"Nhập khẩu" quyền im lặng và những hệ lụy

Thứ Bảy, 31/10/2015, 08:42
"Quyền im lặng" của người bị buộc tội - một "sản phẩm" của nền tố tụng tranh tụng (TTTT) ở các nước theo hệ thống pháp luật Anh - Mỹ, gần đây đã làm "nóng" diễn đàn Quốc hội và giới luật học.

Sau một số vụ án oan sai được phát hiện trong thời gian vừa qua, có những ý kiến đòi quyền này phải được "luật hóa" trong dự án sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự (TTHS), nhằm bảo vệ quyền lợi của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo. Ngược lại, nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng nếu quyền ấy được đưa vào TTHS nước ta ngay lúc này, sẽ là việc "râu ông nọ cắm cằm bà kia", bởi Việt Nam là nước theo mô hình tố tụng thẩm vấn (TTTV), với đặc trưng là đề cao yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo vệ bình yên cuộc sống cho số đông người dân. Chưa kể, hàng loạt hệ lụy phức tạp sẽ phát sinh khi quyền im lặng được luật hóa. Việc nhận diện những nguy cơ đó là hết sức cần thiết.

Xuất xứ của "Quyền im lặng"

Trên màn ảnh Hollywood, những câu hội thoại đầu tiên giữa Cảnh sát với kẻ bị bắt thường là: "Anh có quyền giữ im lặng và từ chối trả lời câu hỏi. Bất cứ điều gì anh nói cũng sẽ được dùng để chống lại anh trước tòa"; "Anh có quyền có luật sư trước khi khai báo với Cảnh sát và luật sư sẽ hiện diện khi cảnh sát thẩm vấn anh…”. Đó không phải là những tình tiết hư cấu trong phim, mà phản ánh "Quyền im lặng" được quy định trong hoạt động TTHS ở quốc gia này.

Ông Trần Văn Dũng (Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính, Bộ Tư pháp).

Luật sư Đỗ Quốc Quyền (Đoàn luật sư TP Hà Nội) giải thích: "Hệ thống pháp luật Anh - Mỹ (Common Law) ra đời ở Anh, sau phát triển ở Mỹ và những nước thuộc địa, còn được gọi là hệ thống pháp luật tập quán. Tại đó các bản án, quyết định của tòa án có giá trị như là án lệ và mang tính áp dụng bắt buộc song song với các đạo luật thành văn (statutes).

"Quyền im lặng" có tên khác là "Quyền Miranda", được qui định trong luật TTHS Hoa Kỳ. Đó là quyền của những người bị buộc tội xuất phát từ việc các cơ quan luật pháp Hoa Kỳ giải quyết vụ án Emesto Miranda. Năm 1963, Emesto Miranda (25 tuổi), bị bắt ở Phoenix, Arizona về tội bắt cóc và hiếp dâm. Sau khi bị bắt giữ bởi nạn nhân nhận dạng và tố cáo, Miranda đã thú tội và ký xác nhận vào biên bản trong một cuộc hỏi cung kéo dài hơn 2 giờ tại đồn Cảnh sát. Sau đó anh ta bị Toà án tối cao bang Arizona kết án 20 năm tù. Miranda lập tức kháng án, với lý do khi mới bị bắt, anh ta đã không hề được cảnh báo rằng bất cứ một lời khai nào của mình sau này có thể được sử dụng để chống lại chính mình, và rằng không biết mình có quyền có luật sư bào chữa có mặt trong cuộc hỏi cung.

Vụ án được Toà án tối cao liên bang Hoa Kỳ xét xử lại vào tháng 6/1965. Các luật sư bào chữa cho Miranda dựa vào lập luận rằng anh ta không tự nguyện nhận tội nên việc sử dụng lời khai của anh ta là sai.

Tháng 6/1965, vụ án được chuyển lên tới Toà án Tối cao Hoa Kỳ. Vị Chánh án đã đưa ra phán quyết sau tranh tụng, rằng: "Trước khi bị thẩm vấn, người bị tạm giam phải được thông báo rõ ràng rằng anh ta có quyền im lặng và bất kỳ điều gì anh ta nói đều sẽ được sử dụng làm bằng chứng chống lại anh ta trước tòa. Anh ta phải được thông báo rõ ràng rằng anh ta có quyền tham vấn luật sư và quyền được có luật sư ở bên cạnh trong suốt quá trình thẩm vấn". Do Miranda không được cho biết về những quyền của mình (quyền im lặng, quyền có luật sư), nên bản thú tội trước đó của anh ta trở thành vô giá trị, không được đưa ra làm bằng chứng nữa. Vậy là phán quyết trước đó của Tòa án cấp bang bị lật ngược. Từ đó, cái tên Miranda đã đi vào lịch sử ngành Tư pháp, khi mà từ câu chuyện của anh ta, Tòa án Tối cao Hoa Kỳ ra phán quyết rằng mọi bị can, bị cáo trong các vụ án hình sự đều phải được thông báo về các quyền của mình, trong đó có "Quyền im lặng" và "Quyền được có luật sư". Thông báo đó được gọi bằng cái tên "Thông báo Miranda".

Chúng ta không nên hiểu "Quyền im lặng" theo nghĩa đen của từ ngữ, có nghĩa là bị can có quyền không khai báo gì. Thực chất của chế định này là đảm bảo cho bị can, trong tình trạng yếu thế, được quyền tư vấn pháp lý để tránh có những lời khai bất lợi cho mình (do thiếu hiểu biết hoặc do bị ép cung).

Hệ lụy nếu "luật hóa"

Luật sư Đỗ Văn Nhặn (Đoàn luật sư TP Hà Nội) nhận định: "Quy định này đã tuyệt đối hóa quyền lợi của người bị buộc tội. Một tên giết người có thể không bị trừng phạt về tội lỗi của y, nếu cơ quan pháp luật có vi phạm quy định về "Quyền im lặng". Như vậy, rõ ràng là người ta đã đặt lợi ích của cộng đồng xã hội khi tội ác được trừng trị, xuống dưới quyền lợi của người bị cáo buộc phạm tội. Hiện nay có nhiều người trong giới chúng tôi rất háo hức với chuyện "nhập khẩu" quyền này về Việt Nam. Họ đòi phải quy định cho người bị bắt, tạm giữ… được quyền im lặng để chờ luật sư. Nói thật, tôi hiểu động cơ một phần là vì điều đó tạo ra những cơ hội việc làm, cũng như tăng cường vị thế và thu nhập cho họ, khi mà mọi hoạt động TTHS bắt buộc phải có mặt luật sư mới có giá trị. Theo tôi, có thể quyền này chưa tương thích với xã hội ta, nhất là trong điều kiện hiện nay".

Theo ông Trần Văn Dũng (Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính, Bộ Tư pháp) thì "Quyền im lặng" là để giúp cho người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam được thực hiện quyền trợ giúp pháp lý, nếu như mình không tự bảo vệ được. Đồng thời ở một góc độ nào đó thì cũng tránh được những hành vi bức cung, nhục hình. 
Emesto Miranda (ngoài cùng bên trái) bị bắt ở Phoenix, Arizona, Mỹ về tội bắt cóc và hiếp dâm.

Về việc có nên "luật hóa" quyền này hay không, ông Dũng cho rằng cần phải hết sức cân nhắc khi quy định trực tiếp quyền im lặng trong Bộ luật TTHS. Ông nói: "Vấn đề trợ giúp pháp lý hiện có nhiều bất cập: Thứ nhất, đó là số lượng luật sư, trợ giúp viên pháp lý cũng còn có vấn đề. Thứ hai là số lượng luật sư, số lượng trợ giúp viên pháp lý so với số lượng bị can, bị cáo khởi tố hằng năm có một số lượng chênh lệch… Theo quan điểm của tôi, mặc dù quyền là tốt đấy, nhưng trong điều kiện hiện nay thì phải hết sức cân nhắc, vì chúng ta đã quy định thì buộc phải thực hiện, mà trong khi đó đội ngũ luật sư phân bổ như vậy thì hết sức phức tạp".

Số liệu thống kê của Bộ Tư pháp cho thấy, tỷ lệ luật sư trên tổng dân số ở nước ta hiện nay rất thấp, khoảng 1/14.000 dân và chỉ bằng 1/10 so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Cả nước có 62 đoàn luật sư với hơn 6.250 luật sư và hơn 3.000 người tập sự hành nghề luật sư đang hoạt động trong 2.750 tổ chức hành nghề luật sư. Nếu đối chiếu với khoảng 90 triệu dân mà chỉ có 6.250 luật sư hành nghề là quá ít - bình quân 1 luật sư phải phục vụ hơn 14.000 dân và tập trung chủ yếu ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh… Nếu căn cứ vào thực trạng này mà quy định "Quyền im lặng" cho đến khi luật sư có mặt, thì không biết phải giải quyết thế nào cho đủ số lượng luật sư đáp ứng cho tất cả những người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo để họ thực hiện quyền của mình khi có nhu cầu.

Vẫn theo ông Dũng, mặc dù chưa chính thức được quy định trong luật, nhưng quyền im lặng đã được quy định một cách gián tiếp trong Bộ luật TTHS. Chẳng hạn như ở quy định: Người bị bắt, người bị tạm giữ, tạm giam có quyền được trả lời, chứ không có nghĩa vụ phải trả lời. Đó là quyền được thông tin cho cơ quan điều tra biết những thông tin nhằm gỡ tội cho mình, nhưng không bắt buộc. "Như vậy, ở một góc độ nào đó, quyền im lặng đã được quy định trong Bộ luật TTHS Việt Nam, nhưng không quy định trực tiếp", ông Dũng nói.

Thực tế tại Bộ luật TTHS hiện hành (năm 2003) đã có nhiều điều qui định về vấn đề này. Chẳng hạn, tại Điều 48, Điều 49 quy định việc người bị tạm giữ, bị can có quyền "trình bày lời khai". Thực chất, đây chính là một phần của quyền im lặng, vì đã là quyền thì họ có thể trình bày lời khai hoặc không thực hiện việc trình bày lời khai.  Điều 72 (Lời khai của bị can, bị cáo) quy định: "Lời nhận tội của bị can, bị cáo chỉ có thể được coi là chứng cứ nếu phù hợp với các chứng cứ khác của vụ án. Không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để kết tội";  Điều 131 (Hỏi cung bị can): "Trước khi hỏi cung, điều tra viên phải đọc quyết định khởi tố bị can và giải thích cho bị can biết rõ quyền và nghĩa vụ theo qui định tại điều 49 của Bộ luật này". Đối với Quyền có luật sư, tại các Điều 48, 49, 50 Bộ luật này qui định: "Người bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa". Như vậy, quyền này đã được qui định cụ thể, rõ ràng.

Đại úy Lê Minh Hải (Phòng CSHS - Công an TP Hà Nội).

Đại úy Lê Minh Hải (Phòng CSHS - Công an TP Hà Nội) phân tích: "Nước ta có mô hình TTHS khác với Mỹ. Mục tiêu đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân được đặt lên hàng đầu. Nếu áp dụng "Quyền im lặng" sẽ nảy sinh hàng loạt vấn đề phức tạp. Trong đó, điều nguy hiểm nhất từ việc mở rộng quá nhiều quyền cho cá nhân, sẽ dẫn tới sự quá trớn, tùy tiện, thậm chí chống đối, bất hợp tác, cản trở quá trình điều tra, thu thập chứng cứ. Đặc biệt trong công tác truy xét thủ phạm gây trọng án hay tội phạm có tổ chức. Điều gì sẽ xảy ra nếu kẻ thủ ác kiên quyết "đổ bê tông" - (không chịu khai báo)?

Hậu quả sẽ là tội phạm bị bỏ lọt, nhất là trong những vụ án có tì nh tiết phức tạp, có đồng phạm. Chưa kể sẽ "vướng" rất nhiều. Chẳng hạn, trong khi đợi luật sư, cơ quan tiến hành tố tụng có được khởi tố vụ án, khởi tố bị can và áp dụng các biện pháp ngăn chặn khác hay không? Trường hợp người bị bắt không thuê luật sư, hoặc luật sư không thể có mặt ngay thì sẽ giải quyết như thế nào?"

Đào Trung Hiếu
.
.
.