Nhan sắc Việt ra biển lớn

Thứ Ba, 31/10/2017, 14:48
Kể từ khi Việt Nam có người đẹp “mang chuông đi đánh xứ người”, đến nay, ngoại trừ vài trường hợp cá biệt chạm vào thứ hạng cao, hầu hết những người đẹp còn lại đều trắng tay về nước với những danh hiệu chung chung như “Lọt Top 20”, “Lọt Bán kết”…

Những ngày qua, thông tin về những người đẹp, các cuộc thi hoa hậu gần như phủ sóng các mặt báo. Từ chuyện cô Á hậu Huyền My khóc và không chúc mừng tân hoa hậu trong đêm chung kết Hoa hậu Hòa bình quốc tế 2017 cho đến Hoa hậu Đại dương 2017 – Lê Âu Ngân Anh bị chê xấu, khán giả nghi ngờ “mua giải”… Tất cả làm nên một diện mạo bức tranh nhan sắc Việt vốn đã chẳng có gì nổi bật so với trường quốc tế, lại càng “mất điểm” bởi những xì xèo, ồn ào xung quanh.

Cuộc thi Hoa hậu Hòa bình quốc tế 2017 vừa khép lại với chiến thắng thuyết phục thuộc về hoa hậu Peru và hình ảnh đại diện Việt Nam – Á hậu Huyền My khóc lóc khi thua cuộc gây nên nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận. Phát biểu trước báo chí sau cuộc thi, nhà thiết kế Sỹ Hoàng – giám khảo cuộc thi này đã không ngại ngần chỉ ra những điểm chưa được của Huyền My. 

Theo vị giám khảo này, lẽ ra không được giải thì người đẹp sinh năm 1995 phải trở về với vai trò của đại diện chủ nhà tới chúc mừng hoa hậu Peru. Thay vào đó, Huyền My khóc tới 2 trận. Anh cảm thấy xấu hổ cho cô ấy. 

Chưa hết, giám khảo Sỹ Hoàng còn chỉ ra những mặt hạn chế của Huyền My, đó là tách biệt khỏi tập thể, không hòa đồng, so với các thí sinh khác thì không tốt bằng, từ hình thể, phong thái, hành xử, lại thể hiện sự ăn thua, quá kì vọng, không lượng sức mình, vai trò chủ nhà mờ nhạt…

Trong nước, cuộc thi Hoa hậu Đại dương 2017 bị vướng tin đồn mua giải khi trao vương miện cho Lê Âu Ngân Anh.

Giám khảo Giáng My cho rằng, việc Huyền My có mặt trong Top 10 là đã có sự ưu ái của Ban giám khảo. Nói về thất bại của đại diện Việt Nam, “người đẹp không tuổi” Giáng My nhận xét: “Chưa hòa đồng, thiếu chỉn chu, liên tục cáo ốm”… Giáng My nói thêm, Huyền My chưa có nhiều kinh nghiệm nên đây sẽ là một bài học quý báu cho cô ở chặng đường sắp tới.

Nhìn lại lịch sử những lần nhan sắc Việt “mang chuông đi đánh xứ người”, ta có thể thấy rằng số lượng hoa hậu, á hậu, hoa khôi, á khôi đẹp đi thi nhiều nhưng được giải bao nhiêu? Trừ trường hợp Phạm Hồng Thúy Vân lập nên kì tích khi đạt danh hiệu Á hậu 3 tại cuộc thi Hoa hậu Quốc tế 2015 thì đa số còn lại đều dừng lại cuộc chơi với những thứ hạng làng nhàng như lọt Top 15, Top 20… thậm chí có người đẹp bị loại ngay ở vòng đầu tiên. 

Kể ra để thấy, ở trong nước, những người đẹp ở ta được truyền thông đưa lên tận mây xanh với các mỹ từ, được người ta gọi là nữ hoàng, đi đến đâu cũng có người nâng khăn sửa túi thì khi bước chân ra khỏi lãnh thổ, giữa một rừng nhan sắc đến từ năm châu, những người đẹp gắn mác “made in Vietnam”… có phần lép vế và nhạt nhòa. Khoan bàn tới câu chuyện nhan sắc (vì cái này là do trời ban), ngay cả nền tảng tri thức, cách đối đáp, ứng xử của các bông hậu Việt Nam rõ ràng có nhiều hạn chế, chưa kể vốn ngoại ngữ có hạn.

Giám khảo Sỹ Hoàng ấn tượng với Hoa hậu Philippines. Cô ấy nhỏ tuổi nhưng lại được xem là "leader" vì cô ấy cực kỳ thông minh, suy nghĩ, ăn nói như một chính trị gia, diễn giả. Anh cũng bị thuyết phục bởi tâm hồn và tài năng của Hoa hậu Hòa bình năm 2016 lên trao vương miện cho Tân hoa hậu năm nay. Cách nói chuyện của cô ấy lay động con tim và khiến người ta kính nể cô ấy hơn.

“Ở đây, tôi cho rằng lỗi không hẳn ở Huyền My mà ở cả hệ thống giáo dục. Chúng ta không đào tạo cho một đứa trẻ sự tự chủ, độc lập, tự tin. Trong khi đó, các nước khác, trẻ em được dạy từ nhỏ là ngã phải tự đứng lên. Đây là hệ quả của nền giáo dục trọng học hơn hành”.

Huyền My khóc khi “trắng tay” tại cuộc thi Hoa hậu Hòa bình quốc tế 2017.

Trong những năm qua, nhiều cuộc thi hoa hậu, hoa khôi, người đẹp được cấp phép tổ chức ở Việt Nam từ cấp quốc gia đến cấp tỉnh/thành phố. Ngồi tính nhẩm cũng khó thống kê chính xác, một năm có bao nhiêu cuộc thi sắc đẹp, bao nhiêu hoa hậu, á khôi… ra đời. Danh hiệu vì vậy mà cũng mất giá, không được coi trọng như trước.

Trong khi đó, nhiều cuộc thi tìm người đẹp vướng phải các scandal về tư cách đạo đức hoặc trình độ học vấn của thí sinh; những nghi vấn về sự lũng đoạn, dàn xếp kết quả... giữa các nhà tổ chức sau hậu trường để người của mình đoạt giải nhằm đánh bóng tên tuổi… 

Thậm chí, có trường hợp, thí sinh biết luật vẫn cố tình vi phạm, bất chấp tất cả để được nổi tiếng. Một số hoa hậu sau khi đăng quang, cưới đại gia, rút lui hậu trường, chẳng có hoạt động gì nổi bật, ý nghĩa sau khi đoạt danh hiệu. Vai trò hoa hậu mờ nhạt. Công chúng đặt ra câu hỏi, không biết chúng ta có nhiều cuộc thi sắc đẹp để làm gì?

Cho tới nay, việc người đẹp Phạm Hồng Thúy Vân đạt danh hiệu Á hậu 3 tại cuộc thi Hoa hậu Quốc tế 2015 vẫn là thành tích cao nhất của nhan sắc Việt trên trường quốc tế.

Mỗi hoa hậu đăng quang chỉ giữ được vương miện trong vòng một năm và sau đó phải nhường cho người kế cận. Vậy nên, thứ còn lại không phải là vương miện hay những thứ tương tự. Giá trị của danh hiệu nằm ở cái tâm và cái tầm của người đẹp đó. Mà nền tảng ấy, không phải ngày một ngày hai mà có. Không phải là câu chuyện ăn xổi ở thì, chỉ học khi sắp đi thi mà thành. 

Nền tảng ấy là câu chuyện của một quá trình dài học tập, không ngừng trau dồi bản thân. Và người đẹp Việt, ít người có cái nền tảng vững chắc ấy, trước khi mang nhan sắc của mình ra thi thố. Các “lò” đào tạo người đẹp có thể dạy người đẹp cách đi cách đứng, dạy cách làm sao để trở nên đẹp hơn nhưng làm sao dạy được cách đối nhân xử thế, bề dày kiến thức văn hóa - xã hội…

Chung quy vẫn là câu chuyện văn hóa và giáo dục. Chỉ khi nào có đủ hai yếu tố đó thì may ra chúng ta mới có một lứa người đẹp đủ khả năng khẳng định mình khi ra biển lớn.

Nhà thơ Dương Kỳ Anh: Cái đẹp chỉ tỏa sáng khi các cô gái tự tin

Huyền My là một cô gái có nhan sắc đẹp, không thua kém người đẹp của các nước nhưng cô ấy không được xếp thứ hạng cao, thậm chí không vào top 5. Huyền My thiếu tự tin, thiếu những kỹ năng của một người trưởng thành, cô gái đó mang một trọng trách lớn hơn những gì cô ấy có.

Còn về nhan sắc, thực ra Huyền My không thua kém. Đó là một thực tế cho chúng ta nhìn nhận đúng về nhan sắc Việt. Nói riêng về nhan sắc, ta không thua họ đâu. Vậy cái cốt lõi mà chúng ta luôn thất bại là gì? Tôi làm giám khảo ở nhiều cuộc thi quốc tế, tôi nhận thấy, điều quan trọng nhất các người đẹp của ta thiếu tự tin, vì thiếu tự tin nên các em đánh mất vẻ tự nhiên, chân thật, con người chỉ đẹp khi tỏa sáng một cách tự nhiên như mình có. Chúng ta thiếu điều đó nên khi lên sân khấu các em rất khiên cưỡng, hoặc là gồng mình lên để thể hiện, căng thẳng, hoặc rụt rè.

Tân hoa hậu Hòa bình năm 2017 không phải là cô gái đẹp nhất nhưng cô gái đó tỏa sáng một cách tự nhiên, tự tin, hiểu biết, ăn nói chững chạc. Còn chúng ta chuyện này có gốc rễ sâu xa từ nền giáo dục. Người Việt chúng ta khép kín bao năm nay, nền giáo giục khoa cử, học thuộc bài chứ không phải học để hiểu biết khiến chúng ta không tự tin khi đi ra thế giới. Bởi các cô gái thiếu vẻ đẹp của trí tuệ, sự hiểu biết, chững chạc. Thế làm sao hay và đẹp được. Kiến thức phải là của mình, nó tự tỏa ra chứ kiểu kiến thức vay mượn sẽ bối rối ngay. Các cô gái Việt Nam như đóng kịch vậy, lên sân khấu thì khác, ngoài đời thì khác, về nhà cũng khác, luôn là tâm lý đối phó.

Chúng ta còn rất hạn chế, các cô gái đi thi đều giống kiểu chưa trưởng thành, chưa được giáo dục một cách cặn kẽ, thấu đáo. Nên còn khá lâu nữa, nhan sắc Việt mới vươn ra tầm thế giới. Điều đó sẽ được cải thiện khi các người đẹp của chúng ta có một nền tảng giáo dục tốt hơn, các cô gái phải đứng trên đó mới cao được. Ngay trong khu vực Hoa hậu Asean, chúng ta cũng kém hơn Thái Lan, Indonesia, Philippines, các cô gái của họ chững chạc, hiểu biết và tỏa sáng tự tin, hồn nhiên hơn Việt Nam.

Chắc phải đến lúc nào đó, nền giáo dục thay đổi, học để hiểu biết chứ không phải học để đi thi thì may ra các người đẹp của chúng ta mới có cơ hội tỏa sáng trên đấu trường khu vực và thế giới.

 
Đậu Dung – Việt Hà
.
.
.