Nguyên nhân khó hiểu của cơ phó gây tai nạn thảm khốc cho chuyến bay A320

Thứ Năm, 16/04/2015, 21:00
Không chỉ có vấn đề về tâm lý vì chuyện tình cảm mà cơ quan điều tra còn thông báo rằng Lubitz bị ám ảnh với dãy núi Alps của Pháp và thường lái tàu lượn ở khu vực sườn núi. Đây chính là nơi Lubitz có hành động điên rồ, đâm thẳng chiếc máy bay Airbus A320 vào sườn núi với tốc độ hơn 700km/giờ, đem theo sinh mạng của gần 150 người vô tội.

Ngành hàng không thế giới vẫn còn chưa hoàn hồn sau hàng loạt tai nạn thảm khốc xảy ra năm 2014 và đặc biệt là chuyến bay mất tích bí ẩn mang số hiệu MH370 thì cuối tháng 3 năm 2015, ngành hàng không lại phải đón nhận tin dữ, máy bay Airbus A320 mang số hiệu 4U9525 của hãng hàng không Germanwings (Đức) chở 142 hành khách và 6 thành viên phi hành đoàn đã rơi ở vùng Digne, miền Nam nước Pháp. Con số thiệt hại không nhỏ lại khiến cả thế giới rúng động và nguyên nhân của vụ tai nạn này đã trở thành cơn ác mộng của nhân loại.

Giây phút kinh hoàng

Chiếc máy bay Airbus A320 của hãng hàng không giá rẻ của Đức - Germanwings hôm 24 tháng 3 vừa qua đã bị rơi ở khu vực Alps-de-Haute-Provence, miền Nam nước Pháp. Chiếc máy bay này đang bay từ Barcelona, Tây Ban Nha đến Dusseldorf, Đức thì vụ tai nạn xảy ra. Gần 150 người đi trên chiếc máy bay Airbus A320 đều đã thiệt mạng. Trong số các nạn nhân có 16 em học sinh trung học Đức và 2 cô giáo của họ, cùng với 2 em bé và 2 ca sĩ opera. 

Tai nạn thảm khốc xảy ra và người ta nhanh chóng vào cuộc để điều tra về nguyên nhân của vụ tai nạn. Những người thân của những nạn nhân trên chuyến bay A320 không phải rơi vào tình trạng thấp thỏm lo âu đến hoảng loạn mà họ phải chịu đựng nỗi đau ngay sau khi vụ tai nạn xảy ra, đó là hành khách cùng phi hành đoàn trên chuyến bay không còn một ai sống sót.

Sau khi vụ tai nạn xảy ra, nhật báo Bild của Đức đã công bố bản ghi chép đoạn ghi âm buồng lái cuối cùng trên chuyến bay xấu số của hàng không Germanwings đâm vào dãy Alps của Pháp. Trong khi máy bay vun vút lao xuống, cơ trưởng đã hét lên bên ngoài buồng lái: "Mở cánh cửa chết tiệt này ra ngay!".

Đoạn ghi âm buồng lái này cho thấy cơ trưởng của chuyến bay Patrick Sondenheimer đã cố hết sức trong tuyệt vọng để mở cánh cửa buồng lái sau khi đồng nghiệp của ông là cơ phó Andreas Lubitz cố tình khóa chặt và điều khiển cho máy bay đâm vào núi. 

Trong đoạn đầu tiên của băng ghi âm này, cơ trưởng Sondenheimer xin lỗi hành khách vì chuyến bay cất cánh trễ 20 phút so với dự kiến, và khẳng định rằng phi hành đoàn sẽ cố gắng bù đắp thời gian đó trong quá trình bay. 

Trước khi máy bay cất cánh, cơ trưởng nói với cơ phó Lubitz rằng ông không có thời gian để vào nhà vệ sinh trước khi máy bay rời khỏi Barcelona. Lubitz đáp lại rằng ông có thể đi vệ sinh bất cứ lúc nào vì không chỉ mình cơ trưởng mới trực tiếp điều khiển chuyến bay.

Sau đó, chiếc máy bay cất cánh và tăng dần độ cao. Đến 10h27, chiếc máy bay đạt độ cao ổn định ở 11.582 mét, và cơ trưởng bảo với cơ phó chuẩn bị cho việc hạ cánh. Lubitz trả lời lạnh lùng và khó hiểu rằng “hy vọng là thế” và “chúng ta cứ chờ xem”. Sau khi kiểm tra một lượt, Lubitz nói với cơ trưởng: “Giờ anh có thể đi vệ sinh được rồi”. Sau đó là tiếng xê dịch ghế và tiếng của cơ trưởng: “Anh có thể kiểm soát máy bay được rồi”. 

Sau khi cơ trưởng đi ra ngoài, tiếng chốt cửa sập vào vang lên. Lúc này chiếc máy bay đã đi được gần nửa đường trên hành trình tới Dusseldorf, Đức. Đến 10h29, radar của đài kiểm soát không lưu phát hiện ra chiếc máy bay bắt đầu lao xuống. 3 phút sau, kiểm soát viên không lưu cố gắng liên lạc với phi công để yêu cầu giải thích, nhưng không có tiếng trả lời. Trong lúc đó, một tín hiệu báo động cảnh báo tốc độ lao xuống nguy hiểm trong buồng lái vang lên.

Ngay sau đó là một tiếng đập mạnh vào cửa. Cơ trưởng Patrick Sondenheimer bị nhốt ở bên ngoài hét lên yêu cầu mở cửa, trong khi hành khách cũng la hét vì hoảng loạn. Đến 10h35, một tiếng va chạm kim loại rất lớn vang lên như thể ai đó đang tìm cách phá cửa buồng lái, lúc này chiếc máy bay đang ở độ cao 7.000 mét. 

Một phút sau, âm thanh báo động “Địa hình nguy hiểm” liên tiếp vang lên khi máy bay đang ở độ cao 5.000 mét. Lúc này, cơ trưởng Patrick Sondenheimer hét lên rất to: “Mở cánh cửa chết tiệt ra ngay!” nhưng bên trong buồng lái, cơ phó Lubitz không hề nói một lời nào, trong khi anh ta vẫn thở bình thường.

Đến 10h40, người ta có thể nghe rõ tiếng động lớn khi cánh bên phải của máy bay quệt vào đỉnh núi, và những tiếng la hét kinh hoàng của hành khách là âm thanh cuối cùng mà thiết bị CVR ghi lại được. Sau đó chỉ còn là sự im lặng đầy chết chóc khi chiếc máy bay đâm vào sườn núi ở vận tốc hơn 700km/h và vỡ tan thành từng mảnh, khiến gần 150 người chết ngay lập tức.

Ngay khi nhận được thông tin từ vụ tai nạn, các điều tra viên của Đức và Pháp đã phối hợp để điều tra nguyên nhân gây ra vụ tai nạn bất ngờ và khó hiểu này. Sau khi rà soát lại thì chuyến bay A320 không có bất cứ một dấu hiệu sai sót nào từ khi cất cánh. Khí hậu bên ngoài cũng như thời tiết không có gì gây bất lợi cho chuyến bay, vậy tại sao cơ phó Lubitz lại phải điều khiển chiếc máy bay lao thẳng vào vách núi như vậy? 

Theo nhận định từ đoạn băng ghi âm trên chuyến bay thì thái độ của cơ phó Lubitz đã không hoàn toàn bình thường. Những tín hiệu xấu xảy ra ngay sau khi cơ trưởng vào phòng vệ sinh và cơ phó trực tiếp điều khiển máy bay. Những nghi vấn được đặt ra đối với cơ phó Lubitz, các điều tra viên đã điều tra mọi thông tin của Lubitz và đã nhận được những kết quả bất ngờ khiến thế giới hoang mang.

Sau khi mở chiến dịch điều tra và khám xét nơi ở của cơ phó Lubitz, cảnh sát đã tìm thấy một số bằng chứng cho thấy Lubitz đang phải đối mặt với tình hình sức khỏe không ổn nhưng hãng hàng không Germanwings khẳng định rằng họ chưa nhận được bất cứ một giấy tờ nào có liên quan đến sức khỏe của Lubitz. Lubitz đã cố tình giấu bệnh tật của mình hay hãng hàng không này đã quản lý quá lỏng lẻo và coi thường mạng sống của người khác. 

Có nhiều ý kiến phản đối những nhận định trên bởi chủ tịch hãng hàng không đã khẳng định rằng Lubitz đã qua được các kỳ kiểm tra kỹ thuật, thể lực và tâm lý của hãng và “phù hợp 100% sức khỏe để bay. Trong khi đó thì các điều tra viên lại nhận được một thông tin từ người bạn gái cũ của Lubitz là Maria W cho biết, Lubitz từng tuyên bố với cô rằng anh ta sẽ phải làm một điều gì đó để thay đổi cả hệ thống khiến cả thế giới phải biết đến anh ta. Bên cạnh đó, cô ta còn tiết lộ Lubitz thường xuyên gặp ác mộng, mê sảng vào ban đêm và rất hay giật mình tỉnh giấc thét lên “chúng ta sắp rơi”. Những bằng chứng này chứng tỏ Lubitz có vấn đề về thần kinh.

Nguyên nhân chấn động

Andreas Lubitz, 27 tuổi, đã cùng phi hành đoàn tham gia rất nhiều chuyến bay quốc tế. Những người đã từng làm việc với Lubitz đều khẳng định rằng anh ta không có bất cứ một dấu hiệu gì về sức khỏe. Lubitz là một người làm việc nghiêm túc và chính xác. Ngoài tính cách ít nói và thích ở một mình thì không ai than phiền gì về Lubitz cả. 

Vậy lý lo gì đã khiến Lubitz tự nhốt mình vào buồng lái và sau đó nhất định không chịu mở cửa để cơ trưởng vào? Andreas Lubitz đã cố tình điều khiển cho máy bay giảm độ cao 3.000 feet mỗi phút, lao thẳng xuống và đâm vào dãy núi Alps tại Pháp để tự sát, giết chết gần 150 người. 

Các công tố viên không đưa ra lý do tại sao Andreas Lubitz làm như vậy nhưng cảnh sát Đức thì cho rằng đây là một động cơ tự sát và giết người hàng loạt của Lubitz. Chắc hẳn anh ta mắc bệnh thì mới coi thường mạng sống của mình cũng như hàng trăm con người khác.

Tại hiện trường của vụ tai nạn máy bay A320, người ta đã phát hiện phần thi thể của cơ phó Andreas Lubitz. Chuyên gia pháp y, giáo sư Michael Tsokos cho biết, đội pháp y phải làm việc cần mẫn trong nhiều giờ liền để kiểm tra và xác định danh tính của các nạn nhân thông qua 400 "mảnh thi thể" được các nhân viên cứu hộ thu thập được ngoài hiện trường. Ông hi vọng, trong khoảng thời gian sớm nhất, khoảng 95% các nạn nhân có thể được xác định danh tính. 

Còn các nhà điều tra cũng bày tỏ hi vọng rằng, dựa trên kết quả xét nghiệm trên thi thể người phi công phụ lái máy bay Airbus A320 của hãng hàng không Germanwings mang số hiệu 4U9525, họ có thể tìm ra các manh mối quan trọng để hiểu nguyên do vì sao anh ta lại khóa trái cửa buồng lái và hạ độ cao máy bay một cách đột ngột vào ngày hôm đó.

Nhân chứng đầu tiên được cơ quan điều tra tập trung đó là người bạn gái cũ của Andreas Lubitz. Maria W, 26 tuổi đã nhiệt tình phối hợp với cảnh sát điều tra và công bố tất cả những thông tin mà cô biết về Andreas Lubitz bởi không chỉ là bạn gái cũ của Andreas Lubitz mà cô còn là nhân viên của phi hành đoàn. 

Sau khi biết tin về vụ tai nạn, Maria W nhớ lại những gì mà Andreas Lubitz đã nói, liệu đó có phải là một âm mưu mà Andreas Lubitz đã bí mật ấp ủ từ lâu. 

Các công tố viên Đức còn công bố một tờ giấy khám bệnh bị xé rách trong nhà của Lubitz vào ngày chuyến bay của Germanwings gặp nạn. Cảnh sát cho rằng Lubitz đã che giấu bệnh tình của mình với hãng hàng không. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ nguyên nhân bệnh của Lubitz là gì.

Thảm kịch tự sát rồi giết người hàng loạt của cơ phó chuyến bay chưa từng thấy này đã gây sốc cho ngành hàng không thế giới. Một số hãng hàng không đã thay đổi quy định, yêu cầu buồng lái phải có mặt 2 phi công ở mọi thời điểm. Quy tắc này đã từng được áp dụng ở Mỹ, còn châu Âu thì không.

Điều tra

Tờ Bild hôm 27 tháng 3 đưa tin, cơ phó Lubitz đã trải qua 18 tháng điều trị bệnh tâm thần. Anh phải nhờ đến bác sĩ trợ giúp vì “chứng trầm cảm nghiêm trọng” từ năm 2009 và vẫn đang được bác sĩ tiếp tục điều trị. Bệnh án của Lubitz cho thấy, cơ phó này đang có “vấn đề về tâm lý” và được yêu cầu kiểm tra y tế thường xuyên. 

Tờ báo cũng trích dẫn nhiều nguồn tin khác cho rằng, sau khi chia tay bạn gái, Lubitz đã rơi vào cuộc “khủng hoảng đời sống cá nhân”. Những vấn đề về cá nhân và hành vi xử sự điên rồ, bất thường của Lubitz nghiêm trọng đến mức người yêu của anh ta thực sự sợ hãi và đã quyết định rời bỏ anh ta. 

Cảnh sát đã thẩm vấn Maria W với mong muốn sẽ tìm ra được nguyên nhân một cách chính xác nhất. Theo lời của Maria W thì hai người đã ở bên nhau suốt 7 năm và sống cùng nhau trong một căn hộ ở thành phố Dusseldorf. Cả hai cũng đã có với nhau những tháng ngày hạnh phúc giống như những cặp đôi khác và họ còn lên kế hoạch tổ chức đám cưới vào năm sau. 

Trước khi thảm kịch xảy ra, Lubitz còn mua hai chiếc xe Audi để tặng người yêu nhưng mọi chuyện đã không diễn ra một cách tốt đẹp bởi Maria W là người đưa ra quyết định chia tay, cô càng ngày càng nhận ra rằng Lubitz là một người khó hiểu và có những hành động điên rồ. Và cú sốc về tâm lý có thể là nguyên nhân khiến bệnh trầm cảm của Lubitz trở nên nghiêm trọng.

Không chỉ có vấn đề về tâm lý vì chuyện tình cảm mà cơ quan điều tra còn thông báo rằng Lubitz bị ám ảnh với dãy núi Alps của Pháp và thường lái tàu lượn ở khu vực sườn núi. Đây chính là nơi Lubitz có hành động điên rồ, đâm thẳng chiếc máy bay Airbus A320 vào sườn núi với tốc độ hơn 700km/giờ, đem theo sinh mạng của gần 150 người vô tội. 

Cơ phó 27 tuổi ngay từ nhỏ đã mơ trở thành phi công và khi còn là một đứa bé, anh ta thường xuyên tham gia câu lạc bộ lái tàu lượn với bố mẹ của mình ở khu vực cách nơi xảy ra vụ rơi máy bay có vài chục km. Lubitz cũng tham gia vào các chuyến bay ở dãy núi Alps, miền Nam nước Pháp. Cơ phó Lubitz được cho là rất “đam mê” dãy núi Alps và quá quen với khu vực này. 

Ông Dieter Wagner – một thành viên của Luftsportclub Westerwald – hiệp hội tàu lượn – nơi Lubitz lần đầu tiên học lái tàu lượn lúc 14 tuổi, cho biết: “Anh ta mê mẩn dãy núi Alps, thậm chí còn ám ảnh về nó”.

Trong lúc này, người ta vẫn chẳng hiểu được tại sao hay động cơ nào Lubitz có hành động điên cuồng và dã man như vậy. Theo thông tin được các nhà điều tra cung cấp, việc Lubitz lao máy bay vào sườn núi với tốc độ hơn 700km/giờ đã khiến những người đi trên máy bay phải chịu cái chết rất thảm khốc. Lực lượng chức năng đã thu thập được 400 mảnh thi thể và không có thi thể nào còn nguyên vẹn. Người ta không khỏi sốc khi chứng kiến những thi thể thịt nát xương tan của gần 150 người đi trên máy bay.

Cho đến thời điểm này, các nhà điều tra vẫn chưa thể xác định được động cơ trong hành động tự sát của Lubitz. Giới chức Pháp, Đức và Mỹ khẳng định, không có bất kỳ dấu hiệu nào chứng tỏ đây là một vụ liên quan đến khủng bố. Các nhà điều tra không nghi ngờ gì về động cơ chính trị của cơ phó Lubitz mà tập trung vào “thân nhân, môi trường gia đình, nghề nghiệp và cuộc sống riêng tư” của anh này.

Không chỉ bị nghi ngờ mắc chứng trầm cảm, cơ phó Andreas Lubitz còn gặp vấn đề về thị lực, theo tiết lộ của những nhân viên điều tra. "Đó không phải là tự sát. Đó là tội ác, là giết người hàng loạt!", một quan chức điều tra vụ máy Airbus A320 của hãng hàng không Germanwings gặp nạn ở Pháp đã thốt lên như vậy. 

Ngày 28 tháng 3, New York Times đã công bố thêm một thông tin rúng động về sức khỏe của Andreas Lubitz. Dẫn lời hai quan chức trong vụ điều tra, tờ báo Mỹ cho biết, cơ phó người Đức Andreas Lubitz đã từng tìm cách điều trị vấn đề về thị giác. Các quan chức điều tra cũng không loại trừ khả năng vấn đề thị lực có thể gây ra căng thẳng thần kinh đối với Andreas Lubitz.

Người ta lo ngại rằng cơ phó này đã giấu vấn đề thị lực mà anh ta gặp phải với công ty. Cơ quan An toàn Hàng không có các tiêu chuẩn về thị lực với phi công và họ phải trải qua đợt kiểm tra về vấn đề này mỗi năm. Trong một tuyên bố đưa ra ngày 27 tháng 2, người đại diện Bệnh viện đại học Dusseldorf cho biết, Andreas Lubitz từng đến khám tại đây hồi tháng 2 và gần đây nhất là ngày 10 tháng 3. Tuy nhiên, họ không tiết lộ Andreas khám mắt hay chữa trầm cảm.

Dù là trầm cảm hay gặp vấn đề về thị lực thì Lubitz vẫn không thể đủ sức khỏe để có thể điều khiển chuyến bay. Việc làm tắc trách, coi thường mạng sống của mình và của người khác đã gây ra vụ tai nạn thảm khốc, gây ra nỗi đau không biết bao giờ nguôi đối với những nạn nhân trên chuyến bay và với cả thế giới.

Hải Hiền (tổng hợp)
.
.
.