Người trở về từ "địa ngục"

Thứ Năm, 13/07/2017, 16:14
Cựu tù Vũ Minh Tằng (xã Vĩnh Hào, Vụ Bản, Nam Định) là một trong số nạn nhân thảm khốc nhất bởi "những trò chơi của quỷ" tại nhà tù Phú Quốc. Khắp người ông là những vết thương, hốc mắt vẫn găm mảnh đạn R15, hộp sọ vỡ xương chũm, thủng màng nhĩ, hai đầu gối lạo xạo xương võ, hai rẻ xương sườn bị gãy, 4 đốt xương sống bị chẻ, nứt…


Ông còn nuốt 9 cái răng của mình rồi bới phân tìm giữ lại hơ n 30 năm, trước khi hiến chúng cho bảo tàng. Ông bảo, có nằm mơ cũng không thể nghĩ mình còn sống mà trở về, với những gì kẻ thù gây ra thì đúng là ông đã trở về từ "địa ngục".

1. Mấy chục năm, ngôi nhà nhỏ ấy vẫn không có nhiều thay đổi, có 3 người già mang trong mình đầy bệnh tật. Ông Tằng 77 tuổi, còn vợ là bà Nguyệt cũng đã sang tuổi 79, đi lại lúc nào cũng phải dùng tay chống khó nhọc lên hông, bệnh thấp khớp làm cho bà như vậy. Em trai ông Tằng là ông Vũ Văn Mỹ, năm nay 70 tuổi, lúc nhỏ trèo bắt chim ngã gãy cột sống, mất trí từ năm 13 tuổi. Mọi việc từ cái ăn, cái mặc, tắm táp suốt hơn 50 năm qua đều một tay bà Nguyệt. 

"Cái ngày ông Tằng đi bộ đội, rồi bị bắt giam chẳng biết sống chết thế nào. Tôi ngày nào cũng tắm táp cho chú em, nhiều người còn lắc đầu ngao ngán hỏi: "Chồng chị bị làm sao mà tàn tật thế kia?"- bà Nguyệt kể.Khi bà Nguyệt đang có bầu đứa con thứ hai năm 1962 thì ông cùng 8 thanh niên trong thôn xung phong vào Nam đánh giặc. 

Ông kể: "Đang trên đường hành quân, đúng đến hang Đá Chẹt trong Quảng Ngãi, chúng tôi bị phục kích. Tôi bị thương ở hộp sọ, phải cố thủ trong hang đá, quân địch không làm gì được liền thả lựu đạn cay vào hang. Các anh em khi tỉnh dậy thì thấy mình đang nằm trong Bệnh viện Quy Nhơn. Lấy lời khai xong, định đưa hết tới nhà tù Phú Quốc". 

Người ông Tằng biết ơn nhất chính là vợ của mình.

Năm 1968, ông Tằng bắt đầu sống trong cảnh "địa ngục trần gian" với những trò tra tấn tàn khốc, man rợ nhất của nhà tù. Sau khoảng 6 năm ở tù, ông được trao trả theo Hiệp định Paris, khi ấy ông chỉ còn 23kg. Đặc biệt hơn trong cạp quần ông có giắt 8 chiếc rằng của chính mình. 

Nhấp chén trà còn nóng, ông Tằng rưng rưng nói: "Cũng mấy chục năm trôi qua rồi, đến giờ tôi vẫn còn không tin nổi là mình còn sống mà trở về. Những chiếc răng bị bẻ khi chúng tra tấn sẽ mãi là những kỷ vật không thể nào quên. Hiện nay 8 chiếc răng đó đang nằm trong Bảo tàng của những người tù Phú Quốc, tại Phú Xuyên, Hà Nội".

Năm 1971, ông Tằng là Bí thư Chi bộ của Phân khu A2, có 1.800 tù nhân ở nhà ngục Phú Quốc. Ông có nhiệm vụ tổ chức cho anh em vượt ngục. Các anh em khi ấy phải đào hầm, khoét ngạch mất ngót 1 năm, đất đá được nghiền vụn dúi vào thùng phuy đựng xỉ than của trại, sau đó tống ra bãi rác. 

Khi đường hầm đã hoàn thành, gần 100 chiến sĩ Cộng sản đã từ phòng giam ra ngoài, vượt qua cánh rừng cao su, sau đó được dân chài giúp đỡ, cùng vượt biển vào đất liền. Khi các anh em chạy xong thì trời cũng vừa sáng. Ông Tằng bị bọn gián điệp được địch cài cắm giả tù nhân tố cáo. Ông lại bị lôi ra tra tấn. Khi ấy tên cai ngục Trần Văn Nhu nổi tiếng khắp các nhà tù là một kẻ dã man, hay nghĩ ra cách tra tấn tàn khốc nhất, man rợ nhất. 

Ông Tằng kể lại: "Thằng Nhu nó lôi tôi cùng mấy anh em lên, nó bảo: Mày giỏi lắm. Tao sẽ cho mày chết từ từ, vừa chết vừa nhớ vợ nhớ con, nhớ đồng đội. Còn tao bắn bòm cái mày chết rồi ném xuống biển thì đơn giản cho mày quá. Lúc đó Nhu dùng một cái ống tuýp sắt dài, gọi là "gậy biệt ly" và một cái vồ lớn, gọi là "vồ sầu đời" (ý rằng, đã bị dùng "dụng cụ đặc biệt" đó thì chỉ có sầu đời mà ly biệt với dương gian!) để tra tấn tôi".

Chúng bắt ông há miệng, dùng tuýp sắt ghè thẳng vào miệng. Khi chiếc răng gãy, máu chảy tràn ra miệng, chúng bắt ông nuốt luôn cả máu và chiếc răng vừa bẻ. Ông không nghe, chúng lại cho quân cảnh xả nước vào miệng ào ào. 

Cứ như thế, lần lượt 9 cái răng của ông Tằng chui vào bụng trong một đêm dài tra tấn. Đêm hôm đó, ông Tằng nằm bất động như chết vì kiệt sức, bụng ông chướng lên vì bị uống quá nhiều nước lã và cả máu của mình, 9 cái răng như xé ngang dọc ruột ông. Ông ngất đi rồi chúng lại không cho ngất, nước lạnh liên tục được xối vào mặt. 

Khi mở mắt ra thì tên cai ngục lại tiếp tục dùng "vồ sầu đời" để đập ông. "Chúng dùng tấm sắt có lỗ tròn sắc, đặt vừa gót chân, rồi cứ thế nện vào đầu gối. Đầu gối thì vỡ, xương bánh chè vỡ, gót chân cũng bị lỗ sắt tròn tiện đi từng khoanh. Sờ vào hai đầu gối cứ lạo xạo như vỏ trứng gà bị đập vụn. 

Đánh chán chúng nó lại dùng đinh mười phân đóng vào các ống chân, đầu gối của tôi. Chúng tôi phải đi tiểu ra tay, sau đó chia nhau mỗi người uống một hớp để sống. Cơm thì chúng nặn thành viên nhỏ, lăn với máu và phân người để bắt chúng tôi ăn"- ông Tằng nhớ lại.

Ông Tằng kể lại những ngày trong ngục với ánh mắt lạc quan, hào sảng.

2. Câu chuyện giữ lại 9 chiếc răng bị bẻ để làm kỷ vật của ông Tằng quả là câu chuyện, xưa nay hiếm. Ông đã kỳ công, chờ đợi những lần đi đại tiện để tìm lại 9 chiếc răng mà tên cai ngục ép nuốt. Mỗi lần đi đại tiện, ông Tằng bới phân của mình, vê nhỏ để tìm kiếm răng. 

"Tôi đã giữ những chiếc răng ấy suốt 600 ngày tù đày. Giữ được những chiếc răng đó không phải là chuyện đơn giản, tôi đã khâu chúng vào cạp quần. Chúng nó mà phát hiện là tịch thu hoặc lôi ra tra tấn, đánh đập. Sau này được ra tù, tôi đã hiến tặng chúng cho bảo tàng để họ lưu giữ"- ông Tằng chia sẻ.

Hơn 40 năm, ông Tằng sống trong đau đớn, quặt quẹo, chiến đấu với bệnh tật, mãi đến tháng 6- 2010, ông mới có điều kiện đi chụp chiếu, khám lại toàn bộ cơ thể của mình. Nhìn phim chụp X - Quang và một số kết quả khác, các bác sĩ không khỏi kinh ngạc. Mảnh đạn R 15 vẫn găm trong hốc mắt bên phải của ông, nếu chỉ cần đụng dao kéo là ông sẽ bị mù vĩnh viễn. 

Không những vậy, hộp sọ bên phải bị thương (vỡ xương chũm), màng nhĩ thủng, tai bên phải điếc hoàn toàn. Hai đầu gối của ông sờ vào vẫn thấy lạo xạo xương vỡ do bị đánh bằng "vồ sầu đời" trước đây. Hai rẻ xương sườn bên trái bị gãy, 4 đốt xương sống bị nứt và chẻ vỡ… do quân cảnh đấm đá và dùng vồ tra tấn. Chưa hết, dạ dày ông bị thủng, viêm hang vị, bệnh thấp khớp hoành hành như cơm bữa.

Những chiếc răng được ông Tằng lưu giữ như báu vật của mình.

Sau khi được thăm khám, điều trị, đến các bác sĩ cũng không thể hiểu nổi tại sao ông có thể chịu đựng được từng đó vết thương hoành hành suốt mấy chục năm. Ông Tằng cười hiền hậu: "Từ năm ngoái đến giờ tôi lên cân hẳn, chắc bây giờ mới ngấm thuốc bổ. Lúc khám tổng thể, tôi cứ băn khoăn mãi về chiếc răng thứ 9, rõ ràng lúc bị thằng Nhu đập gãy và nuốt tới 9 cái cơ mà. Lần nào đi đại tiện tôi cũng vo viên phân của mình, vậy mà vẫn chỉ tìm được có 8 cái trong bụng. Lúc siêu âm, các bác sĩ nói là đã tìm thấy một vật màu đen cứng ngắc trong bụng. Tôi mừng lắm, có lẽ đó là chiếc răng, một phần cốt nhục của tôi, có nằm trong bụng cũng không làm tôi đau đớn". Dứt lời ông Tằng thò tay vào miệng lôi hàm răng giả cho chúng tôi xem rồi cười sảng khoái: "Tôi bị bẻ răng hơn 40 năm thì có đến hơn 30 năm bà nhà tôi nhá cơm cho ăn. Lúc đó nghèo quá, không có tiền mà mua răng giả anh chị ạ".

Nhắc đến vợ, đôi mắt trũng sâu của ông Tằng ngân ngấn nước. Có lẽ cuộc đời này ông biết ơn vợ mình nhất, người không chỉ làm tròn trách nhiệm người vợ, một lòng chờ đợi ông những ngày chiến trận mà còn thay ông chăm sóc người em ruột suốt nửa thế kỷ. Khi từ chiến trường trở về, ông Tằng bị thương tật 67% (bệnh binh hạng 2). Ngày đầu ông được trợ cấp 36 đồng/tháng, do bị thương quá nặng ông chỉ làm được những việc lặt vặt như cắm cơm, quét nhà…. còn những việc nặng nhọc khác một mình bà Nguyệt cáng đáng. 

Bà Nguyệt không thể quên những tháng năm chiến tranh ác liệt, nuôi con rồi chăm sóc em chồng.

"Tôi có được ngày hôm nay cũng là do bà ấy, 60 năm chung sống, có với nhau 5 mặt con, thế rồi bà ấy chăm sóc em trai tôi như ruột thịt. Thương bà ấy nhiều lắm nhưng không biết làm thế nào, nhiều đêm nằm nghĩ bà ấy thiệt thòi, muốn làm điều gì cho vợ mà sức khỏe không cho phép".

Bà Nguyệt từ trong phòng bếp nói vọng ra: "Chiến tranh mà các cháu, người phụ nữ nào cũng như vậy. Bây giờ ba thân già chúng tôi sống bằng thuốc chứ không bằng cơm nữa. Cơm có thể bỏ bữa chứ thuốc thì tuyệt đối không. Những ngày thời tiết thay đổi, chân đau buốt lắm nhưng vẫn phải cố dậy sắc thuốc cho chồng, cho em". 

Phong Anh
.
.
.