Người giữ tiếng đàn đá trên đỉnh Ngọc Linh

Thứ Tư, 26/02/2020, 16:22
Người được cả thần linh và cộng đồng người Xê Đăng ở Nam Trà My trao cho sứ mệnh đi tìm bộ đàn đá thần kỳ cho buôn làng không ai khác chính là nghệ nhân Hồ Văn Thập (54 tuổi, thôn 2, xã Trà Cang, huyện Nam Trà My).


Người dân làng Xê Đăng ở vùng núi Ngọc Linh, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam nhiều đời truyền nhau rằng, xưa kia đồng bào mình có một bộ đàn đá 12 viên, mỗi khi tấu lên dân làng sẽ tụ hội. Nhưng bộ đàn đá nguyên thủy ấy giờ đã không còn nữa. Người được cả thần linh và cộng đồng người Xê Đăng ở Nam Trà My trao cho sứ mệnh đi tìm bộ đàn đá đó không ai khác chính là nghệ nhân Hồ Văn Thập (54 tuổi, thôn 2, xã Trà Cang, huyện Nam Trà My).

Làm bạn với đá

Làng Măng Tó (thôn 2, xã Trà Cang) nằm lưng chừng dãy núi Ngọc Linh, bao quanh giữa đại ngàn. Đầu xuân, nắng hanh, con đường lầy lội vào làng Măng Tó trở nên khô ráo hơn, không còn cám cảnh người đi phải dắt xe vào làng như năm trước. Đón chúng tôi ở đầu làng, nghệ nhân Hồ Văn Thập niềm nở chào khách phương xa.

Hôm chúng tôi đến, cũng là thời điểm nghệ nhân Hồ Văn Thập chuẩn bị mọi thứ cho chuyến rừng tìm kiếm những viên đá về làm đàn. Vì chuyến đi rừng đầu tiên của năm mới nên mọi thứ được chuẩn bị khá kĩ lưỡng. Trong chiếc ba lô của ông Thập đã có nắm cơm gạo đỏ, muối và một ít thịt gác bếp mang theo do chính tay vợ ông chuẩn bị sẵn. Mang theo đồ nghề chiếc xà ben, búa, con rựa, ông Thập đưa chúng tôi vào rừng.

Lội qua những con suối gập ghềnh đá, những người mới đi qua như chúng tôi là cả một chặng đường khó khăn. Thế nhưng đối với nghệ nhân Hồ Văn Thập, với từng viên đá, tản rêu ở những con suối này đã quá quen thuộc. Hơn 30 làm bạn với núi rừng, không biết bao nhiêu lần ông đã lội đến những con suối này để tìm đá.

Nghệ nhân Hồ Văn Thập dùng búa gõ vào cảm nhận âm thanh của đá theo cách của riêng mình.

Ông Thập bộc bạch: “Những con suối gần nhà, 30 năm qua tôi đã lội hết rồi. Chỉ sau mùa mưa lớn lớp đất ở bờ suối bị xói mòn rồi lộ ra những viên đá mới nên tôi đến xem và tìm đá”. Tiếp tục đi theo những con suối, ông Thập tìm những viên đá đưa lên khỏi mặt đất, dùng chiếc búa nhỏ mang theo đập vào từng phiến đá và lắng tai cảm nhận âm thanh. Khi viên đá phát ra âm thì ông tiếp tục gõ vào các mặt, các góc cạnh khác nhau của viên đá để tìm ra những viên đá có âm thanh tương hợp trong một bộ đàn đá. 

“Vạn viên đá là vạn hình dáng, âm thanh khác nhau. Để chúng đứng được cùng nhau trong một dàn hợp âm chuẩn mình đi kiếm những viên đá phù hợp, có tiếng dài, hay. Muốn đàn đá hay chọn những viên đá kín, thật chặt”, ông Thập chia sẻ.

Thời gian để tìm kiếm đủ các phiến đá làm nên bộ đàn có thể là một năm, hai năm, hàng chục năm… Ông không nhớ rõ, hơn 30 năm trôi qua, mình đã đi qua bao con suối sâu, bao nhiêu khe núi, lật giở không biết bao nhiêu hòn đá chỉ để tìm được phiến đá có âm thanh tương hợp trong một bộ đàn đá. 

Công việc tìm đá như mò kim đáy biển thế nhưng ngày ngày ông Thập vẫn miệt mài đi hết nơi này đến nơi khác lật giở từng viên đá một. Với sự cần mẫn của người nghệ nhân này, những phiến đá vô tri nằm tản mát khắp nơi trên rừng sâu núi thẳm ấy lại về được với ông làm nên những bộ đàn đá tuyệt diệu.

Sau hơn một giờ lội bộ trong con suối trong rừng già, cuối cùng ông Thập cũng may mắn tìm được một viên đá ưng ý bởi âm thanh của viên đá rất thanh, vang hay như nốt nhạc. Mang theo viên đá nặng mới nhặt được trên lưng, ông Thập tiếp tục men theo con suối lội vào rừng sâu tìm đá. Đến lúc trời xế trưa, ông Thập mới dừng chân ngay gốc cây cổ thụ ven suối trong rừng già để nghỉ ăn trưa.

Nghệ nhân Hồ Văn Thập và những ống nứa làm đàn nước.

Giữ thanh âm núi rừng

Dưới tán rừng già, ông Thập kể lại hành trình giữ tiếng đàn làm “của” cho đồng bào mình. Không ai bày cho ông kỹ năng thẩm âm, định âm nhưng ông tự học và làm theo những gì mình tích cóp được. 

Mọi chuyện bắt đầu từ câu chuyện bộ đàn đá bị thất truyền của đồng bào mình, nhưng chính những vị cao niên trong làng cũng không nhớ rõ. Bị ám ảnh bởi câu chuyện đó nên ông quyết tìm hiểu bộ đàn đá. Mỗi ngày ông ra sông suối chọn những phiến đá, dùng búa gõ vào và tự cảm nhận âm thanh theo cách riêng của mình.

Ban đầu ông làm bộ đàn đá 7 viên tương ứng với 7 nốt nhạc. Sau khi hoàn thành, đánh thử cho người dân nghe, ai cũng thích thú nhưng âm thanh chưa chuẩn. Sau đó, ông tiếp tục mày mò tìm kiếm, nghiên cứu. Cho đến hiện tại ông làm được bộ đàn đá 14 viên đúng hợp âm về âm nhạc.

Để có được âm thanh tương xứng trong một tổ hợp đàn đá, những thanh đá tự nhiên sau khi tìm về sẽ được so sánh, đánh thử để chọn sau đó phải dày công tỉ mỉ đẽo, gọt, mài từng chút một, tạo tác nhiều lần cho viên đá kêu được đúng nốt, đúng âm theo tai mình. Nhiều phiến đá dù đã tốn biết bao công khó của ông Thập vẫn không thể ngân lên thứ thanh âm đặc biệt của núi rừng.

Không chỉ là người duy nhất ở vùng cao Nam Trà My tạo ra và chơi thành thạo đàn đá, nghệ nhân Hồ Văn Thập tự nghiên cứu làm nên những bộ đàn nước mang âm thanh và bản sắc riêng của núi rừng Ngọc Linh. Tận dụng những nguyên liệu sẵn có của núi rừng, từ đoạn ống tre nứa, lồ ô, thân cây hay dòng nước nhỏ dẫn về từ một khe suối, ông Thập mang về, gọt giũa để tạo tác nên những bộ đàn nước.

Những bộ đàn nước này xưa kia đồng bào các dân tộc ít người trên dãy Ngọc Linh dùng để đuổi chim thú, bảo vệ mùa màng. Giờ đây, qua bàn tay của nghệ nhân Hồ Văn Thập, chúng đã được giới thiệu và trình diễn rộng rãi trong các dịp lễ hội, được nhiều người biết đến bởi thứ âm thanh vui tai, lạ lẫm, nhưng nguồn gốc sâu xa vẫn là thứ âm thanh của thiên nhiên.

Nghệ nhân Hồ Văn Thập cùng bộ đàn nước trưng bày tại UBND huyện Nam Trà My.

Tại khuôn viên UBND huyện Nam Trà My có một bộ đàn nước do chính tay nghệ nhân Hồ Văn Thập tạo nên. Ông Bảo ông không nhớ mình đã làm bao nhiêu bộ đàn đá, đàn nước. Nhưng những bộ đàn nước do chính tay ông làm ra bị hư hỏng thì mọi người sẽ nhờ ông sửa vì ít ai có thể sửa được. 

Ông Thập còn được nhiều chủ homestay, khách sạn ở TP. Hội An mời về làm bộ nhạc cụ đàn đá, đàn nước để trưng bày. Bao nhiêu bộ đàn được nghệ nhân Hồ Văn Thập chế tác đều đi về những nơi xa xôi, về những nơi mà người ta cần lưu giữ như một thứ quý hiếm khó tìm lại được, nhưng ông biết chắc nó ít cơ hội ngân vang bởi thiếu đôi tay ông.

Hơn 30 năm không ngừng miệt mài để tạo nên những loại nhạc cụ, ông Thập luôn canh cánh một nỗi lo về người nối nghề. Nhiều lần những thanh niên trong làng cùng theo ông lên rừng tìm đá, tìm ống nứa về làm đàn, nhưng chỉ được vài ba hôm thì cũng không theo được vì khổ. “Thanh niên trong làng giờ ít kiên trì. Đi tìm đá cực chịu không nổi nên không ai theo. Ở núi họ làm không đủ tiêu làm sao theo mình được”, ông Thập nói.

Nói về nghệ nhân Hồ Văn Thập, nhà nghiên cứu văn hóa Dương Trinh, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam nói: “Anh Hồ Văn Thập xuất phát từ một nghệ nhân địa phương người Xê Đăng và nói về nốt nhạc anh không biết nhưng anh có một cảm âm rất đặc biệt. Từ cảm âm đó là anh ham mê âm nhạc, anh chơi được rất nhiều loại nhạc cụ đồng bào. Anh cũng thích tìm tòi rồi đi tìm gõ từng cục đá nhiều âm tạo nên một hợp âm của đàn đá cũng đầy đủ những nốt nhạc”.

Thời gian trôi đi, nếu không có người tiếp nối công việc này, không biết rồi đây những thanh âm độc đáo, dị biệt ấy sau thời của nghệ nhân Hồ Văn Thập có còn tiếp tục ngân vang? 

Hà Vy
.
.
.