Nguyên nhân dẫn đến nạn tự tử ở người trẻ

Thứ Tư, 30/09/2020, 10:18
Thời gian qua trên địa bàn TP Hà Nội liên tiếp xảy ra các vụ tự tử mà hầu hết nạn nhân là những thanh thiếu niên còn rất trẻ. Họ đã tự tước đi sinh mạng của mình, để lại những nỗi đau, những vết thương cho người thân…

1. Đêm ngày 9/9, một số người dân sống tại chung cư số 29 Liễu Giai (phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình), bất ngờ nghe thấy hai tiếng động lớn tại khu vực sảnh chung cư. Lại gần, nhiều người giật mình sợ hãi khi phát hiện thi thể đôi nam nữ.

Danh tính hai nạn nhân sau đó được xác định là chị Nguyễn Hoàng A. (SN 1996, thường trú tại khu đô thị Trung Hòa-Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội) và anh Nguyễn H. (SN 1996, trú tại phường Quỳnh Lôi, Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Cơ quan chức năng xác định, hai nạn nhân không phải là cư dân ở toà 29 Liễu Giai. Buổi chiều ngày 9-9, anh H. và chị H.A đến thuê phòng tại tầng 35 của chung cư rồi đóng cửa không ra ngoài. Cho đến khoảng 22 giờ thì cả hai nhảy xuống từ ban công tầng 35.

Tại ban công này còn lại hai chiếc ghế gỗ, trên bàn có nhiều điện thoại di động và một mẩu giấy ghi nội dung "nguyện vọng sau khi chết là hiến tạng để cứu người khi cần" và dòng chữ: "We are not dead" (chúng tôi không chết).

Hiện trường đôi nam nữ tự tử do bị ngăn cấm chuyện tình cảm tại Liễu Giai, quận Ba Đình, Hà Nội.

Quá trình điều tra cơ quan chức năng bạn đầu xác định nguyên nhân vụ việc khiến anh H. và chị A. tử vong là do bị ngăn cấm chuyện tình cảm. Được biết, sau đó gia đình hai bên đã tổ chức tang lễ chung một ngày và chôn cất cả hai sát bên cạnh nhau.

Vụ việc này có lẽ là bài học đắt giá dành cho nhiều bậc phụ huynh. Dẫu biết rằng, bố mẹ luôn muốn dành những sự lựa chọn tốt nhất cho con. Tuy nhiên, thay vì cấm cản hoặc áp đặt một cách tiêu cực, chúng ta nên đặt nhiều hơn vào vị trí con trẻ. Nhất là ở xã hội hiện nay, quyền tự do kết hôn càng được tôn trọng theo quy định pháp luật.

Trước đó vào tháng 5-2020, tại ngõ 59 phố Hoàng Cầu, phường Ô Chợ Dừa (quận Đống Đa, Hà Nội), người dân phát hiện một nam thanh niên tử vong trong tư thế treo cổ. Theo một số người dân, nạn nhân sinh năm 1999, hiện đang là sinh viên năm thứ ba một trường đại học trên địa bàn TP Hà Nội. Nơi xảy ra sự việc là một căn nhà ba tầng, nam thanh niên treo cổ tự tử trên tầng 3.

Đặc biệt, cuối năm 2019, trên địa bàn phường Phú Diễn (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đã xảy ra vụ tự tử tập thể gây xôn xao dư luận. Đêm 28-12-2019, người dân bàng hoàng khi phát hiện căn nhà tại hẻm 193/180/35 có ba thi thể của ba cô gái trẻ tuổi nằm trên giường. Cạnh đó là một bức thư tuyệt mệnh.

Được biết trước đó một người bạn của một trong ba nạn nhân đã nhận được tin nhắn thông báo tự tử. Khi gọi điện lại không được, lo sợ có chuyện chẳng lành nên cô gái này đã báo cho gia đình nạn nhân. Khi mọi người có mặt thì cửa đã khóa bên trong, trên tầng vẫn bật đèn nên đã nhờ thợ phá khóa đến.

Theo người nhà nạn nhân, cả ba cô gái trẻ đều bị trầm cảm, một trong số đó là người chuyển giới. Trước đó, cô gái chủ nhà đã từng nhảy từ tầng 3 xuống đất tự tử nhưng không chết.

Giới trẻ cần được gia đình, nhà trường hướng đến các hoạt động lành mạnh để không bị trầm cảm dẫn đến tự tử.

2.Theo số liệu từ Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) ước tính tại Việt Nam có ít nhất 3 triệu thanh, thiếu niên có các vấn đề về sức khỏe tâm lý, tâm thần nhưng chỉ có khoảng 20% trong số đó nhận được hỗ trợ y tế và điều trị cần thiết.

Một bộ phận còn lại tìm kiếm và sử dụng rượu, thuốc lá và ma túy để “tự chữa”, xoa dịu các dấu hiệu của rối loạn tâm thần dẫn đến bệnh tình ngày càng nặng, thậm chí gây nguy hiểm với xã hội.

Báo cáo của Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai), ở lứa tuổi học sinh, sinh viên, tỉ lệ mắc bệnh trầm cảm có thể lên tới 16%, cao hơn so với nhóm quần thể chung từ 4 - 6%.

Đáng chú ý bệnh nhân trầm cảm đang có xu hướng gia tăng, tập trung nhiều ở lứa tuổi trẻ (16 - 27 tuổi) và người già (60 - 65 tuổi). Phần lớn bệnh nhân tự tử do cảm thấy vô dụng, tội lỗi, không đáng sống. Và đa số bệnh nhân trầm cảm có khuynh hướng trở thành mạn tính, tái diễn.

Còn theo Tiến sĩ, bác sĩ Ngô Anh Vinh, Phó trưởng Khoa Sức khỏe vị thành niên Bệnh viện Nhi Trung ương, thực tế ở Việt Nam hiện nay, vấn đề sức khoẻ tâm thần đặc biệt tâm lý thanh thiếu niên tuổi học đường chưa được chú trọng nhiều. Theo số liệu của một số nghiên cứu tại Việt Nam cho thấy tỉ lệ trẻ vị thành niên bị trầm cảm là 26,3%, trẻ có suy nghĩ về cái chết là 6,3%, trẻ lập kế hoạch tự tử là 4,6% và trẻ cố gắng tự tử là 5,8%.

Hiện trường nam thanh niên tự tử sau khi sử dụng ma túy.

Một trong những nguyên nhân thường gặp gây ra trầm cảm ở trẻ vị thành niên là do áp lực học tập, thi cử. Lịch học quá dày gồm học chính khóa, học thêm đã chiếm hầu hết thời gian làm cho trẻ cảm thấy luôn căng thẳng và mệt mỏi. Ngoài ra, một số trẻ dễ rơi vào tình trạng “sốc tâm lý” và nghĩ đến chuyện tiêu cực thậm chí kết thúc cuộc đời sau những thất bại trong học tập, thi cử.

Ngoài ra, mâu thuẫn các mối quan hệ trong cuộc sống cũng là một trong những nguyên nhân khiến trẻ vị thành niên tự tử. Những mối quan hệ bất hòa, mâu thuẫn với gia đình, bạn bè, xã hội nhưng không được chia sẻ có thể khiến cho các em không tìm ra được những giải pháp để giải quyết. Các em dễ có những suy nghĩ tiêu cực, mất kiểm soát dẫn đến hành vi tự sát và xem việc tự sát như là một cách để giúp giải thoát khỏi những bế tắc trong cuộc sống.

Theo PGS-TS tâm lý Trần Thành Nam (ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội), số liệu nghiên cứu từ trường Đại học Giáo dục cho thấy có đến 50% các vấn đề về sức khỏe tinh thần bắt đầu từ lứa tuổi vị thành niên. Khoảng 70% thanh thiếu niên ở các trường giáo dưỡng hoặc nhà tù có vấn đề về sức khỏe tinh thần.

Nghiên cứu cũng cho thấy có khoảng 90% những người tự tử đều có các dấu hiệu tổn thương sức khỏe tâm thần trong khi đó việc tìm kiếm các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần thường diễn ra quá muộn. Các nghiên cứu trên thế giới chỉ ra việc tìm kiếm can thiệp trị liệu các vấn đề sức khỏe tâm thần có thể muộn tới 10 năm.

Căn nhà ở quận Bắc Từ Liêm - nơi ba cô gái trẻ tự tử.

Ngoài những nguyên nhân mà TS Vinh đã chỉ ra, theo TS Nam thì nguyên nhân còn do các bạn trẻ hiện nay ngày càng dành nhiều thời gian cho điện thoại thông minh, mạng xã hội và game online nên ít có thời gian dành cho bạn bè, người thân và các mối quan hệ thực sự có ý nghĩa.

Thanh thiếu niên ít thời gian ngủ hơn, ít có điều kiện để thực hành các kỹ năng xử lý tình huống, giải quyết vấn đề, kiểm soát cảm xúc trong đời sống thực... Do đó, các em không thể huy động các nguồn trợ giúp khi bế tắc. Bên cạnh đó, nhiều em chịu bạo lực, quấy rối, bắt nạt trên mạng xã hội khiến cá nhân cảm thấy cuộc sống không có lối thoát.

Để giải quyết và ngăn ngừa tình trạng này, theo TS, bác sĩ Ngô Anh Vinh, các bậc phụ huynh cần phối hợp với nhà trường thực hiện những điều sau: Không áp đặt thành tích học tập cho con cái, không nên đặt kì vọng quá cao vì điều này sẽ gây áp lực cho trẻ. Cần tạo sự gần gũi, gắn bó giữa bố mẹ với con em để chúng có thể tâm sự, chia sẻ khi gặp khó khăn trong việc học hành, trong các mối quan hệ xã hội. Phân bổ thời gian học tập và vui chơi giải trí một cách hợp lí. Nên tổ chức các buổi du lịch dã ngoại, hoặc cho trẻ tham gia các hoạt động ngoài trời, đảm bảo đời sống tinh thần lành mạnh cho thanh thiếu niên. Dạy trẻ các kỹ năng sống để các em có khả năng đương đầu với những biến cố trong cuộc sống...
Minh Khang
.
.
.