Nguy cơ hàng Việt bị “hất” khỏi kênh phân phối ngoại

Thứ Ba, 09/07/2019, 10:38
Việc siêu thị Big C đột ngột thông báo dừng đơn hàng may mặc với 200 nhà cung cấp Việt Nam đã vấp phải sự phản ứng gay gắt từ phía doanh nghiệp và dư luận.


Bộ Công Thương đã có cuộc làm việc với Tập đoàn Central Group và BigC, và trong ngày 4-7 phía BigC cam kết nhập lại hàng của 50/200 nhà cung cấp. Từ sự việc này cho thấy nguy cơ hàng Việt bị “đá” khỏi sân phân phối siêu thị nước ngoài ngay tại thị trường nội địa…

 Thị phần đang nằm trong tay nhà phân phối ngoại

Thị trường bán lẻ Việt Nam đã chứng kiến sự “đổ bộ” của các ông lớn trong ngành bán lẻ thế giới. Các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài này sau khi xuất hiện tại thị trường Việt Nam đã có sự lớn mạnh không ngừng về cả số lượng và quy mô đồng thời khai thác khá tốt thị trường Việt Nam. 

Đặc biệt, Tập đoàn bán lẻ Aeon của Nhật Bản dự định tới năm 2020 sẽ mở 20 trung tâm mua sắm quy mô lớn tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư lên tới 1,5 tỷ USD. Tập đoàn Lotter Mart của Hàn Quốc với 8 trung tâm thương mại quy mô lớn tại Hà Nội cũng có kế hoạch tăng lên 60 trung tâm thương mại trên toàn quốc với tổng mức đầu tư lên tới 3,2 tỷ USD vào năm 2020… 

Việc các tập đoàn bán lẻ quốc tế quan tâm và đầu tư tại Việt Nam là tín hiệu tốt đối với người tiêu dùng nhưng riêng đối với các doanh nghiệp bán lẻ nội còn nhiều yếu thế thì đây lại là một sức ép vô cùng lớn khi họ phải cạnh tranh không cân sức với các Tập đoàn FDI đầy tiềm lực.

Hệ thống phân phối ngoại hiện nay đang chiếm tới 53% thị phần. Một miếng bánh khá lớn, đủ sức chi phối thị trường, việc đưa hàng hoá, sản phẩm vào bày bán tại kênh siêu thị lớn cũng sẽ nâng cao giá trị hàng hoá và thương hiệu của sản phẩm. Tuy nhiên, từ câu chuyện của BigC đã cho thấy hàng Việt vào được những kênh phân phối này cũng đầy gian nan. 

Theo ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hiệp hội siêu thị TP Hà Nội, có doanh nghiệp Việt Nam khi gửi hàng vào một chuỗi siêu thị của Hàn Quốc đã phải nộp 20 triệu cho việc nhập hàng vào quầy lần đầu tiên, chưa kể chiết khấu, chi phí kế toán, đầu kệ, chiếm dụng vốn khi hàng bán được chưa thanh toán... rất nhiều chi phí cõng lên giá thành của hàng Việt, khiến hàng Việt sẽ khó tiêu thụ, khó cạnh tranh với hàng Thái Lan và hàng nhập khẩu của các nước với giá hợp lý hơn khi thuế nhập khẩu bằng 0%.

Theo ông Phú, BigC hiện nay hưởng rất nhiều ưu đãi của Việt Nam về thuế, về địa điểm khi tuyên bố sẽ mở của đón hàng Việt đến 90%. Nhưng hành động của họ hoàn toàn trái ngược và lý do được giải thích cho vấn đề trên là cơ cấu lại ngành hàng ở trong BigC.

Hệ thống phân phối ngoại hiện chiếm tới 53% thị phần.

Doanh nghiệp nên “bỏ trứng vào nhiều giỏ”

Là người có thâm niên trong ngành bán lẻ ở Việt Nam, ông Vũ Vinh Phú cho rằng, từ câu chuyện của BigC cho thấy đây là những rào cản gián tiếp từng bước đẩy hàng Việt ra khỏi hệ thống bán lẻ hiện đại. 

Thực tế hiện nay, ở Việt Nam hàng hoá Thái Lan và một số nước khác đang từng bước phủ đa phần trên các quầy kệ trong các siêu thị nước ngoài. Trước bối cảnh trên, các doanh nghiệp sản xuất phải “bỏ trứng vào nhiều giỏ” chứ không nên phụ thuộc vào một vài nhà bán lẻ; đồng thời nhà nước phải có chính sách hỗ trợ, phát triển nhanh các tập đoàn phân phối bán lẻ Việt đủ sức cạnh tranh trên thị trường, mở rộng cửa đón hàng Việt vào để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng, đồng thời đảm bảo lợi ích cho nhà sản xuất Việt một cách công bằng, minh bạch và ổn định lâu dài. 

“Xu hướng trong thời gian tới, nếu chúng ta không mạnh lên thì doanh nghiệp ngoại sẽ lấn át, mà khi bị lấn át chúng ta sẽ thua thiệt, chúng ta sẽ chỉ mãi đi làm thuê, đặc biệt, mất phân phối thì mất cả sản xuất”, ông Phú nhấn mạnh.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, việc bán hàng của các nước khác ở Việt Nam không phải do chủ quan của họ mà người tiêu dùng sẽ là người quyết định. Nếu như hàng hóa có chất lượng thấp, giá cả cao không phù hợp với người Việt Nam chắc chắn sẽ không được chấp nhận. 

Đã đến lúc cơ quan chức năng nên rà soát lại các cơ sở pháp lý nhất là các điều kiện xung quanh vấn đề mua bán, chuyển sở hữu cho nước ngoài, những hệ thống phân phối có uy tín, chiếm tỷ trọng phần lớn trên thị trường theo hướng đảm bảo kinh doanh ổn định, không có sự phân biệt đối xử, đặc biệt là không sử dụng biện pháp hành chính, biện pháp phân biệt đối xử để loại hàng nội địa ra. Đây được coi như một trong những điều kiện chủ chốt để đồng ý cho những hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A).

Nhìn nhận ở khía cạnh khác, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, bản thân các doanh nghiệp cũng cần có sự nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh của mình. Doanh nghiệp không thể cứ ỷ lại vào lòng tốt của các đối tác nước ngoài bởi đã đầu tư kinh doanh thì mục tiêu đầu tiên là lợi nhuận. 

Mặt hàng dệt may chỉ là mặt hàng đầu tiên chứ không phải là mặt hàng cuối cùng sẽ gặp phải trường hợp như trên, chỉ khi mặt hàng của Việt Nam có thế mạnh hơn thì các doanh nghiệp nước ngoài mới không thể thay thế bằng hàng của các nước khác được. Nếu các nhà sản xuất trong nước đưa ra những sản phẩm tốt, giá cả phải chăng, chắc chắn sản phẩm đứng vững trên thị trường, tận dụng được thế mạnh “sân nhà” để phát triển.

Lưu Hiệp
.
.
.