Nhà công mà biết nói năng

Thứ Bảy, 15/08/2020, 20:06
Cuối cùng, sau vài ngày trở thành tâm điểm của dư luận với không ít phê phán vì dù đã nghỉ hưu nhưng vẫn làm đơn gửi Thủ tướng xin giữ lại nhà công vụ, ngày 7-8, gia đình cựu Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Đặng Huỳnh Mai đã liên hệ với bộ phận chuyên trách của Bộ Xây dựng đề nghị cử người đến kiểm kê để thực hiện bàn giao lại căn hộ 608, tòa A2, khu nhà công vụ Hoàng Cầu (Đống Đa, Hà Nội).


Căn hộ công vụ 608 tòa chung cư A2, khu nhà công vụ Hoàng Cầu, rộng 93m2, được giao cho gia đình bà Đặng Huỳnh Mai ở từ tháng 9-2001, khi bà đảm nhiệm chức Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Ngày 1-10-2007, bà Mai nghỉ hưu, nhưng suốt gần 13 năm qua, bà vẫn giữ căn hộ này. Trình bày nguyện vọng về căn hộ ở chung cư Hoàng Cầu gửi tới Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Xây dựng, bà Đặng Huỳnh Mai giới thiệu là Nhà giáo nhân dân, học hàm Tiến sĩ, nguyên Thứ trưởng, kiêm Bí thư Đảng bộ Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Hiện bà là ủy viên Đoàn chủ tịch Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Liên hiệp hội về người khuyết tật, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Cựu giáo chức Việt Nam. Trong đơn gửi Thủ tướng, bà Mai chia sẻ, cuộc đời hoạt động chưa hề nhận được một chính sách nào của Đảng về nhà ở, đất đai hay phương tiện đi lại chỉ có một căn hộ đang thuê để tiếp tục làm việc và ở cùng con trai là giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội.

Sau khi trở thành tâm điểm dư luận, bà Đặng Huỳnh Mai cho biết bà viết đơn bày tỏ nguyện vọng xin thuê thêm chứ không phải xin mua nhà hay chiếm dụng.

Theo Luật Nhà ở, người được thuê nhà ở công vụ gồm lãnh đạo trong thời gian đảm nhận chức vụ; cán bộ được điều động, luân chuyển đến công tác tại cơ quan Trung ương, giữ chức vụ từ cấp thứ trưởng và tương đương trở lên; được điều động, luân chuyển đến công tác tại địa phương giữ chức vụ từ chủ tịch UBND cấp huyện, giám đốc sở và tương đương trở lên; cán bộ được điều động, luân chuyển đến công tác tại xã vùng sâu, vùng xa...

Những trường hợp trên phải trả lại nhà công vụ khi không còn thuộc diện được thuê nhà, hoặc không còn nhu cầu thuê nhà, thuộc diện bị thu hồi; thời hạn không quá 90 ngày.

Cần phải nhắc lại rằng bà Mai đã nghỉ hưu từ tháng 10- 2007, nghĩa là đã 13 năm trôi qua.

Nhưng, bà Mai không phải trường hợp duy nhất cán bộ sau khi về hưu không chịu trả nhà công vụ. Tháng 4-2020, Bộ Xây dựng cũng từng phải có văn bản yêu cầu 12 cựu quan chức trả lại nhà công vụ tại khu đô thị Yên Hòa (Hà Nội).

Sau khi báo chí đăng tải và điểm danh cụ thể tên tuổi, chức vụ từng giữ, những vị cựu quan chức này mới chịu trả lại nhà. Còn trước đó, cũng từng có vị nguyên là Chủ tịch UBND TP Hà Nội, nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp cũng không chịu trả nhà công vụ, chỉ tới khi báo chí lên tiếng tới mức "rát mặt" thì mới chấp nhận trả lại nhà cho nhà nước.

Từ câu chuyện này, một vấn đề nghiêm túc cần được đặt ra là việc thực thi pháp luật. Pháp luật đã quy định cụ thể, công khai rồi, việc tuân thủ pháp luật là một trách nhiệm đương nhiên của mỗi công dân. Là những người từng giữ vị trí cao trong các cơ quan, những cựu quan chức này đương nhiên đều biết rất rõ quy định pháp luật. Cần thể hiện ý thức và trách nhiệm nêu gương của người lãnh đạo.

Trao đổi với báo chí, ông Bùi Đức Thụ, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, nguyên Uỷ viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội, cho rằng cần tránh là việc biến nhà công thành nhà tư. Mọi hành vi không tuân thủ đều là hành vi bất tuân. Đây là những việc cần phải làm, cơ chế chính sách đã có rồi cứ thế thực hiện, tránh tình trạng đối với dân thì nghiêm, thậm chí cưỡng chế rất nặng nề, còn đối với lãnh đạo cao cấp lại nhẹ nhàng, không kiên quyết, tạo ra sự bất bình đẳng, gây dư luận không tốt trong xã hội.

Tân Lương
.
.
.