Nguy cơ phá sản của tập đoàn

Thứ Hai, 27/02/2017, 13:53
Được thành lập từ năm 1875 (sản xuất từ hàng điện tử tiêu dùng đến công nghệ năng lượng hạt nhân, và chiếc TV màu đầu tiên trên thế giới cũng là sản phẩm của Toshiba) và là một trong những đại gia điện tử có tên tuổi ở Nhật Bản, nhưng tập đoàn Toshiba hiện đang đứng trước nguy cơ phá sản.


Và ông Shigenori Shiga vừa từ chức Chủ tịch Toshiba, chỉ vài giờ sau khi tập đoàn này phải hoãn công bố chi tiết về những khoản thiệt hại được dự báo lên tới hàng tỷ USD. Mặc dù phải từ chức "để nhận trách nhiệm về khoản lỗ" kể trên, nhưng ông Shigenori Shiga vẫn ở lại tập đoàn Toshiba tới tháng 6, để giải quyết các vấn đề liên quan.

Toshiba đứng trước nguy cơ phá sản.

Giới kinh tế cảnh báo, nhiều khả năng trong tháng 3, Toshiba sẽ rơi vào khủng hoảng trầm trọng với số nợ hơn 1,3 tỷ USD. Theo giới truyền thông, Toshiba từng được đánh giá là đại diện cho nền kinh tế Nhật Bản, nhưng tập đoàn này đang đứng trước nguy cơ phá sản.

Bởi hãng xếp hạng tín dụng Standard & Poor's của Mỹ vừa cảnh báo, sẽ hạ mức xếp hạng tín nhiệm của Toshiba. Trước đó (29-12-2016), hãng Moody's và S&P Global Ratings đều hạ mức tín nhiệm của Toshiba, khiến cổ phiếu của tập đoàn này có lúc lao dốc gần 26%. Khi đó CEO Satoshi Tsunakawa cho biết, Toshiba có thể thua lỗ hàng tỷ USD. Toshiba từng báo lỗ 3,9 tỷ USD trong năm tài khóa 2015.

Theo tờ Yomiuri, Tập đoàn Toshiba đã thua lỗ 712,5 tỷ yên (gần 6,3 tỷ USD) và đó là hậu quả của việc kinh doanh điện hạt nhân tại Mỹ. Theo giới truyền thông, cuối năm 2015, chi nhánh điện hạt nhân của Toshiba ở Mỹ (Westinghouse) đã mua Công ty CB&I Stone and Webster, để hoàn thiện các dự án tại Georgia và Nam Carolina.

Về sau, Toshiba phải thừa nhận đã định giá quá cao CB&I Stone and Webster, khi đặt cược vào mảng điện hạt nhân. Toshiba vừa thừa nhận khoản đầu tư lớn vào điện hạt nhân là một sai lầm và đang phải trả giá.

Ngày 17-2, cổ phiếu của Toshiba chốt phiên giao dịch tiếp tục đà lao dốc, giảm tới 9,2% do giới đầu tư lo ngại nguy cơ cổ phiếu này sẽ bị loại khỏi danh sách các cổ phiếu chủ lực của Sở Giao dịch chứng khoán Tokyo.

Trước đó (14-2), cổ phiếu của Toshiba có lúc giảm tới 10%, khi tập đoàn này không công bố báo cáo lợi nhuận đúng hạn. Toshiba cho biết đang xin phép hoãn báo cáo thêm 1 tháng, do cần nghiên cứu thêm về quy trình kế toán tại mảng điện hạt nhân ở Mỹ.

Giới kinh tế cho biết, cổ phiếu của Toshiba đã mất giá khoảng 60% kể từ tháng 12-2016, khi tập đoàn này lần đầu tiên công bố báo cáo tài chính trong lĩnh vực điện hạt nhân.

CEO Hisao Tanaka của Toshiba.

Theo thông tin nội bộ cho thấy, thua lỗ tại Nhà máy Điện hạt nhân Mỹ Westinghouse được Toshiba mua lại đầu năm 2006, cũng như thua lỗ từ thương vụ mua lại công ty điện hạt nhân Chicago Bridge & Iron (CBI) năm 2015, đã khiến tập đoàn này rơi vào vòng xoáy thua lỗ không lối thoát.

Và để kiềm chế ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng từ Toshiba, Chính phủ Nhật Bản có thể phải nắm tình hình đầy đủ giữa các nhà máy điện hạt nhân, doanh nghiệp kinh doanh liên quan tới điện hạt nhân với cơ quan hữu quan của Chính phủ và địa phương. Ban lãnh đạo Toshiba cũng đang xem xét hàng loạt biện pháp tái cơ cấu. Theo đó nâng tỷ lệ đầu tư từ nguồn vốn bên ngoài lên hơn 50% từ mức 20% hiện nay.

Hơn 1,5 năm trước (21-7-2015), Chủ tịch Toshiba, ông Hisao Tanaka và Phó chủ tịch Norio Sasaki đã phải từ chức sau vụ bê bối kế toán 1,2 tỷ USD. Ông Hisao Tanaka và ông Norio Sasaki nằm trong số 8 nhân vật cấp cao của tập đoàn Toshiba bị mất chức hoặc từ chức, sau khi một báo cáo độc lập phát hiện những sai lệch trong kế toán kéo dài nhiều năm.

Theo đó, Toshiba đã phóng đại lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh lên tới 1,2 tỷ USD, con số được cho vượt quá 3 lần dự báo ban đầu của tập đoàn này. Tháng 8-2015, Toshiba xác nhận đã thổi phồng lợi nhuận tài khóa 2008-2009 khoảng 1,2 tỷ USD và phải điều chỉnh báo cáo 6 năm sau đó. Khi đó, Toshiba phải tuyên bố sẽ cắt giảm gần 7.000 việc làm, sau scandal gian lận kế toán 1,2 tỷ USD. Toshiba cũng cho biết, hầu hết nhà máy sản xuất của Toshiba ở nước ngoài trong lĩnh vực điện máy dân dụng (chiếm tới 50% sản lượng của Toshiba) sẽ bị rao bán.

Ông Masashi Muromachi, người trở thành Chủ tịch Toshiba sau khi ông Hisao Tanaka từ chức hồi tháng 7-2015, đã xin lỗi tại cuộc họp báo ở Tokyo. Trước đó, Toshiba báo lỗ khoảng 734 triệu USD (nửa đầu tài khóa bắt đầu từ ngày 1-4-2015), và đây là lần đầu tiên kể từ năm 2009, lợi nhuận của tập đoàn này bị âm trong nửa đầu của một tài khóa. Giới kinh tế khi đó nhận định, kết quả kinh doanh nửa đầu tài khóa 2015 đã bộc lộ rõ thực tế Toshiba đang đứng trước khó khăn.

Nhiệm Bình
.
.
.