Người viết kỹ năng sống bằng thơ và cuốn sách được trả tác quyền cao kỷ lục

Thứ Hai, 30/05/2016, 13:42
“Quà cho con” - cuốn sách dạy kỹ năng sống cho trẻ nhỏ, được viết dưới một hình thức đặc biệt, là những bài thơ xinh xắn đáng yêu của một tác giả còn khá xa lạ trên văn đàn.


Và đây có lẽ là cuốn thơ được một đơn vị làm sách “mua” tác quyền với giá kỷ lục, 700 triệu đồng. Sức hấp dẫn của cuốn sách không nằm ở đâu xa, mà ngay trong những câu từ mộc mạc, giản dị, dễ tiếp thu với con trẻ.

Mỗi một kỹ năng sống được thể hiện bằng một bài thơ dễ thuộc, dễ nhớ. Đây là một món quà đặc biệt mà các bậc phụ huynh có thể dành tặng cho con em mình nhân ngày 1-6.

Tác giả Nguyễn Huy Hoàng.

Anh Nguyễn Huy Hoàng, tác giả cuốn sách thơ có giá bản quyền kỷ lục, sinh năm 1976, tốt nghiệp  Đại học Luật và Học viện Hành chính quốc gia, đang làm việc tại Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch. Một người có tính cách hóm hỉnh, rất yêu trẻ nhỏ.

Anh chia sẻ: “Tôi vốn là một người lớn lên trong nghèo khó. Cả tuổi thơ của tôi đói ăn rách mặc, rất yếu về các kỹ năng sống. Đơn giản là cha mẹ không có nhiều kiến thức để phổ cập cho mình. Lớn lên, tôi đi học, đi làm, phải tự mày mò, trả giá, tự bổ sung các kỹ năng cho mình qua kinh nghiệm, sách vở, qua những lần tự vấp ngã. Khi có gia đình, có con rồi, tôi suy nghĩ rất nhiều về việc làm sao để các thành viên trong gia đình có thể tự bảo vệ được mình, bảo vệ nhau, bằng các kỹ năng sống cơ bản nhất. Tôi hứa với con gái là bố sẽ viết cho con một cuốn sách về kỹ năng sống bằng thơ. Mỗi tối tôi viết một bài thơ về một chủ đề rồi đọc cho con gái tôi nghe, cô bé tỏ ra rất thích thú”.

Viết một bài thơ về một kỹ năng sống nào đó, thì vấn đề đầu tiên với anh Nguyễn Huy Hoàng không phải là cảm xúc, giống như các nhà thơ khác hay nói về việc làm thơ.

Việc đầu tiên là anh Hoàng đọc sách, lên mạng tìm hiểu về kỹ năng sống đó, rồi phân tích, xâu chuỗi nó vào những khái niệm, những từ, những chữ dễ hiểu nhất. Rồi quan trọng làm sao phải nảy được tứ thơ, có cảm xúc để viết ra thành một bài thơ hoàn chỉnh để trẻ em đọc có thể cảm, hiểu, lĩnh hội được nội dung bài thơ, rèn được kỹ năng sống.

Viết được khoảng 50 bài thơ về 50 kỹ năng sống thì anh Hoàng thấy “oải” quá. Oải nhất là việc tìm đề tài. Nhân chuyến đi Nhật cùng với cơ quan, anh Hoàng có dịp nói chuyện với một giáo sư, nhà văn hóa người Nhật.

Vị giáo sư này tỏ ra vô cùng thích thú khi nghe những bài thơ rèn kỹ năng cho trẻ em của một bạn trẻ đến từ Việt Nam.

Vị giáo sư nói với Nguyễn Huy Hoàng: “Ở Nhật nhiều năm trước, chúng tôi gom tất cả các kỹ năng sống cơ bản nhất, viết dưới dạng cực kỳ dễ hiểu rồi in thành sách phát cho tất cả các gia đình. Sau nhiều năm tháng kiên trì làm việc đó, các gia đình Nhật đã “thuộc nằm lòng” các nguyên tắc sống, các kỹ năng sống đó. Những ứng xử này có sự đồng nhất trong toàn xã hội và từ đó hình thành nên cái gọi là văn hóa Nhật. Chúng tôi tiếc rằng thời đó không có người làm thơ về các kỹ năng sống để phổ cập đến các gia đình, nếu có thì chắc chắn trẻ em sẽ thích thú hơn, dễ hiểu hơn khi thực hành các kỹ năng. Anh hãy kiên trì công việc này và hãy hoàn thành cuốn sách, làm thế nào để nó có thể đến tay càng nhiều người Việt Nam càng tốt. Cái đó là rất có lợi cho xã hội, cho đất nước anh”.

Sau cuộc trò chuyện đó với vị giáo sư người Nhật đáng kính, Nguyễn Huy Hoàng về nước và anh thấy như được tiếp thêm sức mạnh, cảm hứng để hoàn thành cuốn sách. Những bài thơ được viết trong tình cảm thiết tha của một người yêu nước, thương yêu đồng bào, trẻ nhỏ, với những câu chữ chân thành, giản dị.

Đọc “Quà cho con”, độc giả có thể thấy, ở nhiều bài thơ dạy kỹ năng sống cho trẻ em, tác giả đã chọn lối viết hóm hỉnh, gần gũi, rất dễ nhớ và ứng dụng. Ở đây, tác giả không chỉ đề cập các kỹ năng đơn giản như xin chào, xin lỗi, cảm ơn, giữ vệ sinh cá nhân mà còn đề cập đến rất nhiều kỹ năng phức tạp khác như việc chọn trường, chọn nghề, bảo vệ môi trường, yêu nước, yêu cái đẹp.

Đặc biệt, các kỹ năng thời hiện đại mà rất nhiều gia đình đang phải đối mặt không biết dạy con thế nào cho đúng cũng được đưa vào cuốn sách. Chẳng hạn như tránh xa ma túy, lựa chọn game để chơi, đừng nghiện internet, từ chối rượu bia, đừng hút thuốc, lịch sự khi dùng điện thoại, tự bảo vệ bản thân, luyện tập thể thao, thưởng thức nghệ thuật, không vi phạm bản quyền tác giả hay nắm bắt cơ hội để thành công trong cuộc sống…

Những kỹ năng đó, để tìm sách đọc sẽ không khó. Nhưng nói chuẩn, hay, đúng và trúng, dễ nhớ, dễ thuộc bằng những câu thơ sẽ mang đến một cảm giác thích thú cho trẻ nhỏ. Cuốn sách không chỉ hữu ích với các em học sinh, mà còn bổ ích đối với cả các bậc làm cha mẹ.

Ví dụ khi nói về kỹ năng tự bảo vệ mình, các bậc phụ huynh sẽ rất an tâm nếu các con của mình (nhất là con gái) học thuộc bài thơ này của tác giả Nguyễn Huy Hoàng: “Xã hội có kẻ đầu bò/ Ngang nhiên cướp giật, bày trò hại ta/ Thế nên khi ra khỏi nhà/ Học cách ứng phó để mà phòng thân/ Trước hết phải luyện tinh thần/ Mạnh mẽ, dũng cảm, thêm phần tự tin/ Đi đêm chuẩn bị đèn pin/ Gặp xe người lạ chớ xin đi nhờ/ Cảnh giác những kẻ vật vờ/ Tránh xa mấy gã hay sờ linh tinh/ Gặp người khùng nhớ lặng thinh/ Bình tĩnh xử lý giúp mình thoát thân/ Sẵn sàng chống trả khi cần/ Nhằm chỗ hiểm yếu mà dần đối phương/ Hô hoán mọi người đi đường/ Gọi Cảnh sát tới khẩn trương giúp mình…”.

Bìa cuốn sách dạy 100 kỹ năng cho trẻ viết bằng thơ được NXB Hội Nhà văn ấn hành.

Tác giả cuốn sách, anh Nguyễn Huy Hoàng ngoài việc hoàn thành những bài thơ hay, ngắn gọn, súc tích còn rất kỳ công, khó tính trong việc tìm kiếm họa sĩ vẽ minh họa. Trong ý tưởng của anh Hoàng, những bài học kỹ năng, ngoài thơ hay, dễ nhớ, dễ thuộc, còn phải có hình ảnh minh họa ý nghĩa.

Cả năm trời anh tìm kiếm họa sĩ phù hợp để hợp tác cho cuốn sách của mình. Hàng trăm họa sĩ anh Hoàng đã tìm đến, để cuối cùng tìm thấy người hợp tác ứng ý nhất, làm sao cho những hình ảnh trong sách phải rất Việt Nam, gần gũi, giản dị và phải có cả sự hóm hỉnh để người đọc thấy thú vị, không nhàm chán.

Dự định của tác giả Nguyễn Huy Hoàng là sẽ tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa, đưa sách đến với các gia đình và các em nhỏ ở miền núi, vùng sâu, vùng xa. Những nơi ấy, để tổ chức một buổi tập huấn hay nói chuyện về kỹ năng sống cho các em học sinh không phải dễ, và cuốn sách sẽ làm thay điều đó.

Khi cầm “Quà cho con” của tác giả Nguyễn Huy Hoàng trên tay, tôi đã đọc một mạch. Cuốn sách thực sự đã cho tôi cảm được tấm lòng của người viết dành cho trẻ nhỏ, cho cuộc đời.

Những kỹ năng sống đã được tác giả nghiên cứu để “lọc” lấy những yếu tố cốt lõi nhất và biến hóa thành những câu thơ gần gũi, giúp ích cho các em học sinh trong việc rèn các kỹ năng để trưởng thành. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều nhà giáo dục, nhiều nhà văn, nhà thơ và nghệ sĩ đã bày tỏ sự thích thú của mình khi đọc cuốn sách.

Trong lúc thị trường sách cho thiếu nhi ngày càng vắng lặng, người viết cho thiếu nhi ngày càng hiếm hoi, thì những sự xuất hiện đẹp đẽ, nhân văn, ấn tượng như tác giả Nguyễn Huy Hoàng với “Quà cho con” thật là đáng quý, đáng trân trọng.

Giáo sư Văn Như Cương: Rất tâm đắc khi đọc “Quà cho con”

Bố mẹ nào cũng muốn tặng quà cho con. Có nhiều loại quà, có loại để ăn, để mặc, có loại để chơi, để vận động và có loại để xem, để đọc. Tuy nhiên, không phải món quà nào cũng thực sự mang lại lợi ích cho giới trẻ. Món ăn có thể không an toàn, đồ chơi có thể không có tính giáo dục.

Cuốn sách hoặc truyện tranh có thể mang tính bạo lực, ngôn ngữ không trong sáng. Bởi vậy, khó nhất là lựa chọn sách cho con đọc để các em mở mang kiến thức và trau dồi nhân cách.

Đáng tiếc rằng số đầu sách như vậy còn quá ít. Trong khi đó ở nhà trường, môn giáo dục công dân bị xem nhẹ với nội dung khô khan và cứng nhắc. Trong gia đình do bố mẹ bận rộn với việc mưu sinh nên ít thì giờ để tâm giáo dục con cái.

Bởi vậy, tôi rất tâm đắc khi đọc cuốn “Quà cho con” của tác giả Nguyễn Huy Hoàng, món quà dạy kỹ năng sống cho trẻ em như tác giả mong muốn: “Vần thơ mộc mạc nôm na/ Gom kỹ năng sống làm quà cho con”.

Bằng những câu thơ giản dị nhưng thấm thía đối với người đọc, tác giả đề cập đến 100 kỹ năng sống từ những kỹ năng giản đơn như: Xin chào, Xin lỗi, Cám ơn… đến những kỹ năng phức tạp hơn như Yêu nước, Hiểu lòng cha mẹ, Kiềm chế lòng tham, Lý tưởng sống, Chọn trường đại học. Tôi hy vọng rằng “Quà cho con” sẽ có mặt trong nhiều cặp sách học trò và trong tủ sách gia đình. Điều đó chỉ có lợi cho tâm hồn con trẻ chúng ta. 

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Hơn ngàn câu thơ là những lời dạy con kỹ lưỡng, ân cần

Ông cha ta đã nói: “Dạy con từ thủa lên ba”. Tác giả Nguyễn Huy Hoàng đã thấu hiểu điều đó và anh thực hiện bằng con đường riêng của anh. 100 bài thơ với hơn ngàn câu thơ là những lời dạy con thật kỹ lưỡng, ân cần, bền bỉ và đầy tình yêu thương.

Tôi tin đó là một trong những cách dạy trẻ em vô cùng hiệu quả. Vần điệu hay nhạc tính của thơ vô cùng thích hợp để đi vào những tâm hồn thơ trẻ. Những bài học đạo đức đã được đời sống hóa một cách thiết thực và giản dị.

Với hình thức của thơ, những bậc ông bà cha mẹ có thể dạy con cháu mình bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào, như trên sân chơi, lúc nấu ăn, khi đưa trẻ đến lớp hay đi ngủ. Và điều quan trọng nhất là, tác giả Nguyễn Huy Hoàng đã viết ra những câu thơ này với tình thương yêu trẻ nhỏ và vì những công dân tương lai của một đất nước.

Bình Nguyên Trang
.
.
.