Người phụ nữ 10 năm sống chung với HIV

Thứ Hai, 29/05/2017, 08:44
Bị lây nhiễm HIV từ người chồng quá cố, chị đã mất trọn 2 năm để khóc cạn nước mắt và vượt qua bĩ cực.

Niềm hạnh phúc lớn lao nhất, cũng là động lực để chị mạnh mẽ sống là đứa con gái duy nhất may mắn không bị lây nhiễm căn bệnh thế kỷ này từ bố mẹ. Suốt 10 năm qua, chị đã dũng cảm chiến đấu với bệnh tật để cống hiến, trở thành đồng đẳng viên của nhóm thiện nguyện "Vì ngày mai tươi sáng".

Rất tình cờ, trong một lần thâm nhập một "điểm nóng" về tệ nạn ma túy trên địa bàn huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An để thu thập tư liệu, viết bài phản ánh, chúng tôi được nghe chính những đối tượng nghiện ngập kể về chị, một người phụ nữ nhiễm HIV đã thường xuyên có mặt tại đây để tuyên truyền về cách phòng tránh lây nhiễm căn bệnh thế kỷ qua con đường tiêm chích ma túy.

Chính sự khâm phục và ngưỡng mộ của những người trót sa ngã vào nàng tiên nâu, tôi đã quyết định tìm về xóm Bảo An, xã Tam Hợp, huyện Quỳ Hợp để tìm chị Nguyễn Thị Thanh (39 tuổi), người đã 10 năm sống chung với "ết" nhưng vẫn lạc quan, khỏe mạnh và lặng lẽ cống hiến cho xã hội trong nỗ lực chung tay để giảm thiểu tác hại lây lan từ vi rút HIV.

Bĩ cực phận người

Ngôi nhà nhỏ của chị Thanh nằm chênh vênh cuối xóm Bảo An, là nơi trú ngụ của hai mẹ con từ nhiều năm qua thiếu đi bàn tay chăm sóc của người đàn ông, nhưng nó vẫn tươm tất.

Bên chiếc máy khâu truyền thống, chị Thanh đã không ngần ngại kể lại cho chúng tôi nghe về quãng đời cơ cực của bản thân mình trong suốt thời gian đã qua.

Chị và anh Lê Văn Vân (41 tuổi), trú xã Đồng Hợp, huyện Quỳ Hợp là đôi bạn thân từ nhỏ, lớn lên chị chọn nghề thợ may để mưu sinh, còn anh Vân lái xe cho gia đình, chạy tuyến Nghệ An - TP Hồ Chí Minh.

Bởi tay nghề giỏi nên chị Thanh nhận được rất nhiều đơn hàng, công việc bận rộn nên hai người cũng ít có thời gian quan tâm, nói chuyện với nhau nhiều như trước.

Bẵng đi một thời gian, đến khoảng giữa năm 2003, người dân trên địa bàn xì xầm bàn tán về việc anh Vân nghiện ma túy, dùng chung kim tiêm nên bị lây nhiễm HIV từ bạn nghiện.

Lúc bấy giờ, "ết" là một cái gì đó rất đỗi ghê gớm trong suy nghĩ của mọi người, nhất là ở các vùng thôn quê nên nghe tin như sét đánh bên tai, chị Thanh đã chủ động liên lạc, gặp gỡ để động viên, chia sẻ với bạn, song mỗi lần như vậy, anh Vân lại gạt phắt đi, khẳng định bác sĩ nhầm lẫn kết quả chứ mình không hề bị bệnh.

Những lời nói ấy, Thanh đã rất tin. Từ gần gũi để thông cảm, chia sẻ, dần dà tình yêu nảy sinh, đến độ khi cả hai quyết định đi đến hôn nhân vào năm 2004, gia đình hai bên phản đối gay gắt, song chị vẫn quyết định đến với anh.

Ngôi nhà của hai mẹ con chị Thanh.

Không chỉ vì yêu, mà chị muốn khẳng định với mọi người rằng, anh Vân không hề bị bệnh, chẳng qua do miệng lưỡi thế gian nên anh phải sống trong sự ghẻ lạnh, kì thị của người đời. Nhưng chị đã nhầm, bởi hai năm sau ngày cưới, khi đứa con gái đầu lòng Lê Thị Ni Na chưa thôi nôi thì chồng bị tai nạn, không thể cầm máu nên buộc phải đưa vào viện điều trị.

Cầm trên tay kết quả xét nghiệm dương tính với HIV của chồng, chị ngất lịm. Niềm tin sụp đổ, nhưng chị không hề oán trách chồng, có chăng chỉ trách anh không nói thật từ đầu, để có phác đồ điều trị và biện pháp phòng tránh lây nhiễm.

Những ngày cuối đời của anh Vân đến rất nhanh, chị cố giấu nước mắt, lặng lẽ chăm sóc chồng chu tất, để rồi khi chồng con chìm vào giấc ngủ, chị mới dám ôm mặt khóc thương cho số phận mình.

Cúng cơm 50 ngày cho chồng xong, hai mẹ con ôm nhau đi xét nghiệm, bản thân chị dương tính với virút HIV, một kết quả chị đã định liệu được từ trước. Nhưng điều thần kỳ đã xảy ra, khi bé Ni Na không hề lây nhiễm căn bệnh này từ bố mẹ.

Chị như không tin vào mắt mình, đưa con đi xét nghiệm thêm nhiều lần sau đó nữa, và đã khóc như mưa như gió vì quá hạnh phúc với kết quả bất ngờ này. Trở về quê nhà, chị đã mất trọn 2 năm để khóc và vượt qua số phận nghiệt ngã. Không thể ở chung nhà với bố mẹ, chị dựng mái nhà tạm bợ, nằm biệt lập cuối xóm để hai mẹ con tá túc.

Chị Thanh với công việc mưu sinh bên chiếc máy khâu.

10 năm vượt qua số phận

Lúc bấy giờ, mọi người chung quanh rất kì thị, xa lánh với người nhiễm HIV, nhiều người đến thăm nhưng không dám ngồi, nước không dám uống. Thậm chí, nhiều đơn đặt hàng may áo quần trước đó, khi hay tin chị nhiễm HIV đã tìm đến để lấy lại vải về may chỗ khác.

"Suốt 2 năm ròng chỉ biết khóc và khóc, hễ ai hỏi đến là cứ ôm mặt khóc rưng rức. Đã có lúc nghĩ đến việc xấu nhất, là chết theo chồng cho rảnh nợ trần gian, nhưng nghĩ đến con gái chị lại từ bỏ ý định", chị Thanh tâm sự.

Năm 2008, bước ngoặt cuộc đời đến với chị Nguyễn Thị Thanh khi nhóm thiện nguyện của những người bị nhiễm HIV với tên gọi "Vì ngày mai tươi sáng" được thành lập. Các thành viên trong nhóm đều là những người cùng cảnh ngộ, đã đến tận nhà chia sẻ, động viên chị gia nhập.

Nhìn thấy những người này cùng mang trong mình căn bệnh thế kỷ nhưng lúc nào cũng lạc quan, yêu đời, chị Thanh đã quyết định thay đổi cách sống của mình.

Thời gian sau đó, chị được đi điều trị theo phác đồ và uống ARV đều đặn nên đã nhanh chóng lấy lại được sức khỏe, vóc dáng như trước đây.

Niềm tin đã trở lại, chị bắt đầu tham gia nhiệt tình vào các hoạt động của nhóm, tích cực hướng dẫn mọi người cách phòng tránh lây nhiễm HIV, chủ động tham gia phát bơm kim tiêm miễn phí cho các đối tượng nghiện ngập trên địa bàn.

Chị bảo, làm người tốt cũng không dễ dàng gì, bởi thời gian đầu chị vấp phải sự phản ứng của mọi người, khi cho rằng Nhà nước đang nghiêm cấm sử dụng ma túy nhưng chị lại đi phát bơm kim tiêm. Thậm chí, một số bà vợ còn ghen tuông, cho rằng chị mượn cớ đi tuyên truyền để cặp kè, mồi chài chồng họ.

Mặc kệ dư luận, chị nhẫn nại với công việc hằng ngày của mình, đặc biệt bản thân chị đã biết tận dụng, khai thác từ những mối quan hệ là bạn nghiện của chồng để phát hiện ra các con nghiện, hoặc các điểm nóng, để từ đó thâm nhập vào các tụ điểm ma túy phức tạp, vừa tuyên truyền cách phòng tránh lây nhiễm, vừa phát bơm kim tiêm miễn phí.

Sự âm thầm cống hiến đó đã nhanh chóng lấy lại được niềm tin từ mọi người, đối tượng nghiện nể phục chị, bà con lối xóm thấy chị khỏe mạnh, yêu đời và nuôi con khôn lớn, đã cảm thông, chia sẻ, ngôi nhà nhỏ của chị cũng vì thế đã lại tấp nập người ra vào để may đo, đặt hàng quần áo.

Chị Thanh đang tư vấn, tuyên truyền cho người dân về tác hại của ma túy.

Chia sẻ về công việc của mình, chị Thanh cho biết, khó khăn nhất là việc thâm nhập vào các tụ điểm phức tạp về ma túy để tuyên truyền và phát bơm kim tiêm.

Khi phải tiếp xúc với các con nghiện, là phận gái liễu yếu đào tơ, có lúc chị cũng rất hoang mang, nhưng được các đồng nghiệp hỗ trợ, động viên, chị đã vượt qua được nỗi sợ hãi ấy để tiếp tục đồng hành với những người nghiện ma túy trong nỗ lực tránh xa căn bệnh thế kỷ.

Mặc dù tất bật với công việc sinh hoạt cộng đồng, song chị Thanh vẫn dành khoảng thời gian nhất định để chăm sóc, nuôi dạy con gái khôn lớn. Chị kể, thời điểm mới đi học, bé Ni Na cũng bị kỳ thị rất nhiều, chị buộc phải đưa con đi xét nghiệm và mang kết quả về cho nhà trường, lúc bấy giờ mọi người mới tin tưởng.

Đến nay, Ni Na đã là nữ sinh lớp 7, học giỏi và rất ngoan ngoãn, ngoài giờ học đã có thể giúp mẹ làm nhiều việc nhà. Đó vừa là động lực, cũng là niềm hạnh phúc lớn nhất để chị tiếp tục cống hiến cho xã hội những việc làm thiện nguyện.

Được biết, trong thời gian vừa qua, đã có rất nhiều người đàn ông khỏe mạnh, sẵn sàng dang rộng vòng tay để đón chào mẹ con chị nhưng chị bảo, không muốn tìm thêm hạnh phúc mới, không hẳn chị sợ vấp ngã thêm lần nữa, mà hạnh phúc với cuộc sống hiện tại, chị đã rất bằng lòng.

Kể về điều này, chị Vân cảm động cho biết, bố mẹ chồng ngoài việc rất quan tâm đến cuộc sống thường ngày của hai mẹ con, đã nhiều lần thúc giục con dâu đi xây dựng hạnh phúc mới khiến chị rất cảm động.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp cho biết, thông qua các hoạt động vì cộng đồng của nhóm "Vì ngày mai tươi sáng", bản thân ông biết đến trường hợp của chị Lê Thị Thanh.

Là hộ nghèo, song chị Thanh rất nghị lực, không chỉ vượt qua hoàn cảnh, số phận mà còn có nghị lực, cống hiến cho xã hội trong nỗ lực đẩy lùi tệ nạn ma túy và phòng tránh lây lan vi-rút HIV qua con đường tiêm chích.

Thời gian vừa qua, chính quyền địa phương cũng như các tổ chức Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên đã cùng phối hợp, giúp đỡ để động viên, khích lệ chị Thanh tiếp tục vượt qua hoàn cảnh,  sống có ích cho xã hội như chính chị đã làm trong suốt thời gian gần 10 năm qua.

Thiên Thảo
.
.
.