Nghệ sĩ nhiếp ảnh Mai Nam:

Người sở hữu bộ ảnh độc đáo về Bác Hồ

Thứ Sáu, 30/05/2014, 08:00

Những ngày tháng Năm luôn gợi về trong ông nhiều kỷ niệm. Kỷ niệm một đời làm báo, từng xông pha chiến trận, vào sinh ra tử. Nhưng với ông, may mắn lớn nhất cuộc đời phóng viên ảnh của mình là được chụp những bức ảnh về Bác Hồ. 79 bức ảnh giá trị, trong đó có 6, 7 bức độc đáo, có một không hai trong kho tàng hơn 200 phim của nghệ sĩ nhiếp ảnh Mai Nam là niềm hãnh diện của một đời làm báo dấn thân.

Sở hữu nhiều bức ảnh độc nhất về Bác Hồ

Có rất nhiều người chụp ảnh Bác Hồ. Thậm chí có những nghệ sĩ được giao chuyên trách, có người chỉ là may mắn chộp được những khoảnh khắc gặp Bác trong qúa trình tác nghiệp. Nhưng giữ được những thước phim chân thực, sống động đó, thì không nhiều. Nghệ sĩ Mai Nam bắt đầu câu chuyện với tôi bằng việc lưu trữ những thước phim, những tài liệu, một công việc rất quan trọng của đời làm phóng viên ảnh. Kho tàng hơn nửa triệu cuộn phim được ông cất giữ cẩn thận trên tầng hai.

Trong đó, có những cuộn phim ông chụp từ năm 1954. "Tôi luôn ý thức được việc cất trữ phim cũng quan trọng không kém việc chụp ảnh. Hồi đó chụp xong, tôi tự tráng và lưu trữ bằng giấy bóng mờ. Sau đó cho vào tủ có bóng đèn. Những ngày ẩm thấp thì bật bóng đèn lên. Những bức ảnh về Bác được tôi để riêng thành một tập, theo từng sự kiện khác nhau. Đó là công tác lưu trữ tài liệu rất quan trọng của người làm báo".

Không hiện đại chạy theo những đời máy, đôi khi chỉ là  chiếc máy cũ cơ quan phân cho đi công tác, nhưng những bức ảnh của ông trở thành tư liệu quý giá về một thời kỳ lịch sử của đất nước, thời đại Hồ Chí Minh. Bởi với Mai Nam, một cái máy bình thường cũng có thể tạo nên một tác phẩm tốt, bởi sự nhanh nhạy của người nghệ sĩ.

Nghệ sĩ Mai Nam kể, chụp ảnh Bác cũng như là một duyên may đến trong đời. Hồi đó ông là phóng viên của Báo Tiền Phong, chuyên chụp ảnh các kỳ họp Quốc hội, các buổi mít tinh. Ở đó ông có cơ hội được nhìn thấy Bác. "Việc chụp ảnh Bác bắt nguồn từ ý thức riêng của cá nhân. Bởi con người đó quá đặc biệt, luôn toát ra một sự cuốn hút kỳ lạ với mọi người xung quanh".

Thế nên trong cuộc đời làm báo, từng xông pha trận mạc, vào sinh ra tử nơi chiến trường, từng được Giải thưởng Nhà nước vì những cống hiến của ông trong lĩnh vực nhiếp ảnh, nhưng đối với nghệ sĩ Mai Nam, những bức ảnh Bác Hồ vẫn luôn có một giá trị đặc biệt, mà ông là người may mắn gìn giữ được.

Bức ảnh đầu tiên ông chụp Bác tại cuộc mít tinh ngày 1-5-1955, Bác Hồ tươi cười từ trên cao nhìn xuống nói chuyện với đồng bào. "Tôi luôn chú ý đến thần thái của Bác, chụp Bác những lúc đẹp nhất và luôn tươi cười. Nhưng nếu những ai đã tiếp xúc với Bác, nhìn thấy Bác đều có cảm nhận những bức ảnh tôi chụp Bác rất đẹp nhưng vẫn không đẹp bằng Bác ngoài đời. Bác có thần thái rất lạ của một lãnh tụ quần chúng, có sức lan tỏa và rất gần gụi. Hình ảnh Bác luôn sống động, gần gụi như người cha đối với con".

Nhưng Mai Nam luôn tự hào vì trong bộ sưu tập ảnh Bác Hồ của mình, có rất nhiều bức có một không hai. Đó là ảnh ông chụp Bác đứng ở bao lơn Nhà hát Lớn tại kỳ họp Quốc hội khóa 2 - một trong những bức ảnh ông tâm đắc nhất. Bác Hồ đang tươi cười nói chuyện với mọi người. Còn nghệ sĩ Mai Nam chụp Bác từ dưới lên. Đặc biệt khi diễn ra sự kiện này thì không ai chụp được ngoài ông.

Bức ảnh thứ 2, đó là tại kỳ họp Quốc hội khóa 3, năm 1963, Bác đi bỏ phiếu ở Trường Sư phạm Mẫu giáo. Lúc Bác đến, học sinh, sinh viên xếp hàng chào mừng. Ông đứng gần đó chụp được bức ảnh Bác đang bỏ phiếu, trở thành bức ảnh duy nhất chụp Bác tham gia bỏ phiếu ở địa phương. Bởi Bác bỏ phiếu ở Quốc hội hay trên lễ đài thì có rất nhiều. Với một phóng viên ảnh không được giao chuyên trách chụp ảnh Bác thì với Mai Nam là một may mắn và một niềm hạnh phúc. Bức ảnh này hiện đang được lưu trữ ở Thông tấn xã.

Bức ảnh Bác Hồ đi cấy chụp trong Hội nghị Thanh niên (1966) cũng chỉ duy nhất nghệ sĩ Mai Nam có. Hình ảnh Bác xắn quần, thân mật trò chuyện với thanh niên, vừa đưa những đường cày đầu tiên cho ta một góc nhìn khác về vị Cha già của dân tộc. "Với thanh niên, bao giờ Bác cũng tạo ra một không khí thoải mái, vui tươi, trẻ trung như vậy".

Đặc biệt nghệ sĩ Mai Nam là người chụp được bức ảnh cuối cùng khi Bác còn khỏe mạnh. Đó là ngày kỷ niệm mít tinh 1/5/1969, ông được phân công đi chụp ảnh buổi lễ. "Tôi có linh tính thế nào nên mang theo cả chân máy và ống kính tê lê. Tôi đứng ở dưới chụp lên Bác đang ngồi trên lễ đài. Có 5-6 bức chân dung Bác. Trong đó có một bức ảnh rất độc đáo là Bác Hồ và bác Lê Duẩn đang trao đổi điều gì đó với nhau trên lễ đài. Đó cũng là lần cuối cùng Bác dự lễ mít tinh. Sau đó Bác ốm và không có bức ảnh nào về Người cho đến khi Bác mất". Đấy là những bức chân dung cuối cùng về Bác Hồ mà nghệ sĩ Mai Nam chưa công bố.

Tôi có một cơ duyên đặc biệt

Đến bây giờ, khi đã ngoài 80 tuổi, nghệ sĩ Mai Nam vẫn nhớ như in những khoảnh khắc đã giúp ông có được những thước phim chân thực, sinh động về Bác Hồ. Tất cả những cuộn phim của ông vẫn còn nguyên vẹn, được cất giữ cẩn thận trong tủ. Ông đưa cho tôi xem những bức ảnh về Bác mà ông in ra, sau mỗi bức ảnh đều có những chú thích chi tiết, rõ ràng về ngày, giờ diễn ra sự kiện. "Bức ảnh chỉ có giá trị khi nó tồn tại trong một sự kiện lịch sử. Vì thế, tôi luôn ghi chú cẩn thận từng địa điểm, ngày giờ mình chụp. Thậm chí, bây giờ, mọi thứ vẫn còn nguyên trong đầu tôi".

Ông kể: "Lần đầu tiên được gặp Bác Hồ là năm 1952 ở Việt Bắc. Trong chuyến công tác đi ngang qua đèo De, từ Bắc Kạn sang Thái Nguyên, tới lưng chừng đèo, ông gặp một cụ già cưỡi ngựa đi cùng một anh giao liên. Ông nhận ra Bác Hồ, lại gần chào Bác. Nhưng Bác khẽ giơ tay ra ám hiệu giữ bí mật. Đó là lần đầu tiên ông được gặp Bác nhưng rất tiếc không chụp lại được bức ảnh nào, vì không mang theo máy ảnh".

May mắn chụp được nhiều bức ảnh về Bác Hồ, nhưng ông không có nhiều cơ hội gặp Bác. Chỉ có một lần, tại kỳ họp Quốc hội năm 1966, những giờ nghỉ giải lao Bác thường xuống sảnh hội trường tiếp xúc với đại biểu. Sau khi thấy Bác chụp ảnh với các đoàn đại biểu, ông mạnh dạn đến mời Bác chụp với anh em báo chí. "Bác nhìn tôi rất kỹ nhưng không nói gì. Lúc đó, chuông reo. Bác vội đi lên nghị trường. Đến giờ giải lao thứ 2, Bác ra chỗ ngách của Hội trường và bảo tôi: Các chú vào trong này. Bác đã đồng ý cho chúng tôi chụp với Bác ở bên trong hội trường. Tôi là người đề xuất nên anh em nhường cho vinh dự được đứng cạnh Bác. Đó là một kỷ niệm không thể quên trong cuộc đời làm báo của mình".

Chủ tịch Hồ Chí Minh thử máy cấy và giao cho đoàn Thanh niên phổ biến cách dùng máy cấy (1960).

Tôi hỏi nghệ sĩ Mai Nam, ông sẽ làm gì với bộ ảnh độc đáo về Bác Hồ của mình. Ông trầm tư: "Có lần tôi định hiến tặng cho Bảo tàng Hà Nội, nhưng không thấy họ nói gì. Thôi thì tôi cứ giữ lại cho con cháu, coi như đó là một tài sản tinh thần vô giá tôi để lại. Bởi tôi phải có một cơ duyên đặc biệt mới chụp được những bức ảnh giá trị như vậy. Đó là những thước phim tư liệu để lại cho đời sau về một vị lãnh tụ vĩ đại nhất của dân tộc. Được sinh ra, lớn lên và sống trong thời đại Hồ Chí Minh, với tôi là một vinh dự và là may mắn. Những hình ảnh đó luôn chân thực và thuyết phục hơn bất cứ lời nói nào về vị lãnh tụ của chúng ta".

Cách đây 9 năm, ông có làm một triển lãm đầu tiên, công bố kho tàng ảnh về Bác Hồ của mình. Trong kho tàng hơn 200 phim, ông chỉ chọn ra khoảng 50 bức ảnh tốt để triển lãm. "Tôi nghĩ, trong cuộc đời làm báo của mình, có người chỉ chụp một bức ảnh duy nhất về Bác Hồ mà được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh. Tôi có 5-6 bức độc đáo về Bác đã là một điều may mắn".

Sau triển lãm, kho tàng của ông lại được cất vào kho. Nhưng nghệ sĩ Mai Nam không bận tâm mấy đến điều đó. Đối với ông, kho tàng ảnh về Bác Hồ mà ông may mắn chụp được là những thước phim chân thực và quý giá. "Sẽ có lúc, có người cần dùng đến nó. Còn với tôi, trong lúc tác nghiệp đã ghi lại được một số hình ảnh về Bác dù với phương tiện không tốt lắm - nhưng vẫn có những hình ảnh giá trị. Đó là một thành công trong sự nghiệp báo chí của mình, đóng góp vào kho tàng tư liệu ảnh về Bác Hồ"

Đậu Dung - Việt Hà
.
.
.