Nhà báo quân đội và kỷ niệm một lần được gặp Bác Hồ

Thứ Ba, 19/05/2020, 09:55
Kỷ niệm đặc biệt mà nhà báo đại tá Nguyễn Khắc Tiếp không bao giờ quên là dịp được gặp Bác tại Đền Hùng (Phú Thọ), khi Bác giao nhiệm vụ cho các cán bộ Đại đoàn 308 (Đại đoàn Quân Tiên phong) về tiếp quản Thủ đô Hà Nội.

Đại tá, nhà báo Nguyễn Khắc Tiếp, nguyên phóng viên Báo Quân đội nhân dân là một trong ít phóng viên chiến trường đã từng có mặt trong cả 3 cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc Việt Nam ở thế kỷ 20.

Quá trình làm báo, ông vinh dự được nhiều lần đi đưa tin về các chuyến thăm, làm việc của Bác Hồ với các đơn vị quân đội và đón tiếp nguyên thủ các nước khối Xã hội chủ nghĩa.

Kỷ niệm đặc biệt mà đại tá Nguyễn Khắc Tiếp không bao giờ quên là dịp được gặp Bác tại Đền Hùng (Phú Thọ), khi Bác giao nhiệm vụ cho các cán bộ Đại đoàn 308 (Đại đoàn Quân Tiên phong) về tiếp quản Thủ đô Hà Nội.

Nhiệm vụ "đặc biệt"

Một buổi sáng tháng 5 đầy nắng, chúng tôi có mặt tại nhà riêng của đại tá Nguyễn Khắc Tiếp ở phố Lý Nam Đế, Hà Nội. Nhắc lại những câu chuyện về nghề báo, ông bảo kỷ niệm đặc biệt trong đời cầm bút là được gặp Bác. Đó là lần ông vinh dự được cơ quan cử đi đưa tin về cuộc gặp của Bác Hồ với bộ đội Đại đoàn 308 (Đại đoàn Quân Tiên phong) tại Đền Hùng vào ngày 19/9/1954.

"Trung tuần tháng 9, khi đang đi công tác tại Thái Nguyên, tôi nhận được lệnh của cơ quan đúng ngày 17/9/1954 phải có mặt ở Đền Hùng để cùng với đoàn cán bộ Đại đoàn 308 nhận một "nhiệm vụ đặc biệt". Lúc ấy, đường sá chưa thuận tiện như bây giờ. Vì vậy, từ Thái Nguyên, tôi phải vừa đạp xe vừa hỏi đường để đến Phú Thọ trong thời gian sớm nhất.

Với chiếc xe đạp cà tàng "chân đạp, miệng hỏi", cuối cùng tôi cũng tới được thôn Cổ Tích, xã Hy Cương, huyện Đoan Hùng đúng ngày quy định. Đến đây, tôi đã thấy hàng trăm chiến sĩ có mặt, cùng vài chiếc ô tô nữa. Dò hỏi, họ chỉ biết hình như đơn vị quân đội đang chuẩn bị diễn tập, chứ không biết gì hơn. Do có mối quan hệ thân tình với bộ đội Đại đoàn 308 nên tôi hỏi thông tin về sự kiện qua một số cán bộ, nhưng cũng chỉ nhận được những cái lắc đầu. Tôi mường tượng chắc đây phải là một sự kiện hết sức đặc biệt thì công tác bảo vệ bí mật thông tin mới chặt chẽ vậy", ông Tiếp kể.

Đoán được sự kiện đặc biệt nên cả đêm, nhà báo Nguyễn Khắc Tiếp thao thức, nghĩ cách để hôm sau tiếp cận thông tin thật sớm. Ngày đó, dù là phóng viên nhưng ông chưa có máy ảnh, cũng không có máy ghi âm nên trước sự kiện lớn mà chưa biết nội dung cụ thể là gì nên ông lo và chuẩn bị mọi phương án để có thể lấy đủ tư liệu về viết bài.

Bác Hồ nói chuyện với Đại đoàn quân Tiên Phong tại Đền Giếng.

Phải đến hôm sau, ông Tiếp mới biết sự kiện đặc biệt đó chính là Bác Hồ đến thăm, thắp hương tại Đền Hùng và gặp gỡ, giao nhiệm vụ cho Đại đoàn 308. Tìm hiểu từ các cán bộ thân tín của Bác, ông Tiếp biết trước khi làm việc với Đại đoàn 308, Bác muốn đi thăm, dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng. Vì không muốn ồn ào nên Bác ăn mặc rất giản dị, còn cố khoác chiếc khăn rộng để che chòm râu, tránh nhiều người nhận ra.

Khi gặp người dân địa phương chào hỏi, Bác đáp lại: "Tôi là khách từ xa đến hành hương, thăm đền các vua Hùng". Tại đền, Bác chăm chú đọc các bức hoành phi, câu đối bằng chữ Nho nhắc nhở con dân nước Việt ghi xương khắc cốt những tư tưởng lớn. Tối hôm đó, Bác nghỉ qua đêm tại đền Giếng trên một chiếc giường gấp, bên cạnh có một chiến sĩ bảo vệ thân thiết.

Khoảng 9 giờ sáng ngày 19/9, Bác xuất hiện ở cửa đền, nơi hẹn gặp các cán bộ Đại đoàn 308, những người đã lập công xuất sắc trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Bác mặc bộ quần áo giản dị, chân đi dép cao su, ngồi ở bậc cửa gian bên phải, anh em cán bộ chia nhau ngồi xung quanh, ngay trên 7 bậc thềm và tràn cả ra sân. Lúc đó, nhiều cán bộ mới ngỡ ngàng vì được vinh dự gặp Bác tại nơi linh thiêng này.

Đưa mắt nhìn anh em bộ đội, Bác nhẹ nhàng hỏi: "Các cháu có mệt không. Ăn uống gì chưa?". Rồi chỉ tay lên núi, Bác hỏi tiếp: "Các cháu có biết đây là nơi nào không?". Tất cả đồng thanh: "Thưa Bác, đây là Đền Hùng ạ!". Bác vui vẻ gật đầu: "Đúng! Đền thờ các vua Hùng, tổ tiên của chúng ta. Bác cháu ta gặp nhau ở đây rất có ý nghĩa. Nơi đây, các vua Hùng đã khai lập ra đất nước ta. Bác cháu ta là những người đang khôi phục đất nước… Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước".

Ông Nguyễn Khắc Tiếp chăm sóc những chậu hoa, bonsai trong vườn nhà.

Quyết tâm làm đúng lời Bác dạy

Kể đến đây, ông Tiếp ngừng lời. Đợi cảm xúc lắng xuống, ông mới tiếp tục: "Trong khung cảnh trang nghiêm của vùng cổ tích lịch sử, lời Bác dạy khiến anh em cán bộ, chiến sĩ xúc động, không gian im phăng phắc. Cảm giác như, ai cũng đang tập trung khắc sâu vào tâm trí lời dạy của Người".

Một lát sau, Bác giao nhiệm vụ bằng giọng ấm áp, gần gũi: "Các cháu được Trung ương Đảng và Chính phủ giao cho nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô là được nhận một vinh dự rất lớn. Thủ đô Hà Nội không phải là một đô thị bé nhỏ, mà là trái tim của cả nước, là trung tâm chỉ đạo toàn quốc. Tiếp quản Hà Nội tốt hay xấu ảnh hưởng đến việc củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ của nước Việt ta. Các cháu chỉ có nhiệm vụ, chỉ có quyền làm cho việc tiếp quản tốt, không được làm cho việc tiếp quản xấu… Đồng bào Hà Nội đang may cờ chào đón các cháu trở về. Các cháu đại diện cho quân đội nhân dân ta chiến thắng trong 9 năm kháng chiến. Các cháu hãy làm sao cho xứng đáng với vinh quang đó, với trách nhiệm đó…".

Trước lúc kết thúc buổi nói chuyện, Bác nhấn mạnh: "Chính phủ đã đề ra 10 điều kỷ luật của bộ đội, cán bộ và nhân viên công tác khi vào thành phố mới giải phóng. Bác mong bộ đội nghiêm chỉnh chấp hành, làm gương mẫu đúng đắn. Được không?". Nghe câu hỏi ấy, tất cả lại lần nữa đồng thanh hứa với Bác. "Dạ được ạ!".

Sau đó, Bác Hồ vui vẻ trao tặng Đại đoàn 308 bốn mươi chiếc huy hiệu để thưởng cho những cán bộ, chiến sĩ xuất sắc trong nhiệm vụ. Những cán bộ có mặt nghe Bác căn dặn, giao nhiệm vụ đều đứng dậy phấn khởi xúm quanh Bác. Mọi người đều bày tỏ ý nguyện chúc Bác luôn luôn mạnh khỏe, sống lâu.

Ông Nguyễn Khắc Tiếp bên người vợ đã bước sang tuổi 85.

Trước tình cảm đó, Bác cười hồn hậu: "Muốn Bác mạnh khoẻ, sống lâu hãy làm đúng lời Bác dặn". Tất cả lại vỗ tay râm ran chào tiễn Bác ra về. Bác nhanh nhẹn đi theo con đường tắt từ đền Giếng xuống ngã ba đường cái rồi lên chiếc xe ô tô chờ sẵn ở đó.

"Chắc nghe được tin Bác đến thăm nên khi chúng tôi xuống, đã thấy nhân dân địa phương ùa chạy đến. Bà con đang làm dưới ruộng, các cháu thiếu nhi không hiểu ở đâu cũng tỏa ra xúm xít vây quanh xe ôtô, reo hò: "Bác Hồ. Đúng Bác Hồ rồi!". Rồi không ai bảo ai, tiếng hô "Hồ Chủ tịch muôn năm!" vang lên không dứt".

Chứng kiến cảnh đó, đại tá Tiếp xúc động nghẹn ngào, lập tức trở về để hoàn thành bài báo có tựa đề: "Chúng cháu nguyện cố gắng xứng đáng là cháu Bác" đăng trên Báo Quân đội nhân dân. Và buổi giao nhiệm vụ này của Bác cho quân đội đã trở thành đề tài, cảm hứng cho rất nhiều tác phẩm văn chương, hội họa, điêu khắc sâu sắc, đầy giá trị sau này.

Được biết, sau lần vinh dự đó Đại tá, nhà báo Nguyễn Khắc Tiếp còn nhiều lần được đưa tin, dự các cuộc họp có Bác Hồ đến dự, chủ trì. Mỗi lần được gặp, nghe Bác nói chuyện, ông đều trào dâng trong mình những cảm xúc riêng. Là người lính cầm bút, ông Tiếp cũng luôn khắc ghi lời dạy ấy và coi đó là chân lý sống của mình.

Chiến Văn
.
.
.