Người "khoe" bệnh AIDS ra cộng đồng

Thứ Năm, 04/02/2016, 08:07
Khi biết tin cả hai vợ chồng và đứa con trai đầu lòng đều nhiễm HIV, chị Phạm Thị Hiền, trú tại TP Bắc Ninh thấy mọi thứ như sụp đổ. Đã có thời điểm vì chán đời, nghĩ mình chả sống được bao lâu nên hai vợ chồng chị đã lao vào chơi bời trác táng. Khi hết tiền cũng là lúc chị ngộ ra rằng bệnh HIV không dễ chết như mình tưởng. Chính chị là người đã thành lập nhóm tự lực "Ngày mai tươi sáng" tỉnh Bắc Ninh - nơi lấy lại sự tự tin và niềm hy vọng cho những người nhiễm HIV.


Nhắc đến những tháng ngày cả gia đình chị có tới 6 người nhiễm HIV, dù có mạnh mẽ đến đâu chị Hiền vẫn không kìm được những giọt nước mắt. Đó là những tháng ngày mà những thành viên trong gia đình chị phải sống trong sự kỳ thị, rẻ khinh của những người xung quanh. Nhà chị đang làm ăn như diều gặp gió, mẹ chồng chị có quán bún chả ngon nổi tiếng ở TP Bắc Ninh, khách đến ăn đếm không xuể. Thế nhưng, khi biết gia đình chị có tới 6 người nhiễm HIV cùng một lúc thì họ đã xa lánh. Quán vẫn mở nhưng tuyệt nhiên không một bóng khách vãng lai. Người ta gọi gia đình chị là "mả AIDS".

Chị Hiền nhớ lại: "Ngày anh chồng tôi ốm nặng vì bị nhiễm HIV giai đoạn cuối, anh ấy có gọi tôi đến và bảo với tôi là, trước chồng tôi đã từng vài lần dùng chung kim chích ma túy với anh ấy. Anh ấy khuyên vợ chồng tôi nên đi xét nghiệm. Lúc đó khoảng năm 2000, khái niệm về HIV còn mơ hồ lắm nên chúng tôi cũng chả thấy có gì nghiêm trọng. Chỉ đến khi bác sĩ dặn về nhà thích làm gì thì cứ làm, thích ăn gì thì cứ ăn, đừng tiếc. Lúc đó tôi mới ý thức được mức độ nguy hiểm về căn bệnh mình đang mang trong người".

Chị Hiền kể lại những tháng ngày bị kỳ thị.

Ít lâu sau, con trai đầu của vợ chồng chị Hiền ốm nặng phải vào bệnh viện, bác sĩ khám rồi kết luận con trai chị ngoài bệnh tim bẩm sinh cháu còn nhiễm HIV. "Lúc đó tôi thực sự suy sụp và liên tục mường tượng ra cảnh chết chóc. Nhiều đêm liền sau khi nghe tin cả 3 người trong gia đình nhỏ của chúng tôi đều mắc căn bệnh thế kỷ tôi đã không thể chợp mắt. Lúc nào cũng tưởng tượng ra cảnh chúng tôi cùng dắt díu nhau sang thế giới bên kia. Chồng tôi thậm chí còn mua 3 chiếc quan tài để sẵn trong nhà, lo sẵn hậu sự" - chị Hiền kể lại những ngày tháng thê lương.

Ngày vợ chồng con cái chị dắt díu nhau từ bệnh viện trở về, nhiều người trong gia đình, họ hàng cũng không dám bén mảng tới chơi. Con trai của chị trước có thể chạy nhảy tung tăng chơi với các bạn cùng trang lứa thì nay trông thấy bé nhà anh chị họ lùa con vào trong nhà, cấm cho chơi cùng. Mỗi lần nhìn cảnh ấy chị Hiền lại khóc. Nhiều lúc, do bản năng của người mẹ, chị đã lao ra chửi nhau với những người kỳ thị con trai mình.

Hồi đó, gia đình nhà chồng chị giàu nhất nhì TP Bắc Ninh. Mẹ chồng chị ngoài việc bán hàng ăn, bà còn là đại lý hàng đầu cung cấp vật liệu xây dựng. Riêng vợ chồng chị cũng có xe tải để chuyên chở vật liệu, chồng lái xe, vợ làm lơ xe. Tiền kiếm nhiều nhưng bi quan về bệnh tật nên hai vợ chồng chị Hiền lao vào ăn chơi. 

Chị kể: "Vợ chồng tôi không chạy xe nữa mà bán đi lấy tiền ăn chơi. Cả hai vợ chồng đều có cùng suy nghĩ là chẳng còn sống được bao lâu nữa, tội gì phải vất vả, khổ sở. Chết cũng có mang được tiền theo đâu. Vợ chồng tôi chuyển sang chơi lô đề, tiền ra tiền vào mỗi ngày có khi hàng trăm triệu. Tôi thậm chí còn chơi ác liệt hơn cả chồng. Chơi mãi rồi cũng hết tiền, thế là lại đi làm thuê để duy trì cuộc sống".

Sữa được nhóm của chị Hiền kêu gọi hỗ trợ cho trẻ có HIV.

Cuộc sống đang bế tắc khủng khiếp thì chị được một người bạn rủ xuống Hà Nội tham gia vào nhóm tự lực "Ngày mai tươi sáng". Ban đầu chị đã từ chối, nhưng người bạn cố gắng thuyết phục cuối cùng chị chấp nhận đi cùng. Xuống đó, chứng kiến những con người cùng cảnh ngộ như mình họ tự tin, yêu đời, chị Hiền đã rất bất ngờ. "Đêm hôm đó tôi cứ nằm nghĩ mãi, tự hỏi lòng mình là tại sao họ làm được mà mình không làm được. Tôi nghĩ mình không thể sống vô trách nhiệm với bản thân và gia đình mãi được. Tôi phải khác" - chị Hiền chia sẻ.

Nghĩ là làm, ngay sau đó chị Hiền đã tự thành lập ra nhóm tự lực "Ngày mai tươi sáng" ở Bắc Ninh. Ban đầu chỉ có 5 thành viên tham gia. Nhiệm vụ của nhóm là tư vấn, khám bệnh miễn phí cho những người nhiễm HIV. Sau 5 năm hoạt động, số thành viên của nhóm "Ngày mai tươi sáng" do chị Hiền sáng lập đã lên tới con số 200 người.

Chị Hiền tâm sự, hồi mới đi vào hoạt động chị cùng mấy người trong nhóm cứ thấy ở đâu người ta tổ chức họp dân, họp thôn, họp xã… là lại đến xin "được nói" khoảng 5, 10 phút về căn bệnh HIV. Nhiều người thấy lạ, họ bảo với nhau là "con đó bị điên, suốt ngày mang bệnh HIV đi khoe". "Thế nhưng, trong những buổi họp đó, nhiều vị lãnh đạo vẫn đùa với tôi rằng, tao nói thì ở dưới ầm ầm như cái chợ vỡ. Thế mà mày nói thì người ta cứ im phăng phắc, chả ai bỏ về" - chị Hiền khoe.

Một buổi tuyên truyền phòng chống HIV của chị Hiền.

Chị bảo, chả ai muốn "khoe" là mình mắc căn bệnh thế kỷ. Nhưng chị làm thế cũng chỉ là để những người may mắn không mắc bệnh sẽ biết cách phòng tránh. Và những ai đang mắc bệnh sẽ lấy lại được tự tin trong cuộc sống. Ban đầu chị và nhóm của mình phải đến năn nỉ xin các lãnh đạo cho mình được nói. Sau rồi, khi thấy hoạt động của nhóm chị thật sự có ý nghĩa thì chính các vị lãnh đạo các cấp ấy lại mời chị tới để diễn thuyết cho bà con nghe. Chị kể, có ngày chị chạy sô tới 5,7 hội nghị. Nói xong thậm chí còn được các bác trả "cát xê".

Giờ đây, ngôi nhà 30 đường Nguyễn Du, TP Bắc Ninh của gia đình nhà chồng chị Hiền đã trở thành địa điểm sinh hoạt của nhóm. Bố mẹ chồng chị Hiền, dù đã ở tuổi ngoài 60 nhưng cũng nhiệt tình tham gia, tư vấn, động viên những người còn nhiều mặc cảm. Ông bà còn cùng con dâu và các thành viên trong nhóm đi phát bao cao su, kim tiêm miễn phí và rải tờ rơi tuyên truyền về căn bệnh HIV/AIDS ở các bến tàu, bến xe, chợ…

Không biết tự khi nào chị trở thành chỗ dựa tinh thần của những người mắc bệnh và cả những người đang lo mình mắc bệnh. "Có lần tôi nói chuyện điện thoại suốt 4 tiếng ròng rã chỉ để động viên và trấn an cho một em trai trong Sài Gòn. Em ấy nói mình chuẩn bị vào phòng xét nghiệm và muốn tôi không "rời xa" em ấy dù 1 phút. Đến khi cầm kết quả âm tính với HIV trong tay, em đó có gọi điện thông báo cho tôi rồi bất ngờ nói: "Em không nói chuyện với chị nữa đâu".

Đêm đó về nhà quả thực là tôi hơi buồn vì cảm giác khi hết cần mình em ấy đã quay đi. Thế nhưng ngay ngày hôm sau tôi thấy một người nhảy vào zalo và chát với tôi. Rồi cứ đòi tôi cho số tài khoản để gửi chút tiền bảo để mua quà cho con tôi. Tôi nói không bao giờ nhận quà của người lạ, nói mãi em ấy mới thú nhận mình chính là người đã "bắt" tôi nói chuyện suốt mấy tiếng đồng hồ. Em ấy bảo nếu không có tôi động viên, có khi em ấy đã tự tử trước khi đi xét nghiệm rồi".

Hằng ngày chị Hiền gom áo ấm mang đến cho những trẻ em nghèo vùng cao.

Cũng có những cặp vợ chồng là giảng viên Đại học Luật dưới Hà Nội nghi bị nhiễm HIV đã tìm đến chị Hiền để được tư vấn và động viên tinh thần. Họ nói, dưới Hà Nội không thiếu các dịch vụ để tư vấn và xét nghiệm nhưng họ không muốn lộ danh tính nên đã tìm đến chị. 200 thành viên trong nhóm "Ngày mai tươi sáng" của chị không phải đều ở Bắc Ninh. Rất nhiều người ở ngoại tỉnh, có những người ở tận miền trong… Họ tìm đến chị chủ yếu là để được "dựa dẫm" tinh thần, để thấy mình không cô độc.

Ngoài những lúc làm nhiệm vụ tư vấn và khám bệnh cho những người nhiễm HIV, chị Hiền thường có sở thích đi làm từ thiện. Chị bảo, gọi là từ thiện cho sang chứ thực ra cũng chỉ là người rách ít giúp người rách nhiều mà thôi. Có lần, chị cùng chồng đi xe máy lên tận thôn Đầu, xã Đạo Viện, huyện Yên Sơn nơi chưa từng biết tới ánh điện. Lên đó, chứng kiến cuộc sống khốn khổ của người dân nơi đây cùng những đứa trẻ thiếu thốn trăm bề chị ngộ ra mình càng phải sống tử tế hơn.

Tết sắp đến, chị Hiền lại tất tả cùng nhiều anh chị em khác trong nhóm đi xin quà cho các con của 200 thành viên trong nhóm. Chị bảo, giá trị có thể không nhiều nhưng nó thể hiện sự quan tâm và tình yêu thương rất con người…

Phong Anh
.
.
.