Người nuôi 180 đứa con của đồng đội trong suốt 40 năm

Thứ Ba, 01/07/2014, 13:30

Sau hơn 40 năm, từ hai đứa con đầu tiên của đồng đội gửi gắm trong chuyến hành quân ra Bắc, người nữ thanh niên xung phong (TNXP) ấy đã trải qua cuộc hành trình kì lạ với bao sóng gió, khó khăn để có một mái ấm tình thương cho những đứa trẻ cơ nhỡ như bây giờ. Dù mang trong mình nhiều bệnh tật, nhưng người mẹ ấy vẫn luôn vui tươi, yêu đời bởi chứng kiến được sự trưởng thành của những đứa con. Và như bà đã nói, cho đến cuối cuộc đời, bà vẫn sẽ sống hết mình vì các con của mình ở nơi đây…

Người mẹ "điên"

Mái nhà của người mẹ Trần Thị Thanh Hương (65 tuổi, quê tại huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế) xây dựng được có cái tên rất ý nghĩa, Thiện Giao. Cái tên của ngôi nhà đã nói lên tất cả những gì bà mong muốn các con mình đạt được đó là tình thương, cái thiện và sự đồng cảm. Và cũng từ mái nhà này, không biết bao nhiêu đứa trẻ đã lớn lên dưới sự chăm sóc của mẹ Hương và các anh chị đồng cảnh ngộ. Tuy nhiên, theo như lời kể của bà Hương, sự ra đời của ngôi nhà Thiện Giao bây giờ không đầy hoa mỹ như nhiều người đã tưởng nhưng đằng sau đó cũng là cả một câu chuyện dài.

Theo như lời kể của bà Hương, năm 1954, gia đình tập kết ra Bắc, bà được vào học tại Trường THPT Thái Phiên, Hải Phòng. Cho đến năm 1966, theo tiếng gọi của Tổ quốc bà vào TNXP rồi chuyển sang bộ đội. Năm 1972, trên đường hành quân ra Bắc qua thị trấn Hồ Xá, tỉnh Quảng Trị, một đồng đội bị nhiễm chất độc da cam, nhà chẳng còn ai đã trao cho bà đứa bé nhờ nuôi hộ. Ngay sau đó, khi biết được nghĩa cử của bà, lại một đồng đội khác cũng đến gửi gắm con nhờ bà nuôi. Thế là một mình phải gánh hai đứa trẻ từ miền Trung ra Đoàn an dưỡng 253 (Quân khu 3). Do không đủ thủ tục, bà buộc phải đưa các cháu về nhờ mẹ nuôi nuôi giúp. Những năm tháng chiến tranh, cuộc sống vất vả, ba mẹ con bà phiêu bạt, lúc ở Hải Dương, Hưng Yên, lúc lại ở Bắc Ninh, Hải Phòng. Nhiều người khi biết câu chuyện và những khó khăn bà gặp phải khi đèo bồng thêm hai đứa trẻ, họ đều tặc lưỡi trách bà dại, nhiều người gở miệng còn nói rằng bà bị điên nên mới ôm nặng nợ vào người.

Bà Hương và bức tranh thêu của các con tự làm..

Nhưng câu chuyện của bà chưa dừng ở đó, với thương tật hạng 1/4, lại bị nhiễm chất độc da cam, năm 1978, bà Hương buộc phải vào trại điều dưỡng thương binh tại Móng Cái. Ở đó, chuyện bà nuôi giúp con đồng đội được nhiều người biết đến và lũ lượt đồng đội thương binh mang con đến phó thác cho người phụ nữ chưa chồng này.

Cho tới năm 2001 cha ốm nặng, bà Hương phải chia tay đàn con để về chăm sóc cha. Ngôi nhà lụp xụp rách nát nơi bà nuôi những đứa trẻ được chuyển giao cho người khác và họ cũng nhận chăm sóc những đứa bé này. Nhưng khi cha bà qua đời được ít ngày, những đứa con ấy nằng nặc đòi đi tìm "mẹ Hương" và cả lũ theo đứa anh lớn nhất khăn gói từ Móng Cái đi tìm mẹ.

Khi kể đến đó, bà Hương lại cười và nói: "Nhiều người nói rằng tôi là người tốt thế này thế kia, nhưng không phải đâu, đừng nói tôi tốt quá mức như vậy. Ngày ấy đồng đội gửi con thì mình nhận nuôi giúp vì thương anh em quá, sau này lại nhiều người gửi thì mình cứ nuôi rồi cũng phải tính chuyển giao cho nhà nước hoặc cơ sở nào có điều kiện. Nhưng mà có lẽ là cái nợ ở đời rồi, bọn trẻ nó nhất định không chịu ở mà phải đi tìm mẹ Hương chúng nó cơ. Nhìn cả lũ rồng rắn khăn gói đi tìm mẹ thì ai không thương cho được…". Sau khi nhận lại lũ con từ Móng Cái lên tìm mẹ, bà Hương đành phải lần mò đi tìm thuê căn nhà ở Chợ Hàng, dựng cơ sở làm nấm và nhà ở cho đám con.

Năm 2004, do cơ sở này quá chật chội mẹ con bà lưu lạc đến Đồ Sơn, Hải Phòng. Tại khu cánh đồng thuộc tổ 8, phường Ngọc Xuyên ấy, bà đã thuê đất của 1 người nông dân dựng lên mấy túp lều để ở. Được nhiều người động viên, giúp đỡ, bà Hương xây tiếp chuồng để nuôi lợn, ủ nấm, tổ chức cho các con bà đi học nghề mỹ nghệ, rồi vét ao nuôi cá, trồng rau. Cứ thế, mẹ con ngày ăn cá ở ao, ăn rau ở vườn. Đôi ba tháng thì thịt 1 con lợn rồi kho để ăn dần. Tiền bán đồ mỹ nghệ và nấm dùng mua gạo, mua đồ dùng... Cho đến khi nhiều nhà hảo tâm biết được câu chuyện của bà Hương, họ đã góp tiền lại để giúp bà mua lại mảnh đất này. Và từ đó, ngôi nhà của tình thương và sự đùm bọc với cái tên Thiện Giao được xây dựng bằng chính đôi tay của những đứa trẻ sống ở đây.

Nói về Thiện Giao, bà Hương cho biết: "Ngôi nhà này được nhiều bà con, đồng đội giúp đỡ và do chính các cháu xây dựng từng viên gạch một. Bởi tôi muốn các con tôi sau này ra đời có thể sống bằng chính sức lao động của chúng". Nhưng cũng từ khi Thiện Giao được lập lên, nhiều kẻ xấu đã lân la đến để mời chào bà Hương "hợp tác", dùng những đứa trẻ tật nguyền để xin tài trợ từ các tổ chức và nhà hảo tâm. "Mấy lần bọn nó đến mời chào và hứa sẽ tài trợ cho Thiện Giao nhiều tiền nhưng đều bị tôi cầm gậy đuổi đánh. Nếu tôi đồng ý thì tôi biết ăn nói thế nào với các con, sau này sẽ dạy chúng thế nào. Vì thế nên nhiều kẻ cứ chửi tôi là con điên, cho tiền còn không lấy. Nhưng tôi mặc kệ, điên cũng không sao miễn là các con có thể nhìn tôi mà sống tốt, trở thành người có ích khi hòa nhập với cộng đồng…", bà Hương chia sẻ.

Những đứa con của Thiện Giao đều được dạy để tự lao động.

Kiếm sống bằng đôi bàn tay

Do số lượng các cháu tật nguyền đông nên bà Hương đành phải chọn lựa các trường hợp có một trong ba điều kiện: con ruột hoặc cháu của các cựu chiến binh, gia đình thuộc diện cấp sổ hộ nghèo, bố, mẹ đã chết hoặc là người tàn tật. Dù bận bịu với việc vừa phải làm kinh tế vừa phải nuôi dạy các con song bà liên tục phải đi xác minh các trường hợp nộp đơn thống nhất với chính quyền xã, phường, huyện, quận rồi lại phải thông qua các phòng LĐ-TB-XH đầy đủ trước khi nhận nuôi. Đối với Thiện Giao, tất cả không phải đóng góp bất cứ một khoản tiền nào. Tiêu chuẩn, chế độ, trẻ đều được hưởng như nhau. Riêng chế độ của nhà nước, bà Hương dành lại cho gia đình các cháu.

Xưởng làm nấm của Thiện Giao.

Bà Hương cho biết hiện 23 "đứa con" của gia đình Thiện Giao đều chịu di chứng chất độc da cam. Trong đó, chín trường hợp bị chứng bệnh down (bệnh gây chậm phát triển trí tuệ và những bất thường về phát triển khác), lúc nào cũng ngơ ngơ ngác ngác. Năm đứa câm điếc chỉ có thể ú ớ ra hiệu bằng tay. Những cháu khác thì tay chân teo tóp, hiếm lắm mới có được một cháu phát triển bình thường.

Nhìn những đứa con của bà Hương tại ngôi nhà Thiện Giao mới thấy được nghị lực của người phụ nữ này mạnh mẽ đến chừng nào. Do di chứng của chất độc da cam, nhiều đứa con của bà Hương bị thiểu năng trí tuệ, việc đi đứng, ăn ở, sinh hoạt cá nhân đều hết sức khó khăn. Để dạy các con học được một việc đơn giản như quét nhà, dọn dẹp bà Hương cũng phải nhẫn nại mất tới hàng năm trời. Khi đã quen với những việc dễ dàng, bà tiếp tục dạy các con những việc khó hơn như trồng rau, nuôi lợn. Ngoài ra bà còn mở thêm một nhà xưởng làm nấm và nặn tượng, phù điêu. Nếu không được bà Hương giới thiệu, ít ai có thể ngờ được rằng tấm hình phù điêu Chủ tịch Hồ Chí Minh hay các loại tượng Phật khác đều do các em ở Thiện Giao làm ra. Cũng nhờ vào việc tự lực lao động kiếm sống ấy mà các con của bà đã biết làm nhiều việc, Thiện Giao cũng có nguồn thu để trang trải các chi phí sinh hoạt hàng ngày.

Bà Hương và một đứa con bị di chứng chất độc da cam.

Với những đứa con có khả năng, trí tuệ, bà luôn tạo điều kiện cho chúng được học hành đến nơi đến chốn. Tính cho tới nay, bà Hương đã nhận nuôi 180 đứa con trong đó có nhiều người đã tốt nghiệp trình độ đại học, cũng có nhiều người sau khi hòa nhập xã hội đã có công việc ổn định, gia đình khá giả. Có thể kể đến các trường hợp điển hình như: Hiếu giờ đã nhập ngũ trở thành bộ đội, Phương sắp tốt nghiệp cao đẳng kinh tế, đã có nơi nhận vào làm...

Biết được rằng mình không còn sống được lâu nữa, dù mới ở tuổi 65, bà Hương đã lên kế hoạch trước cho các con trong đại gia đình Thiện Giao này. Người mà cô định giao trọng trách là Phương. Phương tuy mất cả 2 chân nhưng đầu óc minh mẫn, lại thông minh, nên cô mua xe ba bánh điện cho Phương đi học chuyên ngành kế toán - khoa Kinh Tế của Trường Đại học Hải Phòng. Những đứa khác như Hoa, Dính, Hai cũng được chị lo cho đi học trường nghề, cao đẳng để sau này phụ giúp Phương phát triển kinh tế và chăm lo cho các em.

Khi kể về kế hoạch chuẩn bị cho tương lai này của mình, bà Hương ngậm ngùi: "Cũng có nhiều đứa con ở Thiện Giao giỏi giang lắm nhưng nhiều năm rồi không về thăm lại nhà. Tôi cũng không trách chúng, các con có thể sống tốt ở ngoài kia là mừng lắm rồi, chỉ mong thi thoảng chúng nó về báo cho mẹ chúng là giờ cuộc sống ra sao mà thôi...".

Theo ông Hoàng Gia Tuấn - Chủ tịch UBND phường Ngọc Xuyên, quận Đồ Sơn, Hải Phòng cho biết: "Cơ sở Thiện Giao của bà Hương là một nơi làm xã hội từ thiện được địa phương rất ủng hộ. Dù gặp nhiều khó khăn nhưng bà Hương vẫn đứng ra nhận các cháu về nuôi, đó chính là một tấm gương rất dũng cảm. Hơn nữa trong người bà Hương còn rất nhiều bệnh tật, để làm được điều đó thì hẳn là người ta cũng phải có ý chí, nghị lực…".

Lê Phong - Ngọc Trâm
.
.
.