Nhàn đàm tháng Sáu

Thứ Tư, 11/06/2014, 10:00

Tháng sáu, mùa hạ về, và đặc biệt là tháng sáu những năm chẵn, những năm của các sự kiện bóng đá lớn nhất hành tinh được tổ chức, luôn là một trong số ít những tháng được trông đợi nhất của năm. Với người làm báo, tháng sáu cũng là một tháng khá thiêng liêng, khi ngày của họ rơi vào đúng tháng mùa hạ ấy (ngày 21/06).

Cả năm làm nghề, người làm báo cũng chỉ có được tháng sáu, và tháng Tết để nhận được những lời chúc mừng từ đối tác, bạn bè và cả đồng nghiệp. Đó cũng là tháng mà họ có thêm một khoản thưởng, thường là rất nhỏ, từ toà soạn của mình. Niềm vui không phải từ những lời chúc hay khoản thưởng ấy, mà niềm vui đến từ việc họ còn có cảm giác mình được tôn trọng, được cần đến bởi cộng đồng.

Nhưng nếu như có một điều ước, hãy thử ước rằng thay, vì những lời chúc và khoản thưởng ấy, tháng sáu đến, người làm báo cả nước được một tuần không phải làm việc, mọi toà soạn đều tạm đình bản đúng một tuần quanh ngày 21/06, lúc ấy, có lẽ cộng đồng mới thấy giá trị thực sự của báo chí là gì, giá trị của những ký giả ở chỗ nào, giá trị của những người mà chỉ vì bức xúc riêng-chung ngày thường, họ sẵn sàng gọi bằng “thằng/con nhà báo”.

Phải thừa nhận, ở thời bùng nổ công nghệ thông tin điện tử này, có khá nhiều những bài báo rác, những nhà báo “giả cầy” đang mỗi ngày “tiêm” vào cộng đồng những sản phẩm bẩn thỉu thực sự. Nhưng những con sâu làm rầu nồi canh ấy có đủ để cả làng báo phải chịu lời miệt thị hay không? Phải chăng, trong cộng đồng chúng ta đang nhìn nghề báo với con mắt khắt khe, phiến diện và có phần thiếu tôn trọng.

Đọc báo cũng cần có văn hóa.

Nếu như điều ước trên là có thật, một tuần không báo chí sẽ là một tuần cộng đồng không được tiếp cận các lợi ích quảng bá, truyền thông, phổ biến nội dung cập nhật mới, giải trí vvv. Lúc đó, họ sẽ biết mình cần báo chí biết bao, cần thực sự như thế nào. Nói thẳng, kể từ thời cổ đại, con người đã hiểu tầm quan trọng của việc truyền tin là như thế nào và với những phát kiến của Gutenberg ở thế kỷ 15, báo chí hiện đại đã bắt đầu phát triển mạnh mẽ bởi nhu cầu lớn lao của quảng đại quần chúng. Tất cả chúng ta đều cần báo chí. Vậy thì chúng ta vì cớ gì lại miệt thị những người làm báo chỉ vì trong ngành nghề ấy có vài con sâu?

Đơn cử như ở giới nghệ sỹ thôi, bất kể một nghệ sỹ nào, khi ra mắt một dự án, đều cậy cục đến báo chí để quảng bá cho dự án của mình một cách hiệu quả nhất. Lúc ấy, trong mắt họ, báo giới là thượng khách, được chào đón nồng nhiệt nhất. Ấy vậy mà chỉ vài bữa sau đó thôi, nếu có một bài báo phật ý họ, họ thẳng thừng rêu rao trên trang cá nhân của mạng xã hội để thoá mạ “thằng này-con kia” bằng những ngôn từ thậm chí là chợ búa nhất. Họ cho rằng “bọn làm báo” chỉ biết săm soi, không biết cảm thông, chỉ là kền kền vân vân và vân vân. Và họ quên mất một điều rất cơ bản rằng “Soi” không hẳn là tiêu cực.

Một cái “Soi” đúng mực chính là một cảnh báo cho nhiều người về cách hành xử chưa chuẩn cần phải được rút kinh nghiệm chứ không phải một cái “Soi” như thế chỉ có đúng nhiệm vụ hạ thấp hình ảnh của một ai đó. Khi một người bị soi vì hành vi nào đó, ví dụ như ăn mặc phản cảm ở một sự kiện cần sự nghiêm túc chẳng hạn, thì cái soi đó chính là tấm gương để những người khác, ít nhất là chính người trong cuộc và đồng nghiệp của họ hiểu rằng “ta cần phải hành xử khác”.

Nhưng đáng buồn, người ta lại nhìn vào cái soi của báo chí với nhiều tiêu cực và quy kết báo chí kém văn hóa. Như vậy, thực chất ai mới là người kém văn hóa đây?

Cái gì cũng có hai mặt của nó cả. Báo chí cũng có hai mặt của nó. Thế nên, người làm báo cần phải tìm được sự cân bằng giữa hai mặt ấy để thể hiện được một cách đúng mực nhất. Nhưng chính vì cuộc sống cái gì cũng có hai mặt nên không thể cứ khăng khăng đòi hỏi một chiều được. Song song đó, người đọc, những người cần báo chí cũng phải tự tìm được sự cân bằng giữa hai mặt tích cực và tiêu cực cho chính mình. Và trên hết, trước khi phán xét một vấn đề gì chung, phải biết dẹp ngay cái tôi, dẹp đi quyền lợi riêng để phán xét của mình thực sự trong sáng.

Tháng sáu về, ước gì có một tuần báo chí vắng mặt và những người làm báo không phải lao động, được đưa gia đình đi nghỉ một cách thoải mái nhất, không vướng bận trách nhiệm nào. Nếu được như vậy, biết đâu chừng, sau kỳ nghỉ trở về, họ lại được xã hội tôn vinh bất ngờ. Mà có khi, lúc ấy, sự tôn vinh lại hơi bị thái quá và mất đi sự cân bằng cần thiết mà chúng ta mới nói ở trên đây

H.Anh
.
.
.