''Nhiệt huyết màu xanh''

Thứ Hai, 18/07/2016, 09:18
Có đọc tường tận về những việc mà Thượng tá Nguyễn Viết Nhi (Phó trưởng Phòng PC49 - Công an tỉnh Nghệ An) cùng đồng đội đã làm, để đẩy lùi nạn khai thác khoáng sản trái phép, hay việc đưa cả trăm con người thoát khỏi hầm quặng thẳm sâu trong lòng núi trước khi sập lở, rồi những trận đánh vào các cơ sở sản xuất chế biến thực phẩm bẩn đe dọa tính mạng, sức khỏe người dân trong từng bữa ăn… mới hiểu được chữ "nhiệt huyết màu xanh" mà đồng đội đã nói về ông.


Là một trong những chỉ huy đầu tiên của lực lượng Cảnh sát PCTP về môi trường nơi đây, từ mồ hôi, công sức của ông và cộng sự, một "thương hiệu mạnh" của Công an xứ Nghệ đã định hình.

"Sống mái" cùng "khoáng tặc"

 Câu chuyện giữa Thượng tá Nguyễn Viết Nhi và chúng tôi luôn bị gián đoạn bởi những cuộc điện thoại từ các nơi gọi về. Nể tình anh em đội nắng, đội gió về "chảo lửa" thành Vinh trong những ngày "nóng như rang", nên ông nán lại chia sẻ ít nhiều những mẩu chuyện bên lề các trận đánh đã đi vào biên niên sử của lực lượng Cảnh sát môi trường Việt Nam. Tôi biết, ông đang rất "kẹt".

Thượng tá Nguyễn Viết Nhi (từ phải qua) tại Lễ trao thưởng thành tích cho Phòng PC49 - Công an tỉnh Nghệ An.

Qua nội dung đàm thoại, được biết các trinh sát của ông đã "tóm" được một xe hàng chở thực phẩm bẩn ngoài Diễn Châu và việc "đánh bật tường" để khám xét cơ sở sản xuất đang chờ ông quyết định trong ít phút nữa. Cắt đặt quân cán xong xuôi, ông trở lại trò chuyện. Ký ức về những trận đánh không kém phần khốc liệt trên mặt trận bảo vệ môi trường như ùa về tràn ngập trong ông. Chuyện án từ có bao giờ là cũ với những người lính trận.

Thượng tá Nhi kể, ông nhớ mãi cái "đận" được giao phụ trách Đoàn công tác đặc biệt của tỉnh Nghệ An, với nhiệm truy quét "khoáng tặc", "lâm tặc" trên địa bàn các huyện miền núi vùng cao phía Tây Nghệ An. Đó là những tháng ngày chiến đấu trong điều kiện muôn vàn gian khổ, hiểm nguy rình rập dưới mỗi bước chân người lính. Cũng chính trong thời gian này, sự tận tâm, quyết liệt trong công việc của ông đã cứu gần 100 "phu quặng" thoát khỏi cái chết trong gang tấc khi núi lở, sập hầm.

Được biết, từ đầu những năm 2000, nạn khai thác trái phép khoáng sản, lâm sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An diễn biến hết sức phức tạp. Vốn là một tỉnh giàu tài nguyên lâm sản,  khoáng sản, đa dạng về chủng loại và có giá trị kinh tế cao như vàng, sa khoáng, quặng thiếc… với trữ lượng lớn, nên bọn "khoáng tặc", "lâm tặc" từ mọi nơi đã đổ về đây làm ăn. Chúng tổ chức ra hàng trăm cơ sở khai thác quặng trái phép, thu hút 4-5 nghìn lao động tự do đến làm thuê.

Tội phạm bùng phát từ đó. Nạn cướp bóc, cưỡng đoạt tài sản, trộm cắp, đâm chém thanh toán nhau để tranh giành điểm mỏ, địa bàn khai thác song hành với tệ nạn mại dâm, ma tuý, cờ bạc, tai nạn lao động… khiến địa bàn phía Tây Nghệ An "nóng" hơn bao giờ hết. Hoạt động của bọn "khoáng tặc", "lâm tặc" đã tàn phá, huỷ hoại, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, tài nguyên bị cạn kiệt, tai nạn lao động từ hoạt động khai thác mỏ, chặt phá rừng diễn biến hết sức phức tạp.

Tình trạng tranh chấp đất đai, quyền khai thác, phạm vi quản lý về khoáng sản, lâm sản diễn ra quyết liệt… đã tạo nên những mâu thuẫn gay gắt, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe doạ về an ninh trật tự, quản lý điều hành của chính quyền.

Trước tình hình đó, cuối năm 2007, UBND tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo thành lập Đoàn công tác đặc biệt để thiết lập lại trật tự, kỷ cương trong khai thác khoáng sản, lâm sản, bảo vệ môi trường.

Thượng tá  Nguyễn Viết Nhi được giao phụ trách địa bàn dọc theo tuyến QL48 và tuyến đường 7 (gồm các huyện Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong, TX Thái Hòa, Con Cuông, Tương Dương, Anh Sơn, Kỳ Sơn…). Từ đây bắt đầu những tháng ngày chiến đấu trong muôn vàn gian khổ, hiểm nguy của ông và đồng đội.

Bắt giữ vụ vận chuyển trái phép động vật hoàng dã.

Thượng tá Nhi kể: "Để tiếp cận được những điểm khai thác quặng trái phép, chúng tôi chỉ còn cách cuốc bộ, leo ngược những con dốc dựng đứng vắt qua núi, hay luồn lách bên miệng thung sâu, vực thẳm chênh vênh.

Bọn "khoáng tặc" đón Đoàn công tác bằng mìn gài ở các cửa hang, lối đi, hay gí dây điện (chạy máy phát) xuống sông suối để phục kích cán bộ lúc lội qua… Ở xã Châu Tiến, Quỳ Hợp có nhóm còn xây bịt cửa hầm, ngụy trang bằng mọi cách để che mắt cán bộ.

Để giải quyết rốt ráo thực trạng này, chúng tôi đã làm rất bài bản, từ điều tra cơ bản, nắm chắc tình hình, vận động chính quyền địa phương, vận động quần chúng tham gia hỗ trợ Đoàn công tác, đến quyết liệt đấu tranh, cưỡng chế giải tỏa lán trại, hầm mỏ, đẩy đuổi hết số lao động tự do, trừng trị "đầu nậu". Có những hình ảnh rất đẹp là người dân sở tại đã "rồng rắn" từng đoàn, cùng cán bộ đi cưỡng chế, phá dỡ lán trại của bọn "khoáng tặc".

Nhờ những giải pháp đồng bộ cùng tinh thần tận tụy của anh em CBCS và sự ủng hộ hết mình của người dân, chính quyền cơ sở, nên chỉ sau 1 năm trật tự kỷ cương trong khai thác khoáng sản đã được lập lại.

Chúng tôi đã phát hiện xử lý gần 500 trường hợp vi phạm, phạt tiền và tịch thu tang vật gần 27 tỷ đồng, tham mưu cho tỉnh và chính quyền cơ sở nhiều giải pháp quan trọng trong quản lý, kiểm soát địa bàn.

Vào ngày mùng 6 Tết Nguyên đán năm 2008, tôi nhận được tin báo tại khu vực suối Bắc, vách 34 thuộc huyện Quỳ Hợp có hàng trăm người dân đã xông vào hầm mỏ của một công ty khai thác kim loại mầu để "hôi" quặng. Mặc dù cả Đoàn công tác đang được nghỉ tết, nhưng tôi linh cảm thấy "sẽ có chuyện", nên khẩn trương triệu tập anh em lên đường làm nhiệm vụ.

Đến nơi thấy người dân đã đập các trụ cột chống hầm để lấy quặng, nguy cơ sập hầm có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Chúng tôi liền dùng loa phóng thanh kêu gọi người dân quay ra. Tất cả CBCS bất chấp nguy hiểm, đã cùng vào trong hầm thuyết phục và đưa dẫn họ ra ngoài.

Gần 100 người dân thấy chúng tôi vận động quyết liệt, nên đã chui từ trong hầm sâu đi ra. Đúng lúc đó trời đổ mưa như trút và toàn bộ hệ thống vách hầm, trần hầm đổ sập xuống. May mắn là không còn ai kẹt lại bên trong. Thật hú vía!".

Cứu dòng sông Hiếu

Cuộc "giải cứu" dòng sông Hiếu (đoạn chảy qua xã Nghĩa Thịnh, huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An) khỏi tay bọn "vàng tặc" của lính môi trường xứ Nghệ, dưới sự chỉ huy trực tiếp của Thượng tá Nhi, đến nay vẫn được nhắc đến như một điển hình của lòng quả cảm. Lòng sông ấy chứa đựng trữ lượng vàng sa khoáng khá lớn, nên trở thành "mồi thơm" dẫn dụ những tên "đầu nậu" chuyên khai thác vàng ở khắp các tỉnh kéo đến.

Phòng PC49 Công an tỉnh Nghệ An kiểm tra cơ sở dùng hóa chất để sản xuất quẩy.

Sau nhiều năm hoành hành, hoạt động khai thác vàng trái phép của chúng đã gây ô nhiễm trầm trọng khắp vùng hạ lưu sông Hiếu từ Quế Phong đến Thái Hòa. Dòng sông bị biến dạng nghiêm trọng đến mức không còn là sông nữa. Dòng chảy thúc vào bờ gây sụt lở 30 ha đất trồng màu.

Nhiều nhà dân đã phải di dời khẩn cấp. Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Công an tỉnh, sáng ấy Thượng tá Nhi đã dẫn quân PC49 xuống hiện trường. Tại đây họ cùng lực lượng truy quét kiên quyết cưỡng chế, bắt giữ những chiếc tàu cuốc chuyên dụng của bọn "vàng tặc", trong sự chống đối quyết liệt của chúng.

Để cản trở công việc của cơ quan chức năng, các đối tượng tháo dỡ các chi tiết máy khiến tàu không thể nhúc nhích. Thượng tá Nhi đã nhảy lên boong tàu, trực tiếp cùng anh em quay tời bằng tay để kéo những con tàu cuốc rời khỏi lòng sông và lai dắt đến điểm thu giữ.

Sau cuộc cưỡng chế quyết liệt ấy, toàn tuyến sông Hiếu đã yên bình trở lại. Hiện tượng sụt lở đất, ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt được khắc phục, ổn định cuộc sống cho bao gia đình ven sông.

"Máu lửa" với nghề

Thượng tá Nhi cho biết, "diện phủ sóng" của Cảnh sát PCTP về môi trường hiện nay là rất rộng, liên quan đến nhiều lĩnh vực. Từ vấn đề ô nhiễm môi trường; khai thác trái phép khoáng sản; hủy hoại rừng; khai thác, vận chuyển, buôn bán trái phép lâm sản, động vật hoang dã; vận chuyển chất thải nguy hại; buôn bán vận chuyển pháo nổ, hàng hóa đã hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có thủ tục giấy tờ;      vi phạm quy định về hóa chất bảo vệ thực vật, thuốc thú y... đến lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm.

Trong năm 2015, đơn vị này đã phát hiện, điều tra, bắt giữ, xử lý 238 vụ, 260 đối tượng (gồm 227 cá nhân, 33 tổ chức). Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2016, hàng loạt chuyên án công phu của đơn vị nhằm vào các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về môi trường đã được triển khai thành công.

Không chỉ sắc sảo trong chỉ đạo phá án, Thượng tá Nhi còn là tác giả của nhiều bản báo cáo, kiến nghị, đề xuất lãnh đạo địa phương về các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về lĩnh vực môi trường, hay các bài tham luận, tuyên truyền, vận động người dân chung tay góp sức bảo vệ môi trường sống.

Gắn bó với sự nghiệp "bảo vệ màu xanh" từ ngày thành lập Phòng PC49, gần 10 năm qua, Thượng tá Nhi đã có góp công quan trọng đối với sự trưởng thành, lớn mạnh của đơn vị bằng việc liên tục giữ vững danh hiệu "Quyết thắng".

Với những cống hiến cho quê hương xứ Nghệ, ông đã 2 lần vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Chiến công. Được biết, mới đây ông đã có tên trong danh sách cá nhân được đề xuất tặng "Giải thưởng môi trường" năm 2016 của tỉnh Nghệ An.

Bắt giữ vụ vận chuyển trái phép động vật hoang dã.
Đào Trung Hiếu
.
.
.