Nguyên nhân sâu xa dẫn đến châu Âu chia rẽ trong vấn đề nhập cư

Thứ Ba, 29/09/2015, 16:01
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc châu Âu chia rẽ trong vấn đề người di cư trong thời gian qua, tuy nhiên theo các chuyên gia những nguyên nhân chính vẫn tập trung xung quanh các bất đồng lớn liên quan đến việc phân chia hạn ngạch chấp nhận người nhập cư giữa các quốc gia, vấn đề tôn giáo sắc tộc, nguy cơ khủng bố, gánh nặng ngân sách, bất ổn về an ninh trật tự … dưới đây là một số nguyên nhân cơ bản và những phân tích xung quanh vấn đề này.

Việc phân chia hạn ngạch người nhập cư giữa các quốc gia châu Âu

Hồi tuần trước, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande đã kêu gọi áp dụng chính sách "hạn ngạch" mới để phân bổ người tị nạn một cách đồng đều trên 28 quốc gia thành viên EU. Các quan chức ngoại giao EU nói rằng kế hoạch hạn ngạch này có thể giúp phân bổ ít nhất 160.000 người nhập cư trên toàn khối, trong đó các quốc gia lớn hơn, giàu có hơn sẽ tiếp nhận nhiều người nhập cư hơn. 

"Chúng tôi đồng thuận rằng cần phải có mức hạn ngạch tối thiểu bắt buộc để các nước EU chia sẻ gánh nặng người di cư. Đây là nguyên tắc đoàn kết và công bằng" - Thủ tướng Đức Angela Merkel nhấn mạnh trong chuyến thăm Thụy Sĩ.

Tổng thống Pháp Francois Hollande đánh tiếng rằng Paris ủng hộ một "cơ chế bắt buộc" đối với các nước EU. Chủ tịch EU Donald Tusk cũng kêu gọi các nước thành viên chia sẻ việc tiếp nhận ít nhất 100.000 người di cư nữa, vượt xa thỏa thuận 32.000 người hiện nay. Thế nhưng sáng kiến này vấp phải sự phản đối quyết liệt của các quốc gia thành viên EU ở Trung và Đông Âu, từ lâu đã bày tỏ thái độ cứng rắn trong chính sách nhập cư. 

Phát biểu khi đứng cạnh bà Merkel trong một hội nghị tuần trước, Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy cho rằng "một số nước không muốn có người tị nạn. Các bạn không thể ép buộc được họ", theo CNN. Cho đến nay, Tây Ban Nha mới chỉ đồng ý tiếp nhận chưa đến 3.000 người tị nạn.

Tổng thống Rumani Klaus Iohannis nói: "Tôi cho rằng chúng ta không nên đưa ra số lượng người nhập cư định mức có được từ sự tính toán đầy tính quan liêu mà không hỏi ý các nước thành viên như thế này". Thủ tướng Slovakia Robert Fico có cùng quan điểm với ông Iohannis khi "không muốn ngày kia thức dậy và nhìn thấy 50.000 người lạ mặt đang ở trong quốc gia của mình".

Một số chính trị gia cho rằng phần lớn những người di cư tới châu Âu không phải là người tị nạn đang chạy trốn nguy hiểm, mà là những người đang muốn đổi đời về kinh tế. 

"Quyết định của chúng ta đầu tiên phải có hiệu quả trong việc giúp đỡ những người thực sự cần, chứ không phải cho những kẻ muốn có cuộc sống tốt đẹp hơn ở châu Âu", Thủ tướng Ba Lan Ewa Kopecz tuần trước tuyên bố. Những lãnh đạo này lo ngại rằng, một khi các nước châu Âu tiếp nhận người di cư quá dễ dàng, dòng người sẽ lại ùn ùn đổ về, khiến các quốc gia thành viên EU rơi vào tình trạng quá tải người nhập cư. 

Một số nguồn tin từ Brussels cho biết tuần tới, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker sẽ công bố kế hoạch sắp xếp nơi định cư cho ít nhất 120.000 người để giảm bớt gánh nặng đối với các nước EU "tiền tuyến" như Hy Lạp, Italia và Hungary.

Lo ngại về nguy cơ khủng bố và vấn đề an ninh

An ninh là một lý do quan trọng khiến các nước không muốn tiếp nhận người Hồi giáo tị nạn, bởi họ lo sợ rằng, các tổ chức khủng bố ở Trung Đông có thể cài cắm các phần tử cực đoan vào dòng người và chúng có thể phát động những cuộc tấn công khủng bố ngay trong lòng châu Âu.

"Đây không còn là một cuộc khủng hoảng tị nạn nữa, mà đây là một hijrah", chuyên gia phân tích Robert Spencer viết trên tạp chí Front Page hôm 4/9. "Hijrah" là một học thuyết Hồi giáo về di cư, và là một dạng "thánh chiến ngầm". "Ra nước ngoài dưới ánh sáng của đấng Allah là di chuyển tới một vùng đất mới để mang đạo Hồi tới đó, và trong đạo Hồi, đây là hành động rất được ca tụng", ông Spencer viết. 

Hồi đầu năm, tờ Express của Anh dẫn lời một chiến binh IS cho biết tổ chức khủng bố này đã tìm cách lợi dụng cuộc khủng hoảng nhập cư hiện nay để xây dựng một lực lượng chiến binh trong lòng châu Âu. 

"Hãy đợi mà xem, giấc mơ của chúng tôi là không chỉ có một vương quốc Hồi giáo ở Syria, mà trên toàn thế giới và chúng tôi sẽ sớm đạt được. Họ lên đường như những người tị nạn và những kẻ tới châu Âu đều đã sẵn sàng", chiến binh này tiết lộ. Theo đó, khoảng 4.000 chiến binh IS đã sẵn sàng xâm nhập vào khắp châu Âu dưới vỏ bọc là những người tị nạn.

Vấn đề sắc tộc và tôn giáo

Một lo ngại rất lớn nữa là xung đột về văn hóa và tôn giáo. Phần lớn những người tị nạn là người Hồi giáo đến từ Syria và châu Phi, trong khi người dân và chính phủ các nước châu Âu vẫn chưa sẵn sàng chấp nhận một cộng đồng Hồi giáo lớn như vậy ngay trong lòng xã hội của mình. Chính phủ Slovakia tuyên bố họ chỉ chấp nhận người tị nạn Công giáo. 

Thủ tướng Hungary Orban tuyên bố ở Brussels hôm thứ năm tuần trước: "Tất cả các nước đều có quyền quyết định có muốn sống với một cộng đồng Hồi giáo lớn trong nước mình hay không. Nếu họ muốn, họ có thể. Nhưng chúng tôi không muốn, và chúng tôi có quyền quyết định không muốn có lượng lớn người Hồi giáo trong nước mình".

Reuters đưa tin, lãnh đạo bốn nước Ba Lan, Hungary, Slovakia và CH Czech nhóm họp ở Prague để thống nhất phản ứng chung. Khi đến Brussels hôm 3-9 vừa qua, Thủ tướng Hungary Viktor Orban gây xôn xao dư luận khi tuyên bố người Hungary "sợ hãi" trước làn sóng di cư. Ông kêu gọi người tị nạn Trung Đông không đến châu Âu và nhấn mạnh nước này "không muốn chấp nhận hậu quả của việc tiếp nhận một số lượng người Hồi giáo lớn". Trong khi đó, các cuộc biểu tình ở khu vực Trung và Đông Âu lại phần lớn là để phản đối người nhập cư và do các nhóm cực hữu tổ chức.

Tại thủ đô Warsaw của Ba Lan, từ 5.000-10.000 người đã xuống đường theo lời kêu gọi của tổ chức cực hữu ONR. Họ không ngừng hô khẩu hiệu phản đối người nhập cư và đưa những biểu ngữ như: "Hồi giáo sẽ là cái chết của châu Âu". Tại thủ đô Bratislava của Slovakia, hàng ngàn người đã xuống đường để hưởng ứng chiến dịch chống "Hồi giáo hóa châu Âu" do đảng cực hữu LSNS phát động. Tại thủ đô Prague của CH Czech, một cuộc biểu tình rầm rộ cũng được tổ chức để phản đối người nhập cư và kêu gọi chính phủ rời khỏi EU.

Đáng chú ý là tại thủ đô Berlin của Đức, khác với một tuần trước đó, cuộc biểu tình ủng hộ người tị nạn không còn thu hút đông người tham gia mà chỉ quy tụ vài trăm người. Nguyên nhân là người dân nước này bắt đầu hoang mang với làn sóng di cư liên tục "vượt kỷ lục" sau khi chính phủ tuyên bố mở rộng cửa hơn với người tị nạn. 

Cụ thể, chỉ trong ngày 12/9, thành phố Munich (bang Bavaria) đã đón nhận 12.200 người nhập cư. Bavaria là địa phương "đầu sóng ngọn gió" của Đức trong việc đón tiếp người tị nạn vào châu Âu qua khu vực Balkan. Le Monde dẫn lời một phát ngôn viên cảnh sát cho biết thành phố này đã ở "đỉnh điểm giới hạn" và hiện chỉ có thể nhanh chóng đưa người tị nạn đến các thành phố khác của Đức để có chỗ đón tiếp những người sắp đến. Thị trưởng Munich Dieter Reiter cũng thừa nhận: "Nếu tình hình cứ tiếp tục như hiện tại thì chúng tôi không biết phải làm thế nào với người nhập cư".

Quy định của EU về việc tiếp nhận người nhập cư

Một vấn đề gây chia rẽ nữa trong EU là Italia và Hy Lạp thông thường là những nước tiếp đón đầu tiên người nhập cư, nhưng đây lại không phải là điểm đến cuối cùng. Sau một thời gian được phân loại trong các trại tị nạn, dòng người nhập cư lại tìm mọi cách di chuyển lên phía Bắc châu Âu, tìm đến những nước có chế độ an sinh xã hội tốt ở Bắc Âu như Đức, Na Uy, Thụy Điển hoặc tìm đường sang Anh. 

Trong khi theo quy định từ Brussels, khi một người nhập cư bất hợp pháp đặt chân đến châu Âu, nước tiếp nhận đầu tiên phải thiết lập bộ nhận dạng để làm căn cước quản lý cá nhân đó và người nhập cư trái phép buộc phải xin tị nạn tại ngay đất nước đầu tiên tiếp nhận. Tuy nhiên, điều này lại vượt quá khả năng gánh vác của những nước cửa ngõ phía Nam châu Âu, nhất là Italia, nơi nhận đến ba phần tư số người nhập cư trái phép từ Bắc Phi. 

Chính vì lý do này, Cảnh sát Italia đã thả lỏng kiểm soát và để dòng người này tiếp tục di chuyển lên phía Bắc. Còn một "điểm tập kết" khác của người nhập cư là cảng Calais, thuộc miền Bắc nước Pháp, điểm đến trước khi vào Anh bằng tuyến đường hầm qua eo biển Manche. Lúc cao điểm có tới 2.000 người tìm cách trốn sang Anh chỉ trong một đêm. Nhiều người bất chấp cả tính mạng, đối đầu với các lực lượng an ninh tại đường hầm.

Khó khăn về Ngân sách

Hình ảnh người nhập cư tìm cách vượt qua hàng rào dây thép ở biên giới Hungary là một trong những khoảnh khắc thời sự nổi bật ở châu Âu. Hungary là điểm trung chuyển để người Syria đến Áo trước khi tới các quốc gia châu Âu khác như Đức. Tại ga xe lửa Keleti ở Hungary, hàng ngày người Syria phải trải qua cuộc đối đầu căng thẳng với cảnh sát sở tại. Chính quyền Hungary muốn đưa người Syria đến một khu trại tị nạn. 

Công ước Dublin, một luật quốc tế về tị nạn của châu Âu, quy định người di cư phải đăng ký tại quốc gia đầu tiên mà họ đến, rồi chính quyền nước đó sẽ chịu trách nhiệm xem xét giải quyết yêu cầu xin tị nạn. Washington Post dẫn số liệu Liên Hợp Quốc cho biết, Hungary mới giải quyết 278 trong số gần 150.000 đơn xin tị nạn trong năm 2015.

Các quốc gia Đông Âu không muốn nhận người di cư bởi điều đó phần nào tác động tới ngân sách của họ. Phần lớn những quốc gia phản đối tiếp nhận người nhập cư là những nước đang gặp khó khăn về kinh tế và xã hội. Hy Lạp đang chìm trong cuộc khủng hoảng nợ công và những bất ổn chính trị tiềm ẩn, khiến họ gần như không có khả năng về kinh tế và nguồn lực để tiếp nhận làn sóng người nhập cư. 

Ba Lan, Hungary, Tây Ban Nha... cũng gặp nhiều khó khăn trong việc đảm bảo phúc lợi xã hội, tạo công ăn việc làm cho người dân. Việc tiếp nhận một số lượng lớn người nhập cư sẽ gây ra gánh nặng rất lớn cho chi tiêu công của chính phủ.

Ngân Giang
.
.
.