Nhiều câu chuyện đẹp gắn với hình ảnh người CSGT Hà Nội

Thứ Hai, 26/02/2018, 07:49
Kì nghỉ Tết Mậu Tuất đã trôi qua trong yên vui, nhưng mấy ai biết, để có một kì nghỉ như vậy, các cán bộ, chiến sĩ CSGT đã phải vất vả trực chiến thế nào.


Từ những ngày giáp Tết, các lực lượng như CSGT, Cảnh sát cơ động (CSCĐ), Công an TP Hà Nội… đã được phân công nhiệm vụ, liên tục tuần tra 24/24h để chủ động xử lý nhanh các tình huống khẩn cấp. Và cũng nhờ đó, những câu chuyện đẹp gắn liền với hình ảnh người chiến sĩ CSGT đã được nhiều người chia sẻ trong những ngày nghỉ Tết.

Những chiến công ngày cận Tết

Trưa 13-2 (tức 29 Tết), tổ tuần tra kiểm soát thuộc Đội CSGT số 7 - Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội đang làm nhiệm vụ khu vực đường vành đai 3 trên cao thì phát hiện một xe khách chạy tuyến Thái Bình - Hà Nội có dấu hiệu nghi vấn.

Cụ Đỗ Văn Tý chụp ảnh cùng các chiến sĩ CSGT.

Tổ công tác gồm các đồng chí: Đại uý Lê Trần Hoàng, Thượng uý Đỗ Mạnh Cường và Trung uý Dương Quyết Tâm do Đại uý Hoàng làm tổ trưởng và trực tiếp do Trung tá Nguyễn Đức Thắng, Đội phó phụ trách Đội CSGT số 7 đã ra hiệu lệnh dừng kiểm tra xe khách chạy hợp đồng loại 43 chỗ ngồi BKS 17B-002.33 của Công ty TNHH Vận tải và Thương mại Văn Thưởng tỉnh Thái Bình, do tài xế Lê Hữu Tuấn (SN 1984, ở xã Thuỵ Lương, huyện Thái Thuỵ, tỉnh Thái Bình) điều khiển.

Dưới gầm xe, tổ công tác phát hiện 7 thùng xốp chứa nội tạng động vật. Khi bóc gỡ kiểm tra thì phát hiện số nội tạng này đã bốc mùi hôi thối nặng. Trọng lượng lô hàng rơi vào hơn 300kg. Đại úy Lê Trần Hoàng cho biết: "Tại chốt kiểm tra, tài xế Tuần cho biết, số hàng là của một hành khách vẫy xe dọc đường gửi từ Thái Bình lên giao cho một người ở quận Bắc Từ Liêm nhưng liên lạc qua điện thoại thì người này tắt máy. Rất may, số hàng này không được đưa đi tiêu thụ thành công, nếu nó được bán cho người dân ăn trong dịp Tết thì sẽ rất nguy hiểm".

Đội CSGT số 7 đã tiến hành bàn giao số hàng nói trên cho Cảnh sát môi trường và Đội quản lý thị trường số 12 quận Thanh Xuân (Hà Nội) để tiến hành xử lý theo quy định.

Trong những ngày cận Tết, hình ảnh người CSGT lại được tô điểm thêm bởi những hình ảnh đẹp khi làm nhiệm vụ. Ngay từ sáng sớm 15-2 (tức 30 Tết), đội CSGT đường sắt - Công an TP Hà Nội đã bố trí nhiều cán bộ chiến sĩ trực tại các điểm giao cắt đường sắt với đường bộ mà không có rào chắn cảnh báo để đảm bảo ATGT cho người dân vui đón Tết.

Đại úy Đặng Hồng Giang - Đội trưởng Đội CSGT đường sắt cho biết, toàn thành phố hiện có 580 đường ngang giao với đường sắt, trong đó 184 hợp pháp có phòng vệ bằng người gác, hệ thống chuông báo tự động và biển báo. Ngoài ra, điểm giao đường bô,å đường sắt dân sinh tự phát có 396 điểm tiềm ẩn nhiều nguy hiểm về tai nạn giao thông.

Chứng kiến sự có mặt của lực lượng CSGT tại các đường ngang nguy hiểm, nhiều người dân đã tỏ ra vô cùng tin tưởng. Bác Nguyễn Anh Thêm (SN 1962, ở Văn Giang, Hưng Yên) cho biết: "Tôi làm nghề hàng xén thường xuyên đi lại giao hàng tại Thường Tín hay phải qua lại đường sắt, có những thời điểm cảm thấy nguy hiểm khi bẵng đi mải suy nghĩ thấy tàu hỏa đi qua tại những khu đường ngang không có rào chắn cảnh báo mà mình phải đi qua. Cho nên khi có CSGT trực tại những khu vực trên, người dân chúng tôi cũng yên tâm hơn khi đi qua đây".

Đến tối cùng ngày, câu chuyện về Đội CSGT số 14 đưa người nghèo về quê ăn Tết lại một lần nữa được lan truyền rộng rãi trên cộng đồng mạng. Theo đó, tổ công tác của Đội CSGT số 14 gồm Trung úy Nguyễn Văn Chung, Trung uý Nguyễn Văn Kết và Đại úy Trần Quốc Hưng khi đang làm nhiệm vụ đã nhìn thấy hai người phụ nữ đang tỏ ra mệt mỏi đứng ngóng xe để về quê.

Mẹ con chị Loan được giúp đỡ về quê.

Nhận thấy đã là tối muộn 30 Tết, sẽ rất khó để bắt được xe nên các anh đã đến chủ động hỏi thăm. Qua đó mới biết được đó là hai mẹ con bà Bùi Thị Loan (SN 1968) và Bùi Thị Châu (SN 1992), ở thôn Chùa (Phú Thành, huyện Lạc Thuỷ, tỉnh Hoà Bình) đi làm giúp việc ở Hà Nội nhưng đợi mãi mà chủ nhà không trả tiền công cho.

Hai mẹ con còn ít tiền lẻ trong người nên đang lo lắng chưa biết về quê bằng cách nào, chỉ đứng cố để tìm xem có xe nào cho về nhờ không. Thấy chỉ còn 2 giờ nữa là đến giao thừa mà không tìm được xe, hai mẹ con đã chực ôm nhau khóc. Thấy tình hình như vậy, tổ công tác đã xin ý kiến chỉ huy để dùng xe chuyên dụng đưa hai mẹ con chị Loan về quê và được sự đồng ý. Ngay sau đó, các chiến sĩ cũng đã quyên góp một số tiền nhỏ để gửi cho hai mẹ con, giúp họ vượt qua được cơn khó khăn bĩ cực.

Mỗi ngày một việc tốt

Và rồi khi mọi người đang quây quần bên gia đình tận hưởng một không khí Tết cổ truyền đầy an vui, thì ở ngoài đường, những chiến sĩ vẫn đang phải túc trực làm nhiệm vụ để bảo đảm một cái Tết thật sự an toàn cho nhân dân. Nhưng ngoài nhiệm vụ của mình, trong những ngày Tết ấy, các anh đã làm được nhiều việc tốt khiến nhiều người cảm phục.

Ngay trong ngày 16-2 (tức mùng 1 Tết), tổ công tác Y15/141 trong quá trình làm nhiệm vụ đã đưa một người dân bị tai nạn đi cấp cứu kịp thời. Theo Đại úy Nguyễn Thanh Tùng - Tổ trưởng tổ công tác cho biết: "Lúc đó là khoảng 2 giờ sáng, khi đang làm nhiệm vụ tại ngã tư Trần Hưng Đạo - Lê Thánh Tông, Trung úy Kim Văn Anh - Đội CSGT tuần tra dẫn đoàn trên đường đi làm nhiệm vụ đã phát hiện tai nạn giao thông tại ngã tư Ngô Quyền - Trần Hưng Đạo. Đây là một vụ tai nạn xảy ra giữa xe máy và ôtô, nạn nhân bị gãy xương đùi đã nằm dưới đường chờ được giúp đỡ. Sau khi xin phép chỉ huy ra chốt muộn, Trung úy Kim Văn Anh đã trực tiếp đưa nạn nhân đi cấp cứu ngay sau đó tại bệnh viện gần nhất".

Nhận được tin báo, tổ công tác cũng đã cử thêm một số cán bộ, chiến sĩ tới cùng hỗ trợ, giúp đỡ người dân nhanh chóng qua cơn nguy kịch. Sau khi đưa người bị nạn vào bệnh viện an toàn, các chiến sĩ lại trở lại vị trí làm việc như bình thường. Ngay sau đêm giao thừa, được sự phân công của CATP Hà Nội, tổ công tác Y5/141 được giao nhiệm vụ trực chốt đến 5h sáng cùng ngày.

Tối cùng ngày, Đội CSGT số 1, Công an TP Hà Nội cũng đã giúp đỡ một cháu bé bị lạc về với gia đình. Theo đó, vào khoảng 18 giờ, khi đang làm nhiệm vụ tại khu vực Hồ Gươm, tổ công tác đã phát hiện một cháu bé 5 tuổi đang đứng khóc, Thượng úy Nguyễn Hữu Lương đã chủ động lại gần hỏi thăm. Khi thấy chú Công an hỏi han, cháu bé càng khóc to hơn và nói lạc mẹ đã lâu và dường như sắp đói lả người đi.

Sau khi đưa về chốt cho cháu nghỉ ngơi, ăn uống để trấn tĩnh lại để nắm thông tin cơ bản, Thượng úy Lương đã nhờ hệ thống loa truyền thanh thông báo trường hợp bị lạc của cháu. Chờ lâu không có hồi âm, bằng kinh nghiệm từng tham gia tổ công tác 141, Thượng úy Lương đã nhờ bạn đăng tải nội dung thông tin lên các mạng xã hội có uy tín.

CSGT làm nhiệm vụ giữ an toàn cho người dân đi qua đường sắt.

Chỉ một thời gian ngắn sau đó, Thượng úy Lương đã nhận được cuộc gọi của mẹ cháu bé là chị Khổng Thu Hoài (SN 1975, ở Vĩnh Phúc, Ba Đình). Đón con tại chốt giao thông, chị Hoài cho biết, khi đưa con đi chơi Tết, do cháu Phạm Hải An (SN 2013) nghịch ngợm ngắm bóng bay trong lúc chị sơ ý nên 2 mẹ con bị lạc.

Trong lúc hốt hoảng, cả gia đình chị đã tỏa đi tìm cháu khắp nơi thì nhận được thông tin của hàng xóm nói cháu An đang được CSGT giúp đỡ. Không biết nói gì hơn, chị Hoài vô cùng xúc động gửi lời chúc mừng năm mới an khang, thịnh vượng tới những chiến sĩ Công an ngày đêm vì nhân dân phục vụ.

Tiếp đó, đến tối 18-2 (tức mùng 3 Tết), tổ công tác Y7/141 CATP Hà Nội khi đang làm nhiệm vụ tại ngã tư Yên Phụ - Cửa Bắc phát hiện một cụ ông có biểu hiện lo lắng, hoang mang đi bộ trên đường. Các cán bộ chiến sĩ trong tổ công tác đã tiếp cận và nói chuyện giúp cụ ông bình tĩnh, đồng thời hỏi han tình hình sức khỏe của ông cụ. Danh tính cụ ông sau đó được xác định là Đỗ Văn Tý (SN 1943, trú thôn Dục Tú, Đông Anh, Hà Nội).

Cụ Tý cho biết mình đi lạc khỏi gia đình từ khoảng đầu giờ chiều cùng ngày và đang lo sợ không biết tìm về nhà bằng cách nào thì gặp được các chiến sĩ của tổ công tác 141. Sau khi giúp cụ liên hệ trở về nhà với gia đình, con trai cụ Tý là anh Đỗ Văn Bình (SN 1973) đã viết thư cảm ơn các chiến sĩ tổ công tác Y7/141. Anh Bình cho biết, khi bố anh đi lạc, cả nhà đã rất lo lắng và chủ động đi tìm nhưng đến gần nửa đêm vẫn không thấy cụ ở đâu. May mắn là cụ gặp được tổ Y7/141 và đã trở về nhà an toàn.

Những câu chuyện rất vui kể trên có ý nghĩa rất lớn đối với không chỉ những người trong cuộc, mà còn gây hiệu ứng tốt trong dư luận. Điều đó thể hiện sự tận tâm, tận tụy với nhiệm vụ được giao của những người chiến sĩ trong màu áo lực lượng Công an nhân dân. Họ đã phải hy sinh hạnh phúc, hy sinh những phút giây bên gia đình của mình để giúp người dân có một cái Tết thật bình yên.

Nhóm PV
.
.
.