Người đàn ông mê chim cô độc giữa rừng

Thứ Hai, 08/04/2013, 16:37

Suốt 50 năm cuộc đời, chỉ một lần duy nhất ông ra tới thành phố Bến Tre. Và cả tuổi trẻ, sức khỏe cùng bao ước mơ hoài bão ông gắn chặt trong "vương quốc" của muông thú, làm "thần hộ mệnh" canh giấc ngủ cho trăn, rắn, chồn cáo… góp phần quyết định sự tồn vong của vườn chim Vàm Hồ.

Ở nơi ấy, trong căn chòi lá rỗng tuếch, gió thổi tứ bề, không điện, không nước cho đến tận hôm nay, ông vẫn hài lòng vì tình yêu với cánh rừng và những loài động vật.

"Cứu tinh" của muôn thú

Con đường nhựa chạy dài qua hàng chục cây cầu, hàng chục con kênh, qua những vạt lúa vàng ươm đang chờ người gặt, chúng tôi không khó để tìm về vườn chim Vàm Hồ (xã Tân Mỹ - Ba Tri - Bến Tre). Một không gian xanh mênh mông của dừa, của bạch đàn và những cây rừng cộng hưởng cho vùng đất Tân Mỹ một khí hậu trong lành, mát mẻ mà nhiều nơi thèm muốn.

Không hẹn mà gặp, chúng tôi tận mắt chứng kiến cảnh Chủ tịch xã Tân Mỹ Nguyễn Quang Thu quần xắn ngang đầu gối, mồ hôi mồ kê nhễ nhại đi kiểm tra ống thoát nước trong vườn chim. "Bây giờ đang là giai đoạn chớm mùa khô nên vấn đề về phòng cháy rừng được đưa lên hàng đầu. Hai cái cống thoát nước bị hư hỏng cả rồi, phải nhanh chóng sửa chữa để đảm bảo nguồn nước một khi xảy ra cháy rừng"- ông Thu cho biết.

Ông chủ tịch xã chỉ về phía người đối diện giới thiệu ông Nguyễn Trọng Duyên là Đội trưởng đội bảo vệ vườn chim Vàm Hồ, và cũng là người duy nhất hiểu rõ, biết rõ về tất cả những gì thuộc về khu rừng này bởi từ khi khu rừng bắt đầu được đặt tên thì ông Duyên đã có mặt. Từ đây, những giai thoại về muông thú Vàm Hồ và về chính người bảo vệ nó gây sự chú ý đặc biệt với tôi.

Năm 1986, vườn chim bắt đầu được xác nhận danh phận và chịu sự quản lý của Nông trường Dừa Quyết Thắng (đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng). Khi ấy, Nguyễn Trọng Duyên là bộ đội trong biên chế của nông trường, được đơn vị phân công coi giữ vườn chim. Cuộc đời ông mặc nhiên gắn với rừng và từ bao giờ không biết, ông đã yêu những chú chim, cò và cả loài động vật sống quần cư trong khu rừng Vàm Hồ. Ông được mệnh danh là khắc tinh của những kẻ săn bắt chim cò. Diện tích rừng rộng lớn như vậy nhưng một khi có dấu hiệu của sự xâm phạm, ông biết liền. Ông chỉ cần một phút lắng nghe tiếng kêu cứu của chim ở hướng nào, tới đó, "thủ phạm" chưa kịp hành động đã bị ông chặn lại. Ông Chủ tịch xã trích vội một dòng nhận xét như trên về người bảo vệ vườn chim. 

Năm 2001, vườn chim Vàm Hồ thuộc sự quản lý của UBND xã Tân Mỹ, những người bảo vệ cũng lần lượt chuyển công việc duy chỉ còn mình ông Duyên ở lại. Sau đó xã tuyển thêm hai bảo vệ nữa cùng ông Duyên tiếp tục chăm sóc bảo tồn vườn chim.

Chim quen hình dáng, thấy ông, chúng thong thả sải cánh ngủ ngon lành. Những con chồn, con trăn ngửi thấy mùi mồ hôi của người bảo vệ, chúng yên tâm kiếm ăn. Ông Duyên kể: "Có lần tôi đang đi tuần ở lối mòn trong vườn bỗng nghe tiếng thở phì phò như tiếng người ta ngủ ngáy,  nhìn ngay trước mặt thấy con trăn to bằng cây cột nhà nằm sải mình chắn ngang lối đường mòn. Biết nó đang nghỉ, tôi đành quay lại ra đường khác. Lần khác thấy con hổ mang đang bạnh cổ ra đớp mồi, tôi giật mình, tóc gáy rợn lên nhưng thấy nó không để ý gì tới mình thì yên tâm".

Chúng tôi hỏi ông Duyên có biết bài thuốc chữa rắn độc cắn nào không? Ông bảo, không biết bài nào cả nhưng chưa bao giờ ông có cảm giác lo sợ rắn độc tấn công. Bao nhiêu năm rồi, trong khu rừng này, ông đã quen mặt từng con rắn, biết rõ từng con cầy đà, con chồn nó như thế nào. Chúng thường sống ở đâu, ăn thức ăn gì và cả sự sinh sản. Ông Duyên có thể đếm trên đầu ngón tay từng thể loại các loại động vật được bởi sự sinh sản ở đây diễn ra rất chậm.

Các loài chim cò ông Duyên ước chừng vào mùa về tổ của chúng khoảng ba đến bốn ngàn con. Số lượng này có thể tăng lên giảm xuống mỗi năm do sự sinh sản không đều đặn. "Nếu như lòng  tham, sự thèm muốn của con người không nhằm vào chúng thì cả hệ sinh thái vườn chim Vàm Hồ này sẽ  đông đúc đến mức nào. Nhiều vụ săn bắn đã bị chúng tôi phát hiện xử lý nhưng chưa bao giờ những chú chim ở đây được sống bình yên. Hằng đêm, chúng vẫn bị con người rình mò, bắn giết". Ông Duyên kể.

"Bẫy" chim  về rừng

Ông không bao giờ nhìn thẳng vào mắt chúng tôi kể cả khi đang nói chuyện đối diện, ông ngồi méo người lại, lưng hơi gù, hai tay mân mê mặt bàn và đầu cúi gằm xuống. Tất cả những gì liên quan đến xã hội, văn hóa đời sống ông không hề tham gia góp chuyện nhưng khi hỏi về vườn chim này dù là việc lớn hay việc nhỏ, ông kể như đã học thuộc lòng nhuần nhuyễn lắm rồi.

Đã có thời gian dài đến ba năm, khi vườn chim Vàm Hồ bắt tay hợp tác du lịch, mở cửa cho khách vào tham quan thì vườn chim không có lấy một con bay về. Nguyên nhân do con người vào đánh động cuộc sống của chúng, thậm chí tàn sát chúng nên chim sợ kéo nhau chạy trốn hết. Đến lúc này, những người có tâm huyết với vườn chim mới thảng thốt, cho dừng ngay việc du lịch. Tổ bảo vệ của ông Duyên được phân công khôi phục và tìm cách "dụ dỗ" chim về. Ông Duyên không biết phải làm sao, ông cứ đi vòng quanh khu rừng, không gian vắng bặt tiếng chim trời mới đáng sợ làm sao. Suốt đêm, ông thao thức, trăn trở cố gắng lắng nghe một thứ âm thanh nào đó nhưng chủ đạo vẫn chỉ có tiếng muỗi và côn trùng rỉ rả đến tê tái.

Ông dậy thật sớm, khi mặt trời chưa lên, chạy vút ra ngoài bìa sông Ba Lai, có khi ông đứng im lặng một chỗ, nhìn lên trời cả buổi để đón dù chỉ một cánh chim. Khi thấy được cánh cò trắng bay lả trên bầu trời nhưng chúng không đậu xuống Vàm Hồ mà bay thẳng đi. Nỗi buồn nặng nề, u ám như cơn dông phía cuối trời. Còn một số cánh cò "dũng cảm" ở lại vườn chim, ông Duyên nảy ra ý định táo bạo. Ông tập hợp những con cò lại rồi cắt cánh của chúng để lên ngọn cây nhằm nhử đồng loại đến.

Những ngày đầu, cò cắt cánh không thể bay được nên cứ đứng trên ngọn cây kêu thê thảm, đồng loại của chúng bay qua bay lại và thấy ở đây vẫn có "bạn" mình ở chúng liền đáp xuống. Lúc đầu thì vài con sau vài chục con và cứ thế, mỗi ngày, tiếng cò kêu không còn đơn độc nữa, âm thanh đã hòa tấu lên thành một bản nhạc tiếng cò náo loạn khu rừng Vàm Hồ. Lúc này, không cần bẫy nữa, chim, cò tự động kéo nhau về làm tổ trú ngụ và đẻ trứng. Niềm vui đã quay trở lại, ông Duyên như người trẻ ra mấy tuổi, hạnh phúc với vườn cò phần nào làm xoa dịu trái tim đang rỉ máu của ông.

"Những người bạn" trong căn chòi giữa rừng cùng ông Duyên.

Thế nhưng niềm vui chưa kịp hưởng thì cơn bão số 9 năm 2006 đổ bộ vào Bến Tre. Sức gió như hung thần quật đổ tất cả những gì nó đi qua làm 16 người thiệt mạng. Vườn chim Vàm Hồ sau một đêm giông gió mù trời, sáng ra, cảnh tượng hoang tàn đến khủng khiếp. Cây cối chen chúc nhau đổ rạp xuống, cành to cành nhỏ đều rách toác, lá rụng tơi bời còn bê bết nhựa non. Những chú chim xấu số nằm co quắp, máu đỏ lấm tấm khắp nơi. Số chim may mắn hơn thì rụt rè không dám đậu, tiếng kêu đồng loại lẩn trong sự sợ hãi nghe đến xót lòng. Muốn chim quay về phải nhanh chóng thu dọn "bãi chiến trường". Tổ bảo vệ của ông Duyên lại những đêm thức trắng, những ngày dầm mình giữa rừng dọn cây, trồng mới mất vài tháng trời. 

"Người hùng" cô độc giữa rừng

Sống ở rừng quen mùi rừng, dần dần, ông không muốn ra ngoài nữa. Cứ nghĩ đến cảnh trống vắng, nhộn nhịp ngoài xã hội, ông lại ngao ngán. Ngồi nghĩ mãi ông Duyên cũng nhớ chính xác có một lần duy nhất ra tới thành phố Bến Tre. Ông Duyên bảo, ở đây quen rồi, nghe tiếng chim suốt nên hễ đi xa là thấy nhớ. Đêm ông nào có ngủ được tròn giấc, có khi giật mình thức dậy mấy lần và mỗi lần như thế, ông lại vùng khỏi màn, cầm đèn pin le lói đi vào rừng kiểm tra xem chim có ngủ yên giấc không.

Trong căn chòi lá nằm cô quạnh giữa cánh rừng bạt ngàn, màn đêm kéo về sớm hơn bên ngoài. Gia tài có giá trị nhất là chiếc ti vi trắng đen thì đã hỏng giờ chỉ con cái radio từ thời Liên Xô cũ ông Duyên dùng nghe thời sự và ca nhạc. Có lẽ cũng chính vì thế mà hơn nửa cuộc đời chưa bao giờ người ta "gõ cửa" trái tim ông để hỏi ông muốn gì, cần gì và đang suy nghĩ gì. Cho đến một ngày, chúng tôi có thể là những vị khách đầu tiên mạnh dạn "lún sâu" vào trái tim của một người đàn ông đang ngập tràn đớn đau, tủi hổ. Một tâm hồn hơn nửa cuộc đời khép kín để rồi những tổn thương, mất mát và cả hạnh phúc nhỏ nhoi có lẽ chỉ có cỏ cây, chim rừng thấu hiểu.

Cách đây 5 năm, ông đã từng có một người vợ, họ có với nhau ba đứa con. Tình nghĩa vợ chồng bao nhiêu năm có lẽ không đủ lớn bằng sức chịu đựng của người phụ nữ có chồng suốt ngày sống trong rừng. Thế nên, người vợ ấy đã rũ áo ra đi để lại ba đứa con cho ông.

Nỗi đau ập đến đột ngột khiến người đàn ông lâm vào cảnh chơi vơi, hụt hẫng, hạnh phúc tưởng chừng yên ả bên mái nhà lá cùng những đứa con ngoan đã từng có trong suốt 20 năm chồng vợ của ông tan vỡ.

Vàm Hồ muôn vật!

Toàn bộ diện tích vườn chim Vàm Hồ rộng khoảng 68ha, một nửa số đó đang quy hoạch cho dự án phát triển du lịch sinh thái. Còn hơn 30ha vẫn là khu rừng gần như là nguyên vẹn. Trong rừng quần cư khoảng 84 loài thuộc 35 họ và 12 bộ trong đó cò quắm, cò ruồi, cò trắng, vạc chiếm tỷ lệ đông hơn cả. Thú hoang có chồn đèn, chồn cáo, quạ... Bò sát có rắn hổ mang, trăn, kỳ đà...

Chủ tịch UBND xã Tân Mỹ Nguyễn Quang Thu:  Không thể tìm được người thứ hai

"Vườn chim Vàm Hồ là một đặc ân của thiên nhiên ban tặng cho xã Tân Mỹ nói riêng và Bến Tre nói chung. Việc giữ gìn bảo bệ và phát triển vườn chim không riêng gì chính quyền địa phương mà cần đến sự chung tay góp sức cũng như ý thức trách nhiệm của toàn nhân dân. Chúng tôi đánh giá rất cao tinh thần trách nhiệm của anh Duyên và hai bảo vệ ở đây. Tuy cuộc sống khó khăn, thiếu thốn và cả sự hiểm nguy nhưng các anh vẫn quyết tâm bám trụ để bảo vệ chim rừng. Thật sự, bây giờ để tìm được những con người hết lòng vì vườn chim như anh Duyên là rất khó, thậm chí không có. Rất nhiều người đã từng đến rồi lặng lẽ bỏ đi khi không thể trụ nổi với cuộc sống và đồng lương chỉ có hơn 1 triệu đồng/tháng".

Ngọc Thiện
.
.
.