Người phụ nữ khắc khoải tìm về quê hương sau 40 năm xa cách

Thứ Năm, 07/05/2015, 08:00
Xa quê hương, xa bố mẹ khi còn đỏ hỏn, cô bé ngày đó giờ đã là một phụ nữ 40 tuổi. Cho dù không có một chút ký ức nào về quê hương mình nhưng dòng máu Việt vẫn đang chảy trong con người cô, cô mong ngóng và hy vọng được một lần biết cha mẹ mình là ai, được sống và cống hiến cho mảnh đất đã sinh ra cô.

Rời quê hương

Đất nước chiến tranh, hai miền Nam Bắc bị chia cắt và những người dân Sài Gòn trước năm 1975 thì tùy nghi di tản, mỗi người mỗi nơi không kể già trẻ trai gái, ngay cả những đứa trẻ mới sinh cũng bị chia lìa rời xa cha mẹ ngay từ khi mới lọt lòng. Nằm trong số những đứa trẻ đó có Le Thi Ha, người đã được một gia đình người Úc nhận nuôi khi còn đỏ hỏn.

Cô bé Le Thi Ha ngày đó mới chỉ 2,25kg, bị sinh thiếu tháng nên cô bé nằm lọt thỏm trong một chiếc hộp đựng giầy và đã di tản khỏi Sài Gòn từ năm 1975 giờ đã 40 tuổi. Mặc dù không biết quê hương gốc gác của mình nhưng trong suốt bao năm qua, trong trái tim cô vẫn đau đáu một điều là tìm được cha mẹ và quê hương của mình.

Mỗi khi nhắc đến quá khứ, cả cha mẹ nuôi của Le Thi Ha và chính bản thân cô cũng không thể giấu được nỗi xúc động dâng trào. Mẹ nuôi của cô là bà Gillian Diggins kể lại rằng, lần đầu tiên bà gặp Le Thi Ha bà đã không cầm được nước mắt. Gia đình bà có nguyện vọng nhận con nuôi nhưng khi bế trên tay một sinh linh còn quá yếu ớt, bà không khỏi chạnh lòng.

Nhìn cô gái bé xíu, đỏ hỏn, non nớt đến mức trên vành tai, vai và lưng vẫn còn lông măng, đấy là một dấu hiệu cho thấy cô bé bị sinh non nhiều ngày. Nhìn cô bé đáng thương nằm gọn trong một chiếc hộp đựng giầy và theo hành trình dài hơn 6.000km từ Việt Nam sang Úc, không chỉ bố mẹ nuôi của cô thương xót mà những người trên chuyến bay đó đều luôn cầu chúc cho sinh linh bé nhỏ được bình an.

Đặt chân đến đất nước Úc an toàn, Le Thi Ha được bố mẹ nuôi chăm sóc tận tình chu đáo. Bà Gillian Diggins nhớ lại: “Chúng tôi khi đó nghe nói các trại trẻ mồ côi trộn Vegemite (một loại thực phẩm làm từ bã bia sau khi lên men) với nước để bón cho lũ trẻ ăn bởi họ không đủ tiền mua sữa bột, nhưng con bé vừa mới ra đời nên vẫn chưa kịp bị suy dinh dưỡng”.

Thời gian đầu gia đình bà cũng đã gặp phải những khó khăn bởi Le Thi Ha còn quá nhỏ, lại phải trải qua một hành trình dài nên cô hay quấy khóc, nhưng rồi mọi chuyện cũng dần đi vào quỹ đạo. Gia đình bà Gillian Diggins từ khi có thêm thành viên mới là một cô bé thì trở nên bận bịu hơn nhưng cũng có nhiều niềm vui hơn. Le Thi Ha ngày càng ngoan ngoãn và đáng yêu nên càng khiến gia đình bà Gillian Diggins hạnh phúc.

Bà Gillian Diggins nói rằng: “Con bé xuất hiện đúng là một giấc mơ. Mặc dù bị sinh thiếu tháng lại thiếu sữa mẹ nhưng nó cũng phổng phao và bụ bẫm như các bạn cùng tuổi sau một thời gian được gia đình tôi chăm sóc, yêu thương. Dường như biết được sự vất vả của tôi nên con bé không hề khóc và càng lớn thì càng trở nên xinh đẹp. Tôi không thể tin được mình lại có cô con gái đáng yêu đến vậy”.

Thời điểm bà Gillian Diggins sang Việt Nam nhận con nuôi đó là thời điểm của chiến dịch "Không vận trẻ em" (Babylift), chiến dịch này đã đưa được gần 3.000 trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ rời khỏi miền Nam Việt Nam tới các nước khác trong đó có Mỹ, Pháp, Canada và Úc trong thời gian từ 3/4 đến 26/4/1975. Le Thi Ha may mắn là một trong số những đứa trẻ đó được gia đình ông bà Gillian Diggins yêu thương.

Khao khát tìm được quê hương

Le Thi Ha giờ đã là cô Chantal Doecke, 40 tuổi, với 4 đứa con và kể từ khi sinh con, cô mới cảm thấy niềm khát khao cháy bỏng muốn biết gốc gác của mình. Sau khi có được những thông tin ít ỏi về quê hương của mình, Chantal Doecke đã tự tìm kiếm trên các phương tiện thông tin đại chúng về đất nước Việt Nam. Càng tìm hiểu, Chantal Doecke càng cảm thấy đất nước đó thật gần gũi và thân thiết với mình mặc dù chỉ được sinh ra trên mảnh đất đó chứ không được sống cùng.

Càng nghĩ Chantal Doecke càng muốn được một lần về quê hương cho dù cô không biết sẽ phải bắt đầu từ đâu. Mọi thông tin về cha mẹ, về nơi mình sinh ra đều mù tịt ngoại trừ một manh mối duy nhất đó là tờ giấy khai sinh do chính quyền cũ cấp mà cha mẹ nuôi đã giữ cho đến bây giờ. Vì là giấy khai sinh từ thời chính quyền cũ nên mọi thứ cũng không còn hồ sơ lưu trữ để có thể lần tìm thông tin.

Một tờ giấy khai sinh cộng với một chi tiết là cô bị bỏ rơi tại Bệnh viện Từ Dũ vẫn khiến Chantal Doecke khao khát tìm quê hương của mình. Mặc dù biết mình đã bị mẹ bỏ rơi nhưng khi tìm hiểu về tình hình đất nước lúc đó, Chantal Doecke đã cảm thấy đau đớn và thương xót cho cha mẹ chứ cô không hề oán trách hay căm hận những người đã bỏ rơi mình.

“Mẹ đã sinh ra tôi và bỏ đi, chắc chắn rằng bà biết không thể bỏ chạy với một đứa bé sơ sinh còn non yếu”, Chantal Doecke nói. “Tôi không tin rằng còn tồn tại bất kỳ thứ giấy tờ nào. Đáng buồn là nhiều đứa trẻ được nhận nuôi như tôi đều có chung cảnh ngộ đó. Khi ấy không có thời gian để nghĩ đến các chi tiết, mà tất cả chỉ muốn “hãy đưa con tôi đi”. Tôi thương xót cho tất cả những người cha người mẹ đó bởi chắc chắn rằng họ đã rất đau đớn khi phải bỏ đi con ruột của mình”.

Chantal Doecke cũng như những người có cùng cảnh ngộ đều đang hy vọng vào một dự án xét nghiệm ADN mang tên Chiến dịch đoàn tụ, với mục tiêu giúp những em bé được đưa đi trong chiến dịch Babylift tìm lại gia đình ruột thịt của mình.

Chantal Doecke chia sẻ rằng khi lớn lên và biết được mình là con nuôi của cha mẹ nhưng cô cũng không cảm thấy sốc bởi cô được cha mẹ nuôi chăm sóc, quan tâm và nuôi dưỡng như tất cả những đứa trẻ hạnh phúc khác. Khi đến tuổi thành niên, cái tuổi mà đã hiểu được nhiều điều nhưng cô vẫn chỉ muốn sống và tiếp tục sống cùng cha mẹ nuôi của mình và không hề có ý định đi tìm cha mẹ đẻ.

“Có rất nhiều người hỏi tôi rằng liệu tôi có muốn đi tìm cha mẹ đẻ hay không nhưng tôi khẳng định rằng tôi không phải đi tìm ai cả bởi tôi đã có một người cha và một người mẹ rồi”. Chantal Doecke nói.

Suy nghĩ đi tìm cha mẹ đẻ cũng như quê hương gốc gác của mình trôi đi rất nhanh trong suy nghĩ của Chantal Doecke. Cô vẫn tiếp tục làm việc và ý thức được làm thế nào để cha mẹ tự hào về mình. Cô luôn cố gắng học hỏi và làm việc cho đến khi Chantal Doecke 20 tuổi, khi cô sinh con đầu lòng, cô đã ngồi ngắm con rồi ngắm hình ảnh của mình qua gương, cô tự hỏi: “Trông con giống mình y hệt, vậy mình thì giống ai?”.

Suốt những năm tháng lớn lên tại Úc, Chantal Doecke đã tìm cách che giấu nguồn gốc châu Á của mình bằng cách nhuộm tóc, che phủ da bằng những hình xăm để tránh sự phân biệt và kỳ thị. “Bằng cách thay đổi diện mạo, tôi có thể giấu được vẻ ngoài châu Á khỏi những cái nhìn chằm chằm từ xung quanh”.

Năm 2004, Le Thi Ha đã may mắn được mẹ nuôi đưa về Sài Gòn mà nay đã là TP Hồ Chí Minh, một cảm giác thật ngỡ ngàng nhưng không khỏi xúc động bởi cô cảm nhận được hơi ấm và có điều gì đó rất thiêng liêng mà cô không thể diễn tả được. “Đó đúng là một kỷ niệm đáng nhớ”, cô kể lại. “Đó đơn giản chỉ là một kỳ nghỉ và tôi không có bất kỳ tìm hiểu gì trước khi lên đường. Nó đã thôi thúc một cái gì đó bên trong tôi, một khát khao được trở lại nhiều lần nữa để biết được nhiều hơn”.

3 năm sau, Ha trở lại trong chuyến đi lần hai, và cùng mẹ nuôi tới thăm Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ. “Mẹ đẻ của tôi hẳn phải có ít tiền nên mới bỏ tôi trong bệnh viện”, Ha nói. “Tôi là đứa trẻ duy nhất ở bệnh viện đó bị bỏ rơi vào thời điểm đó”. Các nhân viên bệnh viện ngày ấy cho biết có một y tá vẫn còn làm việc từng có mặt trong những ngày diễn ra chiến dịch Babylift, một người có thể nhớ lại điều gì đó. Nhưng vào ngày Ha đến thăm, người y tá này lại nghỉ làm trong khi Ha phải trở về Úc vào hôm sau.

“Tôi muốn tìm lại ai đó để biết tôi trông giống ai. Tôi muốn tìm hiểu những gương mặt trong gia đình đó và tìm những nét tương đồng về tính cách chứ không phải tìm để oán giận hay trách móc”, Chantal chia sẻ.

“Tôi cần biết nhiều điều. Tất cả những người đến trong chiến dịch Babylift xem nhau như anh chị em. Nước Úc là nơi tôi đang sống nhưng giờ tôi cảm thấy nhà tôi là ở Việt Nam. Khi bước xuống máy bay tôi thấy những khuôn mặt châu Á, và không còn cảm thấy là kẻ lạc lõng nữa”.

Hiện tại là một đầu bếp chuyên nghiệp, Chantal Doecke đang học thêm làm y tá và bà đỡ, với giấc mơ được làm ở khu vực nông thôn, hoặc khi con cái đã trưởng thành, cô sẽ làm việc đâu đó tại Việt Nam để được sống phần đời còn lại của mình thật ý nghĩa ở chính nơi mình được sinh ra.

Phương Mai
.
.
.