Người quản giáo nặng lòng với nghề

Thứ Sáu, 14/11/2014, 10:00

Đang là một Cảnh sát cơ động, với đặc thù công việc khác hẳn, anh được điều về Trại tạm giam Yên Trạch, Công an tỉnh Lạng Sơn. Những khó khăn, bỡ ngỡ ban đầu nhiều lúc khiến anh thực sự chán nản, nhưng chính tình yêu nghề, hạnh phúc khi cảm hóa được nhiều con người lầm lỡ đã giúp anh vượt qua tất cả. Anh trở thành người quản giáo mẫn cán và được các phạm nhân nể phục bởi chính cái tâm, cái tài của mình. Anh là Trung tá Dương Thời Khang, cán bộ quản giáo Trại tạm giam Yên Trạch, Công an tỉnh Lạng Sơn.

Tiếp xúc với Trung tá Dương Thời Khang, ấn tượng đầu tiên của chúng tôi về anh là sự e dè, ngại ngùng khi nhắc đến công việc quản giáo thường ngày của mình. Nhưng càng nói chuyện, anh càng say sưa khi kể về những kỷ niệm khó quên trong đời. Mặc dù công việc quản giáo không phải là công việc đầu tiên anh chọn, nhưng lại là công việc anh gắn bó lâu nhất và cho anh nhiều kỉ niệm nhất trong cuộc đời.

Anh kể, năm 1998, phạm nhân Trại tạm giam Yên Trạch tổ chức một cuộc trốn trại quy mô lớn. Khi ấy anh đang công tác tại Đại đội Cảnh sát cơ động tỉnh Lạng Sơn thì được điều động về trại để cùng các cán bộ quản giáo tổ chức truy bắt các đối tượng. Sau đó, anh được giữ lại làm công tác giáo dục, cải tạo phạm nhân dù đã công tác tại Đại đội Cảnh sát cơ động 11 năm. 

"Nói thật là lúc đầu mình cũng bỡ ngỡ lắm. Thậm chí là sợ, sợ không biết nói với phạm nhân thế nào, sợ mình là người lạ, phạm nhân sẽ để ý, soi mói. Đang quen với công việc đánh đấm, bỗng chuyển sang công tác giáo dục, một công việc hoàn toàn mới, mình gần như là học việc từ đầu. Nhưng cũng nhờ sự giúp đỡ của lãnh đạo và các đồng nghiệp mà mình nhanh chóng nắm bắt được công việc. Với nghề quản giáo, để giáo dục, cải tạo được phạm nhân quan trọng nhất vẫn là cái tâm. Phạm nhân dù họ có phạm tội gì đi chăng nữa họ cũng là một con người, cũng cần được quan tâm, sẻ chia", Trung tá Dương Thời Khang tâm sự.

Gần 20 năm làm nghề quản giáo, anh không nhớ mình đã cảm hóa, giáo dục được bao nhiêu phạm nhân, nhưng có những trường hợp khiến anh nhớ mãi.

Đó là trường hợp một phạm nhân người dân tộc, khi anh nhận từ nơi giam giữ về thì thấy có biểu hiện hơi đơ đơ. Có lẽ vì quá hoảng sợ nên khi vào đến trại, lúc nào anh ta cũng khóc lóc sợ bị giết chết. Ban đầu, anh ta bị giam cùng buồng với người em họ của vợ, nhưng sau người em bị chuyển sang phân trại khác thì anh ta liên tục đạp cửa, gào khóc bảo rằng chắc chắn em anh ta đã bị mang đi xử bắn. Không làm thế nào được, anh lại phải xin lãnh đạo chuyển người em về ở cùng phòng với anh ta.

Suốt một thời gian dài, Trung tá Dương Thời Khang luôn phải theo sát anh ta từng bước một, từ ăn uống, ngủ, nghỉ đến làm việc. Anh ta không bao giờ tin người Kinh, mà chỉ tin người dân tộc nói tiếng Thổ. Cứ lần nào ra đồi làm việc là anh ta có tư tưởng trốn. Trong một lần đưa các phạm nhân ra khu làm việc, nhận biết tâm lý bất thường của anh ta, khả năng anh ta bỏ trốn là rất cao, nên anh Khang đã dặn dò những phạm nhân khác theo dõi anh ta cẩn thận. Đồng thời anh cũng cắt cử lực lượng phục kích hướng mà anh dự đoán hắn sẽ bỏ chạy. Quả nhiên, vừa ra đến nơi, loáng một cái anh ta đã bỏ chạy sang bờ suối bên kia theo hướng anh dự đoán. Nhưng ngay lập tức anh ta rơi vào ổ phục kích mà anh và các trinh sát đã giăng sẵn. Khi bị đưa về trại, anh ta liên tục gào khóc đòi về nhà. Sau đó suốt 3 tháng liền, Trung tá Khang lúc nào cũng gắn với anh ta như hình với bóng, thậm chí còn thân thiết như một người anh thật sự. Anh ta thích ăn gì, uống gì, anh đều mua cho. Ra đồng làm việc, anh cũng theo cùng và làm cùng với hắn. Dần dần anh ta cũng hiểu ra việc làm sai trái của mình. "Chứ lúc đầu, anh ta vẫn khăng khăng "Tôi có cướp đâu, người ta không cho thì tôi chỉ giằng thôi. Tòa xử láo, chứ tôi đúng". Sau mình phải lấy bản án của tòa về đọc từng chữ cho anh ta nghe về hành vi phạm tội của mình thì anh ta mới hiểu ra". 1 tháng sau, anh ta trở thành một con người khác hẳn, chấp hành cải tạo rất tốt, tập đọc báo, xem ti vi để nâng cao hiểu biết. Bản thân Trung tá Khang vẫn luôn ở bên cạnh anh ta, nghe anh ta tâm sự mọi chuyện về gia đình, bạn bè… nên anh ta có việc gì khúc mắc, anh là người đoán ra đầu tiên khiến hắn thực sự cảm kích. Nhờ cải tạo tốt, anh ta được ra tù sớm trước thời hạn. Đó được coi là một thành công lớn, cũng là một niềm vui không hề nhỏ của Trung tá Dương Thời Khang khi cảm hóa thành công một phạm nhân được coi là "ca khó" của Trại tạm giam Yên Trạch".

Một buổi giáo dục phạm nhân.

Phạm nhân mà Trung tá Dương Thời Khang giáo dục, cải tạo nhiều không kể xiết. Hầu hết khi ra tù, vì cảm kích tấm lòng của anh mà họ nhận là thầy, là anh em kết nghĩa. Cứ ngày Tết, ngày rằm tháng 7, họ lại tìm đến thăm anh, cũng gà, cũng gạo, cũng bánh trái như anh em họ hàng trong gia đình. Không gì hạnh phúc, cảm động khi những người phạm nhân lầm lỡ trở về cuộc đời nhờ chính công giáo dục, cải tạo của mình.

Anh chia sẻ: "Nghề quản giáo quan trọng là phải kiên trì, nhẫn nại, đặc biệt không được quát tháo, nóng nảy, thì mới thành công, bởi khi ấy tình cảm thầy trò sẽ gắn bó với nhau, có gì phạm nhân cũng tâm sự với mình và mình nói gì, phạm nhân cũng nghe".

Một câu chuyện éo le nhưng đầy cảm động khiến anh không thể nào quên đó là chuyện phạm nhân Nguyễn Thị Oanh bị nhiễm HIV. Lấy chồng sớm, có con khi mới 16-17 tuổi, Oanh sớm rơi vào con đường tội lỗi để rồi mắc căn bệnh thế kỉ. Không còn gì để mất nên chị ta rất phá phách, chửi bới không từ một ai. Vậy mà trong thời gian anh về giám sát lô sản xuất của Oanh, chị ta trở thành một con người khác hẳn, không chửi bới, quậy phá, nói chuyện với cán bộ rất lễ phép. Có gì bức xúc Oanh lại tâm sự với anh. Thậm chí, Oanh còn kể bi kịch cuộc đời mình cho anh nghe và chính anh đã hướng dẫn Oanh viết một bức thư đầy xúc động, được đọc trong một buổi giao lưu giữa các phạm nhân tại Trạm tạm giam Yên Trạch. Oanh bảo, cả trại này, Oanh chỉ phục mỗi anh, nên anh nói gì, bảo gì Oanh đều nghe theo và làm việc rất chăm chỉ.

"Quan trọng nhất là cách giáo dục của mình. Bản thân cán bộ hay các phạm nhân còn dị nghị với bệnh tật của chị ta thì đương nhiên chị ta sẽ phản kháng. Trước mặt Oanh tôi vẫn thường khuyên các phạm nhân nữ cứ làm việc, sinh hoạt bình thường, không phải lo lắng gì cả. Còn cách phòng chống nhiễm HIV đã được các bác sĩ tuyên truyền rồi. Những con người này mới cần các chị cưu mang. Với những đối tượng như Oanh phải rất nhẹ nhàng, lúc nào cũng tươi cười, thoải mái thì mới có thể cảm hóa được", Trung tá Khang tâm sự. Nhờ cải tạo tốt, Oanh được ra tù sớm trước thời hạn. Thỉnh thoảng Oanh vẫn đến thăm hỏi, cảm ơn anh.

Nghề quản giáo cũng là một nghề nguy hiểm khi thường xuyên phải đối diện với mọi loại tội phạm nguy hiểm, manh động. Anh còn nhớ như in trong một ca trực của mình. Hôm ấy trực ban duy nhất chỉ có mình anh. Vợ phạm nhân Nguyễn Đức Thỏ vào trại xin đăng ký ở lại cùng chồng tại buồng hạnh phúc. Đây là đối tượng từng chơi ke đá, nên thần kinh có phần hoảng loạn, không bình thường. Một tháng hai lần, cô vợ đều đặn vào thăm chồng và ở lại qua đêm, nhưng đều không có chuyện gì xảy ra. Nhưng hôm ấy, khi anh vừa ăn tối xong, thì bất ngờ, anh nghe thấy tiếng cô vợ kêu cứu trong buồng hạnh phúc, ngay cạnh phòng trực ban. Đoán có chuyện chẳng lành, anh chạy sang đập cửa nhưng tên Thỏ dứt khoát không mở cửa ra. Lấy hết sức bình sinh, anh đạp cửa xông vào. Một cảnh tượng hãi hùng bày ra trước mắt,  tên Thỏ đang đè ngửa cô vợ ra, trên tay vẫn lăm lăm chiếc dao lam dí vào cổ vợ. Trên cổ và người cô vợ bê bết những vết rạch đầy máu. Một mình anh lao vào khống chế đối tượng. Phải mất rất nhiều thời gian, sức lực anh mới quật ngã được đối tượng. Một tay anh giữ chặt tay hắn, ghì chặt xuống bàn, một tay ấn số gọi hỗ trợ và gọi bác sĩ đến cấp cứu. Rất may vì được cấp cứu kịp thời nên cô vợ đã qua được cơn nguy kịch. Nhắc lại câu chuyện cũ, anh vẫn không khỏi rùng mình bởi mức độ nguy hiểm, manh động của đối tượng. Anh cười: "Không thể tưởng tượng hôm ấy mình có thể khỏe đến thế. Một mình mình có thể quật ngã đối tượng cao to, trong khi hắn vẫn còn cầm dao lam trên tay. Lúc ấy hắn đang lên cơn hoang tưởng, khi liên tục kêu rằng có nhiều kẻ muốn giết vợ hắn".

Ngồi chuyện trò với anh, những kỷ niệm, những câu chuyện cứ ùa về như không bao giờ dứt. Người quản giáo cũng là một người thầy. Được các phạm nhân, là các học trò tội lỗi, cảm kích, yêu quý và cảm phục là điều hạnh phúc nhất. Có những lúc anh từng chạnh lòng vì công việc quản giáo chỉ bó buộc trong một phạm vi hẹp mà ít có sự tiếp xúc với ngoài xã hội. Nhưng hơn lúc nào hết, tình yêu nghề, niềm hạnh phúc khi giáo dục, cảm hóa được biết bao nhiêu mảnh đời lầm lỡ, đã tiếp thêm sức mạnh cho anh bước tiếp chặng đường của một người thầy giáo đặc biệt, thầy giáo của các phạm nhân

Ngọc Trâm - L. Phong
.
.
.