Kỷ niệm 91 năm ngày Báo chí Cách Mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2016)

Nhà báo Lý Thị Trung và nhà báo Bùi Hạnh Cẩn: Ký giả của một thời "vàng son"

Thứ Ba, 21/06/2016, 08:51
Kỷ niệm 91 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2016), PV Chuyên đề CSTC tìm gặp 2 bậc lão thành trong làng báo. Đó là nhà báo Lý Thị Trung và nhà báo Bùi Hạnh Cẩn – 2 ký giả gắn liền với báo chí Thủ đô một thuở.


Ngày xưa, đàn bà nước Nam làm báo đếm trên đầu ngón tay. Trong tổng số 43 học viên của lớp viết báo đầu tiên của nước ta (Trường Viết báo Huỳnh Thúc Kháng do nhà báo Đỗ Đức Dục làm giám đốc – PV), có 3 nữ thì bà Lý Thị Trung là một trong số đó. Và trong 3 nữ học viên ấy, có lẽ bà Lý Thị Trung đủ duyên nhất để có thể đi đến cùng với con đường viết lách.

Mặc dù là thân gái nhưng bà cũng “chinh chiến” như ai. Có những thời điểm, vì yêu cầu công việc, bà phải vào “nằm vùng” tận 3 tháng trong vùng kinh tế mới ở Lâm Đồng, cùng ăn, cùng ở với dân. Tất cả mọi việc ở nhà đều do “bố con tự xoay xở với nhau”. Lúc bấy giờ chưa có điện thoại di động, nên hễ rảnh lúc nào, bà lại ngồi viết thư về nhà cho chồng con.

Nhà báo Lý Thị Trung.

Những năm tháng đó, làm gì có cái gì gọi là “đề tài trước” như bây giờ. Cứ đi đã, rồi thấy gì viết nấy; thành ra, phóng viên có nhiều đề tài mang tính phát hiện, mới, không “đụng hàng” nhau. Mà thời ấy, theo lời bà kể, nhà báo vất vả lắm, khi đi tác nghiệp, thiếu thốn đủ bề và cũng không có những phương tiện hỗ trợ nghề nghiệp hiện đại như máy ảnh, máy ghi âm, xe máy… như bây giờ. Ngày đó, cả tòa soạn chỉ có mỗi một xe ôtô con, mỗi một chiếc máy ảnh (lại còn máy film, không phải máy kĩ thuật số). Chiếc xe đạp là phương tiện đi lại quen thuộc.

Bà nhớ lần đi công tác  Hòa Bình, lúc đó đang đi đến giữa dốc thì đứt xích. Đành phải dắt bộ tới cuối chân đồi. Miền núi thì kiếm đâu ra chỗ sửa chữa xe đạp? Bà Trung thấy một cụ già đang ngồi quay tơ nên xin cụ một đoạn tơ gốc (loại tơ dệt thành vải đũi, sợi to dày và bền - PV) để nối đoạn xích này với đoạn xích kia. Thế mà bà cũng đạp về tới được thị xã Hòa Bình. Tôi hỏi năm đó bà bao nhiêu tuổi rồi? Bà cười, năm đó bà 40. 

Nhiều người vẫn gọi nhà báo Lý Thị Trung là Tổng biên tập đầu tiên của Báo Phụ nữ Thủ đô. Bà bảo gọi như thế là không chính xác, phải gọi cho đúng là người phụ trách, mà người phụ trách trên bà là “chị Phương Kim Dung - Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội”.

Đó là năm 1986, bà Lý Thị Trung đã 56 tuổi. Một hôm, bà Phương Kim Dung hỏi: “Một mình chị Trung có ra được báo không?”. “Chị Dung muốn có một tờ báo của chị em phụ nữ Hà Nội nên tôi nhận lời” - bà nhớ lại. Câu chuyện một người đàn bà ra tờ báo Phụ nữ Thủ đô ở cái tuổi 56 chẳng giống ai đó nổi tiếng cả làng báo thời bấy giờ, đến nỗi nhà thơ Trần Lê Văn trong một lần sang tận nơi gửi bài cộng tác chẳng thấy ai liền “tức cảnh sinh tình” ra 2  câu thơ  “Tòa thì không, mà soạn cũng không/ Một mình ra báo thật là ngông”.

Cách đây vài ngày, có một cậu phóng viên khi viết bài về nhà báo Lý Thị Trung, có lấy ý câu thơ trên làm cái tít bài (Một mình ra báo thật là ngông – PV). Bà gọi điện cảm ơn nhưng cũng nhắc nhở: “Sao lại lấy một cái tít như thế. Chẳng khiêm tốn chút nào cả!”.

Bà là thế, lúc nào cũng nhẹ nhàng, khiêm tốn và chừng mực. Bà luôn dặn những người cầm bút đi sau, muốn làm nghề này trước hết phải yêu nghề. Yêu nghề nhưng không phải tự khắc nghề nó đến với mình, phải học bạn bè, học mọi người, học trong thực tế và phải rút kinh nghiệm liên tục.

Nếu viết về người ta 10 phần thì chỉ nên nói 7 phần. 3 phần giữ lại trong lòng. Và tuyệt nhiên, đừng để người ta chỉ đến 10 mà mình nói thành 20. Khi được hỏi bà thấy thế hệ viết báo hiện nay ra sao, bà thẳng thắn: “Hơi tiếc, vì người làm báo bây giờ nhiều lúc thiếu sự cẩn trọng. Thực ra, cẩn trọng nâng cao trình độ rất nhiều. Bây giờ, đọc nhiều lúc thấy hơi chán.

Ví dụ như, các bạn trẻ hay lặp lại nhau quá, thiếu mất bản sắc và độ nhạy về ngôn từ. Có thể kể ra một trường hợp, có đợt, tôi thấy lúc nào các bạn ấy cũng sử dụng chữ “vỡ òa” nhiều quá. Lúc nào cũng “vỡ òa”… Rồi thứ 2, lúc nào cũng “chia sẻ”… Tại sao không bỏ từ “chia sẻ” đi, sao không chuyển thành câu gián tiếp, hoặc sử dụng một cụm từ nào đó thay thế để khi đọc vào, người ta không có cảm giác nhàm chán?”.

Báo chí ngày càng phát triển với công nghệ hiện đại.

Nhớ lại cái thời “cầm cân nảy mực” của mình khi phụ trách tờ Phụ nữ Thủ đô, bà nói một cách đầy tình cảm khi kể ra tên một số cộng tác viên ruột của bà. Thời đó, một cái tin cộng tác viên gửi đến, bà cũng hết sức trân trọng. Có những tin gửi đến chưa đạt, bà ngồi tỉ mẩn biên tập lại cho họ. Có những bài dài một cách không cần thiết, bà ngồi gọt lại thành tin vài trăm chữ. Có không ít nhà văn (trong đó có những người bây giờ thành danh trên văn đàn rồi), ngày trước gửi đến những tác phẩm không dùng được. Thậm chí, có một số trường hợp, bà phải ngồi viết lại cái kết cho hợp lý hơn. Bà bảo, người phụ trách vất vả là thế nhưng lúc nào cũng phải thận trọng. Không nói gì cho xa, cầm tờ báo trên tay biết được trình độ của mình ra sao.

Năm nay bà Trung đã 86 tuổi, đủ thứ bệnh “giày xéo” trong người. Trừ thứ Bảy, Chủ Nhật, sáng nào bà cũng phải đi chữa bệnh. Đau ốm liên miên vậy mà bà vẫn dành thời gian để đọc sách báo. Hôm tôi đến thăm bà thấy trên bàn bà đang đọc dở cuốn “Xứ Đông Dương” của vị toàn quyền người Pháp Paul Doumer.

Giống như nhà báo Lý Thị Trung, nhà báo Bùi Hạnh Cẩn cũng đã bước sang tuổi “xưa nay hiếm”. Tuổi 98 có thể làm chân ông yếu đi, mắt mờ đi, tai nặng hơn  nhưng sự uyên thâm, hóm hỉnh và tài hoa vẫn còn đó. Ông không chỉ là một nhà báo mà còn là một trong những nhà văn hóa có tiếng của đất Hà Nội.

Từ trước Cách mạng Tháng Tám 1945, ông đã từng viết cho nhiều tờ báo nên có dịp tiếp xúc với nhiều luồng tư tưởng tiến bộ đương thời. Những bài đầu tiên của nhà báo Bùi Hạnh Cẩn xuất hiện trên các tờ Ngọ báo, Đông Pháp, Tin tức, Tiểu thuyết thứ Năm, Đàn bà... chủ yếu bàn về các vấn đề văn hoá, văn học nghệ thuật. Nhà báo Bùi Hạnh Cẩn là người thích cái mới lạ. Chính vì vậy ông chỉ viết cho những tờ có nhiều cách tân về nội dung cũng như hình thức như Ngày nay (của nhóm Tự lực văn đoàn), Tiểu thuyết thứ Năm…

Sau năm 1945, ông lần lượt công tác tại các tờ báo: Nam Định kháng chiến, Công dân, Nhân dân. Sau ngày hoà bình lập lại (năm 1954), ông lần lượt giữ các chức vụ: Phó Tổng biên tập báo Thủ đô (nay là báo Hà Nội mới), Tổng thư ký Hội  Văn nghệ Hà Nội, Chánh Văn phòng Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam khóa III.

Nhà báo Bùi Hạnh Cẩn.

Hôm tôi đến gặp ông, ông đang tập đi trong nhà. Mặc dù nghỉ hưu đã hơn 30 năm nhưng ông vẫn lao động cần mẫn và cho ra nhiều bộ sách giá trị, giới thiệu văn hóa dân tộc. Ví dụ như “Ký sự lên kinh” (sưu tầm, dịch thơ văn Hải Thượng Lãn Ông, 1972), “Lê Quý Đôn” (truyện ký, 1984), “Bà Điểm họ Đoàn” (nghiên cứu, 1987), “Hồ Xuân Hương” (sưu tầm, dịch, 1995)…

Cuốn “5 đời tổng thống Mỹ” của ông tái bản nhiều lần. Mới đây nhất, đúng dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, ông cho ra cuốn “Thăng Long thi văn tuyển”…

Lúc khỏe hơn, ông lại ngồi máy tính đọc tin tức cập nhật thông tin trên mạng. Hỏi ông về tình hình báo chí hiện nay, ông bảo nhìn chung là tốt, tuy nhiên cũng còn có nhiều điều phải suy nghĩ. Tự nhận có thể những suy nghĩ của mình có phần lạc hậu nhưng theo ông, “chúng ta viết vẫn chưa hấp dẫn lắm. Ở nội dung chi tiết, ở cách dùng từ ngữ, bố cục…”. Nói xong, ông lại cười: “Thưa chị, nói thì dễ. Tôi nói 3 tấc lưỡi có mà đến giời, nhưng tôi cũng không làm nổi. Không đơn giản chị ơi. Nó là cả một quá trình và phải đồng bộ nhiều vấn đề”.

Nhà báo Bùi Hạnh Cẩn nghỉ hưu từ năm 1986 đến nay, đôi lúc nhớ nghề thì nhớ thế thôi, chứ viết ra xong, gửi thì biết chỗ nào sử dụng? Ông tự gọi mình là “lão già”, là “kẻ lạc hậu”. Lạc hậu nên không hiểu yêu cầu của báo chí hiện nay ra sao. Và lạc hậu thì đừng mong và cũng đừng trách ai ca, tự mình rút lui đi thì hơn.  

Với ông, nghề báo là một nghề lý thú, làm cho con người ta luôn mới và nhiều năng lượng. Tuy nhiên, làm nghề này, đừng ai ngộ nhận mình là “đỉnh”. Ông bảo, có thể anh giỏi cái này nhưng anh kém cái kia. Anh hơn người ở phóng sự nhưng có thể thua người ta về kí, thậm chí chụp ảnh.

Trước đấy, khi chúng tôi liên lạc ngỏ ý muốn gặp ông, ông bảo, người ta viết về ông nhiều quá rồi. “Gã giang hồ vặt dạo chơi trên máy tính” hay “Người chữ đất Thăng Long”, người ta cũng viết hết rồi. Ông bảo, hãy hỏi ông “30 năm nay lão già Bùi Hạnh Cẩn làm những gì, như thế nào”. Ông bảo, làm báo thì bỏ hai chữ “khách sáo” sang một bên. Kể từ ngày nghỉ hưu đến nay, ông vẫn “mới” như ngày nào. Ông có thể già đi theo năm tháng nhưng không hề cũ. Vẫn là một Bùi Hạnh Cẩn thích cái mới, không thích sự rập khuôn.

Đậu Dung
.
.
.