Người tị nạn Syria quyết đến châu Âu bằng mọi giá

Thứ Ba, 17/03/2020, 11:38
Ngày 13/3, Thổ Nhĩ Kỳ đã quyết định dừng chiến dịch hỗ trợ người tỵ nạn Syria vượt qua biên giới Hy Lạp để tràn vào châu Âu. Cuộc khủng hoảng di cư lần thứ hai đối với châu Âu tạm thời lắng dịu.


Nhưng chừng nào cuộc xung đột tại Syria còn chưa chấm dứt, hiểm họa về một cuộc khủng hoảng di cư mới vẫn sẽ như một lưỡi gươm treo lơ lửng trên đầu các nước châu Âu và châu Âu vẫn tiếp tục bị cầm giữ làm con tin trong bàn tay của Thổ Nhĩ Kỳ.

Dòng người tỵ nạn cuồn cuộn đổ về phía biên giới

Trung tâm thành phố Istanbul, một người phụ nữ chừng 50 tuổi đang nghẹn ngào ôm hôn đứa con trai nhỏ tuổi của mình. Cậu bé thì cố tìm cách trấn an người mẹ. Bà vẫn tiếp tục thổn thức hồi lâu trước khi ngừng lại những cử chỉ yêu thương. Đứa con trai cầm lấy chiếc ba lô và đeo lên vai trong khi bà mẹ rút ra một chiếc túi nhỏ loại đeo chéo bụng đưa cậu và nói: "Cầm lấy cái này đề phòng những lúc bị tắc nghẽn ở trên đường con nhé "

Không một ai đứng xung quanh để ý đến hình ảnh nhói lòng này. Tất cả mọi người còn đang hối hả tìm kiếm một chiếc xe buýt có thể chở mình đến "cột mốc số không" trên biên giới Hy Lạp- Thổ Nhĩ Kỳ. 

Gần đấy, một gã trai Syria tay vung vảy chiếc cốc cà phê bằng giấy vừa đi vừa rao: "100 lia để tới tận Hy lạp đây". Anh ta đang tìm những người khách để lấp đầy cho chuyến xe của mình. Cách đó vài trăm mét cũng có rất nhiều những chiếc xe buýt miễn phí do các hội thiện nguyện hay chính quyền địa phương cung cấp để đưa những người tỵ nạn tới biên giới Hy Lạp.

Dòng người di cư bắt đầu cuồn cuộn đổ về biên giới Hy Lạp-Thổ Nhĩ Kỳ từ sáng ngày 28/2 vừa rồi ngay sau khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan tuyên bố sẽ "không ngăn cản những người tỵ nạn muốn tìm cách vượt biên để vào châu Âu".

Hàng ngàn người tỵ nạn đã tụ tập ở biên giới để tìm cách vượt biên, trong số đó đông nhất là những người  Afghanistan, tiếp đó là người Iran rồi đến người Somalia, những người Syria là nhóm ít nhất. Nhưng chỉ có một số rất ít là tìm cách lẻn được qua biên giới, nhưng hầu hết đã bị lính biên phòng Hy lạp bắt được và bị đuổi trả về Thổ Nhĩ Kỳ trong tình trạng khỏa thân. Họ bị ép buộc phải cởi bỏ hết quần áo. 

Quần áo sau khi cởi ra, điện thoại và các đồ tư trang khác đều bị tịch thu. Theo những số liệu do Bộ Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp, trong vòng hai tuần lễ, đã có khoảng 100.000 người tỵ nạn rời khỏi Thổ Nhĩ Kỳ để tìm đường đến châu Âu.

Đầu tháng 3 có hàng trăm người tỵ nạn đã tụ tập trước cửa khẩu Pazarkule trên đất Thổ Nhĩ Kỳ để chờ cơ hội vượt biên sang Hy Lạp.

Cuộc sống khó khăn trên đất Thổ Nhĩ Kỳ

Tại sao những người tỵ nạn Syria lại muốn rời khỏi Thổ Nhĩ Kỳ? Yasser một người tỵ nạn Syria giải thích rằng chủ yếu là vấn đề giấy tờ. Ở Thổ Nhĩ Kỳ, những chiếc "thẻ bảo hộ tạm thời" thực sự là một nỗi ám ảnh. Đó là một loại giấy tờ xác nhận tình trạng hợp pháp của người tỵ nạn, với giấy tờ này họ có thể cho con đến trường và được hưởng các chăm sóc y tế.

"Cuộc sống ở Thổ Nhĩ Kỳ là quá khó khăn với chúng tôi", Ahmed Bakkour, một người Syria đến từ ngoại ô Damascus, nói. Đến Thổ Nhĩ Kỳ từ cách đây đã 4 năm, Ahmed Bakkour đã phải làm việc 16 giờ một ngày trong một xưởng may với đồng lương khoảng 1.800 lia (đơn vị tiền tệ của Thổ Nhĩ Kỳ), tương đương khoảng 260 euro, một số tiền "không đủ để sống", có chút tài sản lại bị mất sạch sau một vụ trộm ghé thăm nhà. Nhưng đau đầu nhất vẫn là chuyện giấy tờ. "Thẻ bảo hộ tạm thời của tôi đã được cấp ở Istanbul, nhưng Adana vợ tôi thì không có. Mọi thủ tục hành chính liên quan đến gia đình vì thế đều không thể giải quyết được".

Phần lớn những người thanh niên Syria có độ tuổi từ 18- 30 đều bày tỏ mong muốn đi khỏi Thổ Nhĩ Kỳ để tìm kiếm một tương lai tươi sáng hơn bởi ở đây mọi thứ với họ đều rất mong manh và không chắc chắn. Wael có bằng nha sĩ ở Syria, nhưng ở Thổ Nhĩ Kỳ đã hai năm nay anh phải làm việc trong một nhà máy sản xuất đồ gỗ. "Nếu tôi muốn mở một phòng khám nha khoa ở đây, tôi phải theo học ba năm trong trường Đại học Y khoa của Thổ Nhĩ Kỳ để có được một tấm bằng". Wael giải thích.

Xuất phát từ Istanbul, những người tỵ nạn sẽ mất hơn 4 giờ trên đường để đến được Edirne, thành phố lớn nhất của Thổ ở khu vực biên giới. Sau đó họ sẽ đi tiếp đến gần đường biên giới, tại đó những người lính biên phòng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chỉ dẫn cho những chiếc xe buýt chở người tỵ nạn hướng đến những khu vực ít có nguy cơ bị phát hiện nhất- những nơi không có làng mạc hay thị trấn, thậm chí không có hệ thống chiếu sáng công cộng để tìm cách băng qua biên giới.

Những người di cư ném đá vào lính Biên phòng Hy Lạp.

Phản ứng cứng rắn của lính Biên phòng Hy Lạp

Sau khi đến được những địa điểm vô cùng hẻo lánh trên đất Thổ Nhĩ Kỳ nằm sát biên giới, những người tỵ nạn sẽ tiếp tục đi bộ hướng về phía biên giới và tìm cách băng qua, chỉ một số rất ít chạy thoát được còn đa số sẽ chạm mặt với lính Biên phòng Hy lạp, trang bị vũ khí đến tận răng, đang chờ sẵn ở đó.

"6 người mặc quân phục mầu xanh cùng với 20 người đeo mặt nạ, họ không giải chúng tôi đến trụ sở cảnh sát mà giấu chúng tôi tại một địa điểm bí mật từ 11h đến 19h, khi đêm xuống họ nhét chúng tôi vào một chiếc xe thùng rồi chở ra bờ sông. Họ lột hết quần áo rồi đưa chúng tôi quay trở lại Thổ Nhĩ Kỳ trên những con thuyền do chính họ cầm lái". Đó là những những gì mà A.K , một người tỵ nạn Syria 29 tuổi kể lại người đại diện của UNHCR (Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tỵ nạn) và những nhân viên của tổ chức hỗ trợ nhân quyền HumanRight. 

Theo Maria Paraskevas, chuyên gia pháp lý của HumanRight thì: "Tồn tại những địa điểm bí mật tại tỉnh Evros của Hy Lạp (nằm sát biên giới) để gom người nhập cư và sau đó trục xuất họ nhanh nhất có thể về Thổ Nhĩ Kỳ. Những nhân chứng đã kể lại cho chúng tôi rằng những người vượt biên thường bị đưa đi giam giữ trong các hầm, các trang trại, những địa điểm không phải là các trung tâm giam giữ chính thức, họ bị bỏ đói hàng giờ và không được tiếp xúc với các luật sư ".

Theo tuyên bố của Chính phủ Hy Lạp, tại tỉnh Evros, nơi có đường biên giới chung với Thổ Nhĩ Kỳ, từ 28/2 đến 12/3 đã có 348 người bị bắt giữ và 44.350 người bị ngăn cản không cho xâm nhập vào lãnh thổ Hy Lạp. Hy Lạp đã dùng biện pháp gì để "ngăn cản" những người nhập cư không cho đi qua biên giới? Bộ trưởng Các vấn đề nhập cư, các đại diện của cảnh sát và quân đội tại Evros đều từ chối trả lời những câu hỏi này của các nhà báo. 

Người phát ngôn của Chính phủ Hy Lạp- Stelios Petsas thì phủ nhận hoàn toàn sự tồn tại của những địa điểm bí mật giam giữ những người vượt biên trước khi đưa họ trở lại Thổ Nhĩ Kỳ: "Không hề có cái gọi là những địa điểm giam giữ bí mật tại Hy Lạp. Tất cả những gì liên quan tới việc kiểm soát biên giới, liên quan đến an ninh lãnh thổ của Hy Lạp đều là công khai và minh bạch".

Syria sau 9 năm xung đột, đã có 380.000 người chết , số dân thường bị sát hại là 116.000 người trong đó có 22.000 trẻ em.

Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu xuống thang

Ngày 13-3, sau hai tuần phát động, Thổ Nhĩ Kỳ đã tuyên bố chấm dứt chiến dịch hỗ trợ dòng người tỵ nạn muốn di chuyển về lục địa châu Âu. Hành động này là hệ quả tất yếu phải xảy ra trước sự đáp trả rất cứng rắn của các lực lượng Biên phòng Hy Lạp, sự đáp trả có nguy cơ dẫn tới bùng nổ xung đột giữa hai nước trên biên giới (vốn đã tích lũy nhiều mâu thuẫn trước đó). Ngoài ra tuyên bố mở cửa biên giới của Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã hứng chịu những lời chỉ trích gay gắt của nhiều nhà lãnh đạo châu Âu.

Những người di cư đang có mặt tại vùng biên giới trên trên đất liền giữa Hy Lạp-Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu được thu gom để đưa trở lại Istanbul từ cuối tuần này, dấu hiệu đầu tiên của việc Thổ Nhĩ Kỳ xuống thang và tháo ngòi nổ cho một cuộc khủng hoảng mới về người di cư đang đe dọa các nước châu Âu.

Vào năm 2016, Liên minh châu Âu đã từng chấp nhận chi ra 6 tỷ euro để hỗ trợ cho 4 triệu người Syria đang tỵ nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ và cũng là để đổi lấy cam kết của Thổ Nhĩ Kỳ bảo đảm an toàn cho biên giới giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng cam kết này đã bị phá vỡ vào cuối tháng 2 vừa qua khi Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố mở cửa biên giới. 

Không chỉ dừng lại ở việc tuyên bố "mở cửa biên giới", quân đội Thổ Nhĩ Kỳ còn trực tiếp đứng ra tổ chức vận chuyển hàng trăm người tỵ nạn đến khu vực biên giới, một hành động nhằm gây áp lực tối đa với châu Âu, buộc châu Âu phải ra mặt công khai ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ trong việc tiến hành những chiến dịch quân sự ở Syria cũng như phải tiếp tục "móc hầu bao" chi thêm tiền để hỗ trợ những người di cư Syria đang lánh nạn trên đất Thổ.

Bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch Hội đồng châu Âu, tuyên bố rằng cuộc gặp mặt với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan hôm 12/3 tại Brussels là một " khởi đầu tốt đẹp" để ổn định lại tình hình trên biên giới Hy Lạp- Thổ Nhĩ Kỳ. 

Bà nhấn mạnh rằng: "Những người tỵ nạn cần những sự giúp đỡ, Hy Lạp cần được hỗ trợ và Thổ Nhĩ Kỳ cũng vậy, đó chính là cơ sở để chúng ta có thể tiếp tục chung bước đi trên cùng một con đường". Theo đánh giá của các nhà quan sát, chắc chắn sắp tới Liên minh châu Âu sẽ phải tiếp tục bỏ ra một số tiền không nhỏ để đổi lấy cam kết của Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục khóa chặt biên giới với châu Âu.

Dương Thắng (tổng hợp)
.
.
.