Nguy hại từ ô nhiễm tiếng ồn

Thứ Bảy, 13/01/2018, 14:38
Bạn đang phóng xe chầm chậm trên một con phố vắng, tận hưởng cái lạnh ngọt ngào của mùa đông Hà Nội và vẳng bên tai là một giai điệu nào đó thật êm dịu, bỗng bạn giật bắn mình.

Tất cả sự lãng mạn bỗng chốc tan biến, thay vào đó là những âm thanh chát chúa phát ra từ những chiếc loa thùng. Đến gần hơn nơi phát ra âm thanh khó chịu đó là hình ảnh những cô gái ăn mặc phong phanh nhún nhảy theo tiếng nhạc, là những thanh niên múa lân uốn lượn theo tiếng trống rộn rã.

Dòng người di chuyển trên đường đột nhiên đi chậm lại. Người xem đứng kín trên vỉa hè. Vâng, đó là cảnh tượng ta vẫn thấy hàng ngày khi một cửa hàng nào đó khai trương. Tắc đường là đương nhiên, nhưng những âm thanh dội vào óc những người đi trên đường khiến họ cảm thấy thật sự khó chịu.

Minh họa Lê Tâm.

Hàng ngày, chúng ta phải chịu đựng những gì khi ra đường? Đó là nạn ùn tắc giao thông, là khói bụi từ các cơ sở công nghiệp trong nội đô, là tiếng nhạc inh tai phát ra từ các siêu thị hay trung tâm thương mại, là tiếng hát ông ổng ở các quán "hát cho nhau nghe" mỗi tối, là tiếng còi xe nhức óc vào những giờ tan tầm... Tạm gọi đó là ô nhiễm tiếng ồn và nó thật sự trở thành nỗi ám ảnh đối với người dân thành phố.

Hiểu một cách đơn giản nhất, ô nhiễm tiếng ồn là những âm thanh phát ra không đúng lúc, với cường độ vượt quá ngưỡng chịu đựng của con người. Cái gì quá cũng không tốt, đặc biệt là âm thanh, bởi khi những âm thanh dội vào tai người ta một cách liên tục, với cường độ mạnh sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và cuộc sống.

Tại Việt Nam, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là hai thành phố có tiếng ồn vượt ngưỡng cho phép nhiều lần.

Theo các chuyên gia về môi trường, có ba nguồn chính gây ra tiếng ồn tại các đô thị, là hoạt động sản xuất công nghiệp, giao thông và xây dựng-dịch vụ. Trong đó, tiếng ồn từ giao thông là nhiều hệ lụy nhất. Đó cũng là hệ quả tất yếu bởi sự phát triển nhanh tới chóng mặt của các khu đô thị.

Mật độ người ngày một đông, lượng người tham gia giao thông ngày một lớn và kéo theo nó là các phương tiện đi lại trên đường cũng dày đặc hơn. Khi lượng phương tiện tham gia giao thông ngày càng nhiều thì cũng thải ra nhiều khói bụi hơn, tiếng ồn nhiều hơn.

Một nghiên cứu mới đây cho thấy, tiếng ồn là nguyên nhân gây ảnh hưởng sức khỏe lớn thứ 2 sau khói bụi.

Con người thường xuyên phải chịu đựng những âm thanh quá tải rất dễ bị các bệnh về thính giác và hệ thần kinh, gián tiếp gây ra bệnh tim mạch, tiếp xúc với tiếng ồn lâu ngày nhiều khả năng dẫn tới bệnh đãng trí và bệnh điếc không thể phục hồi. Ở Mỹ, người ta ước tính mỗi năm mất khoảng 6 tỷ USD để chữa bệnh cho những người bị ảnh hưởng từ tiếng ồn.

Nói sơ qua như vậy để thấy những nguy hại do tiếng ồn gây ra trong cuộc sống hiện đại. Nhưng để hạn chế đến mức thấp nhất mức độ ô nhiễm mà tiếng ồn mang lại thì đó là một câu chuyện dài và không hề đơn giản.

Ở các nước phát triển, khi sức khỏe con người được đặt lên hàng đầu, họ luôn áp dụng những thành tựu của khoa học kỹ thuật trong việc làm giảm tiếng ồn. Nhiều đạo luật được ban hành nhằm kiểm soát chặt chẽ các cơ sở sản xuất, các loại phương tiện giao thông không được gây ra tiếng ồn quá mức cho phép.

Trên nhiều tuyến đường chính, các thiết bị hấp thụ tiếng ồn được lắp đặt. Cùng với đó là việc xử lý nghiêm khắc các phương tiện giao thông cố tình không lắp các thiết bị giảm ồn…

Còn tại Việt Nam, việc “sống chung” với tiếng ồn là lẽ đương nhiên. Các nhà khoa học tạm chia tiếng ồn làm hai loại: được phép và không được phép. Với tiếng ồn không được phép, nghĩa là vượt quá những chỉ số cho phép thì chúng ta phải có những giải pháp để hạn chế, tiến tới loại trừ.

Đơn giản nhất là cấm những loại xe quá “đát” tham gia giao thông. Các máy móc có tuổi thọ “trên nửa thế kỷ” cũng cần được thay thế hoặc di chuyển ra khu vực ngoại thành.

Bên cạnh đó, các cấp chính quyền cũng cần mạnh tay xử lý những cơ sở kinh doanh tạo ra tiếng ồn vượt ngưỡng, ảnh hưởng tới sinh hoạt và sức khỏe của người dân trong cộng đồng. Sự yên tĩnh luôn có những giá trị của nó bởi nó không chỉ thể hiện sự bình yên mà còn là nét văn minh của một đô thị hiện đại.

Tuấn Nguyễn
.
.
.