Người thương binh 13 năm "Vác tù và hàng tổng"

Thứ Hai, 29/04/2019, 15:45
Chứng kiến nhiều vụ tai nạn đường sắt thương tâm xảy ra ở đoạn đường cạnh nhà mình khiến người cựu binh già luôn thấy bất an mỗi khi có người đi qua. Ông muốn làm một việc gì đó. Và rồi, hàng ngày ông ra đường ngang dân sinh cắt với đường sắt để làm trạm “barie sống” cho người qua đường.


Tình yêu anh lính với cô thương binh

Đó là cựu chiến binh Bùi Tiến Đông (SN 1947, trú tại xóm 15, xã Nghi Kim, TP.Vinh, Nghệ An). Nằm sâu trong con ngõ của xóm 15 là ngôi nhà khang trang của cựu binh Đông với vợ là bà  Tăng Thị Liễu (SN 1950) cũng là một thương binh.

Ông Đông vốn quê ở phường Đông Vệ, TP.Thanh Hóa. Năm 1970, ông Đông tình nguyện lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Sau khóa huấn luyện tân binh ngắn ngày, ông cùng đơn vị được chuyển vào chiến trường B5. Năm 1975, với vết thương từ chiến trường, ông được chuyển về công tác tại Trung đoàn 105, Quân khu 4 đóng tại Nghệ An.

Với nhiều người dân nơi đây, hình ảnh vợ chồng ông Đông “vác tù và hàng tổng” hơn 13 năm qua vẫn luôn là những hình ảnh đẹp, đáng để học tập.

Thời gian công tác ở đây, ông đã quen bà Liễu - một cựu lính công binh tham gia chiến đấu ở mặt trận Lào về, rồi nên duyên vợ chồng. Cũng từ đây ông lấy Nghệ An làm mảnh đất quê hương thứ 2 của mình. “Về Nghệ An công tác rồi nên duyên với bà ấy, đó là cái duyên trời định.

Cũng từ đó tôi lấy quê vợ làm mảnh đất để sinh sống bấy lâu nay. Hồi đó, bà ấy bị bom gây thương tích nên thường xuyên đau ốm nằm viện. Đơn vị tôi lúc đó đóng quân ở gần, nên hai người thường xuyên gặp nhau, cảm phục tinh thần chống chọi với đau đớn từ các vết thương, cùng với cống hiến tuổi xuân nơi chiến trường của bà ấy mà đem lòng yêu lúc nào không hay.

Giờ nhìn những mảng da thịt bị thiếu, lồi lõm trên cơ thể bà ấy do bom Mỹ gây nên mà tôi vẫn cảm phục bà ấy”, ông Đông chia sẻ. Năm 1981, ông Đông phục viên trở về sinh sống với gia đình tại xã Nghi Kim. Hàng ngày ông đi làm thợ xây, còn bà đi buôn bán hàng lặt vặt cùng nhau nuôi 4 người con.

Căn nhà của vợ chồng ông bà vốn nằm cách không xa đoạn đường ngang dân sinh cắt qua đường sắt thống nhất Bắc – Nam tại km 314 + 550. Chừng ấy năm sinh sống ở đây là chừng ấy thời gian ông nghe thấy tiếng tàu hú còi mỗi khi chạy qua, cùng với biết bao vụ tai nạn thương tâm đến bây giờ ông vẫn bị ám ảnh, không thể nào quên được.

Mong muốn làm một việc có ý nghĩa

Dường như những vụ tai nạn đường sắt kinh hoàng cứ ám ảnh lấy ông bà, khiến cho vợ chồng ông bà không thể nào quên đi được. Ông nhớ lại vụ tai nạn xảy ra cách đây hơn 10 năm trước vào những ngày đầu của năm mới.

“Hôm đó, nhằm mùng 8 Tết năm 2005, có cô gái đang tuổi đôi mươi làm công nhân công ty bật lửa gas gần nhà tôi xuống đi làm. Tuy nhiên công ty chưa hoạt động trở lại, cô gái lặng lẽ quay đầu ra về, đúng lúc đoàn tàu lao tới. Một tiếng động lớn vang lên, người dân xung quanh và cả tôi đều vội vàng chạy ra, thì mọi chuyện đã quá muộn.

Hơn 13 năm, hình ảnh CCB già Bùi Tiến Đông gác tàu qua đường ngang dân sinh qua xóm 15, xã Nghi Kim đã quá đỗi quen thuộc với người dân và công nhân thường xuyên qua đây.

Cháu gái đó tôi chỉ biết là người ở huyện Hưng Nguyên, Nghệ An, nhưng tôi cũng hay gặp cháu đi làm cùng các bạn. Nhớ lại cảnh khi bạn bè cháu đi nhặt từng mẩu thi thể để khâm liệm cho cháu để người nhà khỏi thấy mà xót xa là tôi lại không cầm được nước mắt”, ông Đông bùi ngùi nhớ lại.

Đó không phải là vụ tai nạn duy nhất mà ông từng chứng kiến, mà còn nhiều vụ việc tương tự như vậy đã xảy ra, khiến người dân sinh sống nơi đây cũng như các công nhân của công ty bật lửa gas ít nhiều đều bị ám ảnh bởi ngã rẽ “tử thần” này. Mong muốn làm một việc gì đó từ lâu, nhưng rồi cũng vì cuộc sống mưu sinh, nuôi con cái nên mãi ông chưa thực hiện được.

Nhất là kể từ sau vụ tai nạn trong phút chốc đã cướp đi sinh mạng của cô gái trẻ đó, cứ ám ảnh ông suốt cả đêm. Rồi ông đã mạnh dạn nói với vợ sẽ ra đi gác chắn đoạn đường ngang không có barie đó. Những tưởng vợ sẽ phản đối bởi ai sức đâu đi “vác tù và hàng tổng” lo chuyện thiên hạ. Nhưng hoàn toàn khác với ông nghĩ vợ ông đã đồng ý ngay và còn động viên ông nên làm sớm.

Bà Liễu lý giải: “Sống gần đây mới biết những vụ tai nạn liên quan đến đường sắt nghiêm trọng đến mức nào, bởi hầu hết các nạn nhân bị tàu đâm đều tử vong. Có những trường hợp rất thương tâm cứ làm vợ chồng tôi day dứt mãi.

Nên khi ông nói ra kế hoạch như vậy, tôi hoàn toàn ủng hộ, bởi tuổi xuân cống hiến cho đất nước còn không tiếc, thì tuổi già vì cộng đồng tý có mất mát gì đâu. Mình bỏ tý công ra đó cảnh báo mọi người khi có tàu qua có gì là to tát”.

Cứ thế ngày qua ngày, đến nay đã suốt hơn 13 năm ông cần mẫn đi làm gác sống để thông báo cho mọi người qua đường được an toàn. Còn bà lại ân cần lo cho ông. Ngày nắng chuẩn bị ô, nước, ngày mưa rét chuẩn bị áo khoác, áo mưa. Không những thế những hôm ông đi vắng hoặc ốm bà lại thay ông ra gác chắn đường tàu.

Mới đầu có nhiều người còn tỏ ra e dè nghi ngờ việc làm của ông, có người thì nói ông điên mới đi làm việc như vậy, nhưng ông bỏ ngoài tai những lời dị nghị đàm tiếu của thiên hạ. Ông chỉ tập trung vào công việc mà mình đang làm.

Từ đầu năm 2019, đã có trạm barie điện tử ở lối đường dân sinh này, nhưng với những công nhân công ty bật lửa gas và người dân, sẽ không bao giờ quên trạm “barie sống” Bùi Tiến Đông.

Lâu dần, cứ thế người dân nơi đây cùng hàng nghìn công nhân công ty gần đó hàng ngày quen với cảnh đôi vợ chồng già gác chắn đường tàu. Việc làm của ông bà được mọi người ghi nhận. Nhiều công nhân cảm phục ông, có người vì tôn trọng, quy mến việc làm của ông nên bữa đi làm mang cho ông ít trà ngon để uống, người mang ít hoa quả. Công ty sản xuất bật lửa gas gần đó thấy việc làm ý nghĩa của vợ chồng ông cũng xin hỗ trợ một phần kinh phí giúp đỡ.

“Vợ chồng bác ấy cẩn thận lắm, nhớ giờ tàu nào chạy qua đây nên hễ đến giờ đấy chưa thấy tàu ai đi qua hai bác ấy đã nhắc nhở rồi”, chị Nguyễn Thị Hoa (trú tại huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) công nhân sản xuất bật lửa gas tại đây tâm sự.

Đầu năm 2019, gác chắn điện tử đã được lắp đặt ở “điểm nóng” này. Thế nhưng, những ngày đầu, sợ mọi người chưa quen, hay có thể đánh liều lách qua gác chắn nên ông vẫn có mặt như thường ngày để hướng dẫn mọi người qua đường. Khi mọi việc trở nên dễ dàng hơn, người dân cũng dần quen hơn với gác chắn điện tử mới. Lúc này ông mới tính đến chuyện nghỉ ngơi tuổi già.

Dù đã lui về phía sau, thế nhưng với những người dân sinh sống mỗi khi đi qua đoạn đường này, hay với các công nhân công ty gas mỗi khi đi qua, thì hình ảnh vợ chồng ông Đông vẫn luôn là những hình ảnh đẹp, hành động đẹp vì cộng đồng.

Đức Chung
.
.
.