Người nặng lòng với nghề nặn tượng Táo quân

Chủ Nhật, 19/01/2020, 15:12
Bao thăng trầm cùng với nghề gốm, giờ đây chỉ có duy nhất ông Nguyễn Văn Chín (63 tuổi, trú khối Nam Diêu, phường Thanh Hà, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) còn giữ nghề nặn tượng Táo quân dịp cuối năm ở làng gốm trăm tuổi Thanh Hà.


Với ông Chín, giữ nghề làm tượng Táo quân vừa là trách nhiệm của người con làng gốm, vừa để truyền lại cho thế hệ mai sau trước nguy cơ mai một nghề làm tượng Táo quân.

Đỏ lửa làm tượng Táo quân

Nằm cuối con đường dẫn vào làng gốm Thanh Hà, lò nung của gia đình ông Nguyễn Văn Chín liên tục đỏ lửa để kịp xuất những mẻ tượng Táo quân đưa ra thị trường trước ngày 23 tháng Chạp. 

Ông Chín cho biết, từ bao đời nay, dù giàu sang hay nghèo khó, trong mâm cúng tiễn ông Táo về trời của người miền Trung bao giờ cũng có một bức tượng Táo quân mới, cầu mong những vị Táo sẽ giữ "bếp lửa" trong gia đình luôn nồng ấm, đủ đầy. Để phục vụ nhu cầu của người dân, cứ vào khoảng giữa tháng 11 âm lịch hằng năm, gia đình ông Chín lại bắt đầu nổi lửa nặn tượng Táo quân. 

"Năm nay, cơ sở của tôi dự tính cho ra hơn 30.000 tượng Táo quân để phục vụ khách hàng, tùy vào nhu cầu thị trường số lượng có thể thay đổi. Bây giờ chúng tôi đã có sẵn khuôn in nên rất chủ động. Mỗi ngày có thể cho ra 3.000 tượng. Thời tiết thuận lợi không sợ sẽ thiếu hàng phục vụ cho khách hàng", ông Chín cho biết.

Mỗi bức tượng Táo quân chỉ khoảng bằng lòng bàn tay người lớn, trong tượng có đủ hình hài 3 vị Táo quân, 2 Táo ông ngồi hai bên và Táo bà ngồi giữa. Trong lò nung đỏ lửa, hàng ngàn tượng Táo quân gốm đang dần chuyển màu. Nhìn những bức tượng Táo quân sắp sửa xuất lò, ông Chín lại hồi tưởng lại quá trình làm nghề nặng tượng Táo quân của những nghệ nhân trước đây.

Ông Chín kể, từ khi người Thanh Hà bắt đầu nghề làm gốm là bấy nhiêu năm người nghệ nhân tại đây nặn tượng Táo quân. Những ngày mới nặn tượng, người dân làm nên những bức tượng rất đơn giản, mọi công đoạn đều được làm thủ công, đơn sơ. Trải qua quá trình mày mò, dần dần về sau, những người nghệ nhân của làng mới vẽ nên hình hài cho ông Táo, bà Táo, sau đó mới tạo thành những chiếc khuôn in và giữ lại in cho đến bây giờ.

Mỗi năm ông Chín xuất xưởng khoảng 30.000-60.000 tượng Táo quân.

Cầm lên chỉ vào những điểm chi tiết trong khuôn in tượng, ông Chín cho biết, dù đã có khuôn in nhưng không phải ai cũng có thể làm ra những bức tượng đẹp. Để có thể làm ra những chiếc tượng Táo quân đẹp đúng chuẩn, người nghệ nhân làm tượng Táo phải hết sức tỉ mỉ, từ khâu nhào đất, nén đất vào khuôn tạo hình cho đến các công đoạn phơi, nung sấy đều phải chú ý kỹ lưỡng. 

Khi nén đất vào khuôn phải nén chặt thì tượng Táo mới cho ra đúng hình hài, đầy đủ các chi tiết mắt, mũi, miệng. Nếu in ra mà không đủ chi tiết thì tượng đó coi như bỏ đi, phải làm lại sao cho đủ chi tiết. Đây là lễ vật thành tâm của mỗi gia đình trong ngày đưa ông Táo về trời nên người thợ phải làm thật cẩn thận. 

Tượng Táo quân khi in phải dùng tay gạt đi lớp đất dư thừa đều tay để khi in ra những bức tượng sẽ bằng phẳng, đều nhau. Sau khi in xong, tượng sẽ phải đem đi phơi nắng từ 5 đến 7 ngày cho thật trắng. Sau đó xếp vào lò nung, canh lửa cho thật chuẩn, đúng độ rồi lấy ra, sau đó phết màu.

Sau nhiều ngày đỏ lửa, hàng ngàn tượng Táo quân trong lò nung của ông Chín cũng đã được ra lò. Sắp xếp những bức tượng chỉnh chu, ngay ngắn, ông Chín tỉ mỉ phối màu sơn tượng theo tỉ lệ để khi phun lên tượng cho ra màu nhũ vàng hay vàng đỏ đẹp phục vụ khách hàng. Qua bàn tay khéo léo của người nghệ nhân cần mẫn, từng khuôn mặt ông Táo, bà Táo lần lượt hiện lên rõ nét.

Đau đáu giữ nghề

Đối với ông Chín, làm tượng Táo quân không chỉ là cái nghề nuôi sống gia đình mà còn là một nghề truyền thống được bao thế hệ ở làng gốm Thanh Hà gìn giữ từ hàng trăm năm nay để giữ hương vị Tết Việt.

Riêng gia đình ông Chín đã có 3 thế hệ làm gốm, hơn 100 năm đỏ lửa làm tượng Táo quân. Bản thân ông Chín có hơn 40 năm làm bạn với đất sét, cũng ngần ấy thời gian ông biết làm tượng đất Táo quân. Điều ông luôn trăn trở là vẫn chưa có người tiếp tục nối nghiệp ông, giữ lại nghề làm tượng đất Táo quân, một trong những sản phẩm truyền thống của làng gốm Thanh Hà.  

Ông Chín cho biết, trước đây, người người, nhà nhà ở làng gốm Thanh Hà đều sản xuất tượng Táo quân, nhiều người nhỏ tuổi lúc xưa cũng đều đã được truyền dạy nghề. Tuy nhiên trải qua những thăng trầm với nghề, dần dà những người giữ nghề làm gốm Táo quân chuyển sang những hướng khác.

Nhiều người chuyển qua làm phục vụ khách du lịch, người chuyển qua các mặt hàng khác theo xu hướng thị trường. "Nghề làm Táo quân chỉ làm được có một mùa giáp Tết, chỉ phục vụ cho việc người dân tiễn ông Táo về trời. 

Giá thành của tượng Táo quân thì thấp hơn nhiều so với mặt hàng thương mại, cao nhất cũng chỉ có 5.000 đồng 1 tượng, trong khi đó còn phải cạnh tranh với các thị trường gốm khác đưa đến nên ít ai sống nổi với nghề. Người dân nơi đây dường như đều từ bỏ, chuyển qua nghề khác. Kể cả lớp trẻ sau này cũng không có ai chịu theo nghề", ông Chín trăn trở.

Tượng Táo quân ông Chín làm ra đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân nhiều tỉnh thành.

Khi tôi hỏi tại sao nhiều người chuyển hướng mà ông lại không, ông Chín trầm ngâm: "Dù những nghề khác bây giờ phát triển, "dễ sống" hơn nghề nặn tượng Táo quân nhưng từ khi tôi sinh ra và lớn lên đều gắn với mùi đất sét, mùi sơn mài làm Táo quân của cha ông tôi để lại, nghề này nuôi tôi khôn lớn. 

Mẹ tôi cũng rất tâm huyết với nghề, bây giờ bà đã mất, tôi muốn làm hết khả năng của mình để duy trì nghề truyền thống của gia đình, của làng trước nguy cơ mai một nên tôi sẽ không bao giờ từ bỏ. Miễn lò nung còn đỏ lửa thì tôi vẫn sẽ tiếp tục làm ra tượng Táo quân", ông Chín nói.

Hai năm nay, ông Chín cũng tự mày mò làm gốm mỹ nghệ và phục vụ du lịch. Dù cố bám sát thị trường tuy nhiên với ông Chín những nghề này chỉ để nuôi sống, duy trì nghề nặn tượng Táo quân, truyền lại cho thế hệ mai sau và tìm hướng mới phát triển nét nổi bật cho làng nghề.

Với những sản phẩm mỹ nghệ, ông Chín cũng không dùng khuôn sản xuất đại trà các sản phẩm như những nơi khác mà cho ra đời nhiều hình hài tượng gốm bằng chính đôi bàn tay nặn tượng thủ công của mình. Ông Chín tâm niệm, với người làm nghề lâu năm, bây giờ không quan trọng chuyện phát triển kinh tế nhiều nữa mà quan trọng là phải giữ cái nghề cha ông để lại. 

Hà Vy
.
.
.