“Khắc tinh của loài tý”
Những năm cuối thập niên chín mươi của thế kỷ hai mươi, lũ chuột hoành hành khắp nơi, từ nhà ra ruộng ở đâu cũng thấy chuột, trong nhà có chuột nhắt, ra đường gặp chuột cống còn ngoài đồng tập hợp đủ các loại chuột. Trước cơn bí bách khi vụ mùa đang đến gần nhưng lũ chuột vẫn từng ngày phá hoại công sức của người nông dân, ông Thiều quyết tâm tìm tòi để sáng chế nên chiếc bẫy diệt chuột bán nguyệt, làm bằng thép. Ngay sau mùa vụ năm 2000, ông Thiều từ một người từng bị “chuột ám” đã trở thành “người hùng diệt chuột”, giúp bà con vơi đi nỗi lo về chuột phá hoại mùa màng.
Khi hỏi về lý do, động lực nào khiến ông sáng tạo nên kiệt tác mà các nhà khoa học vẫn ngày đêm trằn trọc, ông đáp lời rằng: “Cũng như thời kỳ chiến tranh, tôi xem đồng ruộng là chiến trường, cây lúa là quân lương mà người dân cần giữ bằng mọi giá, lũ chuột là giặc phá hoại mùa màng, bà con nông dân là đồng minh. Đó chính là động lực để tôi ngày đêm miệt mài sáng tạo nên chiếc bẫy chuột như ngày hôm nay” – ông tâm sự.
Sự thật đúng là vậy, nếu xem đồng lúa là chiến trường, lũ chuột là giặc xâm hoại quân lương, phá hoại mùa màng thì có thể xem ông Thiều là một chiến binh dũng cảm trong cuộc chiến chống lại sự hoại của giặc “tý”.
 |
Ông Trần Quang Thiều.
|
Trước khi đạt đến thành công như hôm nay, bước đầu ông cũng nếm trải không ít thất bại cay đắng do lũ chuột “gieo” nên. Những năm 1998, ông mua đủ thứ thuốc diệt chuột, áp dụng đủ cách khác nhau với những chiếc bẫy liên tục được cải tiến. Thế nhưng, điều đó không giúp ông hạ gục được lũ “giặc” chuyên ăn cắp quân lương của nhà nông.
Sau vụ mùa năm đó, ông quyết tâm lập ra kế hoạch hai năm để tìm hiểu rõ về tập tính, quy mô đến thức ăn, thói quen của từng loài chuột. Sau đó, ông dựa vào những thông tin trên để chế tạo nên chiếc bẫy bán nguyệt cùng phương pháp diệt chuột không dùng mồi nhử độc nhất vô nhị. Lòng quyết tâm làm điều gì đó giúp người nông dân bớt khổ đã thôi thúc ông nhanh chóng thu nạp những thông tin, đặc tính về các loài chuột khác nhau.
Để biết về tập tính của chuột, ông quyết tâm rước “anh tý” về nhà nuôi. Thời gian ấy có nhiều người bảo “gàn, dở” nhưng ông bỏ ngoài tai những lời đàm tiếu để tập trung vào việc phục thù loài tý. Đưa chuột về nhà được một thời gian, ông tiến hành cắt râu, bẻ răng rồi ăn ngủ với lũ chuột.
Sau những đêm trắng ngồi “rình mò” đường đi lối lại của chúng, ông nhận ra rằng chuột có đặc tính là đi và về chung một đường. Loài vật thường hoạt động mạnh từ mười tám giờ đến khoảng hai mươi mốt giờ và hành trình tiếp theo là từ ba giờ đến năm giờ sáng hằng ngày. Lý giải cho điều này, ông Thiều cho rằng đây là hai thời điểm mát nhất trong ngày, vắng người và dễ tìm kiếm thức ăn mà ít chịu sự truy lùng từ kẻ thù.
Sau thời gian dài gắn mình với những chiếc bẫy cùng những trang sách dài nói về tập tính của chúng, ông quyết tâm cho ra đời chiếc bẫy chuột của riêng mình. Tuy nhiên, trong lần đầu thử nghiệm, ông nhận được không ít lời phản đối từ người dân bởi chiếc bẫy chuột do ông sáng chế lần này không dùng mồi nhử. Điều đó khiến đa phần người dân không đồng tình với thử nghiệm của ông. Thế nhưng, thay vì không sử dụng mồi nhử như những chiếc bẫy khác, ông tạo thêm quả đối trọng, khấc định vị và chốt an toàn. Hệ thống này được cho là giúp thu hút những con chuột đến gần chiếc bẫy hơn.
Ngày đầu tiên, ông quyết tâm đem chiếc bẫy ra đồng vào trước hai thời điểm chuột hoạt động mạnh và đặt vào những nơi có dấu chân của chuột đi lại hằng đêm. Sau mùa thử nghiệm ban đầu, chiếc bẫy chuột do ông phát minh kết hợp phương pháp diệt chuột căn cứ vào quán tính, thói quen của chúng đạt trên 90% thành công. Số bẫy đặt ra gần một trăm chiếc và kết quả cho thấy đến chín mươi hai chiếc đặt bẫy thành công.
Bước đầu thành công với mô hình này, ông tích cực nhân rộng để giúp bà con diệt chuột, tăng năng suất mùa màng. Ông liên tục cải tiến những chiếc bẫy, tìm hiểu rộng hơn về loài động vật này để buộc chúng “quy phục”, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về mùa màng. Có được “vũ khí” tích cực như hiện tại, ông đã mất nhiều năm không quản công ngày đêm nghiên cứu, tìm tòi để sáng chế nên chiếc bẫy chuột ưu việt nhất. Giờ đây, ông được mọi người tôn vinh với biệt danh là “khắc tinh của loại chuột” hay “vua diệt chuột”. Ông nghiên cứu kỹ đến mức nắm trong lòng bàn tay từng cách đi kiếm ăn của chuột ngoài đồng, lối đi, cách leo tường của chuột nhà.
Người anh hùng đem lại “bình yên” cho nhà nông
Năm 2006, khi đã vững tay nghề, nhận thấy nhu cầu thị trường tăng lên, ông quyết định mở công ty bán bẫy chuột, mỗi chiếc nhỏ có giá chín ngàn đồng, chiếc to hơn giá hai mươi ngàn đồng. Chiếc bẫy chuột với giá mớ rau, lạng thịt được ông bảo hành lên tới hai năm. Với chiếc bẫy chuột này, ông đã “khai sinh ra một nghề mới” - nghề diệt chuột. Vừa thành lập, công ty đã nhận ký nhiều hợp đồng diệt chuột với các doanh nghiệp trong nam ngoài bắc, diệt lũ “giặc” phá hoại quân lương ở mọi kho bãi, bến cảng, đồng ruộng.
Ông đích thân đến tận nơi hơn bốn mươi tỉnh, thành để giúp bà con diệt chuột vừa chuyển giao bẫy chuột, vừa hướng dẫn người dân tự tay diệt “giặc quân lương”. Không chỉ dừng lại ở việc diệt chuột giúp bà con nông dân trong vườn, ông đem công trình sáng tạo của mình đến tận trời Âu như ký hợp đồng diệt chuột với các công ty Anh Quốc, Hoa Kỳ. Đích thân Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Campuchia mời ông sang diệt chuột giúp bà con và được tuyên dường nhờ phương pháp diệt chuột khá hiệu quả.
Sau mười lăm năm hành nghề với sáng tạo của mình, người anh hùng chân đất đã đem lại bình yên cho nhiều vùng quê, đồng ruộng, giúp bà con nông dân phần nào an tâm canh tác. Tổng số chuột mà ông diệt trong nước là gần năm mươi triệu con và xuất khẩu ra thị trường nước ngoài hơn ba mươi triệu bẫy diệt chuột.
Mở công ty được một thời gian, ông nhanh chóng trau dồi thêm kỹ năng làm việc, đọc nhiều sách để thu nạp thêm kiến thức. Một năm sau đó ông về tận các vùng miền để tìm hiểu về cơ hội làm ăn, kết quả là công ty nhận ký hợp đồng với gần mười địa phương. Ban đầu ông vừa làm vừa giúp bà con triển khai kỹ thuật đánh chuột, sau đó dạy họ chi tiết hơn.
Để tiện cho công tác diệt chuột, ông tạo thêm công ăn việc làm cho hàng chục thanh niên tại địa phương với mức lương khởi điểm hơn một triệu đồng mỗi tháng. Sau đó ít lâu, ông lại tạo thêm hàng chục công ăn việc làm cho người dân với mức lương ban đầu bốn mươi ngàn đồng mỗi ngày. Hiện tại, ông tạo thêm công ăn việc làm cho bốn mươi tám lao động địa phương với mức lương khởi điểm từ bốn đến tám triệu đồng mỗi tháng.
Vừa qua, ông nhận thêm hợp đồng với những vị khách đến từ Trung Quốc, Thái Lan. Làm không như cam kết ông nhận bồi thường thiệt hại, còn diệt hết chuột thì vừa tạo niềm vui, công ăn việc làm cho mình và cả người dân địa phương. Vậy nên, mỗi khi diệt chuột xong ông rất phấn khởi, như có thêm sức mạnh để tiếp tục công việc. Mỗi khi có chuột trở lại, người dân lại mời ông về để tham gia giúp bà con diệt “giặc” phá hoại quân lương.
Tuy nhiên, với những nơi chưa đến được, ông gửi bẫy về tận nơi tặng cho người dân rồi sắp xếp về sau. Vừa qua, ông mới gửi tặng cho bà con phía nam hơn năm mươi chiếc bẫy loại trung bình. Vừa cầm chiếc bẫy chuột trên tay, ông phấn khởi nói: “Ngày mai, tớ cùng anh em lại đến miền Trung để diệt chuột giúp bà con, tiện thể nhận hợp đồng đánh chuột cho hai công ty nữa”.
Để trở thành “khắc tinh” của loài tý, ông đã chú ý đến từng chi tiết nhỏ từ tập tính đi lại, thói quen ăn uống, ngủ nghỉ, sở trường, sở đoản, thậm chí là cả tốc độ và cách di chuyển của chúng. Vậy nên ông mới nói rằng: “Chuột là loài có thị giác và thính giác cực nhạy, tốc độ di chuyển của chúng cũng rất nhanh, nhẹ, cho nên với chiếc bẫy thường thì chuột có thể đi qua bẫy mà không bị sập. Muốn bẫy được chuột phải nhanh hơn chúng một bước”. Nhằm đảm bảo sáng chế của mình có tốc độ sập nhanh hơn vận tốc di chuyển của chuột ông đã đem nó đi kiểm nghiệm ở nhiều nơi, sau đó mới về đặt bẫy thử nghiệm và “nhân bản” chúng.
Tiếng lành đồn xa, khắp mọi miền Tổ quốc ở đâu có bóng chuột là thấy ông xuất hiện, các doanh nghiệp, công ty, đơn vị nhà nước ở khắp nơi đều mời ông về tham mưu kế diệt chuột. Lần về Gia Phong (Bắc Ninh) là thời gian ông nhớ nhất, lũ chuột ở huyện này nhiều như quân Nguyên. Chập tối là chúng hoạt mạnh đến mức người ngồi trong nhà cũng nghe tiếng chuột chạy dưới gầm giường, sau nhà, quanh giếng rồi trước ngõ. Chuột ngoài đồng nhiều đến mức đi chỉ vài bước chân lại đụng một con to bự.
Ấy thế nhưng ông chỉ dùng “binh pháp” sau ba ngày đã bẫy được trên năm trăm con chuột loại to, chuột nhắt phải trên trăm con. Giúp bà con diệt chuột xong, ông được chính quyền giữ lại để truyền bí kíp diệt chuột cho người dân hơn một tuần sau mới về. Thấy chồng lâu ngày chưa về, người vợ lo lắng, hoài nghi chuyện ông có thêm bà hai nên í ới gọi về bằng được. Thế rồi ông đáp lời an ủi vợ: “Tôi có thêm bà nữa thì cũng chỉ là mấy bà chuột thôi. Còn vợ thì tôi chỉ có mình. Bà cố đợi tôi diệt xong chuột ở cái huyện này rồi tôi về”.
Sau mỗi lần đi diệt chuột ở từng địa phương, ông ghi chép lại kinh nghiệm cùng đặc tính, phương pháp áp dụng với từng địa hình. Hiện tại, ông đang sở hữu cuốn sách dày hơn một nghìn trang ghi chép những đặc tính, phương pháp diệt chuột của bốn mươi ba loài chuột khác nhau. Bằng sáng chế của mình, người nông dân chân đất Trần Quang Thiều giúp người nông dân vơi đi phần nào nỗi lo về lũ “giặc” xâm hại quân lương, “đem lại bình yên” cho nhà nông.
Dù đã bước sang tuổi sáu mươi nhưng ông vẫn ngày đêm cặm cụi để liên tục cải tiến chiếc bẫy chuột bán nguyệt với mong muốn giúp bà con diệt nhiều chuột hơn nữa. Như một thói quen, mỗi buổi sớm ông vẫn cầm cuốn sách để đọc lại và tìm hiểu cụ thể hơn về những đặc tính loài chuột.
Ngồi trên chiếc ghế sô - pha, ông chia sẻ: Chỉ khi nào nhắm mắt xuôi tay ông mới từ bỏ công việc đi diệt chuột giúp bà con. Bằng không, ông vẫn hy vọng đến nhiều vùng đất mới để góp sức giúp bà con tiêu diệt lũ “giặc” của nhà nông này. Nhờ gắn mình với nghề diệt chuột mà giờ đây ông thân thiết với bà con nông dân hơn, đi đến đâu ông cũng có người quen, bạn bè.
Văn Hải