Chào mừng ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (4-10)

"Người trong biển lửa"

Thứ Ba, 04/10/2016, 08:43
Kể về những gian truân của nghề, Trung tá Nguyễn Văn Thuần (Đội phó Đội Tham mưu, xây dựng lực lượng và hậu cần) chia sẻ: "Đừng nghĩ chữa cháy chỉ đơn giản là phun nước, xả bọt để dập tắt đám cháy, đó là nghề thực sự nguy hiểm. Nếu không đánh giá được chi tiết, toàn diện về đám cháy, chỉ cần sơ sảy một chút, tòa nhà có thể đổ sập, hay cây xăng có thể nổ tung… cướp đi sinh mạng của nhiều người dân và chính những người lính chữa cháy đang làm nhiệm vụ...


Không dễ để những quy định "khô khan" về công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC), cứu nạn cứu hộ (CNCH) đi vào đời sống. Thế nhưng, sau khi được dự một buổi tuyên truyền của Phòng PC66 (Công an tỉnh Ninh Bình), suy nghĩ ấy đã thay đổi trong tôi. Bởi tất cả những thông điệp cần được truyền tải, đã được "gói ghém" trong một vở kịch hấp dẫn. Phổ biến kỹ năng, vận động xã hội tích cực tham gia vào công tác phòng chống "giặc lửa" và thảm họa dưới hình thức "sân khấu hóa" là một trong những cách làm sáng tạo của đơn vị này.

Trước khi đến Trung tâm VHTT tỉnh Ninh Bình xem vở diễn "Người trong biển lửa" của Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam, chúng tôi đã được Thượng tá Vũ Văn Công - (Phó trưởng phòng PX15) "bật mí": "Điểm mạnh của Phòng PC66 trong những năm qua, là đã sáng tạo ra rất nhiều cách làm hay, để phục vụ công tác PCCC và CNCH. Việc mời các đơn vị nghệ thuật biểu diễn các tiết mục về chủ đề cần tuyên truyền, là một ví dụ sinh động".

Rạp chật ních, khán giả chăm chú theo dõi câu chuyện về cuộc chiến đấu với "giặc lửa", được tái hiện sinh động trong vở kịch. Chúng tôi có cảm nhận như đang đối diện trước một đám cháy lớn. Xuyên suốt vở diễn là một chữ "lửa". Sự dữ dội, tàn khốc của thảm họa, soi rõ chất "lửa" bên trong những người lính cứu hỏa can trường.

Các chiến sĩ Phòng PC66 - Công an tỉnh Ninh Bình diễn tập phương án chữa cháy.

Nhận lệnh lên đường, họ lăn xả vào trung tâm của đám cháy, để mang ra tất cả những gì còn lại. Đó có thể là mạng sống con người hay đồ đạc, tài sản, tài liệu. Nhờ những nỗ lực tranh đoạt với "thần chết", mà bao con người đã được cứu sống, bao khu phố, dãy phố thoát khỏi hủy diệt bởi họa cháy lan, sụp đổ. Trong khói bụi mịt mù, sừng sững hiện lên chân dung của những người anh hùng với khuân mặt sạm đen và kiệt sức.

Trong từng trường đoạn, hành động và diễn xuất của nhân vật không chỉ đặc tả những hành động quả cảm của người lính cứu hỏa, mà thông điệp tuyên truyền nâng cao ý thức PCCC đến mọi người dân… đã hiện ra rõ ràng, sinh động. Không "đao to búa lớn" hay cứng nhắc với những quy định khô khan, hoạt động tuyên truyền kiểu này đã mang lại những hiệu quả thực sự.

Trao đổi sau khi xem vở kịch, chị Nguyễn Thu Hương - một chủ cơ sở kinh doanh khách sạn ở TP Ninh Bình nói: "Đúng là có xem vở kịch này, mới thấy ý thức của chủ các cơ sở kinh doanh về công tác PCCC quan trọng thế nào.

Nhiều người chủ quan, cứ nghĩ cháy nổ ở đâu chứ chẳng thể xảy ra ở chỗ mình, nên còn có thái độ thờ ơ, hay đối phó làm cho có. Khi xảy ra thì hối không kịp, chẳng may xảy ra cháy lớn thì không chỉ chết người, mà tài sản bao năm tích cóp cũng bị thiêu rụi, lại còn làm khổ bao nhiêu con người.

Xem xong vở kịch này, tôi thấy rằng cần phải luôn nâng cao ý thức trách nhiệm trong công tác phòng chống cháy nổ, phải luôn thường trực trong đầu suy nghĩ cháy nổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào nếu chủ quan, coi thường các quy định".

Diễn tập phương án cứu nạn.

Nghe anh em PC66 Ninh Bình kể về những lần đối mặt với "giặc lửa", mới thấy điều trên sân khấu lúc nãy, đã đi ra từ cuộc chiến đấu hàng ngày của người lính cứu hỏa, chứ không chỉ là "diễn" nhằm mục đích tuyên truyền.

Thiếu tá Phùng Ngọc Thắng (Đội trưởng Đội tham mưu, xây dựng lực lượng và hậu cần) nhớ mãi trận đánh đầu tiên, khi mới khoác lên người bộ đồ anh lính cứu hỏa: "Buổi trưa hôm đó vừa cầm bát xới cơm chưa kịp đưa lên miệng, thì kẻng báo động khua vang. Tin cấp báo xảy ra cháy lớn tại Nhà máy Nhiệt điện Ninh Bình.

Chúng tôi quăng bát đũa, vừa chạy vừa cầm theo quần áo bảo hộ, tức tốc lên xe phóng hết tốc lực đến đám cháy. Đến nơi thì cũng mặc xong quần áo, sẵn sàng lao vào chữa cháy. Hiện trường cháy hôm đó rộng khoảng 100 m2,  2 TU cùng nhiều hệ thống bảng mạch, dây dẫn điện đang bị cháy tỏa ra rất nhiều khói đen. Tôi trực tiếp cầm lăng phun bọt, dẫn anh em tiến dần vào trung tâm đám cháy.

Lúc này hiện trường dù đã được cắt điện, nhưng hiện tượng điện lưu trên 2 TU bị cháy vẫn còn. Cửa vào hẹp, thiết bị điện nhiều, nước và bọt từ lăng phun chảy xuống người vô tình tạo môi trường dẫn điện, nên dù đã đeo găng tay, ủng cách điện, tôi vẫn bị giật bắn người. Rất nhanh trí, tôi hô mọi người lùi lại, rồi dùng lăng phun lia qua lại khắp 2 TU một lúc, cho đến khi điện lưu đã tiêu hết, tôi mới đề xuất chỉ huy cho anh em tiếp tục tiến vào chữa cháy.

Thấy khói đen vẫn bốc lên phía bên dưới TU, theo hệ thống ống dẫn dây dẫn điện, nhận định bên dưới đó vẫn còn cháy tôi liền báo chỉ huy chữa cháy cho triển khai trinh sát phía tầng hầm. Thì ra đám cháy đang lan nhanh xuống hầm để tài liệu gần phòng chứa ắc quy. Tôi cùng 2 đồng đội khác đã cầm lăng xịt theo 3 mũi tiến công xuống tầng hầm chữa cháy.

Do khói bụi mịt mù, chúng tôi đành dùng chính tay áo của mình để bịt lên mũi, lấy nước từ đầu lăng chữa cháy để tạt lên mặt giảm sự ảnh hưởng của khói. Trong hầm không một chút ánh sáng nào, xung quanh đều là những thùng chứa tài liệu tối đen, chúng tôi đành phải hiệp đồng với nhau qua ánh đèn pin.

Nhờ phối hợp ăn ý nên sau gần 1 giờ "đánh vật", chúng tôi đã khống chế được ngọn lửa quái ác, chặn đứng  đám cháy lan sang các phòng khác và toàn bộ  nhà máy. Kết quả là các khu vực khác vẫn hoạt động bình thường, không ảnh hưởng đến công tác điều tiết điện của hệ thống điện Quốc gia". 

Từ khi chức năng cứu hộ, cứu nạn được giao về lực lượng Cảnh sát PCCC, đơn vị đã nhiều lần huy động lực lượng ứng cứu người dân trong các tình huống nguy hiểm. Câu chuyện bên lề, Trung tá Vũ Hoàng Hải - (Đội trưởng Đội Chữa cháy và CHCN) kể: "Gần đấy "ngáo" làm khổ anh em tôi khá nhiều lần.

Sau khi sử dụng ma túy đá, người chơi bị "ảo" nên có những "động tác" kỳ quặc như leo trèo lên các vật cao: cột điện, cây xanh, nhà cao tầng, anh em tôi phải triển khai rất nhiều biện pháp để ứng cứu họ. Chẳng hạn như vụ 1 nam thanh niên khi "ngáo" đá, đã dùng dao tự đâm thủng bụng mình, lòi ruột ra nhưng vẫn leo lên lan can tầng 2 Nhà văn hóa đa năng Nam Thành trong tình trạng có thể ngã xuống bất kỳ lúc nào.

Chúng tôi lập tức triển khai xe cứu nạn và 10 anh em đến hiện trường, rải đệm hơi và triển khai đội hình tiếp cận đối tượng để tìm cơ hội cứu người. Do quá "phê", đối tượng rơi từ lan can xuống đất nhưng được đệm hơi đón nên đã giảm nhẹ va chấn. Chúng tôi lập tức đưa anh ta vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh để cấp cứu. Vết thương không nguy hiểm đến tính mạng người này".

Đại tá Đặng Văn Linh (Trưởng phòng PC66 - Công an tỉnh Ninh Bình).

Kể về những gian truân của nghề, Trung tá Nguyễn Văn Thuần (Đội phó Đội Tham mưu, xây dựng lực lượng và hậu cần) chia sẻ: "Đừng nghĩ chữa cháy chỉ đơn giản là phun nước, xả bọt để dập tắt đám cháy, đó là nghề thực sự nguy hiểm. Nếu không đánh giá được chi tiết, toàn diện về đám cháy, chỉ cần sơ sảy một chút, tòa nhà có thể đổ sập, hay cây xăng có thể nổ tung… cướp đi sinh mạng của nhiều người dân và chính những người lính chữa cháy đang làm nhiệm vụ.

Lính cứu hỏa, tiêu chuẩn đầu tiên là phải có sức khỏe, yêu nghề và giàu lòng quả cảm, phản xạ nhanh nhẹn trong các tình huống. Vì vậy, chúng tôi thường xuyên tập luyện để nâng cao thể lực, trình độ chuyên môn, diễn tập các tình huống giả định nhằm ứng phó nhanh trong thực tế chiến đấu với "giặc lửa" có sức nóng lên đến hàng trăm độ C...

Đặc thù của nghề này là sẵn sàng "đợi kẻng". Bất kể lúc nào, cũng phải trong tư thế sẵn sàng chiến đấu, kể cả những lúc ăn uống, nghỉ ngơi, vui chơi giải trí hay những ngày lễ Tết". 

Chia sẻ về bí quyết không để cháy lớn trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua, Đại tá Đặng Văn Linh (Trưởng phòng PC66 - Công an tỉnh Ninh Bình) nói tất cả nằm ở chữ "phòng". Đầu tư đẩy mạnh công tác phòng ngừa, sẽ ngăn chặn từ gốc những nguyên nhân phát sinh hỏa hoạn.

Ông chia sẻ: "Công tác tuyên truyền, xây dựng phong trào toàn dân PCCC được đơn vị hết sức coi trọng. Thời gian qua đơn vị đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các ban ngành đoàn thể, báo chí… đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức tuyên truyền về công tác PCCC.

Đơn cử chỉ trong 6 tháng đầu năm 2016, đơn vị đã đăng hàng chục tin bài phóng sự trên các báo chí; sử dụng xe tuyên truyền lưu động nhiều ngày liên tục trong thời gian trước Tết Nguyên đán tại các khu dân cư, nơi tập trung đông người, các tuyến đường chính. Phối hợp với các đơn vị tổ chức tuyên truyền trên hệ thống loa của Công an tỉnh tại các nút giao thông trên địa bàn TP Ninh Bình được hơn 1.400 lượt; phối hợp với Công an các huyện, thành phố xây dựng bài và tiến hành tuyên truyền 120 lượt trên đài truyền thanh 3 cấp tại các xã, phường, thị trấn và các chợ, trung tâm thương mại về các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC trong sử dụng điện tại chợ, trung tâm thương mại và hộ gia đình.

Mở 38 lớp huấn luyện nghiệp vụ về PCCC và CNCH cho lực lượng PCCC cơ sở với 1.568 người tham gia. Vận động 509 cơ sở và các hộ kinh doanh các mặt hàng có tính chất nguy hiểm cháy nổ cao ký cam kết đảm bảo an toàn PCCC…". 

Được biết, trong những năm gần đây, Phòng PC66 là đơn vị luôn nằm trong "top đầu" phong trào thi đua của Công an tỉnh Ninh Bình. Nhờ sự quyết liệt và sáng tạo trong công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân nâng cao ý thức về công tác PCCC và CNCH, nên mấy năm gần đây Ninh Bình hầu như không có cháy lớn. Với những thành tích đạt được trong công tác, đơn vị đã nhiều năm liền đạt danh hiệu "Đơn vị quyết thắng". Năm 2015, đơn vị được Tổng cục Chính trị Công an nhân dân tặng cờ thi đua xuất sắc.

Trung Hiếu-Tuấn Trình
.
.
.