Nhiều bức xúc từ việc đốt phế liệu ở Yên Phong, Bắc Ninh

Thứ Hai, 28/08/2017, 10:42
Trong nhiều năm, người dân xã Văn Môn (Yên Phong, Bắc Ninh) phải sống trong một môi trường độc hại do ô nhiễm không khí cũng như ô nhiễm nguồn nước từ các xưởng nhôm nơi đây.


Không chỉ vậy, nhiều cơ sở thu gom phế liệu đốt phế thải, rác thải một cách tự phát cũng tạo ra một lượng lớn khí độc ô nhiễm, gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống không chỉ của người dân nơi đây, mà còn ảnh hưởng đến các xã lân cận như Thụy Lâm, Vân Điềm (Đông Anh, Hà Nội) hay Yên Phụ (Yên Phong). Một vấn đề nhức nhối như vậy nhưng cho đến nay, chính quyền địa phương vẫn chưa có biện pháp gì thực sự hiệu quả để giải tỏa. nỗi bức xúc cho người dân…

Vụ cháy kéo dài 3 ngày

Vào đêm 10-8-2017, hàng ngàn hộ dân thuộc các xã lân cận đã phải hứng chịu những làn khói độc hại từ vụ cháy phế liệu tại một cơ sở thuộc thôn Quan Độ (xã Văn Môn).

Cột khói đen từ vụ cháy ngày 10-8.

Theo đó, hàng tấn vỏ nhựa, dây cáp điện tại một kho chứa bất ngờ phát hỏa gây ra một đám cháy lớn. 3 ngày sau đó, khói từ đám cháy vẫn bốc lên nghi ngút và một số chỗ vẫn còn âm ỉ.

Con kênh dẫn nước gần kho chứa đã đổi thành màu đen do nhựa từ đám cháy chảy ra, khu đồng ruộng xung quanh cũng bị tiêu hủy. Đám khói đen theo gió thổi qua xã Thụy Lâm thuộc Đông Anh cũng ảnh hưởng đến hàng ngàn hộ dân nơi đây.

Theo lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Yên Phong cho biết sau khi nhận được thông báo của chính quyền địa phương, lãnh đạo huyện đã có mặt dập lửa, đồng thời báo lên lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh để điều tra, làm rõ.

Vào thời điểm trên, các cơ quan chức năng đã dập được lửa nhưng đến chiều tối 13-8, đám cháy tiếp tục bắt lửa và cháy trở lại. Ngay sau khi vụ cháy tái diễn, lực lượng phòng cháy chữa cháy tỉnh Bắc Ninh đã có mặt để tiếp tục dập lửa. Đến tối 13/8, vụ cháy đã được dập tắt hoàn toàn.

Ông Hùng, chủ kho phế liệu bị cháy cho biết trước thời điểm xảy ra đám cháy, bên trong kho và phía ngoài đường có khoảng gần 100 tấn nhựa phế thải các loại. Chưa kịp đem đi tiêu thụ thì bị cháy, phá hủy luôn kho chứa và nhiều vật dụng sinh hoạt khác, không phải do cơ sở này tự ý đốt nhựa phế thải.

Trước đó, kho phế liệu này cũng xảy ra vụ việc tương tự, chủ kho cũng nghi ngờ có kẻ xấu cố ý đốt. Hiện, đoàn Thanh tra huyện và tỉnh Bắc Ninh đang tiến hành vào cuộc để tìm nguyên nhân.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Vũ - một nhà khoa học chuyên nghiên cứu về vật liệu của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam hiện đang sinh sống tại thôn Thụy Lôi (Thụy Lâm) cho biết, không phải chỉ vài ngày vừa qua người dân nơi đây mới "được" hít khí độc từ đám cháy mà trong suốt gần 10 năm nay, họ đã phải chịu đựng, hít thở trong bầu không khí ô nhiễm do khói từ một số hộ đốt phế liệu ở Văn Môn bay qua.

Những bãi rác thải phế liệu dễ thấy tại xã Văn Môn.

Được biết, xã Văn Môn là nơi có nhiều làng nghề với hơn 2.000 hộ dân, trong đó, khoảng hơn 1.000 hộ kinh doanh mua bán phế liệu, tái chế nhôm. Đủ các loại rác thải công nghiệp được tập kết về đây để phân loại ra những gì có giá trị. Còn lại các loại nhựa không thể tái sử dụng được vứt thành đống trên cánh đồng, chờ thời điểm thích hợp để tiêu hủy.

Đặc biệt, tại thôn Quan Độ nơi giáp ranh với thôn Thụy Lôi từ lâu đã có nghề thu gom các thiết bị, dây điện thanh lý từ khắp nơi về để tách lấy đồng, sắt, vàng, bạc…

Những loại phế liệu không thể sử dụng như cao su, nhựa, vỏ dây điện thì họ đem đi đốt. Việc đốt các loại phế liệu này tạo ra những cuộn khói đen nghi ngút, trong đó chứa các chất vô cùng nguy hiểm cũng như bụi kim loại nặng, là một tác nhân gây bệnh, đồng thời tạo ra mùi rất khó chịu.

Cũng theo ông Vũ, hành vi đốt phế liệu, rác thải y tế của một số người dân Quan Độ từ năm này qua năm khác trái với pháp luật hiện hành về bảo vệ môi trường. Hơn nữa, việc đốt phế liệu tự phát như vậy sẽ tạo ra làn khói độc, ảnh hưởng đến sức khỏe của hàng ngàn người dân đang sống ở các thôn lân cận.

Từ giữa năm 2016, người dân thôn Thụy Lôi đã kêu gọi kí vào lá đơn kêu cứu, đề nghị cơ quan chức năng, đặc biệt là chính quyền huyện Yên Phong vào cuộc để xử lý ô nhiễm môi trường không khí.

"Huyện Đông Anh cũng đã có công văn gửi các bên liên quan, nhưng tình trạng vẫn chưa có gì thay đổi. Thậm chí cho đến nay, tình trạng đốt phế liệu vẫn diễn ra", ông Vũ cho biết.

Khi mang những vấn đề của người dân Thụy Lôi để đặt câu hỏi với chính quyền xã Văn Môn, ông Nguyễn Văn Hậu - Chủ tịch UBND xã cho biết: "Chúng tôi đã liên tục tuyên truyền, xử phạt những hộ dân làm sai quy định và bắt họ viết cam kết không đốt phế liệu gây ảnh hưởng đến môi trường.

Xã cũng lập một đội phản ứng nhanh do Phó chủ tịch UBND xã quản lý, đội trực 24/24h để tiếp nhận thông tin về việc người dân đốt rác tự phát để đi xử lý ngay". Cũng theo ông Hậu thì lò đốt của huyện chỉ đốt được rác dân sinh mà "hàng hóa" của những hộ buôn bán phế liệu đều là rác công nghiệp nên không thể đốt được.

Hành động nhưng chưa hiệu quả?

Trước câu trả lời của Chủ tịch UBND xã Văn Môn, ông Nguyễn Vũ lại trưng ra bằng chứng về việc đốt rác tự phát vẫn còn tiếp diễn do ông và một số người dân ghi lại bằng điện thoại.

Ông Vũ cho biết: "Việc họ vẫn còn đốt rác chứng tỏ chính quyền Văn Môn vẫn còn quản lý chưa chặt chẽ việc này. Chỉ có một điều thay đổi đó là trước kia họ đốt ban ngày thì bây giờ họ đốt ban đêm. Khi được hỏi thì họ trả lời là các hộ kinh doanh đốt rác không liên tục, đốt theo mùa!?".

Quả thật, trước những bằng chứng được ghi lại đã cho thấy những biện pháp mà UBND xã Văn Môn đề ra chưa thực sự hiệu quả. Đầu tháng 6 vừa qua, UBND xã Thụy Lâm lại tiếp tục có Công văn gửi UBND huyện Đông Anh, Công an huyện Đông Anh (Hà Nội); UBND huyện Yên Phong, Công an huyện Yên Phong, UBND xã Văn Môn (tỉnh Bắc Ninh) đề nghị phối hợp xử lý ô nhiễm môi trường do bãi phế thải gây ra.

Tuy nhiên, trong buổi làm việc với lãnh đạo UBND xã Văn Môn thì được biết việc xử lý vấn đề này là vô cùng khó khăn, nhiều biện pháp vẫn đang được tiến hành, chưa đem lại kết quả khả thi.

Cảnh đốt phế liệu được người dân ghi lại.

Cụ thể, xã Văn Môn đang có dự án quy hoạch một khu vực rộng 4ha để người dân tập kết các loại phế liệu, không lập những kho hàng tự phát không đủ tiêu chuẩn về phòng cháy chữa cháy.

Ngoài ra, tỉnh Bắc Ninh cũng đang có dự án đầu tư làm làng nghề để hạn chế ô nhiễm môi trường. Mục tiêu đặt ra cho đến năm 2019 sẽ quy hoạch xong làng nghề. Hiện tại dự án đang trong giai đoạn đền bù mặt bằng được 50% kế hoạch đề ra.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là cho đến khi các dự án, quy hoạch với mục tiêu bảo vệ môi trường hoàn thành, người dân Văn Môn cũng như các vùng lân cận như thôn Thụy Lôi sẽ phải làm cách nào để có thể bảo vệ sức khỏe.

Theo anh Hoàng (Thụy Lôi) cho biết: "Mỗi đêm khi họ đốt rác, khói mịt mù, chúng tôi không dám mở cửa ra vì mở cửa ra thì cũng không thở nổi. Các hộ gia đình nơi đây phải đối phó bằng việc lắp cửa kính để khói không lọt vào nhà".

Có mặt tại xã Văn Môn vào một ngày mưa nhưng chúng tôi cũng không thể chịu nổi bởi cảnh khói đen bủa vây và mùi khét trong không khí. Như vậy thì liệu người dân thuộc xã Văn Môn hay những vùng lân cận sẽ phải sống ra sao với sự ô nhiễm đó.

Cho tới nay, dù UBND TP Hà Nội và UBND tỉnh Bắc Ninh đã có nhiều văn bản chỉ đạo xử lý dứt điểm tình trạng đốt rác thải công nghiệp nhưng một số người vẫn đặt lợi nhuận lên trên sức khỏe của chính bản thân mình và cộng đồng.

Thiết nghĩ, nếu chính quyền xã Văn Môn không mạnh tay hơn với những hộ kinh doanh có hành vi đốt phế liệu không đúng quy trình tiêu chuẩn thì hàng ngàn người đang phải sống trong môi trường độc hại, ô nhiễm sẽ có thể sẽ phải gánh chịu những căn bệnh gây chết người trong tương lai không xa.

Theo khoản 7, Điều 7 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 quy định: Cấm hành vi "Thải khói, bụi, khí có chất hoặc mùi độc hại vào không khí; phát tán bức xạ, phóng xạ, các chất ion hóa vượt quá quy chuẩn kỹ thuật môi trường".

Theo Nghị định 155/2016/NĐ-CP quy định: Mức xử phạt hành vi "gây ô nhiễm đất, nước, không khí, gây ô nhiễm môi trường kéo dài, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được quy định tại Điều 19. Điều 20 quy định mức xử phạt vi phạm các quy định về vệ sinh nơi công cộng; thu gom, vận chuyển, chôn, lấp, xử lý, thải rác thải sinh hoạt và chất thải rắn công nghiệp thông thường; vận chuyển nguyên liệu, vật liệu, hàng hóa gây ô nhiễm môi trường…

Việt An - Ngọc Mai
.
.
.