Người làng Vân không còn sống trong kỳ thị

Thứ Tư, 17/08/2016, 11:30
Gần 4 năm sau cuộc di dời lịch sử từ chân đèo Hải Vân về phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, Tp. Đà Nẵng, cuộc sống của người dân làng phong nay đã khác xưa nhiều lắm. Những dãy nhà khang trang, sạch sẽ, nằm ngay ven biển mỗi buổi chiều về lại rộn ràng tiếng cười vui của các cụ già và các em nhỏ.

Cuộc sống bình yên là thế nhưng sâu thẳm trong tâm hồn họ vẫn canh cánh một nỗi niềm nhớ về làng Vân xưa, nơi họ có những mảnh vườn nhỏ để chăn nuôi, gieo trồng, vui thú điền viên khi tuổi già sức yếu.

Năm 1968, bệnh phong còn là một thứ bệnh quá xa lạ với người dân khi ấy. Người ta gọi người bị bệnh là hủi, là cùi và tránh xa họ như một thứ truyền nhiễm đáng sợ. 

Bị chính gia đình, bạn bè, người thân hắt hủi, những người bị bệnh phong phải phiêu bạt khắp nơi và rồi đến khu vực chân đèo Hải Vân sống biệt lập để trốn chạy cuộc đời, trốn chạy số phận. 

Mỗi người một vùng quê khác nhau nhưng có chung nỗi đau, họ xích lại gần nhau để san sẻ và lấy tên ngọn đèo làm tên làng của mình. Làng Vân ra đời từ đó.

Làng Vân vẫn còn nhiều mảnh đời bất hạnh.

Cứ thế những bệnh nhân phong sống bình yên bằng nghề chài lưới, làm nông nghiệp để nuôi sống bản thân và gia đình. Những đứa trẻ lần lượt ra đời từ sự gắn kết của những người đồng cảnh ngộ. Ngày ấy, để vào được làng Vân, chỉ có một con đường độc đạo xuyên qua rừng, men theo đường sắt khoảng gần 10km với muôn vàn hiểm hoạ rình rập. Con đường thứ 2 để vào làng đó là chèo thuyền vượt biển khoảng gần 1 giờ đồng hồ. 

So với đường núi, đường biển có vẻ "bằng phẳng" hơn, tuy nhiên ở vùng biển khá bình yên này thỉnh thoảng lại có lốc tố bất ngờ nên vào mùa mưa bão dù có liều lĩnh đến mấy, người làng Vân vẫn phải chọn đường núi trơn trượt để đi.

Từ năm 1998,  khi xã hội cũng không còn kì thị người bị bệnh phong nữa, nhiều người làng Vân cũng đã khỏi bệnh thì họ càng khát khao muốn thoát ra khỏi ốc đảo, muốn hòa nhập với xã hội để phát triển tương lai cho con cháu họ.

Và tháng 8-2012 thực sự là ngày vui với người dân làng Vân, khi họ chính thức được vào bờ. Đó là khi Tp.Đà Nẵng thu hồi đất làng Vân cư trú để xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng, giải trí tổng hợp cao cấp. Những người dân làng Vân được vào bờ và ở trong khu nhà liền kề được xây dựng khang trang tại phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, trở thành những cư dân của tổ 13 và 14.

Đến làng Vân mới hôm nay không còn nhận ra cái buồn, cái nghèo xơ xác của những con người từng phải sống chui sống lủi vì bị xã hội kì thị. Họ sống một cuộc sống yên bình, tắt lửa tối đèn có nhau. Cứ mỗi buổi chiều về, các cụ già lại ngồi trước cửa nhà tám chuyện, trẻ con lại theo ông bà đi chơi, đón bố mẹ đi làm về. 

So với trước đây, cuộc sống của người làng Vân sung túc hơn rất nhiều. Thế nhưng dù được chính quyền quan tâm, tạo điều kiện có cuộc sống ổn định, nhưng những người làng Vân vẫn còn nhiều nỗi niềm trăn trở.

Kể từ khi chuyển về khu phố này, dù nằm ngay sát biển, nhưng họ chẳng thể nào chài lưới, đánh cá để kiếm sống như khi còn ở chân đèo Hải Vân. Nhiều khi nhớ nghề cũ, họ chỉ biết thơ thẩn ra biển ngồi ngắm hoàng hôn cho vơi nỗi nhớ quê nhà. Cư dân làng Vân mới cũng chủ yếu là những người già, người có tuổi nên chẳng thể làm được gì ngoài việc ở nhà trông chờ vào đồng trợ cấp ít ỏi.

Anh Hồ Cư năm nay đã ngoài 50. Kể từ khi chuyển về đây, anh cũng tính làm một việc gì đó để kiếm thêm tiền đỡ đần con cháu, nhưng ngần này tuổi đầu đi xin việc đâu dễ dàng gì, nhất là với người bị bệnh phong như anh. Định làm xe ôm, hay buôn bán lặt vặt thì vợ chồng cậu con trai sinh con, vậy là hai vợ chồng anh chấp nhận ở nhà trông cháu cho các con yên tâm đi làm. 

Anh con trai và vợ may mắn xin được làm công nhân ở một công ty tư nhân nên đi từ sáng sớm đến tận tối mịt mới trở về. Hàng ngày, anh bế cháu đi dạo khắp phố. Vợ ở nhà cơm nước cho cả gia đình. Dẫu còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng anh bảo gia đình anh vẫn còn may mắn hơn nhiều gia đình ở khu phố này bởi con cháu đề huề, con cái có công ăn việc làm ổn định. 

"Được về đây cũng là vui lắm rồi. Thôi thì ông bà, bố mẹ vất vả, khó xin được việc làm nhưng con cháu đi học gần hơn. Tương lai chúng nó sẽ xán lạn hơn cha mẹ chúng nó", anh Cư tâm sự.

Ông Trịnh Khen, một trong những người lớn tuổi nhất của cư dân làng Vân nên ông luôn đau đáu về mảnh đất quê hương thứ hai của mình: "Chuyển ra đây đúng là ở thành phố náo nhiệt hơn, nhà cửa cũng khang trang sạch đẹp hơn nhưng nhớ quê cũ lắm chứ cô. Ở quê buồn còn ra vào ngắm cây ngắm cối, trồng rau, trồng quả khuây khỏa được chút ít. Ở đây buồn chẳng biết làm gì, chỉ biết sang nhà nhau buôn chuyện. Mà buôn mãi cũng hết chuyện rồi ai lại về nhà nấy". 

Nói rồi ông say sưa kể về làng Vân cũ. Kể từ khi bị gia đình hắt hủi, ông một mình bôn ba, bươn trải khắp nơi, trong Nam ngoài Bắc. Quê ông ở tận Khánh Hòa, nhưng bệnh khỏi ông cũng chẳng dám về quê vì vẫn mang trong mình mặc cảm nên ở lại vùng chân đèo Hải Vân này sinh sống, lập gia đình. 

Với ông, làng Vân cũ ở chân đèo Hải Vân là nơi đẹp nhất, thơ mộng nhất ông đã từng đến. Ông lập gia đình muộn với một người phụ nữ khỏe mạnh gốc Huế nhưng không may mắn khi cô con gái cũng mắc bệnh giống cha, đôi tay bị phong "ăn" mất gần hết các ngón. Bù lại chị có được một người chồng thương yêu hết mực, một cậu con trai khỏe mạnh học giỏi. So với nhiều gia đình ở làng Vân này, ông Khen thấy mình vẫn còn may mắn lắm.

Anh Thông là người hoàn cảnh nhất ở khu làng Vân mới này.

Ở khu phố này đáng thương nhất vẫn là hoàn cảnh của anh Vương Thông. Ngoài 30 tuổi, anh Thông vẫn như một đứa trẻ chưa lớn, ngu ngơ, ngờ ngệch, đôi chân yếu do dị tật bẩm sinh không thể tự đi lại, phải nhờ vào một chiếc xe đẩy. Ngày ngày, anh Thông cứ ngồi trên xe rồi tự đẩy bằng chân đi khắp khu phố. Thấy chúng tôi là người lạ anh nhìn hồi lâu rồi lại cười hềnh hệch. 

Nhà Thông chỉ có hai mẹ con chăm nhau. Mẹ anh cũng là một bệnh nhân lớn tuổi của làng Vân, góa bụa từ khi Thông vẫn còn đỏ hỏn trên tay. Giờ già yếu, bà chẳng thể đi đâu xa, chỉ lọ mọ quanh nhà cơm nước cho đứa con "không bao giờ lớn". Hai mẹ con chỉ trông chờ vào đồng trợ cấp ít ỏi của Nhà nước. Người dân trong khu phố thương tình hai mẹ con côi cút hay mang đồ ăn cho hay đi chợ giúp mẹ con Thông.

Năm nay đã ngoài 81 tuổi, cụ Bồng vẫn trăn trở nhiều lắm. Cụ bảo, nơi đây chủ yếu là người già mất sức lao động và trẻ nhỏ, còn trong độ tuổi lao động họ định cư ở chỗ khác nên khi cần giúp nhau cũng khó khăn hơn. 

Ở làng Vân cũ, những người già như cụ còn trông chờ vào vườn rau, con gà, còn ở đây, gánh nặng chi tiêu nhiều và áp lực hơn, giá cả "tăng từng ngày". Nhà nào có con cháu đi làm còn hỗ trợ được, nhà nào neo đơn, có hai vợ chồng già chỉ trông chờ vào đồng lương trợ cấp ít ỏi thì còn nhiều gian nan, vất vả.

Ở làng Vân mới này vẫn còn nhiều mảnh đời bất hạnh, nhưng dẫu biết cuộc sống phía trước còn nhiều khó khăn, họ vẫn luôn giúp đỡ nhau, luôn lạc quan, yêu đời, hi vọng vào một tương lai tươi sáng của chính con cháu mình.

Ngọc Mai
.
.
.