Người phụ nữ Việt Nam đầu tiên chạy marathon ở Bắc Cực

Thứ Năm, 21/06/2018, 17:18
Ngồi trong lều nhìn ra khoảng trời băng, thấy các vận động viên khác miệt mài chạy, bất chợt như có gì đó thôi thúc Tăng Nguyệt Minh. Chị nghĩ, chẳng lẽ tới đây rồi lại chỉ làm được có bấy nhiêu… Và điều quan trọng nhất, phải vượt qua được giới hạn của bản thân.

Chạy marathon trên băng

Làm nghề thời trang, thiết kế, sở hữu dáng người thon gọn, duyên dáng và nữ tính, nhìn bề ngoài không ai nghĩ Tăng Nguyệt Minh là phụ nữ đầu tiên của Việt Nam tham gia chạy marathon ở Bắc Cực. 

Dù đã an toàn trở về được hơn một tháng, nhưng cái tên Tăng Nguyệt Minh vẫn được nhiều người nhắc đến với một niềm tự hào và ngưỡng mộ. 

Tăng Nguyệt Minh chia sẻ, chị chưa bao giờ nghĩ có một ngày sẽ được đặt chân đến Bắc Cực bởi nơi ấy quá xa vời, chi phí lại rất cao. Khi được Công ty Bảo hiểm Nhân thọ FWD Việt Nam (FWD) mời tham gia phỏng vấn cho chuyến đi Bắc Cực, chị rất bất ngờ. 

Chị cho biết, mỗi năm công ty bảo hiểm này đều tuyển chọn ứng viên để tổ chức đi Bắc Cực nhưng 17 năm qua, họ chưa một lần gọi tên người Việt Nam. Vừa nghe tới Bắc Cực thì trong người Nguyệt Minh đã háo hức. 

Chị đồng ý tham gia phỏng vấn với tinh thần: “Nếu được thì sẵn sàng lên đường, kiểu gì cũng hết mình”. Trải qua vài cuộc phỏng vấn, Nguyệt Minh cũng không biết mình là ứng viên xếp hạng thứ mấy và trong cuộc tuyển chọn khắt khe này có bao nhiêu người tham gia, tỷ lệ chọi cao hay thấp. 

Một tuần sau, chị nhận được thông báo và là phụ nữ đầu tiên của Việt Nam được chọn lựa tham gia cuộc thi chạy marathon năm 2018 ở Bắc Cực.

Tăng Nguyệt Minh chạy marathon ở Bắc Cực.

Chỉ còn đúng một tháng để tập luyện, Tăng Nguyệt Minh đã gác lại tất cả công việc để tập trung luyện tập. Lịch tập của chị kéo dài từ 4-5 ngày mỗi tuần, xen kẽ bơi, chạy bộ, yoga, gym hoặc đạp xe. 

Ngoài thời gian tập luyện, Tăng Nguyệt Minh bắt đầu tìm hiểu về Bắc Cực, nhưng thật sự là thông tin rất ít, rất mông lung bởi ở Việt Nam số người đến Bắc Cực chỉ đếm trên đầu ngón tay. 

Trước đó, chị có tham gia một vài cuộc thi marathon theo phong trào nhưng cũng chưa bao giờ chạy quá 10km. Thử thách trong chuyến đi này là chạy 42km trên băng tuyết dưới nền nhiệt độ giá lạnh khủng khiếp. 

Bản thân chị cảm giác rất lo lắng, nhưng niềm tự hào là người Việt Nam đầu tiên tham gia cuộc thi đã chiến thắng tâm lý hoang mang của chị. 

Gia đình lúc đầu phản đối, cho rằng chị đi như vậy vô cùng nguy hiểm. Hơn nữa, Bắc Cực là một nơi quá xa xôi cách trở và khắc nghiệt, họ không yên tâm khi thân gái “dặm trường” như vậy. 

Tuy nhiên, Tăng Nguyệt Minh đã quyết tâm phải đi, dù thế nào cũng phải nắm bắt lấy cơ hội mà cả đời người không bao giờ có lần thứ hai.

Tăng Nguyệt Minh tự hào là người Việt Nam đầu tiên tham gia cuộc chạy marathon trên Bắc Cực.

Mặt khác, nhà tổ chức biết rõ Tăng Nguyệt Minh không phải là vận động viên chuyên nghiệp và thể lực cũng không phải tuyệt vời. Họ chọn chị cho mục đích tạo động lực và niềm tin cho con người hãy mạnh dạn vượt lên những giới hạn của bản thân. Họ có lý do để chọn và Tăng Nguyệt Minh không có lý do gì để từ chối.

Từ Việt Nam, Tăng Nguyệt Minh lên chuyến bay sang Na Uy nhập với đoàn đua vận động viên và Ban tổ chức. Từ đó, đoàn di chuyển thêm đoạn đường dài tới thị trấn nhỏ sát biển Bắc Cực. 

Thị trấn này nằm trên quần đảo Svalbard của Na Uy, chỉ có khoảng 2.000 dân sinh sống. Do trục trặc một số vấn đề nên đoàn bị kẹt lại tại thị trấn gần hai tuần. Đó là thời gian vô cùng tuyệt vời để Tăng Nguyệt Minh đi khám phá thị trấn nhỏ nằm ở nơi tận cùng thế giới. 

Nhiệt độ rất lạnh, các ngôi nhà, ngọn cây, con đường đều được phủ một lớp băng tuyết trắng xóa. Cuộc sống của cư dân diễn ra chậm rãi và bình yên. Có rất nhiều khách du lịch đặt chân tới thị trấn nhỏ này để trải nghiệm cuộc sống khác biệt. “Chúng tôi đi mua sắm, nấu ăn và tập chạy dưới mưa băng. Thật tuyệt vời” - chị chia sẻ. 

Lá cờ Việt Nam tung bay giữa biển Bắc Cực.

Cờ Việt Nam tung bay trên biển băng Bắc Cực

Trên chuyến bay quân sự cũ được cải tiến, tốc độ bay cũng không được nhanh nên phải mất 3 giờ, máy bay mới hạ cánh xuống đỉnh núi băng tọa độ 90 độ so với bề mặt xích đạo. 

Cảnh trước mắt toàn là băng, một màu trắng tinh khôi và trọn vẹn. Những dãy núi băng trắng đều hòa với mây trời tạo nên khung cảnh như thiên đường. Cảm giác đầu tiên là cái lạnh ập đến rất nhanh, không có từ nào hình dung ra sự lạnh giá lại khủng khiếp đến vậy. 

“Có lẽ do là người Việt Nam sống quanh năm với nắng nóng nên tôi cảm nhận vậy. Nhưng điều tuyệt vời, Bắc Cực đã sưởi ấm tôi. Tôi bắt đầu thiết kế ra cách chống lạnh theo cách riêng, phù hợp với thể trạng và thật sự chịu đựng rất ổn”- chị cho biết.

Bắc Cực là một trong những nơi hấp dẫn nhất Trái đất. Bắc Cực liên tục di chuyển, thay đổi, tan chảy, tái tạo, xuất hiện và biến mất. Dưới lớp băng dày vài chục tấc ngày hôm nay con người đang đứng nhưng không biết khi nào nó sẽ biến mất. 

Cho nên, mỗi người có vinh dự đặt chân lên Bắc Cực đều hạnh phúc, tự hào và cho đó là một đặc ân của cuộc đời. Tuy nhiên, Bắc Cực cũng là một trong những nơi nguy hiểm nhất thế giới. Tăng Nguyệt Minh phải dùng mặt nạ để thở. Đôi bao tay đeo vào một lúc đã đóng băng. 

“Nơi đây thở thôi cũng là vấn đề, trời lạnh quá khiến niêm mạc mũi cứ vỡ và chảy máu suốt, gió thổi lạnh đến mức cười là buốt răng, chưa kể cảm giác hoa mắt khi ánh sáng phản chiếu từ tuyết. Tai lạnh, ù, hai chân tê nhức, đầu đau như búa bổ...” - Tăng Nguyệt Minh chia sẻ.

Các vận động viên tham gia cuộc thi năm 2018.

Tất cả những điều đó chưa khủng khiếp bằng việc phải chạy trên nền băng chỗ trồi chỗ sụt, chỗ cao, thấp. Mỗi bước chân chạy đều hằn rất sâu xuống lớp tuyết dày, kéo giảm sức khỏe ghê gớm. Nếu ai đã từng chạy bộ trên cát hoặc sa mạc thì chạy trên băng tuyết khó gấp nhiều lần, không thể so sánh được.

Cuộc thi năm nay quy tụ 60 vận động viên đến từ hơn 20 quốc gia trên thế giới. Máy bay đáp xuống Bắc Cực, các vận động viên nghỉ ngơi, đi thăm điểm cực rồi về lều chuẩn bị đồ nghề cho cuộc chạy. 

Chạy liên tục khi nào mệt thì vào lều nghỉ ngơi, ăn uống rồi lại chạy tiếp. Bắc Cực mùa này không có màn đêm, ánh sáng chiếu 24 giờ. Trong 10 vận động viên được Công ty Bảo hiểm Nhân thọ FWD tài trợ chỉ có 2 phụ nữ. 

Chặng đua dài 42km nhưng ban tổ chức khuyên phụ nữ nên chạy 21km là vừa sức. Sau khi hoàn thành 21km, Tăng Nguyệt Minh đã quá mệt, đói và buồn ngủ. Chị đã có ý định dừng cuộc đua, bởi vận động viên nữ khác cũng dừng lại. 

Ngồi trong lều nhìn ra khoảng trời băng, thấy các vận động viên khác miệt mài chạy bất chợt như có gì đó thôi thúc Tăng Nguyệt Minh. Chị nghĩ, chẳng lẽ tới đây rồi lại chỉ làm được có bấy nhiêu. 

Phía sau chị là đất nước Việt Nam, là gia đình, bạn bè. Và điều quan trọng nhất, phải vượt qua được giới hạn của bản thân. Nghĩ là làm, Tăng Nguyệt Minh vùng ra ngoài, tiếp tục những bước chạy bền bỉ, kiên cường. 

Khi chạy, Tăng Nguyệt Minh luôn nghĩ rằng marathon là phiên bản thu gọn của cuộc đời và tất cả chúng ta đều phải chạy cho chính mình. Khi còn mấy bước chân nữa là về tới đích, cơ thể chị rã rời, chân muốn khuỵu xuống. 

Phía trước những người bạn hô thật to, giang tay vẫy chào cổ vũ cho chị và chẳng biết có sức mạnh nào thúc giục, chị đã đặt bước chạy cuối cùng, kết thúc cự ly 42km. 

“Cảm giác lúc về đích ngọt ngào không thể diễn tả nổi. Mình ôm chầm lấy những người bạn, rưng rưng muốn khóc. Cái lạnh dường như bị xua tan. Mình lấy lá cờ của Việt Nam giăng trước ngực, ấm áp lạ lùng”- chị tâm sự.

 Tổng thời gian ở trên Bắc Cực của đoàn đua chỉ hơn 24 tiếng, trong đó có hơn 10 tiếng chạy dưới cái lạnh -32 độ C mà không hề có một giấc ngủ. Với những người chạy marathon ở đây, có lẽ là một ngày dài và ý nghĩa nhất cuộc đời của họ.

Trở về Việt Nam, Tăng Nguyệt Minh mang theo niềm tự hào vì đã hoàn thành cuộc chạy marathon vĩ đại nhất trong đời. Chị thấy cuộc sống thật lung linh, sinh động và nhiều màu sắc hơn. 

Ngọc Hoa
.
.
.