Người lính trong "ma trận" thông tin

Thứ Tư, 11/03/2015, 08:00
Gặp Thượng úy Nguyễn Văn Hưởng - Phòng Viễn thông Tin học (PH41B)- Công an thành phố (CATP) Hà Nội trong những lần anh đi kiểm tra công tác an ninh thông tin, rà soát các lỗ hổng bảo mật, hay triển khai các phần mềm diệt virut, mã độc tấn công máy tính…tại các đơn vị CATP, tôi ấn tượng mãi về một chàng trai vững tay nghề, nhưng dí dỏm và có khiếu văn chương…

Là người lính kỹ thuật, từ những đêm cặm cụi bên bàn phím, niềm đam mê công việc đã dẫn Hưởng cùng đồng đội đến với nhiều giải pháp mang tính sáng tạo và hữu ích. Các anh trở thành người chuyển hóa những ý tưởng độc đáo của Ban Giám đốc CATP thành những ứng dụng thiết thực và có tính khả thi cao trong công tác bảo đảm ANCT và TTATXH trên địa bàn Thủ đô.

Vào nghề bởi một chữ "duyên"

Kể với tôi duyên cớ "đầu quân" cho ngành Công an, Hưởng bảo đó là vì có "duyên". Yêu mến nghề Công an từ thuở nhỏ, nhưng con đường dẫn anh bước vào đội ngũ những người lính trên trận tuyến giữ gìn ANTT không hề thẳng tắp. Sinh ra trong một gia đình đông con, bố mẹ làm ruộng ở Đan Phượng, Hà Nội vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, nên dù tốt nghiệp THPT loại giỏi, nhưng ra trường Hưởng không thể dự thi đại học.

Trong suốt 5 năm ròng, anh đi làm thuê để phụ giúp bố mẹ nuôi các em. Tuy nhiên, niềm mơ ước vào giảng đường đại học chuyên ngành công nghệ thông tin luôn cháy bỏng trong anh. Hàng ngày đi sửa chữa, lắp đặt điện nước, đêm về dưới ngọn đèn dầu, anh miệt mài trau dồi đèn sách. Cuối cùng, cánh cổng trường Học viện kỹ thuật Quân sự cũng đã rộng mở đón người thanh niên giàu nghị lực ấy. Nhà nghèo, để có tiền ăn học, Hưởng biến gian phòng trọ học thành cửa hàng sửa chữa vi tính ngay cạnh trường.

Thượng úy Nguyễn Văn Hưởng - Phòng PH41B - Công an TP Hà Nội.

5 năm đại học qua đi nhanh chóng, tốt nghiệp với tấm bằng kỹ sư chuyên ngành Công nghệ mạng và truyền thông loại khá, Hưởng ngập ngừng bước vào thị trường lao động. Được Thiếu tướng Phạm Thế Long - Phó Giám đốc Học viện kỹ thuật Quân sự "tiến cử", Hưởng đã lọt vào "mắt xanh" của Đại tá Nguyễn Bảo - nguyên Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội.

Thời gian làm quản trị website cho Tạp chí này, Hưởng đã hai lần được nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trong các cuộc thi Olympic quốc tế tổ chức tại Việt Nam. Làm việc ở môi trường văn chương, nhưng Hưởng thấy chưa thực sự thỏa nguyện. Được một người bạn gợi ý chuyển ngành sang lực lượng CAND, Hưởng nhất trí ngay, bởi đó là sở nguyện hằng đeo đuổi từ tuổi ấu thơ, vừa được vận dụng tối đa kiến thức đã được trang bị.

Tháng 10/2008, Hưởng được tuyển dụng về công tác tại Phòng PH41B, CATP Hà Nội - một đơn vị chịu trách nhiệm triển khai các phương án tác chiến điện tử và đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, đáp ứng yêu cầu công tác và chiến đấu của các đơn vị trong CATP, đảm bảo tuyệt đối an toàn thông tin cho các sự kiện diễn ra trên địa bàn Thủ đô.

Hưởng kể: "Nhiệm vụ đảm bảo thông tin thông suốt trong mọi tình huống đòi hỏi cánh lính kỹ thuật chúng tôi luôn đến trước, về sau. Bởi vì phải thường xuyên bám tuyến, trực tổng đài 24/7. Khi có yêu cầu phục vụ chiến đấu, hoặc đột xuất gặp sự cố làm gián đoạn thông tin, lính kỹ thuật cũng sẵn sàng lên đường trong đêm tối, mưa gió, rét mướt… để thực hiện nhiệm vụ. Khi đó, chúng tôi phải lần theo từng mét dây, rà soát từng trạm chuyển tiếp, trạm thu phát sóng để xác định nguyên nhân sự cố và khẩn trương khắc phục, đảm bảo nối liền thông tin nhanh nhất trong điều kiện có thể. Công việc là vậy, mặc dù không phải trực tiếp đối mặt với tội phạm như đồng đội ở các đơn vị chiến đấu, nhưng sự vất vả, hy sinh thầm lặng của CBCS trong đơn vị tôi cũng thật khó đo đếm. Công sức của họ góp phần kiến tạo ra những chiến công".

Thượng úy Nguyễn Văn Hưởng tại buổi thuyết trình sáng kiến kỹ thuật nghiệp vụ.

Chiết xuất giọt sáng tạo

Đam mê lớn của Hưởng là lĩnh vực bảo mật hệ thống. Được giao tham gia quản lý một số hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu lớn của CATP, Hưởng đã mày mò nghiên cứu để nắm chắc về mô hình, kiến trúc của hệ thống. Trên cơ sở đó, anh đã đưa ra nhiều dự báo, cảnh báo về các rủi ro gây mất an toàn- an ninh thông tin, đồng thời tham mưu, đề xuất cấp trên các giải pháp khắc phục.

Để phòng chống tấn công xâm nhập, chiếm quyền điều khiển máy tính từ xa, Hưởng cùng đồng đội đã nghiên cứu và phát hiện được trên các hệ điều hành Windows XP, Windows7 và Windows8 đều có chung một lỗ hổng bảo mật cơ bản, đó là cho phép thi hành "câu lệnh ghép" trong "Target" của các biểu tượng "Shortcut". Nếu phát hiện được lỗ hổng này, các hacker (tin tặc) hoàn toàn có thể qua mặt được các phần mềm bảo mật thông thường, cũng như các phần mềm Anti-virus. Hiện các anh đang nghiên cứu, thử nghiệm các bản "vá" cho lỗ hổng này.

Từ thực tế hàng ngày, Phòng PH41B phải thường xuyên cử cán bộ thay nhau ra trực tại Trung tâm dữ liệu dân cư và Trung tâm máy chủ tổng đài điện thoại để theo dõi nhiệt độ và kiểm soát các sự cố, anh đã đề xuất sáng kiến xây dựng "Phần mềm theo dõi nhiệt độ", đặt tại các Trung tâm máy chủ, kết nối mạng về phòng làm việc của đơn vị, để tự cảnh báo qua hệ thống loa khi nhiệt độ tăng cao hoặc giảm thấp quá mức quy định. Kết quả phần mềm hiện nay đang đáp ứng tốt yêu cầu và hoạt động ổn định.

Khi Giám đốc CATP Hà Nội giao cho Phòng PH41B triển khai ý tưởng xây dựng phần mềm chuyển đổi nội dung các cuộc gọi báo tin tới Trung tâm Cảnh sát 113 của CATP thành các báo cáo dạng văn bản, Hưởng đã phối hợp với các chuyên gia Viện Công nghệ thông tin (thuộc Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam) tiến hành khảo sát, mô hình hóa bài toán và xây dựng thử nghiệm "Phần mềm void to text".

Ở Việt Nam, cũng đã có một số đơn vị nghiên cứu nhằm phát triển hệ thống phần mềm này, nhưng đều chưa vượt qua được bài toán "lọc nhiễu âm thanh", bởi nguồn âm thanh đầu vào thường lẫn quá nhiều tạp âm, do trạng thái tâm lý của người nói, các tạp âm xung quanh nguồn âm chính quá lớn… Khi khảo sát các âm thanh mẫu từ Trung tâm Cảnh sát 113, các anh phát hiện phần lớn âm thanh gọi về đều bị lẫn quá nhiều tạp âm, do tại hiện trường xảy ra vụ việc thường hỗn loạn, người báo tin qua điện thoại cũng đang hoảng loạn, gấp gáp. Mặt khác, nhiều giọng nói mang đặc trưng vùng miền nên rất khó nghe.

Một buổi trao đổi chuyên môn tại Phòng PH41B - Công an TP Hà Nội.

Sau nhiều ngày tháng trăn trở, cặm cụi nghiên cứu, cuối cùng nhóm tác giả đã thử nghiệm thành công phần mềm trong điều kiện có lẫn tạp âm không quá lớn, không bị lẫn bởi các giọng nói khác, và nguồn giọng nói đầu vào được phát âm chuẩn theo tiếng phổ thông. 

Trong lúc việc nghiên cứu giải pháp lọc âm vẫn tiếp tục, Hưởng đã mạnh dạn đề xuất nghiên cứu thêm "bài toán ngược", kết hợp với bài toán dịch văn bản tiếng Việt sang văn bản tiếng Anh và ngược lại, nhằm đáp ứng tốt hơn các yêu cầu của thực tiễn khi sản phẩm được hoàn thành.

Ý tưởng ghép nối các bài toán này xuất phát từ thực tiễn tại Hà Nội và các đô thị có lượng khách nước ngoài lớn. Để trả lời cho câu hỏi nếu không biết tiếng Việt, khi cần du khách sẽ gọi điện báo tin "cầu cứu" đến cơ quan chức năng Việt Nam bằng cách nào? Sau cả quá trình nghiên cứu, Hưởng cùng đồng nghiệp tìm ra "đáp án", đó là cần phải tạo ra một phần mềm đóng vai trò là một "người phiên dịch tự động" trong tổng đài đường dây khẩn cấp 113. Khi đó, du khách hoàn toàn có thể sử dụng tiếng Anh để kết nối tới số điện thoại 113, và cán bộ trực tại Trung tâm vẫn có thể nghe được những thông tin cấp báo bằng tiếng Việt để có thể hỗ trợ kịp thời cho du khách. Ý tưởng này được đánh giá khả thi và đang được nghiên cứu, triển khai.

Vừa qua, từ những lỗ hổng bảo mật của hệ thống thư điện tử (email) và mạng xã hội (facebook), các anh đã triển khai nắm tình hình, phát hiện nhiều thông tin có giá trị về hoạt động của các tổ chức phản động ở trong nước và hải ngoại… giúp các đơn vị chức năng có căn cứ để giải quyết.

Về những việc đã làm được, Hưởng tâm sự: "Trong công việc, tôi nhận được sự quan tâm, giúp đỡ tận tình của chỉ huy và đồng đội trong đơn vị, cùng với lòng say nghề, nên bước đầu cũng đã thu được một số kết quả. Nghề này công việc thầm lặng, ít người biết tới những vất vả, hy sinh của anh em. Nhưng chúng tôi vẫn yên tâm gắn bó với nó. Bởi vì chỉ cần có niềm đam mê công việc, thì dù ở bất cứ vị trí nào, cũng vẫn luôn tìm được sự tự hào trong mỗi thành quả lao động. Điều bản thân đã làm được tuy còn rất nhỏ bé, nhưng tôi luôn cảm thấy hạnh phúc. Bởi công sức của đồng đội và tôi đã góp phần nhất định vào sự nghiệp bảo đảm ANCT, TTATXH trên địa bàn Thủ đô".

Đào Nhật Nam
.
.
.