Người giữ ngôi “chủ tế”

Thứ Tư, 24/12/2014, 14:23
Ngọc phả đền Đồng Cổ (xã Yên Trung, huyện Yên Định, Thanh Hóa) chép lại, đền do vua Lý Thánh Tông cho xây cất để tạ ơn vị thần đã báo mộng cho ngài kế chinh phạt Chiêm Thành. Với làng nghề đúc đồng xứ Thanh, nghi thức "chập lò" tế cáo thần linh trước mỗi mẻ đúc quan trọng, là thủ tục bắt buộc. Hàm chứa ở từng sản phẩm là yếu tố tâm linh đan xen với hiện thực. Người luôn khăn xếp, áo the giữ ngôi chủ tế là ông Hồ Quang Sơn - Chủ tịch Liên chi hội Di sản văn hóa Lam Kinh; Chủ tịch Hội Cổ vật Thanh Hoa. Ông khá nổi tiếng ở xứ Thanh bởi câu chuyện kỳ lạ về hành trình tái tạo lại kỹ thuật đúc trống đồng thủ công từ hàng ngàn năm về trước.

Ngọc phả đền Đồng Cổ (xã Yên Trung, huyện Yên Định, Thanh Hóa) chép lại, đền do vua Lý Thánh Tông cho xây cất để tạ ơn vị thần đã báo mộng cho ngài kế chinh phạt Chiêm Thành. Với làng nghề đúc đồng xứ Thanh, nghi thức "chập lò" tế cáo thần linh trước mỗi mẻ đúc quan trọng, là thủ tục bắt buộc. Hàm chứa ở từng sản phẩm là yếu tố tâm linh đan xen với hiện thực. Người luôn khăn xếp, áo the giữ ngôi chủ tế là ông Hồ Quang Sơn - Chủ tịch Liên chi hội Di sản văn hóa Lam Kinh; Chủ tịch Hội Cổ vật Thanh Hoa. Ông khá nổi tiếng ở xứ Thanh bởi câu chuyện kỳ lạ về hành trình tái tạo lại kỹ thuật đúc trống đồng thủ công từ hàng ngàn năm về trước.

Vào nghề bởi một chữ "duyên"

Một lần về đền Đồng Cổ dự lễ "chập lò" cho mẻ đúc trống đồng dâng tiến các Vua Hùng, tôi ấn tượng mãi bài chúc văn tế cáo thần Đồng do ông Hồ Quang Sơn tấu trình. Trong không gian đậm đặc hương trầm, bô lão, trai tráng làng nghề quỳ phía sau cùng rập đầu theo tiếng chiêng linh thiêng. Tế xong, lửa được rước trong đền ra khoảng sân rộng trước đền, ông Sơn tự tay châm bếp. Ngọn lửa bén vào chất dẫn bùng lên trong khối than đá. Những chiếc quạt chuyên dụng liên tục thốc gió vào lò than đỏ rực. Trong chiếc nồi đặc dụng trên bếp, những miếng đồng nguyên liệu từ từ nhũn nhão rồi nóng chảy thành thứ chất lỏng ngàn độ. Tạp chất nổi lên bề mặt, trấu được rắc vào để tạo mặt váng dễ hớt gạn.

Đồng sôi, các trai tráng thận trọng nâng nồi đổ dòng đồng chảy vào những chiếc khuôn đất được đắp kỳ công. Nét căng thẳng, tập trung cao độ hằn lên những khuôn mặt nhễ nhại mồ hôi của những nghệ nhân làng đúc đồng xứ Thanh. Cạnh đó, ông Sơn nhắm mắt chắp tay nghiêm bái trước ngực, luôn miệng lầm rầm cầu khấn thần linh. Sau nửa giờ, tốp thợ phá khuôn, chiếc trống đồng đã ra lò.

Ông Hồ Quang Sơn tại buổi trao tặng 100 chiếc trống đồng cho Thủ đô Hà Nội nhân dịp Đại lễ Nghìn năm.

Sau buổi đúc, ông Sơn kể với tôi về hành trình đi tìm lại kỹ thuật đúc trống đồng bằng tay đã thất truyền từ ngàn đời nay. Ông nói: "Trống đồng là biểu trưng văn hiến Việt Nam. Qua hàng ngàn năm chôn vùi trong đất, những tang trống, mặt trống xưa đã mục nát. Vì tiền nhân đúc trống bằng khuôn đất nên không còn lưu lại bất kỳ dấu tích gì. Trải qua thời gian, kỹ thuật đúc trống thủ công thất truyền hoàn toàn. Loại trống làm bằng phương pháp gò, hàn, đánh bóng công nghiệp chỉ tạo hình giống trống cổ, khi gõ không ra tiếng trống. Trong khi đó, trống đồng là một loại nhạc khí hiệu lệnh cho ba quân xung trận thuở dựng nước. Bản thân tôi vốn là một kiến trúc sư, hoàn toàn xa lạ với chuyên môn về văn hóa, di sản, càng không hiểu gì về nghề đúc đồng. Vậy mà cơ duyên đã dẫn tôi đến với nghề này. Tôi luôn có cảm giác như được tiền nhân ủy thác, lựa chọn để gánh vác trách nhiệm với cội nguồn. Cũng vì điều này mà nhiều lần tôi đã phải cắm nhà, bán đất để có lộ phí lang thang tứ xứ tìm cách phục dựng lại những kỹ thuật đúc trống đồng thủ công truyền thống".

Ông sinh năm 1951 tại vùng cửa biển Tĩnh Gia, Thanh Hóa. Những năm Mỹ leo thang chiến tranh phá hoại, ông Sơn cùng gia đình sơ tán về vùng núi Ngọc Lặc, Thanh Hóa. Đây là vùng đất của đồ gia dụng bằng đồng. Sống giữa những trống, kiếm giáo, mâm bát đồng của người Thượng, nhưng vì "duyên chưa đến" nên ông Sơn chẳng mấy quan tâm. Năm 1968, ông vào bộ đội, một năm sau thì giải ngũ do bị thương. Ông theo học Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội, ra trường ông về công tác ở nhiều cơ quan. Điểm dừng chân cuối cùng trước khi đến với nghề sưu tầm cổ vật là Ty Thương nghiệp Thanh Hóa.

Ông kể: "Năm 1977, một lần tôi về quê Lạch Bạng, thấy người ta xúm xít vào xem một số bát đĩa, chum sứ cổ đã vỡ nát, sứt mẻ vừa đào được. Có cái gì đó như thôi thúc tôi móc ví ra mua hết số đồ này, dẫu chẳng hiểu gì. Khi ấy mọi người đã bảo tôi là "gàn dở". Nhưng rồi ngắm nghía kỹ từng nét hoa văn, tôi "lờ mờ" nhận ra cái đẹp ẩn chứa trong đó. Theo lời khuyên của một người bạn, tôi đã mang cả "mớ" bát đĩa ấy ra Hà Nội và bán được khoản tiền lớn. Kinh ngạc vì giá trị của cổ vật, từ đấy tôi hướng mọi giác quan vào mặt hàng này. Tôi đi khắp nơi tìm mua đồ cổ, gặp rất nhiều "cao nhân" để học hỏi. Dần dà đã phân biệt được đâu là đồ "Chàm", đồ "Xê". Tuy nhiên cũng có nhiều lần trắng tay do mua phải hàng giả. Sau nhiều thất bại, tôi tích lũy được khá nhiều kinh nghiệm nên "đánh" vụ nào, chắc thắng vụ đó và trở thành nhà sưu tầm đồ cổ có tiếng ở xứ Thanh".

Ông Sơn bên chiếc trống đồng thành phẩm.

Chuyện ông đến với nghề đúc trống đồng như sự đưa đẩy tiếp nối của số phận. Những chuyến đi "săn" cổ vật đã dẫn ông tiếp cận với những mảnh trống đồng mục nát vừa khai quật lên dưới những lớp đất sâu. Ông kể: "Đọc thư tịch cổ, thấy chuyện huyền sử thuở dựng nước rất ít thông tin. Nhưng khi tận tay chạm vào trống cổ, tôi nhận ra tổ tiên đã viết sử trên mặt trống. Những họa tiết khắc từ thuở Hùng Vương vung chày khai trống tế, cho hậu thế biết về cuộc sống lao động, sinh hoạt của cư dân Lạc Việt. Từ đây, tôi luôn bị ám ảnh phải làm sao tái tạo lại kỹ thuật đúc trống đồng thủ công đã thất truyền, làm sao để tiếng trống thiêng của tổ tiên được vang mãi tới mai sau, cho các thế hệ cháu con. Cũng từ ấy, tôi bỏ bê việc nhà, thời gian và tiền bạc dành dụm bấy lâu bị tôi "nướng" cả vào những chuyến đi điền dã khắp các miền quê, đến mọi "hang cùng ngõ hẻm" có di chỉ trống đồng để hỏi chuyện các cao niên nghề đúc. Có lúc bí quá, tôi bán đất, cắm sổ đỏ ngôi nhà đang ở để vay tiền ngân hàng. Vợ con tôi cũng ấm ức, nhưng chí tôi đã quyết nên đành chịu. Hơn 10 năm trời đằng đẵng tìm hiểu, thử nghiệm, thất bại, tán gia bại sản vì trống, rồi trời cũng thương mà cho tôi thành quả".

Bí mật "của các cụ"

Ông Sơn gọi thời điểm ông cùng các nghệ nhân làng đúc Trà Đông (xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hoá, Thanh Hóa) cho ra lò chiếc trống đồng đúc tay đầu tiên là lúc tìm ra "bí mật của các cụ". Chiếc trống mang hồn cốt Việt, có chim Lạc bay ngược vòng quay đón ánh mặt trời, có lực sỹ chèo thuyền băng băng vượt thác, có cóc thần khản tiếng cầu mưa... đã xuất xưởng trong niềm vui đến trào nước mắt của ông. Từ đây, kỹ thuật đúc trống đồng bằng tay như bốn ngàn năm trước tổ tiên từng làm đã được tái hiện thành công. Trống đồng phân bố khắp miền Nam Trung Quốc, Bắc Việt Nam và các nước Đông Nam Á, nhưng đến nay chỉ duy nhất Việt Nam là đúc được trống đồng thủ công. Cái khó của kỹ thuật này là căn chỉnh độ dày mỏng của mặt trống, tang trống, của kỹ thuật tạo khuôn, của nhiệt lượng lò đúc, thời điểm mở lò, tháo khuôn. Trống thành phẩm mà chỗ dày chỗ mỏng, hay đánh không kêu, kêu không trầm, âm, vang dội như tiếng đất trời… là trống hỏng, chỉ để trưng bày.

Đổ đồng nóng chảy vào khuôn đúc trống.

Qua nhiều hội thảo khoa học, sản phẩm trống đồng đúc tay của làng nghề xứ Thanh đều đạt tiêu chuẩn về kiểu dáng, hoa văn họa tiết. Khi đó, nảy sinh tranh cãi trong giới chuyên môn về tác dụng của trống là một loại nhạc khí (phát ra âm thanh), hay là linh khí (vật thiêng chỉ để thờ phụng). Ông Sơn đã mày mò nghiên cứu cách đánh trống, vật liệu làm dùi trống, để rồi bảo vệ thành công quan điểm rằng trống đồng là nhạc khí. Đến nay chưa có học giả nào "bác" được kỹ thuật đánh trống của ông. Hàng trăm chiếc trống các ông đã đúc đều phát ra những âm thanh trầm hùng, ngân nga, nhưng hoàn toàn không giống nhau. Ông nói tiếng trống là của thần linh, tiên tổ cho, chứ không phải cứ muốn mà được. Đánh trống đồng không phải bằng chày như nhiều người lầm tưởng, mà phải đánh bằng dùi làm bằng lá và vỏ duối rừng giã nát, bọc trong khúc ruột bò. Nay có thể thay thế bằng dùi cao su, đầu cuốn vải mềm. Nghiên cứu sử liệu, ông và các cộng sự đã dàn dựng nhiều vũ điệu trống đồng hùng tráng, oai nghiêm để phục vụ các nghi lễ lớn.

Đến nay kỹ thuật đúc trống thủ công ngày càng hoàn thiện. Dưới bàn tay tài hoa của các nghệ nhân xứ Thanh nổi tiếng như Nguyễn Minh Tuấn, Thiều Quang Tùng, Đặng Ích Hoàn, Lê Văn Bảy… những sản phẩm phiên bản từ mẫu trống tìm thấy ở Đông Sơn, Hoàng Hạ; Quảng Xương; Ngọc Lũ; Sông Đà; Miếu Môn, Hy Cương… lần lượt chào đời.

Năm 2005, chiếc trống đại đầu tiên được ông Sơn và các nghệ nhân xứ Thanh cung tiến Vua Hùng nhân ngày giỗ Tổ. Năm 2010, các ông lại bỏ tiền chế tác 100 chiếc trống đồng để tặng Đại lễ Ngàn năm Thăng Long - Hà Nội. Tính đến nay, ông Sơn và các cộng sự đã cung tiến 24 trống đồng cho Khu di tích Đền Hùng ở Phú Thọ; tặng 11 trống cho các bảo tàng, khu di tích tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên toàn quốc; tặng 5 trống cho 5 sứ quán Việt Nam ở 5 châu lục; tặng 1 trống cho khu lưu niệm Bác Hồ tại tỉnh Khăm Muộn, CHDCND Lào. Vừa qua, ngoài chiếc trống đồng, súng thần công và kiếm lệnh cung tiến cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cùng các phiên bản tặng cho UBND tỉnh Điện Biên, các ông còn hoàn thành dự án đúc trống đồng tặng quân dân Trường Sa.

Trung Hiếu
.
.
.