Ngút ngàn Lạc Thủy

Thứ Bảy, 27/09/2014, 07:00

Được đồng chí Phó Bí thư Huyện ủy Lạc Thủy Bùi Văn Trường cho biết diện tích đất rừng của huyện chiếm 67% diện tích tự nhiên; Lạc Thủy là địa phương có phong trào trồng rừng rất sớm và hiện đang là huyện dẫn đầu toàn tỉnh về nghề rừng… trong tôi như có luồng điện chạy khắp cơ thể. Tôi muốn được ùa vào những cánh rừng trồng xanh ngút ngát để được gặp những con người đang trực tiếp làm nên điều kỳ diệu ở đất này…

Từ người bệnh binh khoác ba lô vào rừng

Nghệ sỹ nhiếp ảnh Bùi Quyết Tiến đưa tôi đến xã Đồng Môn cách thị trấn Chi Nê gần 20km để gặp “vua rừng” Nguyễn Đức Thái, người đang sở hữu và thâm canh gần 40ha rừng một cách đầy sáng tạo. Trên đường đi, ký ức tràn về, tôi liên tưởng việc trồng rừng mà tôi dính dáng từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước. Đó là năm 1993, nhận nhiệm vụ Phó Giám thị Trại tạm giam, Công an tỉnh Hòa Bình, được tiếp quản hàng trăm hecta rừng trồng theo dự án 3352, rồi 327 tại 2 xã Bắc Phong và Thu Phong (huyện Cao Phong ngày nay) mà tôi cứ ngơ ngác. Mang tiếng là rừng trồng mà phải tìm cây trong lau lách. Lại nữa diện tích từ đâu đến đâu cứ u u, minh minh. Năm tháng bao cấp đói kém, để có gạo ăn, không ít người phấn khởi tham gia dự án chứ không nghĩ rồi sau đó rừng sẽ như thế nào?

Đang chìm trong hồi tưởng, anh Bùi Quyết Tiến kéo tôi về thực tại: “Vào đến rừng của ông Thái rồi đấy!”. Tôi giật mình bởi màu xanh, xanh ngút ngát, xanh miên man và tĩnh lặng đến thâm trầm. Con đường liên xã trải nhựa như con trăn khổng lồ mà hiền hòa uốn lượn giữa rừng xanh. Đang trưa hè nóng như rang mà nhiều đoạn không có một bóng nắng lọt xuống mặt đường. Một khuôn viên khang trang với cổng sắt rộng mở giữa rừng, xe chúng tôi cứ thế tiến thẳng vào sân. Người đàn ông ngoài 60 tuổi, giản dị, nhanh nhẹn, săn chắc cứ để nguyên áo 3 lỗ đang mặc tiếp khách mà câu chuyện từ ông cứ như suối nguồn tỏa ra bao điều làm chúng tôi ngỡ ngàng.

Sau 20 làm anh bộ đội, bệnh binh Nguyễn Đức Thái ra quân về lại quê hương Phú Lão – Lạc Thủy. Đang loay hoay kiếm kế sinh nhai trong giai đoạn cuối thời bao cấp, đầu kỳ mở cửa thì ông gặp dự án 3352 – trồng rừng phủ xanh đất trống đồi núi trọc. Tại Phú Lão quê ông không có diện tích lớn để trồng rừng, ông Thái khoác ba lô vào Đồng Môn – một xã vùng sâu, khó khăn của huyện Lạc Thủy để nhận đất. Ngay năm 1990, ông đã nhận đến 20 ha đất trống và vay ngân hàng trên 60 triệu đồng để trồng rừng. Những người quen biết ông, thậm chí cũng nhận đất trồng rừng nhưng chỉ với mục đích lấy gạo thì cười bảo “ông này có vấn đề”.

Hằng ngày ông Thái cùng gần 30 con người lăn lộn trồng rừng, và phải hơn hai năm sau vợ ông mới vào Đồng Môn cùng ông. Nay vợ ông tâm sự: “Thực lòng lúc ấy tôi vào đây vì sợ ông ấy chết vì trồng rừng chứ tuyệt nhiên không hy vọng giàu có gì ở đây cả”. Vốn liếng đầu tư là thế, tinh thần quyết tâm là thế mà 6-7 năm sau những cây bạch đàn còi cọc dặt dẹo như đứng chịu tang trước mắt người.

Nhận ra thứ cây này không phù hợp, ông Thái quyết định chặt bỏ không thương tiếc dù phải chịu lỗ tiền vay ngân hàng. Lúc này, những người thân trong gia đình họp nhau lại, bàn đóng góp mỗi nhà một ít, giúp ông Thái để ông quay về quê cũ làm ăn. Thậm chí có cả người lãnh đạo huyện khuyên ông: “Hết dự án rồi thì ra chứ ở đấy ôm cây chờ đợi thì chết à?”. Sau một tuần suy nghĩ, ông Thái quyết định không bỏ rừng. Năm 1999, ông Thái bắt đầu trồng 5ha cây keo. Thấy cây keo phát triển tốt, ông tăng diện tích trồng keo và đến 2004 lên đến 30ha. Năm 2006, lô keo đầu tiên đến kỳ khai thác thu 35 triệu đồng/ha, một trang mới về nghề rừng đã mở ra với ông.

Thấy ông Thái là đảng viên mà thuê người làm, không ít ý kiến cho thế là bóc lột, mà “đảng viên thì không được bóc lột”. Bị kiểm điểm, ông Thái “quật” lại: Nếu thuê người trồng rừng mà là bóc lột và đảng viên không được làm thì ông sẵn sàng xin ra khỏi Đảng chứ không bỏ rừng. Rất may tư duy ấu trĩ này sớm được tháo gỡ nên ông Thái vẫn còn là đảng viên và vinh dự nhận Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng gần đây.

Đến “Vua rừng” Nguyễn Đức Thái

Ông Thái khoe rừng một năm của ông bằng rừng hai năm của người khác là bởi cách trồng, cách chăm sóc và chặt tỉa không thương tiếc của ông. Nhớ lại thuở mới trồng cây keo, một vị lãnh đạo lâm trường lúc đó phản ứng gay gắt vì ông Thái không tuân thủ đúng kỹ thuật được hướng dẫn, hàng cách hàng 3m, cây cách cây 3m mà lại chỉ hàng cách hàng 3m còn cây cách cây chỉ 1,5m thôi. Không biết ngay lúc đó ông Thái thanh minh với vị kỹ sư lâm nghiệp kia thế nào, chứ bây giờ, ngồi giữa rừng keo của ông, nghe ông giải thích tôi không thể diễn tả hết sự dễ hiểu, thú vị và hưng phấn của cả người nghe và người nói.

Theo ông Thái, cũng như những cây trồng khác, cây keo cần ba yếu tố là ánh sáng, độ ẩm và phân bón. Tạm thời nếu chưa mang phân lên bón thì tìm cách làm giàu đất của chính thứ cây này. Vậy ngay từ đầu phải chú ý đến ánh sáng và độ ẩm. Lúc mới trồng, cây còn nhỏ, ánh sáng dồi dào nên chưa cần phải cách nhau đến 3m vẫn thừa ánh sáng. Nhưng còn độ ẩm, cây còn nhỏ như thế mà cách nhau những 3m là quá thưa, khoảng trống quá lớn, đất mất độ ẩm. Chính thế, ông Thái chỉ tuân thủ hàng cách hàng 3m còn cây cách cây chỉ 1,5m để giữ độ ẩm giai đoạn cây còn nhỏ này. Đến năm thứ hai, ông bắt đầu cứ cây cách cây để tỉa. Đây là lúc mà mọi người thấy rất xót khi ông Thái chặt bỏ cây. Hai cây đứng cạnh nhau, cây nào kém hơn là ông loại dù cây đó to hơn, đẹp hơn cây 2 năm, 3 năm tuổi của người khác rất nhiều. Chặt tỉa xong, cây đã phát triển chiều cao, đã lớn, cần đủ ánh sáng để quang hợp thì lúc này đảm bảo cây cách cây 3m, hàng cách hàng 3m như kỹ thuật hướng dẫn lúc đầu. Còn độ ẩm, tuổi này cây đã khép tán, tự nó giữ được độ ẩm của đất.

Ông Thái trong lô rừng keo sắp đến kỳ khai thác.

Lại nói về công đoạn trồng cây keo, ông Thái cuốc hố sâu đến 45cm (sâu hơn hướng dẫn) rồi vun lá khô, mùn, rác đã được đốt trộn với đất xuống, phía đất dốc trên miệng hố, ông tạo vài rãnh nhỏ để nước mưa theo đó chảy vào hố. Nước giúp mùn, rác tiếp tục phân hủy, còn mùn rác lại giữ nước, giữ độ ẩm của hố. Đến mùa trồng cây, người khác chỉ đợi mưa xuống mới trồng, còn ông, cứ ngày nắng ông cho gánh cây giống lên đồi. Cây trồng ngày mưa, đất sũng nước khi gặp nắng, đất khô nhanh nên rất bó, cây khó bén rễ. Hố trồng cây của ông Thái đất xốp lại được mùn giữ độ ẩm nên ông trồng cây vào ngày nắng, dồi dào ánh sáng, cây nhanh bén rễ nhanh và sinh trưởng tốt, đó là chưa kể đến lượng phân ông bón lót khi trồng.

Về chu kỳ sinh trưởng của cây keo, năm thứ 5, thứ 6 rễ keo mới có nốt sần, mới có tác dụng cải tạo đất. Đến năm thứ 7 thì cây keo chững lại, đây là lúc thu hoạch được. Thu hoạch đúng tuổi vừa đảm bảo năng suất vừa cải tạo được đất rừng. Bản thân đất đã được cải tạo, khi trồng biết tạo độ ẩm, ánh sáng, thêm phân bón… thì “rừng một năm của tôi bằng rừng hai năm của người khác” không có gì là lạ - ông Thái nói.

“Lý thuyết chỉ là màu xám còn cây đời mãi mãi xanh tươi” - chân lý ấy đang rì rào xanh nơi những cánh rừng xanh tít tắp của ông Thái. Chưa hết ngạc nhiên trước những sáng kiến trồng rừng, chúng tôi lại ngạc nhiên trong việc làm cỏ rừng keo của ông. Ông Thái cũng là người đầu tiên trồng xen sắn trong diện tích keo mới trồng. Làm cỏ sắn cũng có nghĩa làm cỏ cho keo. Đất tốt, cây sắn cho năng suất cao. Hai năm sau, keo khép tán không trồng sắn nữa thì đồng thời cũng không phải làm cỏ cho keo nữa. Vừa trồng sắn theo kiểu này, ông Thái vừa cho các hộ trồng sắn trong diện tích keo mới trồng của ông mà không phải nộp phần trăm gì cho ông cả. Vì ông xác định người ta trồng sắn thì ông đỡ công làm cỏ, vả lại cây sắn phát triển nhanh vừa là chỗ dựa, vừa giữ độ ẩm giúp cây keo phát triển thuận lợi khi còn trứng nước. Hiện nay, ông Thái phát triển đàn gà lên đến hàng ngàn con. Dưới tán rừng keo, côn trùng nhất là mối rất nhiều, gà ăn rất chóng lớn.

Đến đây, tôi lại liên tưởng đến Diễn từ Nôben của Wislawa Szymbrska – nhà thơ nữ người Ba Lan khi bà viết: “Cảm hứng không chỉ độc quyền của các nhà thơ, nghệ sỹ nói chung. Trước đây, hiện nay và cả sau này luôn có một nhóm người được cảm hứng ghé thăm. Đó là tất cả những ai biết lựa chọn cho mình một công việc một cách có ý thức và thực hiện nó với một niềm say mê và trí tưởng tượng”. Trong mắt tôi, ông Nguyễn Đức Thái là một con người như thế.

Giầu có từ rừng

Bao nhiêu hiểu biết về nghề rừng, ông say sưa phổ biến cho mọi người. Ông bảo những người miền núi làm thuê cho ông chú ý học rồi về mà trồng lấy rừng của mình, chứ chỉ đi làm thuê thì suốt đời khổ trong khi mình có đất mà bỏ trọc thì vô lý lắm. Noi gương ông, nghe lời ông, không ít người từ chỗ làm thuê, nay kinh tế đã vững vàng với từ 5 đến 7ha rừng trồng. Trong số đó phải kể đến anh Bùi Văn Thắng ở Kim Bôi từ người làm thuê cho ông Thái nay cũng có trên 3ha rừng và thu nhập ổn định. Hội nghị gần, diễn đàn xa mời ông phát biểu, ông cứ mộc mạc chia sẻ kinh nghiệm của mình. Người dân Đồng Môn yêu quý, đảng viên tín nhiệm bầu ông làm bí thư chi bộ gần cả chục năm.

Hiện nay, ông Thái và nhiều người say đắm nghề rừng giàu có về vật chất hẳn đương nhiên. Những nhà cao cửa rộng nơi quê chính, biệt thự giữa rừng xanh, còn đi lại thì dùng xe hơi như ông Thái không hiếm. Xã Đồng Môn trên một ngàn dân đa số là người dân tộc Mường vốn là vùng sâu, nghèo đói nay đã khá giả với một trăm phần trăm nhà xây, trong xã cũng đã có tới gần chục ôtô lớn nhỏ… tất cả đều nhờ nghề rừng mà ra.

Điều đáng chú ý là trong 43 chủ rừng có thu hoạch bình quân trên 700 triệu đồng/năm ở huyện Lạc Thủy hiện nay thì tốp đầu trong số ấy không ai khác mà chính là những người nông dân sinh ra và lớn lên ở Lạc Thủy. Đó là ông Nguyễn Đức Thái ở Đồng Môn, ông Bùi Quang Thể ở Phú Thành, ông Bạch Công Tin ở An Lạc và nhiều người nữa có từ 20ha rừng trở lên. Trong khi đó, tốp đầu của công nhân lâm trường trước đây và nay thuộc Chi nhánh Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Lạc Thủy thì có không đầy 10ha.

Huyện Lạc Thủy.

Trở lại Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, gặp Phó Trưởng phòng Ngọ Đình Tâm, chúng tôi càng rõ thêm khi 27.000/62.000 dân trong huyện đang làm nghề rừng và đang sống với rừng. Lấy bình quân 110 ste/ha (đơn vị đo cây tròn xếp thành khối) và theo chu kỳ khai thác thì sản lượng toàn huyện Lạc Thủy sẽ là khoảng 82.000ste/năm, nếu đem nhân với 820.000đ/ste hiện nay thì mỗi năm thu khoảng 65 tỷ đồng. Đấy là chưa kể hàng tỷ đồng công lao động và lợi nhuận chế biến tại huyện mang lại.

Quy luật của vận động

Tại Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Hòa Bình, chi nhánh Lạc Thủy, Phó Giám đốc Phạm Anh Thượng chia sẻ: Hiện tại giữa đất của người dân và đất do Chi nhánh quản lý nhiều nơi còn chồng chéo. Trước đây đất rừng bỏ hoang thì lâm trường quản lý. Nay người dân đã chủ tâm làm rừng và làm có hiệu quả thì rất mừng. Chủ trương của Công ty đang cùng với địa phương bàn cắt trên 1.000ha đất rừng giao lại cho dân.

Lâm trường Lạc Thủy trước đây nay thành Chi nhánh của Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Hòa Bình. Tên gọi đó rõ là một bước chuyển đổi từ mô hình quản lý nhà nước sang mô hình kinh doanh.

Hỏi thêm về mối quan hệ kinh tế giữa Chi nhánh Công ty với người trồng rừng ở Lạc Thủy, Phó Giám đốc Thượng cho biết: Trước đây, người trồng rừng nhận đầu tư trong cả một chu kỳ là 7 năm, Chi nhánh đầu tư từng năm. Phần đầu tư tính ra tiền, đến hết chu kỳ người nhận đầu tư trả vốn đầu tư cộng cả tiền lãi. Ngoài ra, những hộ nhận đất còn phải giao nộp sản phẩm cho Chi nhánh. Hiện nay, người trồng rừng không nhận đầu tư cả chu kỳ nữa, nhiều người chỉ nhận đầu tư một hai năm đầu, không ít người hoàn toàn không nhận đầu tư. Nguyên do là người trồng rừng đã có tích lũy về vốn liếng, kinh nghiệm, trong đó không ít kinh nghiệm quý hơn kỹ thuật hướng dẫn trong sách. Tự họ ươm lấy cây giống, phân bón tiện chỗ nào mua chỗ đấy. Thậm chí, họ mua một lượng lớn từ nhà máy chở thẳng về rừng. Nhưng những diện tích đất mà Chi nhánh quản lý rồi giao khoán cho dân trồng rừng thì không lẽ không đầu tư. Nếu không đầu tư gì mà thu khoán thì chẳng khác gì ngồi đấy mà thu địa tô thì trái với Luật Đất đai. Chính vậy để ràng buộc, người nhận đất của Chi nhánh, không nhiều thì ít cứ phải nhận đầu tư của Chi nhánh.

Nghề rừng ở Lạc Thủy đã phát triển lên một trình độ mới, nhưng vai trò quản lý của Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp (trước đây là Lâm trường Lạc Thủy) đã không theo kịp. Một số người thuê đất trồng rừng đã trả lại đất cho Chi nhánh bởi họ không chấp nhận những phức tạp có khi đến vô lý kéo dài. Không ai xa, người yêu nghề rừng, thèm đất trồng rừng như ông Thái cũng đã trả lại Chi nhánh khoảng 10ha đất rừng.

Thiển nghĩ, đối với những hộ tự lo được từ giống, vốn, nhân công, kỹ thuật… mà không cần nhận bất cứ sự đầu tư của Chi nhánh thì hãy cứ mạnh dạn giao đất cho họ. Thay bằng việc trả gốc, lãi và nộp sản phẩm cho Chi nhánh, cuối chu kỳ (hoặc hằng năm đối với hộ mạnh), họ nộp thẳng cho huyện dưới dạng thuế đất trồng rừng thì đúng hơn, hay hơn. Và từ đó, ngân sách sẽ trích lại cho xã sở tại một phần thuế thu từ đất rừng.

Hiện tại bên ngay bên bờ sông Bôi thuộc địa phận Lạc Thủy đã xuất hiện những doanh nghiệp chế biến gỗ băm xuất khẩu. Gỗ cây keo từ các nơi kể cả Lạc Sơn, Yên Thủy, nhất là Kim Bôi kìn kìn đổ về. Hệ thống máy băm rồi băng chuyền đưa thẳng gỗ băm xuống xà lan. Theo sông Bôi, chỉ 2 ngày sau số hàng này đã được giao tại cảng Cái Lân, Hải Phòng.

Anh Thẩm Bá Diễn người Đầm Đa đang điều hành Công ty TNHH một thành viên Huy Hoàng chuyên băm gỗ keo xuất khẩu ngay thị trấn Chi Nê cho biết: Dây chuyền của anh chưa phải lớn nhất trong huyện mà công suất bình quân từ 120 – 150 tấn/ngày, mỗi chuyến xà lan chở 500 tấn gỗ băm tương đương khoảng 8ha rừng thu hoạch. Vậy, với vài dây chuyền băm gỗ như thế này thì cứ khoảng 4 ngày, hàng chục hecta rừng keo được chế biến tại huyện mang đi xuất khẩu. Riêng dây chuyền của anh Diễn thường xuyên có 26 lao động tại chỗ với mức lương 5 triệu đồng/tháng. Anh Diễn khẳng định: thóc gạo bây giờ có khi ế, nhưng gỗ keo thì khai thác đến đâu hết đến đó. Việc tiêu thụ sản phẩm rừng trồng thuận lợi càng thúc đẩy nghề rừng phát triển.

Điều băn khoăn của những người trồng rừng ở Lạc Thủy nói riêng và khu vực lân cận nói chung hiện nay là chưa có một tổ chức đứng ra tiêu thụ sản phẩm rừng trồng mà cụ thể là gỗ keo. Đúng là khai thác đến đâu tiêu thụ hết đến đấy nhưng giá cả lại không ổn định do mạnh ai người nấy mua. Trong nền kinh tế thị trường giá cả nhạy cảm là đương nhiên. Nhưng ở khâu này rất cần vai trò của Nhà nước trong quản lý thị trường, trong biện pháp bình ổn giá... giúp cho người trồng rừng không bị thiệt thòi. Được như vậy những người đang thâm canh rừng sẽ phấn khởi và yên tâm với nghề rừng hơn

Lê Va
.
.
.