Người phụ nữ Liên Xô trong chiến tranh Việt Nam

Chủ Nhật, 03/05/2020, 14:53
Khoảng 11.000 chuyên gia và cố vấn quân sự Liên Xô đã được gửi đến Việt Nam trong những năm cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.. Trong số đó có Lyubov Roslyakova, người đã được trao tặng Huân chương Hữu nghị Việt Nam.


Năm 1967, Lyubov Roslyakova, 27 tuổi, là một nhân viên của Học viện Không quân ở Moskva, được triệu tập đến Bộ Tổng tham mưu Bộ Quốc phòng Liên Xô để nhận thông báo về việc sang công tác tại Ban Tham mưu Đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô tại ViệtNam.

Bà Lyubov Roslyakova hồi tưởng lại: "Khi đó tôi không do dự chút nào: đi hay không đi đến một đất nước với khí hậu bất thường đang có chiến tranh? Tôi muốn giúp đỡ người dân đang chiến đấu chống Mỹ. Tôi đã đồng ý ngay lập tức. Nhưng, có một trở ngại nhỏ. Đảng ủy tại nơi làm việc nên cho tôi giấy nhận xét tính cách, và để cấp giấy này tôi phải cho biết nơi tôi sẽ đi.

Lyubov Rosliakova là người phụ nữ duy nhất trong các chuyên gia Liên Xô tại Việt Nam được tặng Huy chương Hữu Nghị.

Nhưng, chuyến công tác là bí mật, mục đích của chuyến đi bị cấm tiết lộ. Đảng ủy đã phẫn nộ, họ cứ tưởng rằng, tôi không nêu tên quốc gia có nghĩa là tôi muốn rời Liên Xô để sang Mỹ. Tôi phải báo cáo điều này với Bộ Tổng tham mưu. Và cùng ngày họ mang đến cho tôi giấy nhận xét, xin lỗi vì đã không tin vào tôi".

Cuối tháng 3/1967, Lyubov Roslyakova đã đến Hà Nội cùng với Đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô. Vào đêm đầu tiên, cô bị muỗi đốt khắp người vì khi đó cô chưa biết cái lưới treo trên giường để làm gì. Cô phải đi làm với tay, chân và mặt bị sưng. Để kịp chuẩn bị và đánh máy tài liệu gửi Bộ Tổng tham mưu ở Moskva cho kịp chuyến thư định kỳ, đôi khi cô phải làm việc từ sáng ngày hôm trước thông đến sáng ngày hôm sau.

Bà Lyubov Roslyakova nhớ lại: "Đầu tháng 4-1967, trên đường phố Hà Nội, tôi lần đầu tiên được nghe tiếng còi báo động, song chưa biết đấy là cái gì. Hóa ra đó là báo động và người phát thanh viên thông báo về việc máy bay Mỹ đang đến gần, cần ẩn nấp vào các hầm trú bom. Các bạn Việt Nam đã giải thích cho tôi "trú bom" là gì.

Tôi còn chưa kịp định hình thế nào thì máy bay Mỹ đã ném bom và tôi buộc phải nhảy xuống cái hố đó. Khi tôi kéo được chiếc nắp lại gần phía mình thì hóa ra chiếc hố này quá nhỏ đối với tôi nên đầu tôi vẫn nhô lên khỏi hầm. Nhận ra rằng chiếc hầm không thể cứu được tính mạng nên tôi nhảy lên và chạy ngược vào trong nhà.

Trong vụ không kích tiếp theo, tôi đã may mắn vì tôi đang vắng nhà. Khi tôi về nhà thì thấy máy điều hòa đã bay ba mét ra đường, tủ lạnh bị rách ở phía bên kia của căn phòng, khung cửa sổ và cửa ra vào bị đập, các viên bi rơi cả trên giường, trên bàn và cả sàn nhà. Vào tháng 5, đúng vào ngày sinh nhật của Hồ Chí Minh, một chiếc máy bay Mỹ bị những người bảo vệ Hà Nội bắn hạ, đã rơi gần hàng rào của Đại sứ quán Liên Xô. Bình nhiên liệu đã bị cháy, may là trên máy bay không còn bom đạn.

Sau một thời gian, có thông tin cho biết Mỹ rải truyền đơn nói rằng sẽ xóa sổ Hà Nội và phá con đê trên sông Hồng để nước tràn vào nhấn chìm mọi thứ. Rất may là điều đó đã không xảy ra. Các chiến sĩ tên lửa Việt Nam với sự giúp đỡ của các chuyên gia Liên Xô đã cứu con đập. Chuyến công tác của tôi đã bắt đầu trong bối cảnh này. Lúc xảy ra trận ném bom, cảm giác thật kinh khủng.

Tôi có cảm tưởng rằng chỉ một mình tôi là sợ hãi. Tuy nhiên có một lần tôi mạnh dạn hỏi Thiếu tướng, Anh hùng Liên Xô Vladimir Senchenko, người từng tham gia Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, rằng ông ấy có sợ không. Ông trả lời rằng có sợ và thậm chí còn rất khiếp sợ. Chỉ có người đã chết mới không sợ chết, còn người đang sống thì luôn sợ chết, đó là điều hiển nhiên. Và tôi dễ chịu hơn".

Lyubov Roslyakova khi làm việc tại Việt Nam - năm 1967

Trong lòng dễ chịu hơn, nhưng sức khỏe Lyubov Roslyakova bắt đầu có vấn đề, cô bắt đầu bị đau tim, hệ tiêu hóa làm việc kém và các ngón tay sưng phù lên. Các bác sỹ quân y đã khẩn thiết khuyên cô trở về Moskva để tránh tình trạng xấu hơn nhưng cô đã từ chối.

"Tôi từ chối trở về Moskva. Lập luận chính của tôi là thế này: "Tôi sẽ phải giải thích thế nào khi về đến Moskva? Vì tôi không hoàn thành nhiệm vụ, mà tôi không thể chấp nhận điều này dù họ có khuyên tôi thế nào đi chăng nữa. Tôi đồng ý với mọi biện pháp chữa trị mà họ đề nghị, nhưng chỉ ở Hà Nội, để tôi có thể tiếp tục công việc của mình. Thế là tôi đã hoàn thành nhiệm vụ. Hơn nữa, thay vì 1 năm ở Việt Nam, tôi đã ở tới 1 năm 4 tháng".

Lyubov Roslyakova là người phụ nữ duy nhất trong nhóm các chuyên gia Liên Xô được Chính phủ Liên Xô khen thưởng, và Chính phủ Việt Nam tặng bà Huy chương Hữu nghị.

Ngọc Trang (theo Sputnik)
.
.
.