Nhà văn kinh doanh thời… bão giá

Thứ Sáu, 12/10/2012, 11:18
Nghệ sĩ, nhà văn làm kinh doanh không còn là một cụm từ mới trong đời sống hiện đại. Cơ chế mở, mỗi người đều có những cơ hội để kiếm tiền bằng chính khả năng của mình. Tuy nhiên, phải trong thời bão giá, những cơ hội và khả năng ấy mới bộc lộ, để thấy được các nghệ sĩ, các nhà văn, những người vốn dĩ được coi là có “tâm hồn treo ngược cành cây” đã tỉnh táo như thế nào để xoay chuyển tình thế trước những khó khăn, thách thức của thời cuộc.

Nhà thơ Đỗ Trung Quân: ‘‘Thời buổi này mà mở quán không phải là … quá liều!”

“Khởi nghiệp buôn bán ở tuổi gần 60 như tôi thì muộn hơn nhiều anh em nhà văn khác rất xa. Nguyễn Nhật Ánh mở “Đo Đo quán” đã 15 năm. Mường Mán với quán “Ruốc” cũng xấp xỉ 10 năm. Tôi mở “Ziều Đỏ” chỉ mới có… 4 tháng tính tuổi còn chưa đầy năm có gì để nói đâu. Nhưng những nhà văn đi trước tôi trong việc mở quán dặn dò vài điều: một là chớ ảo tưởng cái tên mình thì đương nhiên… đông khách. Khách đến để ăn chứ không phải để ngó cái bản mặt mình, món không ngon thì họ tìm chỗ khác thế thôi. Thứ hai chớ có ngày nào cũng mò ra đấy chỉ chuyện cụng ly không thì cũng đủ đóng ván hòm sớm. Tôi luôn ghi nhớ những dặn dò này. Còn cái tên quán tôi để những anh em cùng hợp tác với tôi họ chọn. “Ziều đỏ” là họ chọn còn tại sao thì tôi chịu.

Thời buổi này mà mở quán không phải là… quá liều. Đau đầu nhất vẫn là nhà bếp và phục vụ. Bếp không giỏi thì thua, bếp quậy ông chủ cũng thua. Tôi nhận ra sai lầm sau chỉ một tháng mở quán, tôi thuê sinh viên vì muốn giúp các em có thu nhập cho chuyện ăn ở học hành, thuê nhà trọ, đỡ gánh cho cha mẹ ở xa. Nhưng sự đời “thấy dzậy mà không phải dzậy”. Sinh viên chỉ lo chuyện học, tới học kỳ hay thi cử là… bỏ, đi không thèm thông báo, lại không có kỹ năng phục vụ. Quán xá chỗ nào cũng cần phải chuyên nghiệp chứ không chỉ là chuyện bưng bê. Tìm được người phục vụ có nghề đau đầu chứ không chơi.

Còn vui thì đấy! Có chỗ gặp bạn bè, anh em nhiều nơi trong lẫn ngoài nước. Thế thôi. Còn có người tìm đến với mình có nghĩa rằng mình sống có lẽ chưa tệ hại lắm. Thế là vui rồi. Bão giá, khủng hoảng kinh tế thì cả nước đang chịu đâu chỉ riêng mình nên tôi tự dặn cố gắng chèo lái và mong cho mau qua cơn “bão” này. Kinh doanh mà không nghĩ đến chuyện một ngày kia mình thành phú gia thì kể cũng bất bình thường. Nhưng tuổi tôi nghĩ khác, tôi lấy câu trong kinh Lạy Cha làm phương châm “Xin Cha cho chúng con lương thực hằng ngày dùng đủ…”. Cuộc sống ngắn ngủi cẩu cái vừa phải có lẽ nó thực tế hơn chứ tôi mà ngồi lên con “Mẹc” bây giờ thì chỉ… làm nhục cái xe chứ mình cũng chả sang lên được. Mở quán ra, tôi mới thấy được một điều, tôi chả sống bằng ký ức đâu, tôi thực tế hơn tôi tưởng. Vẽ vời, thơ thẩn chả ảnh hưởng gì tới việc kinh doanh tôi nghĩ thế và thấy thế. Tôi không ra quán ngồi làm thơ và khi làm thơ tôi chả nhớ cái quán. Tôi. Thế là ổn”.

Nhà văn Mường Mán: ‘‘Ẩm thực cũng như văn chương - là một cuộc chơi nhiều tâm huyết”

Nhà thơ Đỗ Trung Quân, Nhà văn Mường Mán, Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.

Nhà thơ Mường Mán là một trong những nghệ sĩ ở TP Hồ Chí Minh nghĩ đến việc kinh doanh nhà hàng từ khi những bè bạn của ông đang chỉ ôm giấc mộng văn chương với những lãng mạn bay bổng trên văn đàn. Và cũng chính vì thế, ngay từ thuở ban đầu, quán “Ruốc” đã trở thành nơi tụ tập của nhiều bạn bè văn chương với những món ăn “rất Huế”…

Nói về sự bén duyên với kinh doanh, nhà văn Mường Mán tâm sự: “Tôi quan niệm nhẹ nhàng, ẩm thực cũng như văn chương là những cuộc chơi ngoạn mục, đòi hỏi tâm huyết cao. Tên quán: Ruốc, cũng là tên một thứ gia vị không thể thiếu để chế biến hầu hết các món ăn Huế. Ruốc tươi còn là món quen thuộc trên mâm cơm hằng ngày của các gia đình quyền quý, dân dã Huế, và miền Trung Việt Nam. Với tiêu chí phục vụ các món ăn theo truyền thống văn hóa ẩm thực lâu đời của cố đô Huế, để có các món ngon thuần Huế chúng tôi thường xuyên nhập - qua đường hàng không - các loại hàng đặc sản, các nguyên vật liệu tươi sống mùa nào thức nấy từ Huế vào TP Hồ Chí Minh. Tôi sắp xếp một không gian xanh thoáng, thân thiện từ mỗi chỗ ngồi ấm cúng đến từng tán rợp hoa lá cỏ cây cho khách ghé lại sau những bước ngược xuôi ngoài dòng đời cảm giác như quay về nhà mình. Qua các món ăn (trên 150 món)  được chăm chút kĩ lưỡng, cung cách phục vụ lịch sự không diễn, chẳng màu mè, tình thân giữa quán và khách ngày càng được nhân lên gấp bội”.

Nhà văn Mường Mán, ở một góc độ nào đó, là một người kỹ tính. Dù thực tình mà nói, mỗi một nhà văn khi đi vào kinh doanh đều có chút a-ma-tơ (amateur) và vì thế trong quá trình kinh doanh họ gặp những chuyện “zích zắc”… không giống ai. Tôi từng được nghe kể lại câu chuyện ông làm thơ để tìm thuê mặt bằng bán hàng, rồi tặng sách kèm chữ ký cho khách hàng yêu thơ mỗi khi rời khỏi quán… Đây quả thật là những “chiêu” rất riêng chỉ các nhà văn, nhà thơ mới có.

Nhắc lại chuyện cũ, nhà văn Mường Mán chỉ cười, ông bảo rằng, có một dạo, giá thuê cửa hàng tăng nhanh, cửa hàng của ông có nguy cơ bị chủ nhà đòi lại mặt bằng, anh bèn kêu gọi anh em bạn bè mách cho địa điểm mới, ngồi mới nghĩ ra hai câu thơ tếu tếu “rao” trên mạng: “Bắc thang lên hỏi mặt trăng/ Hằng Nga ơi có mặt bằng cho thuê?”. Đó cũng là dịp ông cho ra mắt tập “Dịu khúc”, và như một món quà “của nhà trồng được”, ông tri ân với những khách hàng yêu quý mình, yêu quán của mình bằng cách tặng kèm cho mỗi thực khách rời khỏi quán là một tập thơ đầy đặn kèm chữ ký. Bây giờ thì quán của ông có một phần không thể thiếu đó là tranh. Ông tự vẽ rồi mở một gallery treo gần 40 tranh sơn dầu. Ông bảo, có đến với hội họa ông mới chợt ngộ ra rằng: màu sắc của hội họa cũng là một thứ gia vị tuyệt hảo làm tăng thêm cái ngon cho các món ăn.

Tôi hỏi nhà văn Mường Mán, thời kỳ bão giá, bao nhiêu cửa hàng ăn đóng cửa, vậy quán Ruốc có gặp phải những khó khăn mà thời cuộc mang lại? Nhà văn cười gương mặt lộ lên những nếp nhăn: “Mười năm giữa Sài Gòn phồn hoa đô hội, tôi cũng đã trải qua lắm khó khăn vất vả, vui nhiều mà buồn cũng lắm… May mắn là bên cạnh tôi, có một người vợ đảm đang, tháo vát, vì thế, trong thời bão giá, chúng tôi vẫn tự lo được cho mình. Tôi cho rằng, một thành công của quán “Ruốc” là khách hàng thẳng thắn góp ý đã đành nhưng khách không ngần ngại giúp quán vượt qua những đận khó như tìm giúp mặt bằng, giới thiệu người làm, mách các tuyệt chiêu chế biến... Chúng tôi coi đó là thành quả rất đáng trân quý của sự giao hảo tốt đẹp giữa quán và quý khách hàng thân thiết, luôn coi chúng tôi như… người nhà”… Nói ra thì nhiều lắm, có khi viết và một bộ phim truyền hình dài chừng 50 tập may ra mới tả hết những câu chuyện mà chúng tôi đã trải qua trong suốt chừng ấy năm trời”.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh: Tôi đạt ‘‘siêu lợi nhuận” nhưng không phải bằng… tiền mặt

Nguyễn Nhật Ánh là một cái tên quen thuộc với hầu hết các độc giả thiếu nhi. Hỏi về tác giả “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” thì nhiều độc giả biết, song ít người biết về một nhà văn rất có duyên và có… “lãi” khi mở quán ăn. Nói về “Đo Đo quán” thời bão giá, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cười: “Cũng cứ đều đều vậy thôi. Cũng có những bấp bênh, lúc được, lúc không, kinh doanh mà, có phải lúc nào cũng ổn cả đâu. Nhưng phải cầm cự. Bây giờ quán Đo Đo không phải chỉ đơn thuần là một quán ăn bán những món đặc sản xứ Quảng nữa, mà đó là một nơi tụ họp, giao lưu của bè bạn văn chương tôi vào mỗi sáng thứ tư hằng tuần”.

“Sự tích” ra đời của “Đo Đo quán” rất đơn giản, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh kể lại: “Hồi đó, bà xã tôi nghỉ hưu. Thấy chị ở nhà cũng buồn, cô em gái nhân có nhà bỏ trống không dùng đến, hai chị em bàn cách kinh doanh. Câu hỏi đau đầu là kinh doanh cái gì và kinh doanh như thế nào? Cả một đời làm công chức, có biết tính với toán. Bà xã về bàn với tôi. Tôi buột miệng bảo: “Em làm nhà hàng đi, nhà hàng bình dân thôi, nấu những món ăn xứ Quảng “hơn cả Quảng” mà hằng ngày em vẫn nấu cho anh ăn!”. Vợ tôi vốn là một người chiều chồng. Biết chồng thường ngày thích ăn những món xứ Quảng như để sống lại những ký ức về quê hương, nên có món quê nào là cô ấy sưu tầm, học hỏi những người ở quê ra, hoặc mỗi lần về quê, rồi nấu cho chồng con thưởng thức, dù cô ấy là con gái Sài Gòn “xịn”. Tiêu chí của cửa hàng chúng tôi là bình dân, ngon, nóng sốt, “chặt to kho mặn”, khách đến gọi món mới bắt đầu xào nấu. Vì thế, khách hàng coi đến quán như là về ăn một bữa cơm nhà.

Tôi phải cảm ơn cái quán nhỏ của mình, chính nhờ cái quán này, một cuốn sách “Quán Gò đi lên” 23 chương của tôi đã được hoàn thành và nhận được những lời khen của độc giả. Chả là hồi đó, tôi thường xuyên tới quán ngồi chơi động viên bà xã và quả thật đó là một thế giới thu nhỏ với đủ các câu chuyện “cười ra nước mắt”.

Có một bà được đặt tên là “Fan-ta” vì bà đến chỉ gọi đồ uống là một lon nước Fan-ta. Ban đầu nhân viên ở quán không biết tiếng Tây còn mang “bánh đa” ra cho bà. Bà lắc đầu và cuối cùng phải ra tận nơi chỉ vào lon Fan-ta. Bà Fan-ta giới thiệu tới quán một ông được đặt biệt hiệu là “thịt luộc muối tiêu” vì ông khách này đến quán chỉ gọi đúng một đĩa thịt luộc chấm với muối tiêu (thường thì người ta ăn thịt luộc chấm nước mắm hay chấm tôm chua) và cũng chính bà giới thiệu cả ông “Tiger”.

Mà ông Tiger này lạ lắm, đến nơi gọi 2 chai bia tiger, ông uống hết 2 chai này thì mang 2 chai khác, cứ đủ 6 chai thì thôi. Ông chỉ gọi bia còn đồ nhắm thì ông mang theo để nhắm. Có điều đặc biệt hơn cả là ông Tiger này thường xuyên đến nhậu (không trễ một phút nào) vào lúc 8h tối, và tới 9h30 tối thì ông ra về. Ông ấy “nặng vía” đến nỗi, trong quãng thời gian đó, ngoài ông ấy ra, trong quán không có một khách nào vãng lai.

Ngoài ra, “Đo Đo quán” còn chứng kiến một câu chuyện cực kỳ thú vị về một đôi bạn trẻ: Họ quen nhau hẹn hò đi ăn tại quán, trong thời gian yêu nhau, rồi cưới nhau họ vẫn thường xuyên đến quán, rồi cho đến khi họ li dị nhau, mỗi người tiếp tục yêu một người khác vẫn dắt nhau đến quán. Mỗi lần đến thì họ hỏi nhân viên: Anh kia/ cô kia ngồi ở tầng mấy để… tránh mặt nhau!… Đấy, những câu chuyện như thế, nếu không phải trực tiếp nhìn thấy, nghe thấy, thì tôi không thể đưa vào sách của mình để tạo nên những tình huống thú vị đến không thể thú vị hơn được”.

Tôi hỏi nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, một nhà văn tỉnh táo với những cuốn sách best-seller như ông thì ắt hẳn sẽ biết cách vượt qua cơn bão giá để vừa viết sách hay và vẫn tư vấn cho vợ những “chiêu trò” để vượt qua khủng hoảng kinh tế? Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cười: “Thực ra, cái tên Đo Đo là một cái làng thuộc xã Bình Quế, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, nơi chôn rau cắt rốn của tôi. Đó là cách tôi sống lại với ký ức tuổi thơ của mình, là nơi những người xứ Quảng tìm về để gặp đồng hương tại mảnh đất Sài thành tấp nập. Mở quán ăn này, một phần là để kinh doanh, nhưng một phần là để tôi tự nuôi dưỡng cảm xúc của mình. Không ai cắt mình khỏi nguồn cội, và tôi chỉ thực sự là tôi, khi gặp lại được chính mình, dù đó chỉ là những hương vị quê hương hay một người bạn thuở còn cắp sách. Điều này đối với tôi là “siêu lợi nhuận” trong kinh doanh”

Hoài An
.
.
.