Tình trạng bán tháo ở các thị trường mới nổi đã tăng tốc do lo ngại về Thổ Nhĩ Kỳ và lo ngại về chiến tranh thương mại toàn cầu, đồng đô la mạnh và chi phí vay và năng lượng tăng cao. IIF có trụ sở tại Washington cho biết, số tiền đầu tư bị rút vốn chủ yếu tập trung ở Nam Phi và Trung Quốc, tương ứng là 600 triệu và 500 triệu USD.
Tuy nhiên, Ấn Độ cũng đã chuyển sang tiêu cực khi dòng nợ quay đầu đảo chiều, và Malaysia, Indonesia, Hàn Quốc, Philippines và Việt Nam đều đã chứng kiến việc tháo vốn, mặc dù ở mức vừa phải.
"Sự hỗn loạn, trong bối cảnh căng thẳng tăng cao giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ, đã khiến nhà đầu tư phải cân nhắc rõ ràng về sự hấp dẫn đối với tài sản thị trường mới nổi", IIF cho biết trong một báo cáo mới.
Một số chuyên gia không cho rằng cuộc khủng hoảng của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có ảnh hưởng sâu rộng đến thị trường toàn cầu. Trong những năm gần đây, các thị trường mới nổi vay nợ ngày càng nhiều, và Thổ Nhĩ Kỳ cũng không nằm ngoài xu hướng này. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ ngoại tệ của Thổ Nhĩ Kỳ cao hơn nhiều so với các quốc gia mới nổi khác. Điều này khiến gánh nặng nợ nần của Thổ Nhĩ Kỳ gia tăng khi đồng nội tệ rớt giá.
Theo Wall Street Journal, tỷ lệ nợ ngoại tệ so với tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Thổ Nhĩ Kỳ lên tới khoảng 70%. Trong khi đó, con số này của Trung Quốc chỉ khoảng 15%, của Nga chưa đầy 25%. Thâm hụt tài khoản vãng lai của Thổ Nhĩ Kỳ cũng lớn hơn nhiều so với các quốc gia mới nổi khác như Nam Phi hay Argentina. Vào thời điểm cuối tháng 3-2018, thâm hụt cán cân vãng lai của Thổ Nhĩ Kỳ là hơn 7,1% GDP, so với mức 6,1% của Nam Phi.
"Sự sụt giá của đồng Lira từ tháng 5 đến nay có vẻ như chắc chắn sẽ đẩy nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ vào suy thoái, và nhiều khả năng dẫn tới một cuộc khủng hoảng ngân hàng", Chuyên gia kinh tế trưởng toàn cầu Andrew Kenningham thuộc Capital Economics nhận định. "Đây sẽ là một cú sốc nữa đối với các thị trường mới nổi nói chung”.
Một số chuyên gia khác cũng cho rằng cuộc khủng hoảng ở Thổ Nhĩ Kỳ sẽ gây tác động ở một mức độ nhất định đến các thị trường mới nổi khác trong ngắn hạn.
"Dù tình hình ở Thổ Nhĩ Kỳ không phản ánh bất kỳ một rủi ro mang tính lây lan nào giữa các thị trường mới nổi, có thể vẫn sẽ có một số ảnh hưởng về tâm lý đối với đồng tiền của các thị trường mới nổi và các tài sản rủi ro trong ngắn hạn", chiến lược gia Chang Wei Liang của Mizuho Bank viết trong một báo cáo.
Thổ Nhĩ Kỳ là một quốc gia tương đối lớn, với 80 triệu dân và một nền kinh tế lớn gấp 4 lần nước láng giềng Hy Lạp. Thổ Nhĩ Kỳ có vị trí địa chiến lược quan trọng, nằm giữa châu Á và châu Âu. Là một thành viên NATO, Thổ Nhĩ Kỳ được coi là “tấm lá chắn” của phương Tây để đối phó với việc mở rộng của Nga. Đây cũng là nơi cư trú của 3 triệu người tị nạn Syria đang muốn nhập cư vào EU.
Còn nhớ, cuộc khủng hoảng tài chính một thập kỷ trước đã xảy ra ở trung tâm của nền kinh tế toàn cầu - các ngân hàng chiến lược quan trọng ở Mỹ và châu Âu. Song, đáng lưu ý là cuộc khủng hoảng đó được “dẫn đường” bởi hàng loạt sự cố nhỏ ở nhiều nơi trên thế giới, giống như những gì đang diễn ra ở Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay.
Nam Tiên