Nhà tạm lánh cho người đồng tính bị bạo hành

Thứ Sáu, 06/02/2015, 07:00
Họ là những người đồng tính bị chính gia đình mình kỳ thị, bạo hành, rồi chẳng biết đi đâu về đâu… Rất may một nhà tạm lánh được nhóm Open Group lập ra nhằm hỗ trợ những người đồng tính lâm vào hoàn cảnh này có một nơi an toàn nương náu trong thời gian ngắn để ổn định tâm lý. Đồng thời, nhóm này còn kết hợp với các chuyên gia trong lĩnh vực để tư vấn cho các gia đình hiểu được bản chất của vấn đề. Nếu người đồng tính vẫn không được gia đình chấp nhận, nhóm sẽ hỗ trợ tìm việc làm…

Nhà tạm lánh ra đời từ một câu chuyện đặc biệt

Phan Thanh Nhàn năm nay 27 tuổi (thường trú huyện Củ Chi, TP.HCM) là một người hoạt bát, nhanh nhẹn, anh chính là nhóm trưởng kiêm quản lý dự án Nhà tạm lánh Open. Sau khi tốt nghiệp đại học, từ năm 2010, Nhàn tham gia công tác xã hội cùng nhiều dự án phi lợi nhuận… Xuất phát từ câu chuyện đau lòng của một người bạn sinh hoạt cùng nhóm công tác xã hội với Nhàn mà anh đã ấp ủ ý tưởng rồi thành lập nên nhà tạm lánh này.

Trong năm 2010-2011, tôi được nghe chính một người bạn thân khoảng 20 tuổi nhà ở quận 12 sinh hoạt cùng với bạn bè trong nhóm kể lại câu chuyện đầy nước mắt của cậu ta trước khi bạn ấy quyết định tự vẫn vì cùng quẫn.

Bạn ấy là con một trong nhà, khi tham gia nhóm, bạn này luôn xông xáo trong các hoạt động phong trào… Nhưng sau đó bất ngờ gia đình phát hiện bạn ấy là một người đồng tính, nên mọi người đã rất sốc và bắt buộc bạn phải đi chữa bệnh rồi gặp thầy bùa này kia, thậm chí bạn ấy còn bị đưa tới bệnh viện tâm thần để khám chữa, nhưng kết quả ai cũng biết là sẽ chẳng giải quyết được gì.

Điều bất ngờ giải pháp cuối cùng gia đình đó chọn lựa là bạn ấy phải cưới vợ (người này do gia đình đã chọn sẵn, và cô gái cũng không biết thực tế về bạn ấy). Bạn ấy có tâm sự với tôi là bạn ấy rất buồn và không muốn làm người phụ nữ kia phải khổ vì chắc chắn bạn ấy không thể mang tới hạnh phúc cho cô ấy. Hơn hết là bạn ấy không muốn sống không đúng bản chất thật của mình.

Anh Nhàn - nhóm trưởng kiêm quản lý dự án Nhà tạm lánh Open.

Do bạn ấy phản đối nên nhiều ngày sau đó, ngày nào cũng vậy, hết bố rồi mẹ, sau đó là cô dì, chú bác ra sức khuyên giải, nói nặng nhẹ, xa gần, chửi mắng khiến cho bạn ấy gần như bị trầm cảm và không thể chịu đựng được. Hậu quả đau lòng xảy ra, trước ngày cưới một tuần lễ thì bạn ấy thắt cổ tự vẫn…

Từ câu chuyện này, tôi đã suy nghĩ rất nhiều và đặt ra câu hỏi rằng nếu đó là hoàn cảnh của mình, tôi sẽ phải làm gì. Chính những trăn trở muốn giúp đỡ những người đồng cảnh đã thôi thúc tôi lập ra nhà tạm lánh này”, Nhàn chia sẻ đầy tâm huyết.

Theo anh Nhàn thì để nhà tạm lánh hoạt động công khai và danh chính ngôn thuận, Nhàn đã xin thành lập Chi hội Phòng chống HIV-AIDS Open trực thuộc Hội Phòng chống HIV-AIDS TP.HCM. Về kinh phí hoạt động, chủ yếu là do Nhàn tự bỏ ra (hiện nay Nhàn làm việc theo ca tại Công ty P&G ở Bình Dương) và có sự đóng góp của một số “Mạnh Thường Quân”, các nhà hảo tâm… 

Tuy nhiên, Nhàn cũng nhấn mạnh rằng, nhóm OPEN sẽ hoạt động phi lợi nhuận với mục đích nâng cao chất lượng cuộc sống cho những người dễ bị tổn thương tại Việt Nam. Các hoạt động chính của OPEN bao gồm: Vận động chính sách, hỗ trợ nhà tạm lánh cho nạn nhân đồng tính bị bạo hành, tư vấn sức khỏe - giới tính - tình dục.

Riêng về nhà tạm lánh, đây là nơi hỗ trợ những người bị bạo hành có một nơi an toàn trong một thời gian ngắn để ổn định tâm lý và giải quyết các vấn đề của mình gặp phải. Đối tượng mà nhà tạm lánh giúp đỡ bao gồm: Người đồng tính bị bạo hành, phụ nữ bị bạo hành, trẻ em bị lạm dụng và những trường hợp khác... Nhà tạm lánh sẽ có những hỗ trợ tức thời như: ăn, uống, chỗ ở, nhu yếu phẩm, đăng ký tạm trú tạm vắng… Đồng thời là những hỗ trợ lâu dài như: Tư vấn giúp ổn định tâm lý, tạo việc làm thêm trong thời gian tạm lánh, giúp hồi gia, giới thiệu việc làm lâu dài.

Nhàn cho biết: “Dù đã manh nha và có hoạt động từ mấy năm trước, nhưng phải từ đầu năm 2014 tới nay nhóm mới đặt rõ tên gọi là Open và tích cực hoạt động đẩy mạnh các hoạt động của nhóm...

Đúng như tên gọi nhà tạm lánh, thời gian ở đây chỉ là tạm lánh - trước hết là có một nơi để các bạn ấy thấy yên tâm và an toàn trong một thời gian nhất định, đồng thời tiếp đó là nhóm cùng với một số chuyên gia đến nhà các nạn nhân để tuyên truyền, trò chuyện, mục đích là nhằm giúp họ hiểu ra vấn đề, cảm thông và chấp nhận con người thật của con em mình…Trong trường hợp gia đình vẫn không hiểu ra, thì giải pháp tiếp theo là chúng tôi sẽ giới thiệu việc làm có nơi ăn ở cho người đó để họ tự chủ động cuộc sống của mình.

Open Group - Đón nhận khác biệt - chia sẻ yêu thương.

Tuy nhiên, do biết rằng sẽ không thể giúp hết được, nên chúng tôi sẽ ưu tiên giúp đỡ các trường hợp khẩn cấp như bị người thân đánh đập, đuổi ra khỏi nhà không có chỗ nương tựa, không có tiền bạc không biết đi đâu về đâu…”.

Tuy nhiên, theo Nhàn không ít trường hợp lúc đầu do chưa có kinh nghiệm tư vấn hay nói chuyện với người thân của các bạn bị bạo hành hay xua đuổi, Nhàn đã bị những gia đình đó xách cây rượt đuổi vì cho rằng Nhàn “mới tý tuổi đầu mà đến nói linh tinh”. Vì thế, những lần sau đó Nhàn thường đi cùng một hai người lớn tuổi có kiến thức, hiểu chuyện và có kinh nghiệm về tư vấn những việc này để cùng tuyên truyền, tư vấn sẽ thuyết phục dễ hơn.

Ghé thăm Nhà tạm lánh vào một buổi trưa, hôm ấy tôi cảm nhận được một không khí vui vẻ, thân thiện giữa các thành viên trong khu nhà. Ngồi nghe câu chuyện tâm sự đẫm buồn của một số thành viên có mặt ở đây mới cảm nhận được phần nào nỗi niềm của những người đồng tính không may rơi vào tình cảnh không mong muốn.

Những thân phận đồng tính không được gia đình chấp nhận và xua đuổi

Ba mẹ li hôn và đã có gia đình riêng nên Ngô Tuấn Anh (23 tuổi, quê Trảng Bàng, Tây Ninh) được ông bà nội nuôi dưỡng từ nhỏ. Trước khi lên TP.HCM học đại học, trong mắt ông bà nội Tuấn Anh là một chàng trai mới lớn đúng nghĩa (bố của Tuấn Anh là con trai duy nhất trong gia đình và Tuấn Anh cũng chính là đứa cháu trai duy nhất của ông bà nội).

Nhưng vào năm 2013, trong một lần dẫn bạn trai đã quen biết được 3 năm về nhà chơi, đêm ấy khi hai người đang có những cử chỉ thân mật thì bất ngờ bị ông nội nhìn thấy. Quá sửng sốt, bất ngờ, người ông đã đùng đùng nổi giận lao vào đánh cháu mình hai bạt tai rồi chửi bới nặng lời.

Sáng hôm sau người yêu của Tuấn Anh bị đuổi về TP.HCM trước còn Tuấn Anh ở lại để bị cả nhà “xử lý”. Buổi sáng đó ông nội của Tuấn Anh tiếp tục chửi bới và “kết tội” cháu mình chơi với đám “pêđê” nên mới bị nhiễm thói bệnh hoạn. Sau đó thì cô dì cũng qua nhà chửi mắng… Trước áp lực quá lớn và hết sức chịu đựng nên Tuấn Anh đã lấy hết can đảm nói thẳng thực tế với mọi người trong gia đình… Nhưng điều đáng buồn là khi nghe cháu mình nói thế, người ông đã tuyên bố đuổi cháu mình ra khỏi nhà.

“Em cảm thấy rất đau đớn, khổ sở vì ông bà nội là người em yêu quý nhất, nên việc xảy ra khiến em không biết phải nghĩ gì, làm gì, đã có lúc em muốn chết để quên hết. Rồi tiếp đó em biết người yêu em (cũng là con một) cũng bị gia đình chửi mắng và bắt buộc phải chấm dứt mối quan hệ tình cảm với em nên em đã nghĩ quẩn rồi đi mua thuốc ngủ (khoảng 50 viên) về uống để tự tử nhưng sau đó em đã được một người bạn đưa đi bệnh viện cấp cứu kịp thời”.

Qua một người bạn, Tuấn Anh được giới thiệu đến nhà tạm lánh. “Khi tới đây em đã được anh Nhàn cùng các thành viên khác tâm sự, tham vấn tâm lí để em hiểu được vấn đề và suy nghĩ tích cực hơn. Sau đó nhóm của anh Nhàn tiếp tục nhiều lần đến gặp ông bà nội và người thân của em trò chuyện, giảng giải giúp họ hiểu được vấn đề này. Bây giờ ông bà nội đã hiểu và chấp nhận một đứa cháu như em”.

Tuấn Anh giờ là thành viên thường xuyên của nhà tạm lánh để cùng các thành viên khác trợ giúp cho hoạt động của nơi đây và tiếp tục việc học tập đang dang dở của mình vào năm sau.

Khác với hoàn cảnh của Tuấn Anh, trường hợp của em Lưu Tiến Đạt (19 tuổi, ngụ quận 4) lại có nỗi khổ theo kiểu khác. Đạt là dân gốc Sài Gòn từ nhỏ sống cùng ba mẹ ở quận 1, nhưng khi học đến lớp 4 thì một biến cố gia đình xảy ra, ba mẹ của em phạm pháp đều bị tòa tuyên mức án tù giam từ 14-15 năm (hiện ba mẹ Đạt vẫn đang phải thụ án).

Tuấn Anh giờ là thành viên thường xuyên của nhà tạm lánh - Đạt bị gia đình người bác kỳ thị, đánh đập.

Lúc này Đạt được gửi qua nhà người bác ruột ở quận 4 nuôi dưỡng. Bắt đầu từ đây những chuyện đau buồn, bức xúc khi bị bác dâu và các anh chị của mình hắt hủi, kỳ thị, đánh đập khiến em sợ đến mức phải nhiều lần bỏ đi lang thang ở Công viên 23-9. Nhiều khi cả tháng trời bác trai mới đi tìm em về nhà, nhưng rồi mọi chuyện lại tiếp diễn.

“Qua một người bạn em mới biết đến nhà tạm lánh này. Đến đây em được sống như trong gia đình mình, các thành viên đều vui vẻ, cảm thông chia sẻ với nhau… Điều đáng mừng là ba mẹ em biết và hiểu cho giới tính thật của em nhưng có lẽ phải mấy năm nữa ba mẹ mới thụ án xong”, Đạt thật lòng chia sẻ câu chuyện đời của mình.

Ngoài những trường hợp như trên, Nhàn còn kể thêm về trường hợp đáng buồn của Q. (18 tuổi) quê ở Bình Thuận. Từ nhỏ Q. là một cậu con trai “chuẩn men” trong mắt của bố mẹ cũng như của cả gia đình. Nhưng khi sự thật bị phơi bày, bố của Q. đã rất sốc, tức giận và lôi Q. ra đánh đập, chửi bới…

Quá đau đớn và mặc cảm nên Q. đã bỏ nhà ra đi và từng nghĩ đến chuyện từ bỏ cuộc sống để quên hết mọi chuyện. Qua các nguồn thông tin, Q. đã tìm đến nhà tạm lánh để được trợ giúp. Hiện tại Q. đã được Nhàn hỗ trợ tìm được công việc để có thể kiếm thêm chi phí (và có chỗ ở tại nơi làm việc)…

Theo Nhàn thì cho đến nay, nhóm đã trợ giúp được 78 trường hợp. Để làm được điều này, hiện nay nhóm có hơn 60 tình nguyện viên ở khắp nơi (lực lượng này sẽ phát triển trong thời gian tới), trong khi đó tại trụ sở của nhóm (thuê, đặt tại số 12B đường số 1, khu dân cư Bắc Rạch Chiếc, phường Phước Long A, quận 9, TP.HCM. Số điện thoại văn phòng: 083 7312642) có 5 người giúp anh Nhàn duy trì hoạt động của nhà tạm lánh này.

Điều khó khăn với nhóm là chi phí để duy trì hoạt động và chuyện xác minh độ chính xác của câu chuyện mà các đối tượng tìm đến chia sẻ để có thể quyết định có trợ giúp hay không…

“Chúng tôi sẽ ưu tiên giúp đỡ các trường hợp khẩn cấp trước như bị đánh đập, bị đuổi ra khỏi nhà không có chỗ nương tựa, không có tiền bạc không biết đi đâu về đâu… Tạm thời chưa thể giúp đỡ hết mọi trường hợp được vì quy mô, nhân lực và kinh phí chưa cho phép”, anh Nhàn cho biết.

Ngồi nghe những trình bày của Nhàn, có thể nhận thấy được tâm huyết và sự hết lòng của người nhóm trưởng này với công việc của mình đang theo đuổi. Nhàn vui vẻ chia sẻ: “Lúc đầu khi biết chuyện tôi làm, gia đình hoàn toàn không ủng hộ, cứ bảo tôi là tối ngày không lo đi làm hay về nhà mà cứ tụ tập với cái đám này đám kia, không lo cho gia đình, tiền bạc đi làm cũng chẳng thấy đâu. Tuy nhiên, sau này khi thấy thực tế công việc của tôi, gia đình tôi đã thấu hiểu và ủng hộ công việc của tôi”.

Hiện tại, ngoài một số thanh niên đồng tính đang tạm lánh tại đây thì còn một trường hợp hai mẹ con chị Hòa quê ở Bắc Giang (lúc này chị Hòa đang mang thai con thứ hai) do bị chồng bạo hành quá mức nên đã bỏ quê phiêu bạt vào TP.HCM. Nhưng do không nơi nương tựa nên khi đến Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP.HCM nhờ trợ giúp, chị đã được giới thiệu đến chỗ nhà tạm lánh này để trú ngụ một thời gian trong khi chờ sinh con thứ hai… 

Chị Nguyễn Hải Yến, cán bộ quản lý dự án, Trung tâm ICS - tổ chức bảo vệ và thúc đẩy quyền của người đồng tính (LGBT) tại Việt Nam chia sẻ:

Theo quan điểm của chúng tôi, không kể người đồng tính, song tính và chuyển giới, mà nói chung, khi các quyền con người chưa được giải quyết thấu đáo thì sẽ gây ra những khó khăn cấp thiết trong cuộc sống hằng ngày, ví dụ như không được gia đình chấp nhận, kỳ thị. Từ đó, sự ra đời của các nhà tạm lánh thực sự cần thiết giúp ích cho các bạn đang ở trong hoàn cảnh đó và quan điểm của chúng tôi là làm sao để tất cả mọi người đều được gia đình chấp nhận, yêu thương, được xã hội hiểu và tôn trọng quyền được sống, được yêu của tất cả mọi người - đó là mục đích mà ICS hướng tới.

Trên quan điểm của tổ chức thì chúng tôi rất tôn trọng và ủng hộ sự dấn thân của các thành viên trong nhóm này vì các bạn ấy dám làm điều chưa từng có ở Việt Nam cũng như chưa bao giờ được các tổ chức ở cùng lĩnh vực có sự chú trọng đặc biệt. Nhưng do chỉ mới hoạt động gần đây và qua một số trường hợp nên bước đầu ICS cũng cung cấp thêm thông tin, hỗ trợ thêm các nguồn lực trong phạm vi chúng tôi được biết, hoặc chia sẻ thông tin về nhà tạm lánh này đến các tổ chức khác hoặc các bạn trong cộng đồng”.

Bà Trần Thị Xuân Hải, Tổng thư ký Hội Phòng chống HIV-AIDS TP.HCM cho biết:

“Tôi được biết chi hội này cũng chỉ mới gia nhập vào Hội của chúng tôi gần đây nên thực tế tôi cũng chưa hiểu rõ lắm về hoạt động cụ thể của chi hội này. Tuy vậy việc làm hỗ trợ đối với các đối tượng đồng tính bị gia đình kỳ thị, bạo hành, mở một nơi tạm lánh cho các em theo quan điểm riêng của tôi là tốt, tạo điều kiện để các em có một chỗ ở yên tâm trong một thời gian nhất định, được giới thiệu việc làm… Tuy nhiên, đây là việc làm tự phát của chi hội nên tôi cũng chưa nắm rõ hay hiểu sâu về quá trình hoạt động của nó như thế nào, do đó Hội cũng chưa can thiệp nhiều. Vì thế, rất cần có sự quan tâm, hỗ trợ của cộng đồng để giúp chi hội này phát triển tốt hơn”.

Phú Lữ
.
.
.