tìm về thăm ông. Vì cuộc sống của chúng đều khó khăn, vất vả, nên mỗi lần về thăm ông, ông lại cho tiền chúng nó. Đứa nào thiếu tiền, ốm đau, chỉ cần gọi điện là ông lại tất tả lái xe đi gửi tiền, gửi quà. 

Mái ấm của ông hiện nay có 14 cháu nhỏ. Chúng là nguồn động viên lớn nhất của ông khi tuổi đã xế chiều. Đôi khi bọn trẻ cứ thắc mắc hỏi ông rằng, mẹ đâu, sao chúng con có bố mà không có mẹ khiến ông không khỏi chạnh lòng. Nhưng ông bảo, ông chẳng còn thời gian mà nghĩ đến chuyện đó, bởi công việc và những đứa con đã chiếm hết quỹ thời gian ít ỏi của ông. Với ông, các con mới là điều quan trọng

Lê Phong - Ngọc Trâm
.
.
.