Nhật Bản:

Báo động nạn lạm dụng tình dục phụ nữ tại nơi làm việc

Thứ Năm, 14/04/2016, 09:05
Một báo cáo mới công bố của Bộ Y tế, lao động và phúc lợi xã hội Nhật Bản cho hay, 1/3 phụ nữ của quốc gia này bị quấy rối tình dục ngay tại nơi làm việc. Thông tin này được coi là một "cú shock" với những nỗ lực của Chính phủ trong việc nâng cao vai trò của nữ giới trong việc phát triển kinh tế - xã hội.


Nhiều ông chủ thực hiện hành vi lạm dụng tình dục

Cuộc khảo sát có sự tham gia của hơn 9.600 phụ nữ, tuổi từ 25-44 hiện đang làm việc hoặc đã từng làm việc tại công sở cho thấy, 30% số người được hỏi trả lời đã từng bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Nếu tính riêng nhóm đối tượng là nhân viên làm việc toàn thời gian, con số này là 35%. 17% phụ nữ cho biết, đã "bị hỏi hoặc ép quan hệ tình dục".

Hơn một nửa phụ nữ tham gia khảo sát cho biết, thường xuyên phải nghe những lời bình phẩm của các đồng nghiệp nam về ngoại hình, tuổi tác cũng như số đo các bộ phận trên cơ thể.

Theo báo cáo, đối tượng thực hiện hành vi lạm dụng tình dục phụ nữ thường xuyên nhất là những ông chủ sử dụng lao động, chiếm tỷ lệ 24,1%. Cuộc khảo sát cũng cho thấy, 63% phụ nữ chấp nhận giải pháp im lặng, không có bất cứ khiếu nại gì. Một số người bị giáng chức vì đã lên tiếng đòi công lý.

Theo đánh giá về bình đẳng giới của Diễn đàn kinh tế thế giới năm 2015, Nhật Bản xếp hạng thứ 101/145 quốc gia.

"Quấy rối thai sản" hay còn được gọi là matahara (theo tiếng Nhật) cũng đang là vấn đề "nóng" trong xã hội Nhật Bản hiện nay. Theo thống kê, hơn 1/5 nhân viên nữ làm việc toàn thời gian đã bị quấy rối khi mang thai; 1/2 số lao động ngắn hạn bị phân biệt đối xử sau khi mang thai. 48% phụ nữ cho biết, họ đã bị cho là "gây rắc rối" hoặc khuyến khích nghỉ việc sau khi mang thai. Hơn 1/5 bị sa thải trong khi 17,1% bị giảm tiền thưởng và 15,9% buộc phải từ chức.

Số lượng khiếu nại đã tăng lên song song với sự gia tăng số lượng phụ nữ Nhật Bản quay trở lại công việc sau khi sinh. Năm 2010, 46% phụ nữ trở lại làm việc sau khi sinh đứa con đầu tiên, tăng 14% so với năm 2001. Theo Bộ Y tế, lao động và phúc lợi xã hội Nhật Bản, số vụ khiếu nại quấy rối phụ nữ khi mang thai và sau sinh đã tăng 18% trong sáu năm qua.

Khó khăn trong việc nâng cao vai trò của phụ nữ

Nhật Bản đang nỗ lực để nâng cao vị thế của phụ nữ tại nơi làm việc, đặc biệt là ở các vị trí lãnh đạo cấp cao. Hiện nay, chỉ có 64% phụ nữ Nhật Bản trong độ tuổi lao động đi làm trong khi con số này ở nam giới là 84%. Đây cũng là tỷ lệ thấp nhất trong số 34 nền kinh tế hàng đầu của Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển. Phụ nữ Nhật Bản có mức thu nhập bằng 70% đồng nghiệp nam giới. Chỉ có một số lượng nhỏ phụ nữ giữ chức vụ giám đốc điều hành tại 3.600 công ty niêm yết của Nhật Bản.

Theo báo cáo của Grant Thornton International Business năm 2015, phụ nữ Nhật giữ vai trò lãnh đạo trong các công ty sử dụng từ 100 lao động trở lên chiếm 8%, trong khi mức trung bình trên thế giới là 22%. Nhật Bản hiện vẫn là quốc gia có khoảng cách phân biệt giới tính lớn. Theo đánh giá về bình đẳng giới của Diễn đàn kinh tế thế giới năm 2015, Nhật Bản xếp thứ 101/145 quốc gia (năm 2014, Nhật Bản xếp hạng 104/ 142 quốc gia).

Trong bài phát biểu mới đây, Thủ tướng Shinzo Abe khuyến khích các công ty lớn như Toyota, Panasonic, All Nippon Airways có mục tiêu tăng số giám đốc điều hành là nữ. Ông Abe đề ra mục tiêu "đầy tham vọng" là sẽ có 30% phụ nữ giữ các vị trí lãnh đạo cấp cao vào năm 2020. Ông Shinzo Abe cũng cam kết sẽ đầu tư xây dựng thêm nhiều trường mẫu giáo chất lượng để khuyến khích phụ nữ sau sinh trở lại làm việc, qua đó giúp kích thích nền kinh tế đang gặp khó khăn của đất nước. Nhiều chuyên gia nhận định, đây là mục tiêu không thể đạt được.

Nhật Bản cũng đã xây dựng Chương trình hành động quốc gia mang tên "womenomics" nhằm thúc đẩy vai trò của lao động nữ với sự tăng trưởng kinh tế. Trước đó, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, Nhật Bản cần tạo điều kiện tốt hơn để sử dụng nguồn lao động nữ, giúp đất nước mặt trời mọc giải quyết vấn đề lão hóa và suy giảm dân số. Tuy nhiên, chương trình này cũng chưa mang lại hiệu quả thiết thực.

P. Tường (tổng hợp)
.
.
.